Những cành cây khô vươn mình chống bão

17/10/2020 - 06:53

PNO - Dẫu vẻ ngoài dễ khiến đối phương mặc định là cô gái mỏng manh, yếu đuối nhưng thẳm sâu, Mia là người mạnh mẽ, đầy nghị lực. Vậy mà trong đợt dịch COVID-19, không dưới một lần, cô khóc nấc vì không thể cứu chữa cho bệnh nhân, cũng không thể giải thoát cho chính mình.

Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái của tác giả Iris Lê (1994), hiện đang làm việc tại Bệnh viện Royal Adelaide, Úc như “một quả bom” cảm xúc ném thẳng vào người đọc. Ở đó, thông qua lời tự sự của nhân vật Mia, cô phơi bày những mặt tối mà đội ngũ y, bác sĩ đã phải trải qua trong đợt dịch COVID-19. Đây là một góc nhìn khá thú vị từ người trong cuộc, ít được đề cập trong loạt sách viết về đại dịch đã ra mắt thời gian qua. 

Nhân vật Mia được xây dựng có nhiều điểm tương đồng với tác giả Iris Lê về ngoại hình. Ngoài đời, Iris Lê từng đoạt giải cuộc thi Hoa hậu Áo dài của Adelaide, Nam Úc thì trong sách, Mia cũng là hoa khôi của bệnh viện. Nữ y tá Mia không chỉ thay mặt Iris Lê kể về những điều tác giả đã gặp trong suốt sáu năm làm việc tại bệnh viện, đặc biệt khi dịch COVID-19 xuất hiện, mà còn đại diện cho nhiều y, bác sĩ khác đang ngày đêm ở tuyến đầu chống dịch. 

Theo chân Mia, người đọc cảm nhận rõ không khí đặc quánh những nỗi buồn mà nữ y tá này cùng nhiều đồng nghiệp phải chịu đựng. Trong mắt hầu hết người dân Úc, họ cho rằng bệnh viện là nơi phát tán vi-rút nên hễ ai mặc đồng phục bệnh viện đều chính là những mầm bệnh cần bị diệt trừ nhanh chóng. Khi Mia đi tàu điện, một người đàn ông đến lớn tiếng mắng chửi. Đồng nghiệp Faith của Mia cũng không khá hơn khi liên tục bị từ chối. Cửa hàng thức ăn nhanh quyết không bán cho những người mặc đồng phục từ bệnh viện nhưng chuyện đó có là gì so với trường hợp một nữ hộ lý đang mang thai bị hành hung chỉ vì màu áo đang mặc. Faith nói, rồi sẽ có một ngày, những người từng từ chối cô không may nhập viện chữa trị và khi đó, cô phải chạy đua với thời gian để cứu sống những người từng chì chiết, hạ nhục mình. Công bằng ở đâu chứ? 

Trong một vài trang sách, người đọc thấy được niềm hy vọng lớn lao của Mia rằng, khi dịch bệnh qua đi, cô sẽ được về nhà đoàn tụ với mẹ và con gái. Nhưng ở một vài trang khác, một màu xám xịt phủ bóng không thấy đâu là ngày mai, không thấy đâu là lối thoát dành cho Mia và những đồng nghiệp đã cùng cô trải qua ba tháng ròng rã, sống một cuộc đời hoàn toàn khác tại bệnh viện, mà có lẽ, thời gian đầy áp lực đó vẫn chưa dừng lại.

Mia kể nhiều đồng nghiệp của cô rơi vào trầm cảm, những con người thường ngày vui tươi giờ đã trở nên lầm lì, làm việc trong vô hồn vì kiệt sức. Cô cũng không khá hơn khi mặt mũi đầy những vết hằn từ chiếc khẩu trang, bàn tay bỏng rát vì sử dụng quá nhiều cồn sát khuẩn. Quanh Mia, thứ độc dược mang tên stress đã len lỏi vào mọi người, lấy đi sự lạc quan và niềm vui sống. Họ bây giờ làm việc đơn thuần vì trách nhiệm. Vậy mà đâu đó ngoài xã hội, người ta vẫn khinh miệt và căm ghét đến cùng cực những ai khoác trên mình màu áo ấy.

Đớn đau về thể xác có thể gắng gượng nhưng vỡ vụn trong tâm hồn mới là điều rút hết sức lực của đội ngũ y, bác sĩ. Họ chứng kiến những cái chết đột ngột trong bất lực. Họ không dám tin vào sức mạnh hủy diệt ghê gớm từ con vi-rút bé nhỏ mà không chỉ người già mới trở thành nạn nhân. Vẫn còn đó những cái chết trẻ đầy ám ảnh. Điều bi kịch nhất là khi cơ thể rệu rã bởi những nỗi đau bên ngoài lẫn bên trong chất chồng, người ta vẫn phải làm việc, vẫn phải trải qua những cơn tra tấn tinh thần khủng khiếp. 

“Sau cơn bão COVID-19 y, bác sĩ như những cành cây khô vươn mình chống bão. Họ trở nên xơ xác, tơi tả, khi phải đối mặt với hàng trăm nỗi buồn lớn nhỏ không tên”, Iris Lê viết.

 Diễm Mi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI