Những căn nhà bạc tỷ... chờ sập!

06/05/2019 - 07:06

PNO - Trước khi ngầm hóa đường dây điện, người dân đã đề nghị chủ đầu tư kiểm tra, chụp ảnh, lập biên bản hiện trạng từng ngôi nhà, nhưng chủ đầu tư không thực hiện.

Hai dãy nhà bên con đường rộng 24m của một khu đô thị hiện đại, có giá vài tỷ đồng/căn nhưng từ năm 2018 đến nay, 80 hộ dân hằng ngày sống trong nơm nớp lo sợ, bởi tường cứ bị nứt như có ai bẻ gãy; bể nước dưới nền nhà cũng thụt hẳn xuống, lộ rõ những viên gạch men, gạch đỏ, mạch vữa bị xé toang.

Nhà hơn 6 tỷ đồng, vẫn nứt toang hoác 

Nhà số 1 - TT 35 trong khu đô thị Văn Phú (P.Phú La, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) có hai mặt tiền, nhìn phía nào cũng thấy những vết nứt chạy ngang, chạy dọc dài ngoằng. Bà Đỗ Thị Quyên dẫn khách đi xuống mãi phía dưới, mới vào được nhà. Bà ái ngại: “May mà còn có cửa phụ để đi, chứ hai cửa chính bị kẹt luôn, không đóng mở được nữa”. Hơn một năm nay, gia đình bà phải đi vòng từ cửa phụ mới đến được… cửa chính. Phía cửa chính bị nứt toác trên góc, bức tường bị chia thành hai mảnh, vênh nhau đến cả chục phân. Vẫn bức tường ấy, bên dưới lại nứt thêm một đường song song, phía gắn với cửa cuốn cũng bị tách rời.

Nhung can nha bac ty... cho sap!
Bể nước nhà ông Hùng như bị gã khổng lồ bứt khỏi nền nhà
 

Giữa nhà, ông Vũ Văn Hùng - chồng bà Quyên - kéo bộ bàn ghế sang hai bên, lật cái thảm; ông khom người, nhấc mạnh tấm gạch men lớn giữa nhà, ngó bốn góc của miệng bể nước rồi bần thần: “Tôi chỉ sợ nhà nứt, bể nước nứt, bể phốt (bể chứa nước thải) chưa biết có nứt không, chứ nó mà nứt thì nước bể phốt lẫn nước bể ăn, chỉ có cuốn gói mà ra khỏi nhà”. Chẳng cần soi đèn, ông Hùng chỉ cho tôi cái miệng bể nước nứt tứ phía, gạch men, gạch đỏ, cả mạch vữa đều bị xé toang như thể có gã khổng lồ nào đang giằng cái bể khỏi nền nhà. Những bức tường nhà vệ sinh ở tầng 1 nứt ngang, nứt dọc, nứt chéo các phía, những vết nứt lớn đến mức người lớn có thể đưa cả hai cánh tay thò sang phía bên kia. Ô cửa sổ cũng vẹo theo các vết nứt. Nền thụt xuống, dốc hẳn ra phía đường. 

Bên nhà số 7 cùng khu, vỉa hè tách hẳn mặt sàn nhà ông Trịnh Văn Long. Ông phẩy tay: “Hở 2cm có là gì, tôi mà không lấy xi măng vá lại thì nó còn toang hoác bằng cả gang tay”. Tường nhà ông Long có vài vết nứt dọc, nhưng nền nhà thì chỗ lồi, chỗ lõm, thấp tụt hẳn xuống so với nền nhà vệ sinh, vài viên gạch men không có “điểm tựa” phía dưới, vỡ tan. Tôi thắc mắc sao gian ngoài nhà ông không lún sụt mà bên trong lại lún, khấp khểnh, ông Long bảo: “Gian ngoài là tôi để ô tô, nên cốt thép lớn hơn, sắt phi 12 cơ mà, gian trong sắt phi 6 nên khi nền mất hết cát thì bên trong yếu hơn, sụt nhiều hơn. Ngay như cái vỉa hè, nó còn “tách” khỏi nền nhà tôi hàng gang tay cơ mà”. 

Đó chỉ là hai trong tổng số 80 căn bị sụt lún, nứt gãy của khu đô thị Văn Phú.

Nứt nhà sau khi hạ ngầm đường dây điện

Theo ông Hùng, năm 2018, khi người ta đào con đường trước nhà sâu đến 3m, rộng 3m để hạ ngầm đường dây điện 110kV thì nhà bắt đầu nứt. Nhất là khi cột cừ sâu 6m được rút lên, nhà lại càng nứt tợn. “Nền nhà của các hộ là cát. Cát ướt thì không trôi nhưng khô rồi thì sẽ trôi. Cát dưới nền nhà tôi trôi theo các cột cừ khi người ta rút lên, mà họ rút thẳng lên chứ không bù lại cát hay nước xả vào. Khi họ dùng đầm lu to, công suất lớn để đầm, chúng tôi ngồi trong nhà mà thấy rung lắc như động đất. Họ đầm vậy, cát khô lại dồn, rung, chảy xuống các chỗ trũng”. 

Bà Quyên bảo, ngôi nhà này ông bà mua thô đã mất 5 tỷ đồng, thêm hơn 1 tỷ đồng hoàn thiện nữa mới dọn đến ở (từ năm 2016). Đang yên lành, đùng một cái, nhà nứt. Bà vẫn nhớ hôm người ta dùng máy đầm lu, các cánh cửa kính nhà bà rung lắc rào rào, bà chạy ra bảo dừng lại, nhưng họ nói “chúng tôi chỉ là cánh thợ đi làm thuê” rồi tiếp tục làm. Theo bà Quyên, lúc đầu, các vết nứt còn nhỏ, nhưng suốt mấy tháng họ thi công đường hạ cáp ngầm, nhà bà cứ thế “toác” dần. Tường trong lẫn tường ngoài đều nứt. Có hôm, cô con gái 5 tuổi đang ở trong nhà vệ sinh thì ré lên chạy ra ngoài vì gián ở đâu kéo đến lúc nhúc. Hôm khác, cô con gái học lớp Ba mặt cắt không còn giọt máu chạy ra bảo trong nhà vệ sinh đầy chuột. Thế là từ hôm đó, không ai dám vào nhà vệ sinh ở tầng một. “Hôm nào quên không đóng cửa, chuột còn kéo vào chạy khắp nhà, cắn nát đường dây điện. Những chỗ tường nứt rộng còn phải lấy băng dính chằng đụp lại để côn trùng không bay vào nhà. Suốt một thời gian dài, gia đình tôi không dám sử dụng tầng một” - bà Quyên rùng mình.

Nhung can nha bac ty... cho sap!
Những vết nứt toang hoác giăng tứ tung khắp nhà số 1 - TT 35, khu đô thị Văn Phú

Đổ lỗi cho nền đất yếu

Nhà ông Phạm Đình Bưởi ở TT 30, bể nước cũng bị nứt, sụt lún cả gang tay, toàn bộ khu bếp bị sụt. Nhìn từ ngoài, nhà ông Bưởi còn bị nghiêng. Ông chán nản: “Nhà bị nứt từ khoảng tháng 3/2018, các hộ dân đã làm đơn kiến nghị chính quyền địa phương và đơn vị thi công để có hướng giải quyết, nhưng đến nay chưa thấy gì”. 

Ông Trịnh Văn Long cho biết, trước khi ngầm hóa đường dây điện, người dân đã đề nghị chủ đầu tư kiểm tra, chụp ảnh, lập biên bản hiện trạng từng ngôi nhà, nhưng chủ đầu tư không thực hiện. Đến khi xảy ra sự cố lún nứt, người dân yêu cầu bồi thường thì đơn vị thi công mới thống kê, lập biên bản các hộ bị thiệt hại. Khi bà con khẳng định nhà mình sụt lún do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Việt hạ ngầm đường điện thì phía Công ty Trung Việt cho rằng: “Có thể do điều kiện địa chất, thiết kế, chất lượng thi công nhà, thi công đường, hạ ngầm tuyến điện, việc sử dụng nhà của người dân. Đặc biệt, nhiều gia đình thay đổi kết cấu, cơi nới, cải tạo, xây dựng sai phép…”. Ông Long nói: “Gia đình chúng tôi cũng như nhiều hộ dân khác vẫn sinh sống ổn định từ năm 2013, không có hiện tượng lún nứt cho đến khi công ty hạ ngầm tuyến điện vào năm 2018. Do đó, công ty không thể chối trách nhiệm được”.

Ông Long còn lo, khi ông ký hợp đồng mua nhà, hoàn toàn không có hành lang điện lưới. Bây giờ, đường điện ngầm 110kV nằm ngay trước cửa, không chừng ngày mai gia đình ông lại thuộc… hành lang lưới điện quốc gia cũng nên. “Nếu thế, chúng tôi có thể bị đuổi khỏi nhà bất cứ lúc nào à?” - ông Long hoài nghi. Bà Quyên thì thở dài: “Cứ thế này, có khi vợ chồng, con cái phải bỏ cái nhà hơn 6 tỷ đồng để đi thuê chỗ khác mà ở, chứ không biết nó sập lúc nào”. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI