Những cán bộ tổ dân phố kiên cường đi qua “tháng ngày sinh tử”

15/04/2022 - 07:05

PNO - Hôm nay (15/4), UBND Q.Gò Vấp sẽ tổ chức các hoạt động tri ân các tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Gò Vấp là quận bùng phát những ổ dịch COVID-19 đầu tiên ở TPHCM vào tháng 5/2021, khởi đầu đợt bùng dịch thứ tư đầy khốc liệt. Kể từ đó, hàng trăm cán bộ tổ dân phố của Q.Gò Vấp đã xông pha ra tuyến đầu chống dịch.


Chuyện về “những ngày sinh tử”

“A lô, cô tổ phó ơi, vợ chồng tôi F0 hết rồi” - giọng người đàn ông 80 tuổi run run qua điện thoại. Nhận tin, bà Cao Thị Nhàn - Tổ phó tổ dân phố 9, khu phố 2, P.7, Q.Gò Vấp - vội vàng mang thuốc men và nhu yếu phẩm đến hỗ trợ.

Bà Cao Thị Nhàn bật khóc khi nhắc những ngày cùng bà Nguyễn Thị Vân trực chốt, chống dịch
Bà Cao Thị Nhàn bật khóc khi nhắc những ngày cùng bà Nguyễn Thị Vân trực chốt, chống dịch

Bây giờ, khi mọi người đã dần quen với cuộc sống có dịch COVID-19, bà Nhàn vẫn “phản ứng nhanh” khi người dân cần. Biết nhà cụ ông 80 tuổi chỉ có vợ chồng già, bà tổ phó nhanh chóng đến cung cấp thuốc men, thực phẩm và ngày nào cũng gọi điện thoại động viên, hỏi han về sức khỏe.

Từng làm quản lý trong ngành giáo dục, khi về hưu, bà Nhàn được người dân địa phương bầu làm tổ phó tổ dân phố và gắn bó với công việc này suốt bảy năm qua. Năm nay, đã bước qua tuổi 64 nhưng bà vẫn say mê với các hoạt động, phong trào. Bà Nhàn thuộc lòng hoàn cảnh từng gia đình trong tổ dân phố. Gia đình nào có người mắc COVID-19, hễ gọi điện báo cho tổ dân phố là được giúp đỡ ngay. 

Nhắc đến đợt dịch COVID-19 thứ tư diễn ra cách đây một năm, bà Nhàn gọi đó là những tháng ngày sinh tử. Tháng 5/2021, khi xuất hiện chùm ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, Gò Vấp là quận đầu tiên ở TPHCMáp dụng biện pháp giãn cách xã hội. Nhiều con hẻm ở tổ dân phố 9 khi đó bị phong tỏa để phòng, chống dịch.

Chỉ tay về phía con hẻm trên đường Nguyễn Thái Sơn đang nườm nượp xe cộ, bà Nhàn kể, cách đây một năm, con hẻm này “vắng như chùa Bà Đanh” vì là “vùng đỏ” với nhiều ca mắc COVID-19. Bấy giờ, bà Nhàn cùng người bạn thân là Nguyễn Thị Vân - Tổ trưởng tổ dân phố 12, khu phố 2 - thường xuyên bám trụ ở chốt trực.

“Cuối tháng 7/2021, tôi không may bị nhiễm COVID-19 nên ở nhà điều trị. Dù ở nhà, tôi vẫn thông qua Zalo kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm và thuốc men cho bà con trong phường” - bà Nhàn nhớ lại.

Sau khi khỏi bệnh, bà Nhàn tiếp tục xung phong ra tuyến đầu chống dịch. Với vai trò là thành viên tổ COVID-19 cộng đồng ở khu phố 2, bà Nhàn đã huy động được hàng ngàn ký gạo, hàng trăm phần quà để hỗ trợ bà con khó khăn trong đợt dịch.

“Tháng 9/2021, Vân không may bị nhiễm COVID-19 và qua đời chỉ sau mấy ngày. Tôi nhớ chiều hôm đó, hai người vẫn nói chuyện qua Zalo nhưng ngày hôm sau, Vân trở nặng, được đưa vào bệnh viện và qua đời. Vân mất là một cú sốc rất lớn với tôi. Dù sắp đi nước ngoài định cư với gia đình nhưng khi dịch COVID-19 bùng phát, Vân vẫn tình nguyện ra tuyến đầu rồi không qua khỏi” - bà Nhàn ngậm ngùi.

Mấy hôm nay, bà Lê Thị Từ Dung - 65 tuổi, Tổ trưởng tổ dân phố 44, khu phố 6, P.9, Q.Gò Vấp - vẫn bận rộn với công việc ở tổ dân phố. Gần 11g trưa, nghe điện thoại của Trưởng khu phố 6, bà Dung lại tất tả chạy đến trụ sở ban điều hành khu phố. Bà nói, điều may mắn nhất của bà là có một người chồng luôn đồng hành, sẵn sàng ở nhà lo cơm nước để vợ đi lo “chuyện bao đồng”.

Khi dịch COVID-19 bùng phát ở Q.Gò Vấp, bà Dung hăng hái đăng ký tham gia trực chốt, chăm lo an sinh xã hội cho những hộ khó khăn. Bà kể, từ tháng 6/2021, dịch bệnh ở khu phố 6 bắt đầu “căng”, mọi người rất lo lắng. Khi mới ra trực chốt kiểm soát dịch, chẳng may tiếp xúc với một trường hợp nghi mắc COVID-19, bà phải lẳng lặng mang cơm nước ra trụ sở khu phố ngồi một mình. Đến tối, trường hợp nghi nhiễm có kết quả xét nghiệm PCR âm tính, bà mới dám về nhà.

Những ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, người dân ở hẻm 458 Nguyễn Văn Khối thấy bà Dung ghé qua là mừng “như bắt được vàng”. Con hẻm này là nơi nhiều người lao động tự do thuê trọ. Biết họ gặp khó khăn về tiền nong, bà Dung đã đứng ra vận động và hỗ trợ họ gạo, mì gói, rau củ. Hết đợt dịch COVID-19, riêng bà Dung đã vận động được trên 1.000 phần quà, 2 tấn rau củ để hỗ trợ người dân.

Chị Nguyễn Thị Màu - bán hủ tíu, quê tỉnh Quảng Ngãi - nhớ lại: “Đợt đó bị nhiễm COVID-19, em sợ lắm, nghĩ mình sắp chết. Thấy cô tổ trưởng xách đồ ăn và thuốc điều trị F0 tới, em vô cùng xúc động. Nếu không có cô Dung lui tới hỗ trợ, chắc vợ chồng em khó mà vượt qua quãng thời gian ngặt nghèo đó”.

Khoảng tháng 7/2021, sau khi mắc và điều trị khỏi COVID-19, bà Dung tham gia tổ chăm sóc F0 điều trị tại nhà. Ban ngày, bà mang thuốc và thực phẩm đến cho người dân; buổi tối, bà tham gia phân phát túi an sinh xã hội, trực chốt bảo vệ “vùng xanh”.

Bà kể, những ngày đó, bà không ít lần bị chửi khi đến dán bảng đỏ trước nhà những người mắc COVID-19. Thêm nữa, việc thường xuyên đi sớm, về khuya trong bộ đồ bảo hộ khiến nhiều lúc bà cảm thấy kiệt sức. Bù lại, bà cũng nhận được nhiều tình cảm của người dân trong tổ, trong khu phố. Tết vừa rồi, họ đã ghé nhà tặng bà bưởi, chuối, kẹo để cảm ơn. 

Ông cán bộ tổ dân phố đi chợ hộ 

Khi nghe tiếng xe máy chạy vào con hẻm nhỏ, không cần nhìn, người dân vẫn biết đó là “ông Hoàng tổ phó” bởi trong mấy tháng giãn cách xã hội, chiếc xe máy ấy hằng ngày len lỏi vào các con hẻm thuộc khu phố 1, P.15, Q.Gò Vấp.

Ông Ngô Thanh Tùng giao đơn hàng đi chợ hộ cho người dân trong đêm trong đợt dịch khốc liệt vào giữa năm 2021
Ông Ngô Thanh Tùng giao đơn hàng đi chợ hộ cho người dân trong đêm trong đợt dịch khốc liệt vào giữa năm 2021

“Ông Hoàng tổ phó” mà người dân nhắc đến là anh Lưu Minh Hoàng - Tổ phó tổ dân phố 7, khu phố 1, là chủ một doanh nghiệp. Cuối năm 2019, thấy anh năng nổ, nhiệt tình, bà con ở tổ dân phố 7 đề cử anh làm tổ phó. Tổ dân phố 7 có 1.050 hộ dân, đông gấp nhiều lần so với các tổ dân phố khác trong phường. 

“Khi bùng phát dịch, chúng tôi lập ngay một tổ phản ứng nhanh. Tổ chúng tôi chia nhau tới các chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền để đặt mua sỉ thực phẩm về phân phát cho bà con. Về đến nơi, anh em chia nhỏ đồ ra rồi chạy xe máy đi phát. Do lúc giãn cách xã hội nghiêm ngặt, ít người ra đường, mình hay chạy xe máy lui tới các khu trọ phát quà nên bà con nhớ cả tiếng xe” - anh Hoàng kể.

Ông Nguyễn Văn Khôi - Trưởng ban điều hành khu phố 1 - kể: “Khu phố đông hộ dân, tổ phản ứng nhanh chỉ có 7 - 9 người nên anh em phải làm việc gần như hết sức. Anh Hoàng khi đó vừa là mạnh thường quân, vừa là người đi chợ hộ, vừa tham gia tổ COVID-19 cộng đồng. Tổ phản ứng nhanh làm tốt công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ an sinh cho người dân nên khu phố chúng tôi có ít ca nhiễm và ít ca tử vong nhất trong phường”.

Anh Hoàng nhớ lại, việc đi chợ giúp cho cả ngàn hộ trong tổ dân phố không hề đơn giản. Nhiều người chưa quen đặt hàng qua mạng nên bấm chọn hai, ba lần cho một món hàng, may nhờ có bà con khu phố mua giùm nên anh Hoàng không phải “ôm sô”. Bà Nguyễn Thị Em - tạm trú ở khu phố 1 - nhận xét: “Chú Hoàng tổ phó tốt bụng lắm, đi chợ giúp bà con nhưng hễ thấy bà con khó khăn quá, chú móc tiền túi trả luôn. Mấy tháng dịch, hầu như nhà trọ nào ở khu tôi sống cũng được chú ấy giúp đỡ”.

Còn ở tổ 78, khu phố 10, P.17, Q.Gò Vấp, hình ảnh ông tổ trưởng Ngô Thanh Tùng chở chiếc rổ giao hàng sau xe máy đã in trong tâm trí người dân trong mùa dịch. Khu phố 10 có tám tổ dân phố. Khi thực hiện Chỉ thị 16, khu phố cử ba cán bộ đi chợ giúp bà con nhưng hai người kia có việc riêng nên một mình anh Tùng “ôm” công việc này. 

“Nhà tôi có mẹ già và con nhỏ. Thời điểm đó, tôi cũng lo mình nhiễm COVID-19 rồi lây cho gia đình. Cũng vì chuyện này mà vợ chồng tôi to tiếng với nhau. Nhưng tôi nghĩ, mình còn trẻ hơn các cô chú tổ trưởng khác trong khu phố, mình rút lui thì bà con biết nhờ ai” - anh Tùng bộc bạch.

Nhờ có kinh nghiệm nhiều năm là nhà phân phối cho doanh nghiệp, anh Tùng đã áp dụng công nghệ thông tin vào việc đăng ký mua hàng, lập danh sách tiêm vắc-xin (dùng các biểu mẫu trên Google, Zalo). Trong đợt dịch vừa qua, ở tổ dân phố 78, người dân nhận được sự hỗ trợ an sinh khá đầy đủ, không có trường hợp khiếu nại nào. 

Làm thủ tục công nhận liệt sĩ cho tám cán bộ cơ sở 

Khi bùng phát đợt dịch COVID-19 thứ tư, hàng trăm cán bộ khu phố, tổ dân phố ở Q.Gò Vấp đã tham gia tuyến đầu chống dịch và đã có nhiều cán bộ cơ sở nhiễm bệnh, qua đời. Theo UBND Q.Gò Vấp, quận này đã có bốn cán bộ khu phố, tổ dân phố được Thủ tướng Chính phủ truy tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch, bốn trường hợp khác đang chờ được xét truy tặng. Hiện các đơn vị liên quan đã làm thủ tục để cấp thẩm quyền xem xét, công nhận liệt sĩ cho tám cán bộ này.

Tri ân cán bộ tổ dân phố tham gia chống dịch 

Năm ngoái, khi đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát, cả hệ thống chính trị của TPHCM nói chung và Q.Gò Vấp nói riêng đã tham gia chống dịch.

Trong công tác này, các cô chú ở tổ dân phố đã đóng góp một phần công sức rất lớn. Đa số cán bộ ở tổ dân phố đều lớn tuổi nhưng họ đã không ngại khó khăn, nguy hiểm, tham gia nhiệt tình vào công tác chống dịch ở địa phương. Trong lúc tham gia chống dịch, nhiều cô chú đã bị nhiễm COVID-19 và không may qua đời. Công lao của các cô chú cán bộ ở cơ sở trong phòng, chống dịch COVID-19 là rất lớn và rất đáng trân trọng.

Sự hy sinh, cống hiến của các cán bộ tổ dân phố đều được người dân ghi nhận. Tuy nhiên, UBND Q.Gò Vấp muốn tổ chức một hội nghị để ghi nhận, tri ân một cách trân trọng những đóng góp của các cô chú trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Do vậy, dự kiến giữa tháng 4/2022, UBND Q.Gò Vấp sẽ tổ chức hội nghị tuyên dương, khen thưởng khoảng 150 tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. 

Bà Đào Thị My Thư

Phó chủ tịch UBND Q.Gò Vấp

 

 Sơn Vinh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI