Những cảm xúc bị dồn nén – Để thấu hiểu những nỗi ấm ức vô hình

10/01/2022 - 20:33

PNO - Một người chỉ trở nên mạnh mẽ, sáng suốt khi nhận biết, thấu hiểu những cảm xúc dồn nén, những nỗi đau khổ, bất hạnh của mình và chấp nhận chúng.

Những cảm xúc bị dồn nén của tác giả Isador Henry Coriat (1875 – 1943) được Trần Khánh Ly dịch sang tiếng Việt. Coriat là một bác sĩ tâm thần, nhà thần kinh học người Mỹ gốc Ma- rốc và là một trong những nhà phân tâm học đầu tiên của đất nước này.

Khi con người chịu đau khổ, ý thức xảy ra một cơ chế phòng về bằng cách dồn nén cảm xúc. Cảm xúc bị dồn nén giống như một bức tường, một tấm khiên bảo vệ tình thần con người khỏi nỗi khổ đau. Thế nhưng, những cảm xúc nguyên sơ này được chuyển vào trong vô thức. Và ý thức có một sự đàn áp mạnh mẽ với các cảm xúc nguyên sơ đó.

“Như vậy là ngay từ đầu, giữa ý thức và vô thức đã có một cuộc tranh đấu liên miên, một sự khống chế liên miên mà kẻ thắng đương nhiên là ý thức. Nhưng vô thức hùng mạnh đến nỗi, nó gây nên những bất ổn từ nhỏ đến lớn ở con người, mà dù con người có ý thức được hay không, nó vẫn cứ diễn ra và điều khiển hành vi con người.

Đó là cuộc trả thù đầy ngoạn mục của vô thức, của những cảm xúc đau khổ và chống đối với ý thức. Chừng nào ý thức còn đè nén cảm xúc, đẩy cảm xúc vào lãnh địa của vô thức, chừng đó con người còn tiếp tục bị thúc đẩy bởi những luồng lực vô hình không thể lí giải nổi” (trích “Những cảm xúc bị dồn nén”).

Những cảm xúc bị dồn nén được xuất bản năm 2019 bởi Ibooks và NXB Lao Động.
Những cảm xúc bị dồn nén được xuất bản năm 2019 bởi Ibooks và NXB Lao Động.

Điều này có thể lý giải một phần nào đó những con người bình thường được cho là hiền lành và ngoan ngoãn, bỗng chốc trở thành tội phạm, thậm chí là tội phạm giết người. Với sự áp chế của người lớn, những đứa trẻ có thể phục tùng nhưng những cảm xúc tiêu cực như tức giận, uất hận đều tồn tại và đè nặng trong vô thức cho đến tận lúc lớn hoặc đến khi chết nếu không có cách giải tỏa.

Đôi khi, cách giải tỏa đơn giản nhất là áp chế lại người khác. Khi một anh chồng bắt buộc phải dồn nén cảm xúc tức giận với sếp, anh ta sẽ quay sang tức giận với nhân viên, vợ hoặc con cái, những người yếu thế hơn. Cũng tương tự như vậy, đứa nhỏ sẽ chuyển cơn tức giận sang đồ chơi, chó mèo, động vật… Nhưng cơn tức giận có mất đi không? Không, nó cư ngụ tại vô thức và chờ có “thức ăn” cho lần tiếp theo để lớn mạnh và bùng nổ.

COVID – 19 không chỉ tạo nên một cơn dịch bệnh toàn cầu về mặt thể chất mà còn khiến con người mắc nhiều bệnh về tâm thần hơn. Chính vì vậy, Liên Hiệp Quốc gọi năm 2021 là 'năm để chữa lành' (year of healing). Tại Việt Nam, chúng ta cũng có thể gọi năm 2022 là năm chữa lành, bởi sau 4 tháng giãn cách, tại TP.HCM chúng ta đã biết đến câu chuyện thương tâm của bé An, mà có thể một trong những nguyên nhân sâu xa là những suy nghĩ lệch lạc và sai lầm trong tâm lý.

Quyển sách Những cảm xúc bị dồn nén không chỉ dành cho những bạn quan tâm đến Tâm thần học hay Phân tâm học mà dành cho tất cả những ai quan tâm đến sức khoẻ tâm thần. Với chương 1: Ý nghĩa của những cảm xúc bị dồn nén, chúng ta sẽ tìm hiểu về cơ chế phòng vệ của ý thức, trong đó có cả những tổn thương thời thơ ấu có thể mang đến hệ quả lâu dài thế nào.

Bất cứ ai quan tâm về tâm lý học, chưa có những kiến thức cơ bản về chuyên ngành Tâm lý học, Phân tâm học đều có thể đọc quyển sách này. Quyển sách sẽ cung cấp vài kiến thức cơ bản như cơ chế hình thành các cảm xúc bị dồn nén, các quan điểm của Sigmund Freud – nhà thần kinh học nổi tiếng và là người sáng lập ra phân tâm học.

Hãy khoẻ mạnh từ thể chất đến tinh thần, bởi điều đó không chỉ có ích cho cơ thể, cuộc đời của bạn, mà còn là của gia đình bạn, của các con bạn. Hãy bắt đầu bằng việc tìm hiểu cơ chế hình thành các cảm xúc, những ảnh hưởng của những cảm xúc bị dồn nén và biết đâu, cuộc dạo chơi với phân tâm học sẽ bắt đầu với bạn từ quyển sách này.

Kim Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI