Những cái Tết xa nhà

19/02/2015 - 08:56

PNO - PN - Tết năm đầu tiên đến khi tôi xa nhà được khoảng 5 tháng. Có lẽ đó là cái tết khó khăn khổ sở nhất của tôi. Chỗ lạ, không người quen, tôi không hề biết đến cộng đồng người Việt, không biết nơi bán đồ ăn Việt.

edf40wrjww2tblPage:Content

Gạo có lẽ thực phẩm gần gũi nhất tôi tìm được trong siêu thị, nhưng cũng là loại gạo không mùi, không hương vị. Tôi đành đón cái Tết nhớ; tức là ngồi canh thời gian, tưởng tượng xem giờ này, nếu còn ở Việt Nam thì mình sẽ làm gì, mỗi thành viên trong gia đình đang ở đâu; rồi nghĩ đến những loại hoa, bánh mứt, món ăn quen thuộc ngày Tết; rổi đếm ngược để chờ xem bắn pháo hoa... trên mạng.

Nhung cai Tet xa nha

Chợ hoa ngày Tết ở Sài Gòn đã in sâu trong ký ức của những người Việt xa quê hương - Ảnh: Đỗ Ngọc

Tết năm đó, tôi háo hức chạy về nhà sau giờ làm, hăm hở điện thoại cho gia đình. Lạ thay, giọng ai cũng ngái ngủ, bảo rằng giao thừa qua lâu rồi. Hóa ra tôi tính nhầm giờ, gia đình tưởng tôi bận rộn trong sở làm nên chưa gọi về. Thương ba và các chị em, ngồi chờ tôi cho đến khi giao thừa qua cả tiếng mới đi ngủ.

Tôi đón cái Tết thứ hai khi đang ở một nước ở vùng Caribbean. Lạ thay, dù khoảng cách địa lý xa hơn, tôi lại thấy cái Tết gần gũi hơn nhiều. Sáng mồng một năm đó, chồng tôi chở tôi đi một vòng chẳng có mục đích gì cả, nhưng tôi vẫn nhớ cảm giác rộn ràng hôm đó: nắng rực rỡ, hoa đỏ hoa vàng sặc sỡ nở khắp nơi, đường phố vắng ngắt.

Nhung cai Tet xa nha

Người viết đã học cách làm mâm cỗ ngày Tết để tự có Tết cho chính mình 

Rất tình cờ, chồng tôi mở một đĩa nhạc trên xe có bài Chapel of Love, một bài hát mà Tết năm nào ba tôi cũng mở bằng chiếc máy hát quay kim. Lúc đó, còn nhỏ quá, tôi chỉ nhớ điệu nhạc mà không biết ai hát hay bài hát có ý nghĩa gì. Tự nhiên, tôi thấy giống như mình đang ngồi giữa ba má trên chiếc xe máy, chạy qua khắp phố phường đi thăm bà con, nắng cũng rực rỡ nhưng không là nắng rát, mai vàng, trạng nguyên đỏ cũng nở khắp nơi hai bên đường.

Những cái Tết tiếp theo, không kể vài lần về Việt Nam đón Tết, những năm còn lại, tôi quyết tâm không ngồi than khóc nữa, mà phải biết thích hợp theo hoàn cảnh và biến cái không thể thành có thể. Tôi mày mò học cách nấu nồi măng, kho thịt, nấu canh khổ qua. Những món khó hơn, tôi đành phải mua như bánh tét, giò lụa, lạp xưởng.

Nhung cai Tet xa nha

Chồng của người viết cũng vào bếp giúp vợ chuẩn bị cỗ Tết Việt

Có năm, tôi hẹn giờ với gia đình ở Việt Nam để nói chuyện qua Skype khi cả nhà sum họp trong bữa ăn đầu năm. Nhưng nếu nói thật lòng, tôi không thích cái cảm giác thấy đó mà không “được sờ vào hiện vật” làm tôi cảm thấy hụt hẫng. Tôi thấy nhớ đôi má bụ bẫm của mấy đứa cháu nhưng không hôn được, thấy đôi tay nhăn nheo của ba mà không dám nắm hay cất lời hỏi han, thấy mâm cỗ đầy mà mình không được... ăn. Thế là, những năm sau, tôi tránh không hẹn hò trên Skype nữa.

Dần dà, sự nhung nhớ cũng vơi dần khi báo đài, điện thoại, email, và nhất là cuộc sống xứ người đã trở nên bận rộn hơn, tôi những tưởng mình không còn “đau lòng” khi Tết đến nữa. Rồi dặn lòng không làm nhiều món ăn nữa, vì cực quá mà không ai thưởng thức.

Vậy mà một tuần trước Tết, lúc nào tôi cũng tất tả đón hai ba chuyến tàu đi siêu thị Việt Nam trong mưa gió, mua vài cái bánh chưng mà phải hai ba tháng mới dùng hết. Rồi cặm cụi làm chả lụa, thịt đông, dưa hành để lấy không khí. Khi bài Mùa xuân đầu tiên cất lên từ chiếc Ipod, tôi lại âm thầm giấu đi những giọt nước mắt không biết từ đâu chảy ra. Dù vẫn tự dặn lòng, Tết ở trong lòng mình, như gia đình, dù có xa xôi thì vẫn hiện diện ở đây mà...

DAO CURTIS
(London)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI