Những "cái tên" khoét vào nỗi đau

13/09/2024 - 06:16

PNO - Huy Lùn, Tâm Béo, Quý Trâu, Hà Lé, Lan Sáu Ngón... là những “cái tên” tưởng “gọi cho vui” nhưng đã gây bao khổ đau, thậm chí làm nên nỗi hận khó gột trong lòng nạn nhân body shaming.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Nó lùn thật mà!

Tiệm tóc một ngày Chủ nhật. Chủ tiệm thấy khách liền hô lớn: “Lùn! Ra nhận khách!”.
Cô gái xinh xắn với làn da trắng và khuôn mặt thanh tú bước ra chào tôi. “Cảm ơn chủ tiệm, nhưng tại sao lại gọi bé nhân viên là Lùn? Bạn ấy không có tên khác à?” - tôi thắc mắc sau khi liếc bảng tên trên ngực áo cô nhân viên Tú Linh - một cái tên rất hay.

“Nó lùn thật mà chị!” - chủ tiệm phân trần. Cả tiệm cười rộ, Tú Linh cũng cười, mọi thứ sau đó diễn ra bình thường. Một “ca” body shaming trôi qua như phần lớn các ca miệt thị ngoại hình khác trên đời.

Chuyện tương tự rồi sẽ lặp lại. Những người chọc giỡn sẽ quên ngay mọi thứ sau tràng cười, còn nạn nhân thì sao? Khi Tú Linh gội đầu cho tôi, tôi hỏi nhỏ: “Nghe gọi “tên” ấy, em không buồn sao?”. “Buồn chứ chị nhưng em quen rồi” - cô gái nhẫn nại.

Câu trả lời “quen rồi” đầy cam chịu. Tôi từng hỏi nhiều người có biệt danh “mập”, “lé”, “dìa cơm cháy”, “cò bợ”, “nghiện”, “mỏ nhọn”… Họ đều chấp nhận việc người khác body shaming. Họa chăng, khi kẻ body shaming là cá nhân yếu thế hơn, có thể khổ chủ sẽ “bật lại”; còn khi kẻ shaming là một tập thể, một bà sếp có uy lực, thậm chí cha mẹ, anh chị, cô dì chú bác, hàng xóm… nạn nhân luôn câm nín trong hậm hực.

Sao cứ phải "nêu bật"sự thật?

Hồi nhỏ tôi có “tên” Choắt do gầy gò ốm yếu nhất nhà. Mẹ tôi đặt “tên” này với đầy yêu thương vì bà thấy tôi gầy yếu quá. Em trai tôi được mẹ gọi là thằng Lợn vì em mũm mĩm. Có thể mẹ tôi thấy tên ấy “cưng muốn chết” nhưng khi ra ngoài bị bạn bè trêu, nó thành nỗi quê độ khó tả của chị em tôi.

Cạnh nhà tôi có Thủy Híp - mẹ Thủy gọi con như thế vì mắt Thủy bé tí. Anh trai của Thủy là Tuấn Lang vì da mặt anh có đám lang ben nên trẻ con trong xóm tặng cho cái tên “không đụng hàng”.

Thời chúng tôi, tất cả các dị hình riêng đều trở thành tên tục, kiểu như nickname khi ta chơi mạng xã hội. Khi được “nêu bật” sự thật về đặc điểm riêng, chắc cũng có người vui với biệt danh đẹp như Lan Cute, Nam Tây, Thắng Trắng, Thảo Baby… Song cũng có những cái tên rất… oan, chẳng hề đúng sự thật. Như chị Phương con bác tôi. Chị không hề đen so với chúng bạn nhưng lại “chết tên” Đen. Lý do: có một chị Phương khác da trắng như người châu Âu; nên để phân biệt 2 chị, cô giáo gọi chị tôi là Phương Black, tức Phương Đen.

Sau này thành U50, chị đi họp lớp, bạn bè vẫn gọi “Black, Black”. Chị nói chị chán chẳng muốn gặp bạn bè trong lớp vì mấy đứa đen hơn chị vẫn không biết điều, cứ réo “cái tên” chị ghét cay ghét đắng ấy.

Có thể ai đó sẽ nói chị Phương suy nghĩ tiêu cực. Những nickname của thời ngây thơ chỉ để gợi nhớ những ngày xưa thân ái vô tư mà thôi. Nhưng theo chị Phương, ai cũng có nỗi tự ti nào đó, nếu bị đặt nickname trúng nỗi tự ti ấy, khác gì đào xới sự khổ đau, làm người ta mặc cảm, mất ý chí.

Chị còn kể, hồi cấp III trong lớp có cô bạn tên Mỹ Lệ bị thầy dạy môn hình học vô tư nhận xét: “Ơ, cái cô này có cái đầu hình bình hành”. Thế là từ đó, sợ bị bạn bè phát hiện mình có đầu vuông (do chị có mặt chữ điền, khung xương đầu khá… vuông vắn), chị Phương luôn đội nón trong mọi điều kiện thời tiết.

"Cần câu cơm của thẩm mỹ viện"

“Con có mập không mẹ? Hôm nay lại có đứa nói con vừa đen vừa mập như heo” - con tôi hỏi. “Không biết mắt các bạn thế nào ấy chứ mẹ thấy con thật xinh đẹp. Mà đen và mũm mĩm bây giờ cũng là trend (xu hướng) đó nha!”. Đây là câu “văn mẫu” tôi hay nói với các con, cùng đó, tôi nhắc con tự hào ưu điểm khác của bản thân, “bỏ qua” điểm chưa hài lòng. Trái lại, chồng tôi thường buông vài câu ngắn gọn: “Con yên tâm, lớn lên ba cho tiền đi làm đẹp. Con muốn đẹp như hoa hậu cũng được”.

Đối mặt với các vấn đề ngoại hình, người ta thường nghĩ ngay tới giải pháp nhanh gọn là chỉnh sửa. Body shaming và ngành công nghiệp thẩm mỹ tưởng chẳng liên quan gì đến nhau, song ở góc độ nào đó lại là mối quan hệ nguyên nhân - kết quả.

Ta cứ hình dung, khi các cá nhân bị “dìm hàng”, chê bai, miệt thị ngoại hình; đồng thời những quảng cáo làm đẹp “thay tướng - đổi vận” rần rần trên các phương tiện truyền thông… thử hỏi làm sao không tác động tới tâm lý?

Hôm trước, cô nha sĩ hỏi tôi: “Tại sao U60 rồi mà chị còn niềng răng? Tuổi này niềng khó và mắc tiền đấy”. Tôi lỏn lẻn trình bày: “Mình mặc cảm hàm răng hô từ nhỏ. Họ trêu chọc mình là Thu Hộ, tức bé Thu hô nặng. Giờ mình vẫn mong mất đi “cái tên” đáng ghét ấy”.

Bạn thân tôi, cô sinh viên có nickname Mai Ú hôm nào nay vừa giảm gần 20kg để trở thành một hot lady rực rỡ trên mạng xã hội. Tuy vậy, điều Mai chưa tiết lộ là mỗi kỳ giảm cân, cô tiêu tốn từ vài triệu tới vài chục triệu đồng cho các khóa detox, giảm mỡ, giảm eo… Cứ giảm được vài tháng thì cô mập lại, rồi lại tốn tiền giảm tiếp. Cân nặng cũng như tinh thần trồi sụt liên tục, nhiều thời kỳ Mai rơi vào trầm cảm, phải gặp bác sĩ tâm lý.

Tôn trọng sự khác biệt, khó hay không?

Cuộc sống của chúng ta bị điền đầy những định kiến liên quan “dấu vết riêng và dị hình”. Để thay đổi trên diện rộng, nhất thiết phải bắt đầu từ những bài học dạy trẻ tôn trọng cá nhân, tôn trọng sự khác biệt; đừng truyền thông, dạy dỗ trẻ phải ráng phấn đấu có làn da của mỹ nhân A, chiều cao của nam tài tử B… Nếu một người muốn can thiệp thẩm mỹ để thay đổi ngoại hình thì nên do chính họ mong muốn, chứ không nên là sức ép xã hội. Tôi rất kỵ những ai lên mạng xã hội bình phẩm: “Nhìn mặt nhỏ đó thấy ác”, “Cha này mũi diều hâu, miệng rộng, chắc tham lắm”… Tôi thực sự hâm mộ cô diễn viên “thần tiên tỷ tỷ” Lưu Diệc Phi của điện ảnh Trung Quốc. Dù dư tiền chỉnh sửa, cô vẫn dũng cảm giữ hàm răng hở lợi khi cười cùng chiếc mũi gồ mà theo nhân tướng học là rất xấu.

Lớp trẻ bây giờ có ý thức chống miệt thị ngoại hình hơn hẳn chúng ta ngày xưa. Trong 3 đứa con tôi, bé Út rất gầy gò, hay bị người đối diện hỏi sao gầy quá, sao không chịu ăn. Nếu trong lòng đang vui, cháu sẽ hùa theo: “Mẹ bảo con gầy múa ballet mới đẹp, sau mới làm người mẫu được”. Nếu không vui, cháu sẽ cực lực phản kháng: “Cô đừng body shaming cháu. Ở nước ngoài, body shaming người khác có thể bị kiện ra tòa”.

Ngay cả những phụ nữ đẹp nhất cũng từng có quá khứ bị body shaming dẫn tới ám ảnh ngoại hình (ảnh minh họa)
Ngay cả những phụ nữ đẹp cũng từng có quá khứ bị body shaming dẫn tới ám ảnh ngoại hình (ảnh minh họa)

Thu Vân - cô đồng nghiệp chỉ cao 1,45m của tôi - mang ấm ức với biệt danh Vân Lùn, luôn cố gắng kiếm thật nhiều tiền để… người khác phải ngước nhìn. Năm nay, Vân dự tính mở chuỗi kinh doanh hải sản mang tên Cô Lùn.

“Tú Béo, Minh Mập, Bé Bự… toàn những cái tên bạc tỉ, dễ làm thương hiệu nhận diện, dễ tiếp cận khách hàng. Tui sẽ bán cái xấu của mình...” - Vân nói với bạn bè.

Quả thật, rất nhiều người làm ăn đã biến những nickname “bóc phốt” thành thương hiệu riêng. Tôi nghĩ đó là do những cái tên ấy không quá ảnh hưởng đến tâm lý của họ hoặc họ đã vượt qua được mặc cảm để chấp nhận sống chung với “dấu vết riêng hoặc dị hình” hoặc do xã hội đã dần hiểu: tôn trọng sự khác biệt mới là ý thức của người văn minh.

Khảo sát của Trung tâm Giáo dục và Phát triển (Hà Nội) vào tháng 9/2023 trên 426 học sinh Hà Nội cho kết quả: 69% em cho biết từng bị body shaming.

Khảo sát của thạc sĩ Nguyễn Hà Bích Vân cùng một số giáo viên Trường THPT Trần Khai Nguyên (TPHCM) vào năm 2018 trên 500 học sinh các trường cấp III tại TPHCM cũng cho thấy: 56% số học sinh cho biết từng đau khổ vì nạn body shaming.

Nhận xét và bàn luận về vẻ ngoài làm giảm sự tự tin, gây tổn thương tâm lý, ảnh hưởng đến học tập và phát triển cá nhân. Không chỉ bạn bè hay người thân, cha mẹ ông bà và một tỉ lệ nhỏ thầy cô giáo cũng “tham gia” body shaming trẻ. Ngoài ra, miệt thị ngoại hình từ mạng xã hội cũng gây tổn thương tâm lý nặng nề cho trẻ.

Châu Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI