Những cái nắm tay trong nghịch cảnh

30/03/2022 - 06:28

PNO - Hai người phụ nữ Việt, một già một trẻ, dắt díu ba đứa trẻ, bỏ lại nhà cửa và tài sản trong 20 năm gầy dựng ở xứ người, chen chúc trên chuyến tàu tháo chạy khỏi cuộc xung đột của Nga và Ukraine.

Và hơi ấm tình người của những người xa lạ đã sưởi ấm trái tim gia đình họ.

Năm 1996, bà Hường (sinh năm 1967, quê Bắc Ninh) cùng chồng rời Việt Nam sang Ukraine. Bắt đầu từ công việc buôn bán nhỏ ở khu chợ người Việt, sau hơn 20 năm, tài sản của gia đình bà là mười cửa hàng bán quần áo, mũ ở TP.Kharkov (Ukraine) và những tờ giấy cư trú dài hạn cho cả gia đình ba thế hệ. Chồng bà mất năm 2016. Đến giờ, gia đình bà vẫn mang quốc tịch Việt Nam. 

Hai mẹ con bà Phạm Thị Hường
Hai mẹ con bà Phạm Thị Hường

Bà Hường kể với Báo Phụ Nữ TPHCM, chuyến hàng mới nhất từ Việt Nam sang chưa được bao lâu thì ngày 24/2, Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Cả thành phố bước vào những ngày “không thể nào quên trong tâm trí”. Ngay hôm đó, việc đầu tiên của người dân là chạy ra siêu thị mua đồ tích trữ, nhưng hàng hóa khan hiếm, giá cả leo thang. Mỗi người xếp hàng từ sáng tới tối, cũng chỉ được mua một số lượng rất ít. 

Từ đó, mọi người luôn trong tư thế sẵn sàng để chui xuống hầm trú ẩn. Người lớn có thể chịu được đói, khát nhưng trẻ con thì không; nên bà Hường chuẩn bị sẵn ba chiếc ba-lô nhỏ đựng bánh, nước rồi treo lên vai ba đứa cháu ngoại (đứa 12 tuổi, mười tuổi và hai tuổi). Cả ngày, mọi người cứ nhấp nhổm không yên, hễ có tiếng bom đạn là chui xuống hầm. Cả nhà cứ ở dưới đó, nghe ngóng. 19g tối, cả thành phố giới nghiêm. Tới 22g thì tiếng bom đạn bắt đầu tạm ngưng hoặc vãn dần.

Sau đó, cả nhà lên kế hoạch cho một cuộc thoát chạy. Gọi là kế hoạch nhưng thật ra là vô định, chẳng biết ngày mai ra sao. Chỉ biết rằng, già trẻ lớn bé, ai cũng phải đi. Đi đâu không biết. Chỉ biết một thứ tiếng duy nhất là tiếng Việt. Không sao cả. Thụy Sĩ? Thụy Điển? Ba Lan? Đức?… Bất cứ nơi đâu, miễn không phải ở lại. Ngày 24/2, Ukraine ban bố sắc lệnh tổng động viên, cấm nam giới từ 18 - 60 tuổi rời khỏi đất nước. Con rể bà Hường phải ở lại để tòng quân. Bà và con gái đành dắt theo ba đứa trẻ, bỏ lại tất cả tài sản gom góp được sau 20 năm sống ở xứ lạ, để sang một xứ lạ khác.

Trên đường từ nhà ra ga tàu khoảng 10km hôm đó, bà Hường chứng kiến một đoàn người di tản khổng lồ. Già trẻ lớn bé dắt díu nhau, lếch tha lếch thếch. Ai cũng như tháo chạy; không nhanh cũng không được, vì chỉ cần chậm một chút, sẽ không chen chân lên được chuyến tàu cứu vớt đó. “Lúc đó, tôi chỉ có một suy nghĩ là cứ đi và nắm thật chặt tay cháu tôi, vì chỉ cần sểnh ra một chút sẽ lạc nó mất”, bà Hường nhớ lại.

Cuối cùng, họ cũng chen chân lên được chuyến tàu rời Ukraine. Chuyến tàu chật kín người, không có ghế ngồi, hai mẹ con bà Hường phải cởi áo khoác để trải lên sàn cho mấy đứa cháu nằm. Chỗ nằm ngay sát nhà vệ sinh, gió từ ngoài trườn qua gầm tàu chui lên lạnh thông thốc. Biên giới Ukraine - Ba Lan hôm đó, trời rét cóng, chuyến tàu chở đoàn người di tản băng băng về phía trước.

Đám trẻ nhỏ nhà bà Hường và chị Thanh gặp nhau trong những ngày đặc biệt
Đám trẻ nhỏ nhà bà Hường và chị Thanh gặp nhau trong những ngày đặc biệt

Trên quãng đường từ Ba Lan sang Đức, bà con người Việt được Đại sứ quán Việt Nam ở đây và các tình nguyện viên tiếp đón nhiệt tình, chu đáo. Bà Hường kể chuyện với chúng tôi mà chảy nước mắt vì những phức cảm trong lòng. Với bà, câu chuyện vừa qua chẳng khác nào một cơn ác mộng. Nhờ sự giúp đỡ của một người quen cùng làng từ hồi ở Việt Nam, gia đình bà Phạm Thị Hường quyết định điểm dừng chân kế tiếp là Frankfurt (Đức).

Tại đây, gia đình bà gặp chị Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1983, quê Thái Nguyên), đã sống ở đây mười năm. Chị Thanh đã hướng dẫn và đi cùng gia đình bà Hường đến các cơ quan công quyền làm thủ tục để có thể ở lại Đức hợp pháp. Sáng 29/3, chị Thanh dẫn gia đình bà Hường đến đăng ký với Sở Giáo dục địa phương để xin cho hai đứa cháu đi học; đồng thời, lên Sở Ngoại kiều đăng ký thủ tục để đi làm. Tới nay, mọi giấy tờ đã xong. Họ cũng đã có chỗ trú che mưa che nắng, ít nhất trong ba tháng tới. 

Gia đình bà Phạm Thị Hường không phải là trường hợp duy nhất thoát chạy và nhận được sự giúp đỡ. Khi bà con người Việt tìm cách đi lánh nạn khỏi Ukraine, cũng là lúc công tác bảo hộ và hỗ trợ công dân Việt Nam sơ tán khỏi Ukraine được Chính phủ Việt Nam, Bộ Ngoại giao tích cực triển khai, nhất là tại khu vực Trung và Đông Âu.

Bên cạnh đó, các hội, nhóm tương trợ người Việt ở các nước lân cận cũng được lập ra trên mạng xã hội. Ngoài hỗ trợ về đồ ăn nước uống, chỗ ở, giấy tờ thủ tục, các lớp dạy ngôn ngữ trực tuyến do tình nguyện viên người Việt đứng lớp cũng được mở ra, để bà con có thể hòa nhập cuộc sống mới. 

“Nếu không có Đại sứ quán Việt Nam tại đây, không có các tình nguyện viên, không có cô Thanh, không có tất cả tấm lòng của cộng đồng người Việt lẫn người Đức, không biết gia đình tôi sẽ thế nào”, bà Hường xúc động. Chia sẻ về tương lai, bà nói, nếu xung đột kết thúc, có thể gia đình bà không quay về Ukraine nữa, vì còn gì đâu mà về. Bà sẽ tập làm quen và thích ứng với cuộc sống mới, như hơn 20 năm trước, ở xứ lạ. Việc đầu tiên, chắc chắn bà sẽ phải học mấy câu giao tiếp cơ bản bằng tiếng Đức. 

 Cốc Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI