Sau đề xuất trang bị cho mỗi hộ gia đình tại TP.HCM 1-2 chiếc lu để chống ngập, PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân - Trưởng Khoa Đô thị học của Trường đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia TP.HCM), Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dân tộc học - Nhân học TP.HCM, Đại biểu HĐND TP.HCM - đã hứng cả một cơn mưa gạch đá từ dư luận.
Trình bày với truyền thông sau đó, bà Xuân cho rằng, đó chỉ là một ý tưởng và ý tưởng của bà dựa trên kinh nghiệm của một số thành phố tại châu Á, văn hóa bản địa nông thôn Việt Nam và đặc biệt là đề xuất của cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Bà Xuân khẳng định Tokyo đã từng dùng lu để chống ngập. Bà cũng nhấn mạnh rằng ý tưởng của bà cần được các nhà khoa học, quản lý và chính quyền cùng người dân đánh giá, cân nhắc.
|
Giải pháp dùng lu hay bể chứa phân bổ vào các hộ gia đình để chống ngập có khả thi? |
Trong bài viết Nhật Bản không dùng lu chống ngập, chúng tôi đã chỉ ra rằng, cái được gọi là “lu” ở thành phố Kasukabe (Bắc Tokyo) là một hệ thống ngầm khổng lồ với 5 bồn chứa nước cực lớn (rộng 32m, cao 70m) và một bể chứa trung tâm dài 177m, rộng 78m và sâu đến 25m, bên cạnh hệ thống đường hầm dài đến 6,3km và những chiếc máy bơm công suất lớn để đẩy nước ra sông.
Đề xuất của JICA, được đưa ra từ năm 2000, nằm trong một tổng thể dự án lớn, bao gồm nạo vét kênh rạch, xây dựng bể chứa, cống rãnh thoát nước… Tuy nhiên, cần biết rằng, chính đề xuất của JICA cũng từng bị phản biện ở số liệu về tăng dân số tại TP.HCM.
Tạm gác lại những yếu tố trên, nếu xem đề xuất của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân là một đề xuất nghiêm túc, có tính học thuật, dựa trên nghiên cứu cá nhân của bà thì liệu “giải pháp lu” (hay bể chứa, như bà Xuân đã “nói lại cho rõ”) có thể chống ngập cho TP.HCM?
|
2,5 triệu chiếc lu cần được kết nối để phân bổ lượng nước mưa hứng được |
Ngập tại TP.HCM, như chúng ta đã biết, là hậu quả của rất nhiều chính sách và cách hành xử sai đối với đô thị. Thói quen xả rác làm tắc cống rãnh; những con kênh, dòng sông bị san lấp, bị lấn, gây tắc nghẽn dòng chảy; hướng thoát nước ra biển bị những tòa nhà, những khối bê tông sừng sững ngăn chặn. Đặc biệt, tình trạng nhà nâng nền, chính quyền nâng đường đã biến đô thị TP.HCM thành một khối lồi lõm vô trật tự.
Ngập tại TP.HCM là kiểu ngập cục bộ, nghĩa là một số khu vực ngập rất nặng, trong khi những khu vực khác không ảnh hưởng mấy. Không khó để thấy, sau mỗi cơn mưa lớn, các khu vực như đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh), đường Nguyễn Văn Hưởng (Q.2), đường Phan Huy Ích nối Q.Tân Bình với Q.Gò Vấp… đều gặp cảnh “phố bỗng thành dòng sông uốn quanh” hay như cách rapper Đen Vâu nói - “Xung quanh anh toàn là nước/ Cơ thể anh đang bị ướt”; trong khi nhiều khu vực khác vẫn bình an.
Việc trang bị 2,5 triệu lu nước dung tích 1m3 cho khoảng 2,5 triệu hộ dân tại TP.HCM không chống được những khu vực ngập cục bộ. Để hứng lượng nước mưa dồn về khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh, những chiếc lu ở Q.3 không có tác dụng. Muốn phát huy tác dụng của 2,5 triệu chiếc lu ấy, ta cần thiết kế một hệ thống kết nối lu, sao cho nước mưa được phân bố đều sang các lu, không xảy ra tình trạng lu quá tải trong khi lu vẫn cạn khô. Những chiếc lu ở Hóc Môn phải được kết nối với dàn lu ở Q.8. Đương nhiên, chúng ta sẽ cần kết nối ngầm hoặc phải nâng toàn bộ lu lên cao. Nếu xếp chồng số lu này lên cao (hoặc ngầm xuống đất) 100m, ta sẽ cần 2,5 ha đất để đặt lu.
Đối với các tòa nhà, căn hộ chung cư, hệ thống kết nối lu phải đảm bảo rằng sau khi hứng đầy nước mưa vào những chiếc lu ở tầng cao, nước sẽ được tiếp tục được phân bổ xuống những chiếc lu ở tầng thấp cho đến khi tất cả các lu đều đầy hoặc sẽ cần thiết kế một hệ thống thông minh có khả năng phân phối nước mưa, đảm bảo mọi chiếc lu đều có nước.
Trong đề xuất của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, lượng nước mưa hứng được có thể tái sử dụng để tưới cây, lau rửa nhà cửa… Có thể bà Xuân quên, TP.HCM hiện đang hứng chịu mức ô nhiễm không khí cao gấp nhiều lần quy chuẩn Việt Nam. Chỉ số bụi theo quy chuẩn của Bộ Tài nguyên - Môi trường là 100µg/m3, nhưng chỉ số bụi ghi nhận tại trạm quan trắc An Sương vượt mức này từ 5-8 lần. Loại nước mưa mang theo bụi bẩn ấy không thể gọi là sạch để rửa xe hay lau nhà. Thế nên để có thể sử dụng lượng nước mưa từ những chiếc lu của bà Xuân, ta cần đầu tư thêm một hệ thống lọc nước trước khi có thể sử dụng.
|
Mỗi chiếc lu dung tích 1m3 sẽ chiếm 1m3 không gian của 2,5 triệu hộ dân. Ta sẽ cần vận động, thuyết phục cư dân (đặc biệt là cư dân ở các khu phòng trọ) bỏ 1m3 không gian sinh hoạt này để phục vụ mục tiêu chống ngập, đầu tư hệ thống chuyển nước mưa từ mái nhà vào lu và hệ thống thoát nước khỏi lu trong trường hợp lu không chứa nổi lượng nước lớn hơn 1m3. Như đã nói trên, những chiếc lu trên toàn thành phố cần được kết nối để phân bổ lượng nước mưa, chống ngập cục bộ.
Những chiếc lu của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân sẽ có thể phục vụ công tác chống ngập cho TP.HCM khi và chỉ khi chúng có hệ thống kết nối qua từng hộ gia đình, trên toàn địa bàn thành phố. Có thể ta sẽ cần đào đường khắp thành phố để đặt ống dẫn. Đi kèm với hệ thống lu, ta sẽ cần một hệ thống lọc nước lớn để có thể tái sử dụng nguồn tài nguyên nước này. Quan trọng hơn, lượng nước ấy vẫn cần được trả lại cho môi trường - những con sông, kênh, rạch vẫn đang tắt nghẽn ở nhiều nơi.
Phạm Thành Nhân