Những cái like và ‘tội ác hồn nhiên’

10/07/2017 - 14:30

PNO - Facebook ngay từ khi bắt đầu đã chỉ có một nút cảm xúc duy nhất là nút like. Nút like trở thành một biểu tượng và đầy quyền lực, đầy quyến rũ, thậm chí là đầy khoái cảm.

Sau đó có thêm những cảm xúc khác như thả tim, cười ha ha … Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó, đôi khi những cái like/tim lại trở thành cầu nối cho những “tội ác hồn nhiên” mà ngay cả người sử dụng cũng ít khi nhận ra.

Từ vô tư đến vô tâm và kết thúc bằng tội ác

Bạn sẽ cảm thấy như thế nào khi đăng tải một cảm xúc buồn bã mà người ta cứ vào like và cười ha ha? Bạn sẽ cảm thấy như thế nào khi chia sẻ tin người thân vừa qua đời mà cứ được thả tim? Chắc chắn là không vui, chắc chắn là sẽ tệ hại hơn rất nhiều.

Dẫu biết những cái like rất vô tư, dẫu biết người bấm like/thả tim không cố ý, nhưng những tổn thương là thật, những nỗi buồn chạnh lòng là thật.

Nhung cai like va ‘toi ac hon nhien’
Vô tư nhấn nút like, thả tim trên dòng trạng thái buồn vì mất người thân của người khác

Like bắt đầu từ vô tư đến vô tâm, nó là kết quả của việc thể hiện cảm xúc với câu chuyện của người khác một cách thiếu cẩn trọng và không ý thức. Dù vậy, vô tư hay vô tâm cũng chẳng là gì khi like có thể kết thúc bằng tội ác, những tội ác hồn nhiên, những tội ác mà ngay cả người gây ra cũng không nhận biết được mình vừa làm, hoặc không mảy may hối hận về điều đó.

Tôi nhớ vài năm trước, khi một cô bé học sinh 15 tuổi bị lộ clip nhạy cảm, chỉ trong hai ngày, có gần 300.000 người xem, 18.000 likes, 4.000 lượt share, hàng ngàn bình luận … Kết quả là cô bé vì không chịu nổi áp lực đã phải tự tử. Cô bé đã bị buộc vào một cái cọc phán xử vô hình, mà mỗi cái like, cái share, cái bình luận chửi bới là những viên đá được ném vào cho đến khi cô chết.

Khiến cho một người phải tìm đến cái chết đó là tội ác, nhưng những người like/share kia có nhận ra điều đó hay không? Tôi nghĩ là không, bởi họ vẫn không nhận ra cái “tội ác hồn nhiên” của họ, họ không nghĩ đến hậu quả lớn từ việc like/share không suy nghĩ, họ làm và tưởng rằng nó vô hại và mình vô can.

1 triệu like tôi sẽ chết

Nếu như câu chuyện về cô bé nữ sinh ở trên là một “tội ác hồn nhiên”, thì phong trào “1 ngàn like (10 ngàn like hay nhiều hơn) tôi sẽ …” là một tội ác cố ý. Một phong trào rầm rộ với khẩu hiệu “Việt Nam nói là làm” đã diễn ra mà chất xúc tác bôi trơn cho cỗ máy tàn nhẫn lăn bánh xe đay nghiến là những cái like hỉ hả trong khoái trá.

Một nam thanh niên nhảy cầu, một cậu bé đốt trường học … vì “đã đủ lượt like theo yêu cầu”, nó phản ánh sức mạnh của đám đông, sức mạnh của thế giới ảo, ma lực của sự ảo tưởng, sự kích động mà đám đông mang lại ở mạng xã hội đông đúc hàng trăm triệu người cỗ vũ, khích lệ.

Nhà tâm lý học Gustave Le Bon đã nghiên cứu rất kỹ về tâm lý học đám đông và rút ra rằng "những đám đông luôn bị vô thức tác động, xử sự như người nguyên thuỷ, người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng, họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất".

Mười ngàn người like status cổ vũ đi nhảy cầu, trong đó bao nhiêu người like có suy nghĩ? Hầu như không, trong đó đa số là làm theo đám đông, trong đó đa số để cho cảm xúc “khoái trá độc ác” dẫn dắt mà vô tư bấm like để góp thêm một mồi lửa đốt cháy nhân tính con người.

Nhung cai like va ‘toi ac hon nhien’
Thoải mái nói, thoải mái like một cách vô ý thức trên mạng xã hội ngày càng phổ biến.

Mạng ảo, tình thật nhưng có thật là tình thật hay không thì không ai biết được. Buồn vui chia sẻ là điều tốt, nhưng có ai thật tâm buồn nỗi buồn của mình, lo nỗi lo của mình không? Chắc chắn là rất ít với kiểu bạn bè sơ giao trên mạng xã hội. Thế nên, hãy hạn chế thấp nhất việc trưng bày vết thương, và nếu có hãy chuẩn bị tinh thần để đón nhận những cảm xúc tiêu cực.

Có những người gặp cái gì cũng like, ai viết gì cũng thả tim, tôi gọi họ là những “hoa hậu thân thiện”. Họ không thực sự đáng trách nhưng họ đôi lúc khiến người khác phiền lòng vì những cái like, cái share vô ý thức. Hãy là người like có trách nhiệm, share có chọn lọc, đừng làm hoa hậu thân thiện, đừng auto like/tim như một cái máy vô tri, vô giác thiếu cảm thông.

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã từng nói: “sống trên đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không?”. Tôi nghĩ, cần có một tấm lòng để không gây ra những tội ác hồn nhiên nữa. Trên đời này, có những người chỉ cần ngồi im, không làm gì cả là đã giúp ích cho nhân loại rất nhiều. 

Bùi An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI