edf40wrjww2tblPage:Content
Ông Tường (áo trắng) bị lực lượng công an dẫn giải khỏi Thẩm mỹ viện Cát Tường - Ảnh: Đan Hạ
Những cái chết tức tưởi
Đầu tháng 4/2005, chị Ngô Thị Kim Hoa (26 tuổi, H.Đông Anh, TP.Hà Nội) nhờ anh Ngô Duy Cương (ở Q.Long Biên, TP.Hà Nội) đưa đi bơm sillicon, nâng ngực tại thẩm mỹ viện Hồng Chi (số 1 dốc ga Long Biên, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội).
Chị Hoa được đưa vào phòng trong của thẩm mỹ viện để bơm ngực còn anh Cương ngồi đợi ở ngoài. Chờ hơn 4 tiếng, anh Cương có việc phải đi nên gọi một người khác đến ngồi chờ. Sau đó, khi quay lại, anh Cương cùng người này vào gặp chị Hoa. Lúc này chị đã trong tình trạng lờ đờ, tím tái. Hai người nhanh chóng đưa chị Hoa đi cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Xanh Pôn. Lúc chuyển vào BV, chị Hoa đã hôn mê sâu. Khoảng 45 phút sau, chị Hoa tử vong.
Vào năm 2011, dư luận từng xôn xao trước vụ chị Bùi Bích Lộc (39 tuổi, ở Q.Đống Đa, TP.Hà Nội) cũng tử vong sau khi đi làm đẹp tại Trung tâm thẩm mỹ Hà Nội (số 257 Giải Phóng, TP.Hà Nội) do ông Phạm Văn Ái làm giám đốc.
Để sử dụng dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ tránh các hậu quả đáng tiếc, BS Cao Ngọc Bích, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM khuyến cáo người dân cần phải tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đi phẫu thuật. Những thông tin này có trên phương tiện truyền thông đại chúng, trên website của hội thẩm mỹ hay các BV để xem bác sĩ nào được làm những chức năng đó, các khoa của các bệnh viện được phép làm. Ngoài ra, khách hàng cũng cần quan tâm việc phẫu thuật sẽ được làm ở đâu, nếu ở những nơi sơ sài, không đủ trang thiết bị đầy đủ, không có đội ngũ cấp cứu để kịp thời ứng phó khi lỡ có những trường hợp tai biến xảy ra thì cần cảnh giác. BS Bích cũng nhấn mạnh: “Việc gặp tai biến trong ngành y là điều rất có thể xảy ra và không ai nói trước được. Vấn đề ở đây là BS ứng xử như thế nào với bệnh nhân đó mới là y đức, là điều quan trọng trong hành nghề y. Khi xảy ra tai biến từ lớn đến nhỏ đều gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Phải tìm hỗ trợ chuyển đến BV gần hoặc gọi cấp cứu để cứu bệnh nhân trong thời gian vàng. Những BS sợ ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích cá nhân mà che giấu gây hậu quả xấu cho sức khỏe bệnh nhân thì thật đáng trách”. |
Chị Lộc đến trung tâm thẩm mỹ trên để xẻ mí mắt và nâng ngực. Ca phẫu thuật được tiến hành và kết thúc sau hơn 1 tiếng đồng hồ. Chị Lộc sau đó được chuyển về phòng chăm sóc hậu phẫu. Đến 2 giờ 30 phút ngày 30/4/2011, chị Lộc gọi điện cho bác sĩ Ái báo về các triệu chứng bất thường như khó thở và bị nôn.
Do không có mặt tại thẩm mỹ viện lúc này, ông Ái đã gọi 2 bác sĩ khác (không phải là người trực tiếp phẫu thuật cho chị Lộc) đến cấp cứu cho nạn nhân. Tuy nhiên, chị Lộc đã tử vong.
Kết quả điều tra cho thấy đây là một trung tâm thẩm mỹ không có chức năng nâng ngực nhưng vẫn tiến hành làm chui và gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Gần đây nhất, trong năm 2013, tại Thẩm mỹ viện Linh Nhung (số 255 phố Xã Đàn, P.Nam Đồng, Q.Đống Đa, TP.Hà Nội) xảy ra vụ sốc phản vệ làm bệnh nhân tử vong khi thực hiện dịch vụ xóa sẹo.
Khoảng 11 giờ ngày 4/1, anh Trần Tuấn Anh (37 tuổi, ở Q.Kiến An, TP.Hải Phòng) có đưa chị gái mình là Trần Thị Thu Hương (42 tuổi, mang quốc tịch Hồng Kông) tới Thẩm mỹ viện Linh Nhung để xóa sẹo.
Đến 17 giờ cùng ngày, chị Hương được thử phản ứng của thuốc gây tê để bắt đầu xóa sẹo. Tuy nhiên, chị có những triệu chứng sốc phản vệ. Nhân viên của thẩm mỹ viện cùng người nhà đã đưa chị Hương vào BV Bạch Mai cấp cứu. Đến rạng sáng 5/1, chị Hương tử vong.
Bác sĩ thẩm mỹ “giam lỏng” khách hàng
Tại TP.HCM, vào năm 2006, vụ bác sĩ thẩm mỹ Nguyễn Xuân Ái mổ nhầm và nhốt khách hàng đến làm căng da bụng bị biến chứng đã gây bức xúc cho người dân.
Nạn nhân lúc đó là chị P.T.N.D (32 tuổi, ở TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đến để phẫu thuật thẩm mỹ tại cơ sở của ông Ái (ở số 116A Cao Thắng, Q.3, TP.HCM) vào ngày 26/9/2006. Chị D. muốn căng da bụng và theo tư vấn của nhân viên ở cơ sở thẩm mỹ này, thì chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ. Vì vậy, chị D. bảo xe taxi đợi bên ngoài. Sau khi vào phòng, bác sĩ Ái đã mổ một đường mổ ngang, dài nơi gần xương mu của chị D. Sau đó, ông này “giam lỏng” chị D. ở đó luôn.
Sau mổ, chị D. không thể liên lạc được với gia đình do người ở cơ sở này không cho. Mãi đến ngày 30/9, chị D. mới liên lạc được với mẹ mình tại Đồng Nai.
Vết mổ trên bụng chị D - Ảnh: Hà Minh
Khi nhận được tin, bà Lan mẹ chị D. đã báo ngay cho người nhà ở TP.HCM đến để đưa chị về. Thế nhưng, khi người nhà chị D. đến, vẫn không thể đưa chị ra về được. Người nhà chị D. phải đến trình báo sự việc với công an địa phương và nhờ luật sư can thiệp.
Chiều 3/10/2006, Thanh tra Sở Y tế, Trung tâm Y tế Q.3, Công an P.4, Q.3 (TP.HCM) và cả luật sư đã đến cơ sở giải phẫu thẩm mỹ của bác sĩ Ái để giải cứu chị D.
Khi được đưa ra ngoài, chị D. vẫn chưa hết thất thần và tinh thần bị suy sụp. Sau đó, chị được xe cấp cứu đưa vào BV Chợ Rẫy để được theo dõi sức khỏe.
Theo bác sĩ điều trị cho chị D. tại BV Chợ Rẫy thời điểm đó, vết mổ ở bụng chị D. được gọi cắt da và mỡ bụng để xử lý các vết rạn, nhăn. Việc làm căng da bụng ở cơ sở ông Ái không đạt yêu cầu vì toàn bộ phần da thừa, nhăn vẫn còn. Sau 4 ngày điều trị tại BV này chị D. được xuất viện.
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cũng đã từng kiểm tra đột xuất hai cơ sở thẩm mỹ khác cũng của ông Ái tại số 350 Trần Phú và 40 Trần Hưng Đạo B (cùng thuộc P.7, Q.5, TP.HCM) và phát hiện tại đây một số loại thuốc tân dược đã hết hạn sử dụng.
Đáng nói, không chỉ cơ sở của ông Ái ở 116A Cao Thắng, Q.3, TP.HCM mới làm các thủ thuật vượt quá chuyên môn cho phép mà nhiều cơ sở giải phẫu thẩm mỹ khác của ông này dù không được nâng ngực, hút mỡ nhưng vẫn ngang nhiên làm các loại phẫu thuật này.
Theo HÀ MINH (Thanh Niên Online, tổng hợp)