Nhưng rất ít người trong số họ được chăm sóc y tế và điều trị. Nhiều trường hợp bệnh nhân (tuổi từ 18-24) gọi đến các đường dây tư vấn tâm lý ở Việt Nam vì bị trầm cảm, có ý định tự tử, thì đều được hồi đáp rằng đó là ý định: “vô trách nhiệm, không biết nghĩ cho gia đình”, khiến bệnh của họ trầm trọng thêm. Nhận thức về trầm cảm đã không còn là một nhiệm vụ chuyên môn, nó như một kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn trong xã hội hiện đại.
Một buổi sáng cuối năm 2017, tôi bắt đầu một ngày mới với dòng tin nhắn đã được Quyên gửi đến từ khuya đêm trước. “Vĩnh biệt chị. Em là người có lỗi, và đây là cách tốt nhất mà em có thể làm. Mong chị vẫn nhớ tới em”. Tôi gọi vào số máy của Quyên, rồi gọi vào tất cả các tài khoản online, đều không có người bắt máy. Quyên đang ở Úc. Nếu mọi việc đúng dự kiến của Quyên, có lẽ lúc này tôi làm gì cũng đã muộn.
Sau mọi cố gắng gọi điện đều thất bại, tôi nhận được một tin nhắn trên Messenger: “Đêm qua em rất tệ. Em đã chuẩn bị dây thừng, đã nhắn tin cho chị và sẵn sàng cho mọi thứ. Nhưng đến lúc nhắn tin cho mẹ, em chợt thấy mình không đủ sức làm gì nữa, kể cả kết thúc mọi việc - khi tưởng tượng cảnh mẹ sẽ sang đây đưa em về. Rồi mẹ sẽ xoay xở thế nào với an ninh. Em chưa từng dạy hoặc gợi ý mẹ đi học tiếng Anh. Nếu đưa em về được đến Việt Nam, mẹ có đỡ đau đớn không.
Rồi em dừng được chuyện đó lại. Bây giờ, em tạm ổn”. Cơn hoảng loạn qua đi. Nhưng tôi không cảm thấy mọi việc đang tốt hơn. Biến cố nào đó như vẫn rình rập, và buổi sáng hoảng loạn như sáng hôm đó, vẫn chưa thể là cơn hoảng loạn cuối cùng.
Từ lúc còn ở Việt Nam, là một cô sinh viên giỏi nhất khoa, Quyên đã thường xuyên thấy mình lạc lõng. Vừa nhận bằng tốt nghiệp thủ khoa, Quyên nói với tôi: “Em phải đi thôi. Việt Nam không có chỗ cho em”. Nhưng, “em không thể đậu học bổng, tỷ lệ “chọi” quá cao, mà làm sao em có đủ tiền để tự du học?”.
Rồi Quyên cũng đậu học bổng. Quá trình tới lui trung tâm tư vấn du học còn tạo cho Quyên cơ duyên có người yêu. Hôm tạm biệt ở sân bay, nhìn Quyên bước vào phòng an ninh cùng anh bạn ấy, tôi đã vui mừng với ý nghĩ “con bé khá lên rồi”.
Những tin nhắn được gửi từ Úc sau đó mất dần màu sắc háo hức, như “nỗi buồn đáng sợ” trong Quyên đã kịp ổn định với môi trường mới. Quyên nhắn: “Ở đất nước này, em vĩnh viễn là một kẻ ở nhờ. Em không thể hiểu được họ, họ cũng không thể hiểu được em. Em chỉ đang “dùng ké” một ngôn ngữ để giao tiếp. Em lạc lõng vô cùng”.
“Em chỉ muốn ngủ, ngủ suốt ngày, nhưng ngay cả khi đã dành một ngày cuối tuần để ngủ, khi thức giấc em vẫn không thấy khỏe. Có cái gì đó rất nhẹ mà cũng rất nặng cứ kéo em xuống. Đến lúc này, em chắc chắn rằng đã có vấn đề gì đó rất trầm trọng trong em”. “Tại sao chị lại tin rằng, em có thể thích nghi được với môi trường này và tốt nghiệp thạc sĩ? Chị nhắc lại những lý do đó giùm em đi!”.
Mẹ em vẫn ghét những chiếc áo sơ-mi rộng của em. Em không hiểu tại sao người ta lại có thể ghét một thứ đến mức phải diệt trừ nó ngay cả khi nó không còn xuất hiện trong tầm mắt mình nữa”. “Hôm nay, có một bạn tâm sự với em rằng, bạn ấy muốn tự sát. Em cũng muốn vậy”.
Tất cả những tin nhắn như thế, đều tốt hơn rất nhiều so với những hình dung đã khiến tôi hoảng sợ mỗi lần thấy tin báo “tin nhắn đến” từ số của Quyên.
Cuối cùng, tôi không có một tin nhắn nào từ số máy của Quyên nữa. Tôi nhận được thông tin qua một người bạn - là hàng xóm của em. Quyên đã chọn làm điều đó ngay tại nhà mình, khi đã ôm trọn vẹn nỗi đau đó “hồi hương”.
“Chỉ cần giải quyết một lần, là hết”
Nhìn Cảnh như bước ra từ một thế giới khác. Gương mặt đang cười nói đó, nhưng đôi mắt hun hút sâu và dường như chưa bao giờ đặt điểm nhìn về phía tôi. Cảnh nhìn vào tôi - cô bạn học từ thời cấp III vừa kết nối lại sau 3 tuần liền tâm sự qua mạng mỗi đêm, nói thật bình thản: “Thực ra thì Cảnh bị trầm cảm”.
Chữ “thực ra” mở đầu câu chuyện này, là để “nối” với những biểu hiện Cảnh đã tâm sự với tôi từ nhiều đêm trước đó. Và nó mở ra nhiều cái “thực ra” khác.
Thực ra thì, Cảnh đã uống thuốc nửa năm nay, nhưng giấu gia đình.
Thực ra thì, Cảnh đã hơn trăm lần nghĩ tới chuyện tự sát, và đã ba lần thực hiện nó, rồi được em gái cứu.
Thực ra thì, bên dưới tay áo sơ-mi nọ, là cánh tay đã bị “cày nát” sau hàng trăm lần tự cào cấu của Cảnh.
Thực ra thì, những lần tạm biệt tôi sau mỗi cuộc chat khuya để “đi ngủ”, là mỗi lần Cảnh thấy không còn thiết tha, không muốn trò chuyện hay chia sẻ gì hơn là… nằm im, dù giấc ngủ đêm đã một năm nay tuyệt nhiên không còn đến với Cảnh nữa.
Và sự thực mà tôi cảm thấy mạnh mẽ nhất lúc này, là tôi hoàn toàn xa lạ với người thanh niên này. Anh không có gì giống Cảnh mà tôi quen. Còn cơn trầm cảm đó, đã cuốn phăng tất cả những cái bên trong từng hiện hữu nơi Cảnh - người con trai hài hước, lanh lợi, lạc quan và tháo vát của lớp 12A3.
Lần cuối cùng tôi được thấy Cảnh “thực sự” là cách đây 1 năm, trên diễn đàn của trường cũ, trong hình ảnh một cựu học sinh năng động và thành đạt. Cảnh thuộc diện “con nhà giàu vượt sướng”, đã sớm tự lập và mở công ty ngay từ thời đại học. Công ty của Cảnh khá thành công. Bạn nhiều lần về trường cũ phát học bổng. Bạn học chưa bao giờ thôi tự hào về Cảnh: “Cảnh giỏi vậy, nhà giàu vậy nên Cảnh thành công là tất
yếu rồi!”.
Và cái mùi xa lạ của thất bại, cuối cùng, Cảnh cũng được nếm trong một lần “ngon trớn” đầu tư sai chỗ. Công ty phá sản, Cảnh cũng biến mất khỏi Sài Gòn. Người yêu cũng đến lúc không tìm thấy Cảnh ở bất kỳ một nơi nào trước khi anh nhắn lời chia tay và xin tạm tránh mặt. Cảnh trốn hết mọi người. Giai đoạn đó kéo dài 2 tháng. Ngày đầu tiên anh gặp lại người yêu, cũng là ngày anh quyết định đến bác sĩ tâm lý sau hai tháng trời không có được một đêm ngon giấc.
Kinh doanh thất bại là toàn bộ lý do mà gia đình dùng để lý giải sự thay đổi của Cảnh. Anh không còn linh hoạt, hài hước như xưa, lại hay thu mình một góc, tách khỏi mọi người. Cô em gái được cắt cử canh chừng anh trai, trong một ngày không chịu nổi sự buồn bã tỏa ra từ anh đã mở lời khuyên nhủ: “Thất bại là rất bình thường, quan trọng là anh phải có bản lĩnh để vượt qua nó”. Và đúng vào đêm đó, Cảnh tự sát lần đầu.
“Cảnh biết là em gái muốn tốt cho mình, nhưng Cảnh không ngăn được ý muốn tự sát mỗi lần được khuyên phải có bản lĩnh”, Cảnh nói khi hờ hững nhìn từng món ăn được phục vụ mang ra, “gia đình cũng nhiều lần đòi giúp giải quyết nợ nần, nhưng Cảnh từ chối. Nợ thì mình tự giải quyết được. Còn chuyện của Cảnh thì chỉ có một cách giải quyết. Chỉ cần giải quyết một lần, là hết”.
Tôi nghe Cảnh nói, không dám tưởng tượng đến ngày mai, ngày mốt, khi không còn ai đủ gần để bước vào cùng anh trên hành trình này.
“Tôi hận mẹ suốt đời!”
Đó là câu nói khủng khiếp nhất mà Hoa từng nghe, bởi nó liên tục thốt ra từ người anh ruột của chị suốt cái tết vừa rồi. Mẹ chị 90 tuổi, bị giày vò không ngớt bởi đứa con trai vì đã… đi bước nữa vào 40 năm trước.
Mỗi lần “lên cơn”, đứa con trai trạc 50 tuổi - là giám đốc hiền lành của một công ty khá lớn tại Sài Gòn - như biến thành một gã say rượu, mất hết lý trí. Anh hung hăng, chỉ mặt từng đứa em rồi kể vanh vách từng lỗi nhỏ của họ từ những ngày trước đó hoặc có khi cả chục năm trước.
Để kết tội chị Hoa là “đứa em mất dạy, ngang ngược, coi thường anh trai”; anh kể cả cái chi tiết chị mải chăm đứa con mới sinh mà không tham gia bữa cơm giao thừa với gia đình. Đứa con ấy giờ đã 11 tuổi, tức là câu chuyện đã trôi qua 11 năm. Rồi anh kể vanh vách những chi tiết nhỏ nhặt từ hôm cả nhà sum vầy về nhà mẹ ăn tết, kết luận chắc nịch rằng, chị Hoa là “đứa hết thuốc chữa”. Đang bàng hoàng vì anh trai bỗng dưng trở thành người “chấp nhặt, ghim gút”, chị đã thấy anh quay sang người mẹ 90 tuổi, tuyên bố: “Còn mẹ, tôi hận mẹ suốt đời!”.
Giây phút bàng hoàng đó mở đầu cho những ngày tết địa ngục của cả gia đình, khi người anh cả như vừa “vỡ òa” tất cả những ấm ức chất chứa suốt cả đời người. Nhưng, đó chỉ là mở màn. Suốt 10 ngày sum vầy ăn tết ở quê mẹ, cứ đến chập tối, anh lại tái diễn cơn hận thù. Người mẹ 90 tuổi ngồi cúi đầu, hai tay bưng lấy đôi tai, vừa khóc vừa lắc đầu nói: “Cái thằng này phát điên rồi!”. Những cô em gái vừa phủ vây bảo vệ mẹ, vừa mắng trả những lý lẽ cay độc và vô lý của anh: “Lâu nay anh lầm lì ít nói thì không ai trách, nhưng đến nước anh mở miệng nói vậy, thì tôi xin từ!”.
Sau kỳ nghỉ tết, không còn ai là “em gái” của anh nữa. Ai cũng “đau lòng và không thể chấp nhận” sự thay đổi đó. Mỗi lần thức dậy vào buổi sáng, nhớ trọn vẹn về biến cố mình đã lặp lại vào đêm qua, anh cũng bị ám ảnh tội lỗi làm trôi tuột cảm giác tươi mới vừa thoáng có sau một giấc ngủ.
Anh thấy mình tồi tệ như một “phế phẩm tai ác” của gia đình, rồi cùng với cảm giác đó là điều gì đó xuất hiện bên trong, rất tối. Anh lại luẩn quẩn trong cơn trách mình, hận người... Và cái chết bắt đầu cám dỗ khi anh thấy mình đang dần mất dấu trong cuộc đời.
Minh Trâm