Những cái chết đáng sợ do bệnh nhân tâm thần nổi cơn

07/06/2017 - 14:30

PNO - 70% - 80% người bệnh tâm thần phân liệt đang sống chung với cộng đồng. Không đợi nắng nóng, chỉ cần thời tiết trở lạnh, mưa, hay âm thanh lạ xuất hiện… người bệnh cũng có thể bị đả kích.

Xuất viện về nhà, giết thêm 4 người

Công an phường Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) xác định người đàn ông cầm dao đâm người trên phố Phạm Ngọc Thạch vào sáng 4/6/2017 có tiền sử mắc bệnh tâm thần. Lãnh đạo công an phường cho biết, có thể do thời tiết nắng nóng khiến người này có hành động bất thường.

Thực tế lâu nay, trên cả nước xảy ra nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích, phá hoại tài sản... do người mắc bệnh tâm thần gây ra. Nhiều vụ án có tính chất nghiêm trọng, giết cả người thân khiến cộng đồng hoang mang.

Tháng 12/2016, anh P.M.T. (sinh năm 1984, sống ở tỉnh Hà Giang) đã giết 4 người thân trong gia đình sau 6 tháng xuất viện điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương (Hà Nội). Trước đó hai năm, anh T. cũng giết con ruột của mình. 

Nhung cai chet dang so do benh nhan tam than noi con
P.M.T. gây thảm án 4 người chết ở Hà Giang có tiền sử mắc bệnh tâm thần. (Ảnh CA cung cấp)

Hay như cái chết tức tưởi của chị B.T.Q. (30 tuổi, nhà ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) đang mang thai 3 tháng đã khiến dư luận rùng mình. Trước đó, chị thấy chồng - anh B.V.L. hay nói chuyện một mình nên khuyên anh đến một bệnh viện tâm thần ở Hà Nội kiểm tra.

Tại đây, các bác sĩ phát hiện anh L. bị bệnh tâm thần nhẹ nên cho điều trị ngoại trú. Anh L. mang thuốc về nhà nhưng không uống. Ngày 13/3/2017, anh L. lên cơn tâm thần và đã dùng dao cứa cổ vợ mình đến chết. 

Gần 14 triệu người Việt mắc các rối loạn tâm thần

Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2015, Việt Nam có gần 14 triệu người mắc các rối loạn tâm thần phổ biến, trong đó khoảng 3 triệu người mắc tâm thần nặng như: tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ, chậm phát triển. Con số này vẫn không ngừng tăng.

Nhung cai chet dang so do benh nhan tam than noi con
Người bệnh tâm thần cần được điều trị để đảm bảo an toàn cho chính bản thân họ và những người xung quanh.

Bác sĩ Trần Duy Tâm, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết: “Người mắc bệnh tâm thần phân liệt mãn tính luôn có nhiều thay đổi về ảo giác, thính giác,… Tư duy và những gì họ suy nghĩ không liên quan đến nhau. Ban đầu, bệnh nhân sẽ cảm thấy mình có những suy nghĩ rất kỳ cục, nhưng họ sẽ dần tin vào những suy nghĩ đó. Từ từ, họ biến đổi luôn về nhân cách”.

Hầu hết những người bệnh tâm thần phân liệt đều nghĩ mình không mắc bệnh nên từ chối điều trị. Người nhà cũng chiều theo ý bệnh nhân và dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Người bệnh tâm thần dễ nhạy cảm với những thay đổi từ bên ngoài. Không chỉ riêng mùa nắng nóng, mà hàng loạt các yếu tố như trời lạnh, trời mưa, môi trường ồn ào, lời nói căng thẳng,… cũng đủ làm cho người bệnh lên cơn đột ngột.

Người bệnh luôn có cảm giác người khác nói xấu mình, đối đầu với mình rồi tự mình hình thành những suy nghĩ, lời nói chống đối. Đến mức cực đại, người bệnh không thể kiểm soát được hành vi, họ có thể hành hung, thậm chí giết luôn người đối diện.

Nhung cai chet dang so do benh nhan tam than noi con
Bác sĩ Tâm cho biết người bệnh tâm thần thường phủ nhận bản thân mắc bệnh.

Ai quản bệnh nhân tâm thần?

Hiện nay, các bệnh viện tâm thần chủ yếu điều trị cho các bệnh nhân lên cơn cấp tính. 70-80% bệnh nhân bị tâm thần phân liệt phải điều trị ngoại trú. Tình trạng bệnh nhân ổn định, có thể kiểm soát hành vi thì phải được đưa về cộng đồng.

“Trước khi cho bệnh nhân xuất viện, bệnh viện phải kiểm tra, đánh giá nguy cơ, đảm bảo người bệnh kiểm soát được hành vi mới cho về nhà. Tuy nhiên, bệnh này cần điều trị cả đời, nếu người bệnh không tuân thủ những chỉ định của bác sĩ, hoặc bỏ ngang không sử dụng thuốc sẽ tái phát rất cao. 

Lúc này người bệnh rơi vào trạng thái nguy hiểm, chỉ cần một đả kích nhỏ họ cũng bộc phát hành vi bạo lực. Gia đình nên nhắc nhở người bệnh tuân thủ các liệu trình điều trị”, bác sĩ Tâm cho biết thêm.

Đáng buồn, nhiều cha mẹ xót con, sợ gia đình bị điều tiếng nên nhất quyết không đưa con đến bệnh viện điều trị mà nhờ cậy vào tâm linh. Họ rước thầy cúng, mê bói toán khiến người bệnh ngày càng trở nặng. 

Nhung cai chet dang so do benh nhan tam than noi con
Nhiều vụ án mạng do người tâm thần không được điều trị gây ra. (Ảnh internet)

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, nếu một người được xác định bị tâm thần theo kết luận của hội đồng giám định pháp y thì viện kiểm sát hoặc tòa án có thể ra quyết định bắt buộc người bệnh chữa bệnh.

Nếu bệnh không tới mức đưa đi điều trị, cơ quan chức năng sẽ giao cho gia đình hoặc người giám hộ trông nom dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nếu người nhà không cho bệnh nhân tâm thần đi điều trị, nếu gây án thì người giám hộ cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự liên đới. Nhưng người giám hộ có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại do người bệnh gây ra. 

Trong trường hợp người bị tâm thần thuộc diện phải cưỡng chế chữa bệnh, nhưng người nhà không đồng ý; lúc đó cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành cưỡng chế đưa người tâm thần đi chữa bệnh mà không cần có sự đồng ý của người nhà.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI