Những ca song sinh dính liền nổi tiếng trong y văn Việt

15/07/2020 - 07:46

PNO - Mỗi ca mổ tách dính cặp song sinh không chỉ đánh dấu sự tiến bộ của y học Việt Nam mà còn mang lại cuộc sống mới cho các sinh mệnh.

1. Ca mổ Việt - Đức thay đổi cách nhìn của thế giới về y học Việt Nam

Thành công của ca mổ tách cặp song sinh Việt - Đức không chỉ tái sinh cuộc đời Đức, mà còn đánh dấu son trong y học Việt Nam.
Thành công của ca mổ tách cặp song sinh Việt - Đức không chỉ tái sinh cuộc đời Đức, mà còn ghi dấu son trong y học Việt Nam.

Chào đời vào ngày 25/2/1981 tại Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, Nguyễn Việt và Nguyễn Đức đã trải qua những năm đầu đời đầy đau đớn, mệt mỏi khi dính nhau ở phần bụng, cùng bộ phận sinh dục, hậu môn và trọng lượng chỉ 2,2 kg. Hai anh em bị ảnh hưởng chất độc da cam.

Năm 1988, hơn 70 giáo sư, bác sĩ hàng đầu trong nước và bác sĩ đến từ Nhật Bản, do giáo sư, bác sĩ Trần Đông A làm trưởng kíp mổ, đã khiến cả thế giới chú ý khi cùng thực hiện cuộc phẫu thuật tách rời cặp song sinh Việt – Đức. Đây là ca mổ kéo dài hơn hai tháng, đi vào lịch sử y học thế giới.

Ca mổ tách rời Việt - Đức không chỉ là thành tựu về mặt y học, mà còn là ca mổ quy tụ trí tuệ, tình người... Hiện Nguyễn Đức đã có hai bé song sinh một trai và một gái: Nguyễn Phú Sĩ - Nguyễn Anh Đào.

2. Thu Cúc – Thúy An trở thành hai thiếu nữ xinh đẹp

Thu Cúc, Thúy An chụp chung khi đang đi học tại Thanh Hóa
Lê Thu Cúc, Lê Thúy An chụp chung khi đang đi học tại Thanh Hóa.

Tháng 12/2002, chị Trịnh Thị Bình (ở Thanh Hóa) khóc hết nước mắt thương hai đứa con gái vừa sinh ra đã bị dính nhau phần bụng, ngực, ức, chung khoang màng tim, chung nhau 1 gan, chung tá tràng và ruột non. Cúc bị tim bẩm sinh, An có u máu ở tay, ngực. 

Một năm sau, hơn 50 y, bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) và chuyên gia ghép gan của Mỹ lên phương án cho ca mổ kéo dài suốt 10 tiếng đồng hồ này. Gần 17g chiều 17/10/2003, lần đầu tiên sau hơn 10 tháng luôn dính chặt nhau, hai bé được ẵm ra hai giường, chính thức bắt đầu một cuộc đời mới, riêng rẽ, độc lập.

Đến bây giờ chị Bình vẫn còn nhớ, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm nói rằng ca mổ khó lắm, tỷ lệ thành công là 50-50, trong trường hợp bắt buộc phải chọn lựa thì ê-kíp phải chọn bé khỏe hơn, chị rơi nước mắt gật đầu. “Thà để con mình có cuộc sống hạnh phúc, hơn là cứ vặt vẹo như vầy. Nhưng tôi luôn cầu nguyện cả hai đều bình an” - chị Bình nói.

Lời ước nguyện của người mẹ được như ý, ca mổ thành công. Giờ đây, Cúc và An đã trở thành hai thiếu nữ xinh đẹp, khỏe mạnh, ngày ngày đến trường với ước mơ về một tương lai tươi đẹp. 

3. Hơn 20 bác sĩ Sài Gòn tách 2 bé gái sinh đôi dính liền phần mông

Hai bé gái người S'Tiêng dính mau phần mông
Hai bé gái người S'tiêng dính mau phần mông được tách rời thành công 

Ngày 24/7/2016, người dân Bình Phước xầm xì về gia đình người S’tiêng vừa sinh hai bé gái sinh đôi dính liền phần mông, ở tư thế đối lưng, mặt hướng ra ngoài.

Đoạn xương cùng cụt của hai bé dính nhau với chiều dài khoảng 15cm, có nhiều nguy cơ bóc tách như nếu mở màng tủy, tách tủy nhưng đóng lại không kín thì khả năng 2 bé tử vong do xì dịch tủy, gây nhiễm trùng. Còn nếu tách đám thần kinh chùm rễ đuôi ngựa ở tủy có thể gây va chạm nhẹ, cũng khiến 2 bé bị liệt, nếu sống cũng rất khổ sở.

Ca mổ phải dời đi dời lại trong nhiều tháng liền bởi phương án chuẩn bị đầu tiên là đặt túi giãn da, giúp da nới rộng ra để có đủ da ghép bị thất bại liên tục. Cuối cùng, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 2 và 4 bệnh viện khác đã quyết định ghép vạt da cho các bé, dùng chính da của bệnh nhi để xoay kéo, giúp che được vết thương hở sau khi mổ, không để lộ các mô xương, màng tủy... 

7g ngày 23/8/2017, hơn 20 bác sĩ đưa hai bé vào phòng mổ, bóc tách đến vị trí xương cùng, tiếp tục bóc tách vào đến túi thoát vị. Các bác sĩ dùng kính vi phẫu, mở màng cứng và tách tủy, tách các sợi thần kinh dính liền giữa 2 bé. Đến 18g30 cùng ngày, ca mổ thành công, cả ê-kíp đầm đìa mồ hôi pha lẫn những giọt nước mắt hạnh phúc. 

4. Ca tách rời 2 bé dính liền nhỏ tuổi nhất

Hai bé gái ở Quảng Nam lại 'thích ôm chặt nhau từ khi mới sinh
Hai bé gái ở Quảng Nam lại 'thích ôm chặt" nhau từ khi mới sinh

Tháng 8/2019, hai bé gái sinh đôi ở Quảng Nam chào đời lại ôm chặt lấy nhau do bị dính liền từ ức đến bụng dưới. Hai bé đều có các hệ tiêu hóa, hô hấp, tim mạch gần như độc lập nhưng lại dính nhau ở phần gan trái. 

Sau thời gian nuôi dinh dưỡng, cải thiện sức khỏe cho bé, sáng 2/10/2019, hai bé gái sơ sinh được Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM đưa vào phòng mổ bóc tách phần bụng với ê-kíp gần 20 y, bác sĩ.

Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trung Hiếu – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM kể lại: “Khó khăn nhất cho ca mổ là hai bé đều quá nhỏ, chỉ hơn 2 tháng tuổi nên gan rất dễ vỡ. Nếu cầm quá chặt hoặc sơ xuất nhỏ cũng khiến gan vỡ, chảy máu ồ ạt, nguy cơ tử vong cao. Khi bóc tách xong, bác sĩ phải lên phương án chọn và ghép da bụng, ngực cho cả hai bé suốt 6 tiếng mới thành công. Đây cũng là ca mổ tách hai bé dính liền nhỏ nhất tại bệnh viện từ trước đến nay”.

5. Hôm nay, bác sĩ tiếp tục vào phòng mổ “tái tạo” lại hai thiên thần dính phức tạp vùng chậu

Bé Trúc Nhi - Diệu Nhi sẽ được mổ tách rời hôm nay 15/7
Bé Trúc Nhi - Diệu Nhi sẽ được mổ tách rời hôm nay 15/7

Hiện cả hai bé đã được 13 tháng tuổi, nặng 15kg với các chỉ số phát triển gần với những trẻ bình thường, đủ điều kiện sức khỏe cần thiết để được mổ tách dính. Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã phối hợp hội chẩn nhiều lần cùng với gần 30 chuyên gia từ các bệnh viện, trung tâm lớn trên cả nước như: Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Xuyên Á và Trường Đại học Y Dược TPHCM để lên kế hoạch phẫu thuật chi tiết.

Và hôm nay, 15/7, cả TPHCM đang trông đợi kết quả tốt đẹp từ quyết định tách dính mang tính táo bạo nhưng chắc chắn sẽ thật nhân văn của hơn 100 y, bác sĩ khi phẫu thuật tách dính ca song sinh phức tạp bậc nhất Việt Nam này.

Phạm An

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI