Những ca ghép bộ phận người chưa có ở Việt Nam

21/02/2017 - 08:25

PNO - Từ ca ghép thận đầu tiên năm 1954, y học thế giới đã ghép được nhiều bộ phận đáng ngạc nhiên trên cơ thể người.

Ghép 2 tay

2016 vừa qua là năm đáng nhớ đối với ngành phẫu thuật Mỹ khi các bác sĩ thực hiện thành công ca ghép 2 tay cho bệnh nhân là một lính hải quân. 

John Peck, 31 tuổi, giẫm phải thiết bị nổ tự chế ở Afghanistan vào năm 2010, khiến anh mất hoàn toàn tứ chi. Nhưng sau sáu năm, người cựu chiến binh đã nhận được hai cánh tay mới sau cuộc phẫu thuật kéo dài 14 giờ.

Nhung ca ghep bo phan nguoi chua co o Viet Nam
Cựu binh John Peck, 31 tuổi hồi phục tốt sau khi nhận hai cánh tay mới

Ghép dương vật

Tháng 12/2014, các bác sĩ ở Nam Phi, thực hiện thành công ca cấy ghép dương vật đầu tiên trên thế giới sau 9 giờ. Sáu tháng sau đó, bệnh nhân nam 21 tuổi này báo tin mừng là bạn gái anh đã mang thai.

Ghép mặt

Vừa qua, các bác sĩ Mỹ cấy ghép mặt thành công cho một người đàn ông 31 tuổi có khuôn mặt bị hủy hoại toàn bộ sau đợt tự tử bằng súng bất thành. Sau khoảng 8 lần phẫu thuật trong bốn tháng rưỡi, bệnh nhân Sadness xuất viện về nhà với khuôn mặt mới mà anh miêu tả là “tốt hơn những gì mong đợi”.

Nhung ca ghep bo phan nguoi chua co o Viet Nam
Ca ghép mặt cho một bệnh nhân là lính cứu hỏa khiến cả thế giới sửng sốt. Ảnh: AP

Chuẩn bị ghép đầu

Trong năm nay, giới y khoa thế giới đang chờ đợi ca phẫu thuật cấy ghép đầu đầu tiên. Khác với các bộ phận thông thường, ghép đầu dường như là điều không tưởng do độ phức tạp, nguy cơ và nhiều yếu tố mang tính đạo đức khác.

Thế nhưng, nhà thần kinh học người Ý cùng bác sĩ phẫu thuật người Trung Quốc đã lên kế hoạch thực hiện điều không tưởng ấy trong năm nay.

Nhung ca ghep bo phan nguoi chua co o Viet Nam
Ca phẫu thuật ghép đầu có thể cần đến 80 nhân viên y tế tham gia

Bệnh nhân tình nguyện là một người đàn ông Nga tên Valery Spiridonov, mắc hội chứng Werdnig-Hoffmann, một rối loạn di truyền hiếm gặp làm phá vỡ cơ bắp, giết chết các tế bào thần kinh trong não và tủy sống, dẫn đến liệt toàn thân.

Tuy vấp phải nhiều sự phản đối, nhưng nếu thành công, cuộc phẫu thuật sẽ mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới cho y học hiện đại.

Triển vọng ghép nội tạng động vật cho người

Bên cạnh đó, áp dụng công nghệ kỹ thuật in 3D, các nhà khoa học Trung Quốc đã cấy ghép thành công mạch máu nhân tạo cho khỉ. Mở đầu cho triển vọng “sản xuất” bộ phận thay thế ở người.

Mặt khác, tương tự như cách chiết xuất insulin từ bò cho bệnh nhân tiểu đường, y học còn nuôi tham vọng cấy ghép nội tạng ở động vật cho người, điều vốn dĩ bất khả thi do sự khác biệt di truyền.

Thế nhưng vào cuối tháng Một vừa qua, nhóm nhà nghiên cứu từ nhiều quốc gia công bố trên tạp chí Natire rằng họ đã tạo ra được phôi thai giữa người và lợn, bằng cách tiêm tế bào gốc người vào phôi lợn. Sau bốn tuần, phần tế bào gốc phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau như tim, gan, tế bào thần kinh.

Thành công tạo ra triển vọng sản xuất bộ phận cấy ghép an toàn và hiệu quả, nhằm đáp ứng như cầu ghép tạng ngày càng tăng trên thế giới.


Tấn Vĩ

(Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI