Cuộc đua vào Nhà Trắng đang đếm ngược thời gian ở hai tháng cuối, nhưng những cử tri ủng hộ bà Hillary Clinton đang rất hoang mang vì vấn đề sức khỏe của bà. Hồ sơ sức khỏe - y tế cá nhân đã không còn là chuyện riêng tư của ứng viên Tổng thống Hoa Kỳ.
Từ nhiều tháng nay, ê kíp hỗ trợ chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump không ngừng tung ra nghi vấn về tình hình sức khỏe của bà Hillary. Tất cả thông tin này đều bị đảng Dân chủ bác bỏ, xem đây là trò hạ bệ đối thủ của đảng Cộng hòa. Thế nhưng, hình ảnh CNN ghi lại khi bà Hillary bất ngờ bỏ về sớm trong lễ tưởng niệm 15 năm sự kiện khủng bố 11/9 đã khiến những cử tri ủng hộ bà vô cùng lo lắng. Rõ ràng bà Hillary đã bước đi loạng choạng, khuỵu gối suýt ngã, phải có người dìu đỡ. Lập tức, tin đồn bà Hillary chỉ sống được một năm nữa xuất hiện tràn lan.
|
Bà Hillary Clinton trượt chân bên ngoài một tòa nhà ở North Charleston trong thời gian tranh cử - Ảnh: Reuters |
Sau đó, bác sĩ riêng xác nhận bà bị tăng nhiệt quá mức và mất nước. Lời giải thích này dường như không thỏa đáng đối với những dấu hiệu sức khỏe bất ổn dồn dập gần đây của bà. Ngày 6/9, bà Hillary phải ngừng bài phát biểu trước cử tri thành phố Cleveland, bang Ohio vì cơn ho bất thường kéo dài suốt bốn phút. Có lẽ đã đến thời điểm ê kíp hỗ trợ chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton phải cung cấp thông tin thuyết phục, sáng tỏ hơn.
Chưa bao giờ các hãng truyền thông muốn công khai hồ sơ sức khỏe-y tế (vốn thuộc quyền riêng tư cá nhân) của bà Hillary như lúc này. True Pundit là đơn vị truyền thông đầu tiên ngỏ ý mua hồ sơ cá nhân này của bà Hillary với giá 20.000 USD, sau đó nâng lên 50.000 USD và đợt ngã giá gần nhất đã lên đến mộ t triệu USD.
Ngay từ khi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa chốt ứng viên đại diện cho mình, dư luận đã đặt câu hỏi về sức khỏe củ a hai ứng cử viên lớn tuổi Hillary Clinton (68 tuổi) và Donald Trump (70 tuổi). Ông Trump chưa từng mạnh miệng cho rằng cả ông và bà Hillary cần công khai thông tin sức khỏe cho đến khi có quá nhiều dấu hiệu bất ổn về sức khỏe của bà Hillary bị truyền thông phát hiện. Có lẽ đây chính là cơ hội ông Trump hằng mong đợi, để đẩy đối thủ vào thế khó.
Nhưng, bản thân ông có gì để tự tin? Hồi cuối tháng Tám, Harold Bornstein, bác sĩ riêng của ông Donald Trump đã chỉ mất… năm phút để hoàn thành phần đánh giá sức khỏe cực tốt cho thân chủ đã gắn bó 35 năm của mình. Chuyện tưởng đùa mà thật. Nhiều nhà phân tích nhận định, tờ giấy ấy không thể “lòe” được ai vì không khách quan, cũng không tuân thủ bất kỳ quy trình kiểm tra nào.
Tờ New York Times chỉ ra, việc công bố toàn bộ vấn đề sức khỏe của cả ông Donald Trump lẫn bà Hillary Clinton là chuyện không tưởng. Bản thân ông Trump chỉ theo một bác sĩ duy nhất luôn sẵn sàng bảo vệ ông. Bà Hillary thì từng sống ở nhiều bang và được nhiều bác sĩ chăm sóc sức khỏe. Vì thế, hồ sơ sức khỏe của bà rải rác nhiều nơi, việc yêu cầu có một tập tài liệu đầy đủ là không thể.
Dõi theo con đường chính trị của bà Hillary, những ai quan tâm đến nữ chính trị gia này đều nhận ra bà luôn đặt mục tiêu chính trị lên trên trở ngại sức khỏe. Tháng 12/2012, vài ngày trước phiên điều trần Quốc hội Mỹ về cuộc tấn công khủng bố tại Benghazi, bà Hillary bị chấn động não sau khi bị mất nước và ngất xỉu.
Khi đó, không ít thành viên đảng Cộng hòa mỉa mai bà giả bệnh để tránh phiên điều trần. Tháng 5/2014, chiến lược gia đảng Cộng hòa Karl Rove đăng đàn cho rằng ở thời điểm năm 2012, bà Hillary bị chấn thương não. Tháng 7/2015, bác sĩ lâu năm của bà Clinton, Lisa Bardack khẳng định, các cuộc kiểm tra năm 2013 cho thấy bà đã hoàn toàn bình phục.
Bất luận thế nào, sức khỏe của người lãnh đạo đất nước là điều cần được công khai. Đó không còn là vấn đề cá nhân mà là mối quan tâm của cả đất nước. Dù đã ở năm cuối cùng của nhiệm kỳ thứ hai nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn công bố kết quả kiểm tra sức khỏe định kỳ để người dân yên tâm. Những năm gần đây, thế giới chứng kiến không ít chính trị gia, dù mang trọng bệnh nhưng vẫn kiên cường chống chọi với bệnh tật, phục vụ đất nước.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long là một trong số đó. Đầu tháng này, ông xuất hiện trên một kênh truyền hình, khẳng định mình vẫn ổn sau khi bị choáng trong lúc đọc thông điệp Quốc khánh. Sức khỏe của ông Lý Hiển Long là đề tài rất được quan tâm vì ông có hồ sơ bệnh án trắc trở gắn liền với sự nghiệp chính trị. Năm 2015, ông Lý Hiển Long phải trải qua ca phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt. Trước đó, năm 1992, khi còn giữ chức phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Thương mại và công nghiệp, ông bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư hạch bạch huyết, sau đó đã hóa trị thành công.
Ở giai đoạn khó khăn nhất, ông vẫn giữ thái độ bình tĩnh, dẫn đầu phái đoàn công du Nhật rồi âm thầm sang Mỹ chữa bệnh. Sau chuyến đi này, Thủ tướng Singapore đương thời là Ngô Tác Đống đã thông báo về tình hình sức khỏe của ông Lý Hiển Long, đồng thời tạo điều kiện cho ông chữa bệnh. Đề tài sức khỏe của ông Lý hiện là mối quan tâm hàng đầu của người dân Singapore, bởi ông luôn được tin tưởng là vị “thuyền trưởng” vững tay chèo trong mọi hoàn cảnh.
Đặt công việc quốc gia lên trên sức khỏe của mình, cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã tận lực với đất nước đến giờ phút cuối cùng. Đối mặt với căn bệnh ung thư, ông Hugo Chavez vẫn giữ vững tinh thần, xông pha trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 và đắc cử nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Người dân chọn ông dù biết ông đang phải chiến đấu với bệnh tật trong hoàn cảnh khắc nghiệt vì họ tin tưởng vào người dám đặt quốc gia lên trên sinh mạng của mình. Đầu năm 2013, sau hai tháng chữa trị ở Cuba, cuối cùng ông Hugo Chavez đã không thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Người dân luôn trông chờ vào một chính trị gia toàn tâm toàn ý cùng họ đương đầu với mọi thách thức. Vì thế, sự minh bạch, đơn cử như tình trạng sức khỏe cá nhân, là việc làm cần thiết của các chính trị gia.
Thiên Như
(Theo CBS, NY Times, Washington Post, ABC, True Pundit)