Những bức ảnh xưa “trở về”

09/11/2023 - 06:56

PNO - Cùng với những ghi chép về Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhiều hình ảnh tư liệu trong các bản sách đã góp phần làm đầy thêm hình dung về đất nước giai đoạn này. Hầu hết hình ảnh/minh họa đều do người Pháp thực hiện.

Mỗi bức ảnh, một câu chuyện

Trang bìa báo The Illustrated London News, số 1226 (ra ngày 10/10/1863) là hình ảnh Sứ bộ Đại Nam tại Paris, gồm: Hiệp biện Đại học sĩ - Chánh sứ Phan Thanh Giản, Lại bộ Tả tham tri - Phó sứ Phạm Phú Thứ và Án sát Quảng Nam - Bồi sứ Ngụy Khắc Đản. Bức ảnh được tác giả Nguyễn Quang Diệu tìm thấy từ nguồn The British Newspaper Archive và cho in trong cuốn Khắc họa bức tranh lịch sử Nam Kỳ (Omega Plus và Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ấn hành, ra mắt vào tháng 10/2023). Bức ảnh thứ hai của đoàn sứ bộ được chụp và in trên báo Le Monde Illustré ngày 5/9/1863.

Nhiều tranh ảnh/minh họa quý  trong các tác phẩm ghi chép về Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX
Nhiều tranh ảnh/minh họa quý trong các tác phẩm ghi chép về Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX

Trong bản sách này cũng có bức tranh chân dung Phan Thanh Giản do Paul Sarrut (1882-1969) vẽ, được lưu trữ tại Bảo tàng Quai Branly cùng 2 tranh khắc Lễ đón tiếp Sứ bộ Đại Nam tại Toulon và Pháp hoàng Napoléon đệ tam đón tiếp sứ bộ tại điện Tuilerie. Các ảnh đều được đăng trên báo Pháp thời điểm ấy và hiện được lưu giữ tại các thư viện Pháp. Những hình ảnh tư liệu quý giá, minh họa sống động và góp phần kể cho hậu thế về giai đoạn nguy nan của Đại Nam lúc bấy giờ. 

Đoàn sứ bộ lên đường sang Pháp từ Sài Gòn (tháng 6/1863) với nhiệm vụ “chuộc đất” mà vua Tự Đức giao phó. Chuyến đi sửa sai cho Hòa ước Nhâm Tuất mà Phan Thanh Giản đã đặt bút ký vào ngày 5/6/1862, đồng ý nhượng 3 tỉnh miền Đông và Côn Đảo cho Pháp. Hình ảnh cho thấy đoàn sứ bộ được đón tiếp long trọng, kết quả đàm phán tại Paris là Pháp đồng ý trả đất cho Đại Nam, với Hòa ước Aubaret. Tuy nhiên, nội dung bản hòa ước này sau đó đã bị Pháp hủy bỏ.

Trong Khắc họa bức tranh lịch sử Nam Kỳ, tác giả Nguyễn Quang Diệu kỳ công tìm kiếm, đưa vào sách nhiều hình ảnh tư liệu lần đầu tiên được công bố. Trong đó có hình ảnh liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng, quân Đại Nam nhốt tù binh Pháp trong cũi tre “đưa đi quanh các làng ở Đà Nẵng để khơi dậy tinh thần đánh giặc trong dân chúng”; quân viễn chinh tấn công đồn Biên Hòa, tàu chiến trên sông Sài Gòn, chợ Nam Kỳ, tầng lớp thượng lưu lẫn người nghèo và trẻ em ở Sài Gòn…

Những hình ảnh tư liệu quý giá góp phần làm nên giá trị đặc biệt cho Khắc họa bức tranh lịch sử Nam Kỳ. Bạn đọc còn có thể tìm thấy từ sách nhiều tranh khắc/hình họa về các cuộc đàm phán giữa triều đình nhà Nguyễn và thực dân Pháp, các trận đánh chiếm của liên quân Pháp - Tây Ban Nha, trận đánh vào đại đồn Chí Hòa, cảnh vua Hàm Nghi bị bắt…

Văn hóa nhìn từ ảnh xưa

Theo tác giả Nguyễn Quang Diệu, phần lớn tranh/ảnh quan trọng về Việt Nam xưa được lưu giữ trên sách/báo Pháp ngữ, như tuần san Le Monde Illustré, L’illustration, Le tour de monde… “Thời ấy, báo chí cũng chưa thể in tranh ảnh trực tiếp, mà phải thông qua một công đoạn trung gian là khắc in, nhờ vào đôi tay của những thợ khắc chuyên nghiệp. Có tranh được khắc trực tiếp từ 1 hoặc nhiều bản phác thảo. Có trường hợp từ bản phác thảo ban đầu, thợ vẽ sẽ vẽ thành bản hoàn chỉnh, thợ khắc làm việc dựa trên bản vẽ này. Cũng có trường hợp tranh được khắc theo ảnh chụp…” - anh cho biết.

 

Người Pháp đi khai hóa thuộc địa, đồng thời truyền bá tư tưởng - văn minh phương Tây, trong đó báo chí và kỹ thuật in ấn được đưa sớm nhất vào Nam Kỳ. Tuy vậy, trên báo chí Quốc ngữ cuối thế kỷ XIX, không có hình ảnh/tranh khắc minh họa. Theo sách Báo Quấc ngữ ở Sài Gòn cuối thế kỷ 19 (Trần Nhật Vy, Nhà xuất bản Trẻ, 2015), minh họa đầu tiên xuất hiện trên báo chí Quốc ngữ là bức tranh vẽ chân dung Trương Vĩnh Ký in trên tờ Nam Kỳ (hay còn gọi là Nam Kỳ nhựt trình, số 46, ra ngày 8/9/1898). Đăng cổ tùng báo (năm 1907) thường xuyên đăng mục rao vặt tìm họa sĩ tham gia vẽ bìa cho tờ báo này. Những bức ảnh được đăng tải sớm nhất trên báo chí Quốc ngữ đầu thế kỷ XX được tìm thấy ở Nam Phong tạp chí, gồm các ảnh chụp tại Pháp (trong chuyến đi Pháp của Phạm Quỳnh vào năm 1922) cùng một số ảnh miền Trung, miền Bắc dùng minh họa cho các bài du ký. Thập niên 1920-1930, minh họa trên các báo chủ yếu vẫn là tranh vẽ, dùng cho quảng cáo. Giai đoạn này vẫn còn nhiều báo không có tranh, ảnh minh họa. 

“Đường về” của những bức ảnh/tranh khắc xưa từ nguồn tư liệu Pháp ngữ đã bổ sung vào khoảng trống hình ảnh/minh họa trên báo chí Quốc ngữ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Trong tác phẩm Hành trình thám hiểm Đông Dương (giai đoạn 1866-1868) của đại úy hải quân Francis Garnier có 309 hình khắc và phụ bản ảnh, dựa theo tranh vẽ của họa sĩ L. Delaporte. Một chiến dịch ở Bắc Kỳ của bác sĩ quân y Charles-Édouard Hocquard cung cấp hình ảnh về phong cảnh, tập tục… của người dân An Nam (giai đoạn 1883-1886). Những hình ảnh Alexandre Yersin chụp (in trong tập sách ghi chép Những chuyến du hành qua xứ Thượng ở Đông Dương) cho thấy lối sống - văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 1890-1894. Và Khắc họa bức tranh lịch sử Nam Kỳ của Nguyễn Quang Diệu đã lưu giữ tranh ảnh/minh họa theo tiến trình lịch sử từ những năm đầu thế kỷ XIX cho đến những năm thập niên 1930…

Nguồn sách từ tư liệu Pháp ngữ đã và đang được các đơn vị làm sách chuyển ngữ và phát hành. Sự thiếu vắng cũng như xuất hiện tranh ảnh minh họa trên báo Quốc ngữ và báo Pháp, Hoa ngữ còn cho thấy tiến trình phát triển của kỹ thuật in ấn, mỹ thuật và nhiếp ảnh trong bối cảnh đặc biệt của đất nước lúc bấy giờ. 

Diệp Nguyễn

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI