Những bức ảnh thay đổi số phận

02/02/2015 - 19:34

PNO - PN - Tình cờ lọt vào ống kính của các nhiếp ảnh gia, có những cuộc đời bất hạnh đã thay đổi được số phận. Nghệ thuật ánh sáng đôi khi không chỉ là cái đẹp mà còn mang giá trị nhân văn…

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhung buc anh thay doi so phan

Bé Tạ Yên Nghiệp đã thay đổi được số phận nhờ bức ảnh Đằng sau nụ cười của nhiếp ảnh gia Trần Trọng Lượm

Tìm lại nụ cười

Lần đầu tiên trong suốt tuổi thơ dài, cậu bé Tạ Yên Nghiệp (10 tuổi, người dân tộc Raglai, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) có được nụ cười tự tin với bạn bè cùng trang lứa. Đó là vì em vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) phẫu thuật vá hàm ếch. Phép màu đến từ bức ảnh Đằng sau nụ cười của nhiếp ảnh gia Trần Trọng Lượm - hội viên Hội Nhiếp ảnh Ninh Thuận ghi lại trong dịp anh công tác tại vùng núi Ninh Sơn. Tác phẩm cũng vừa được trao giải đặc biệt Cuộc thi ảnh nghệ thuật VnExpress 2014 diễn ra vào cuối năm qua. Đằng sau nụ cười có sức lay động mãnh liệt, nụ cười “hở hàm ếch” hồn nhiên của Tạ Yên Nghiệp đã vượt ra khỏi khuôn khổ một cuộc thi ảnh, mang theo sức mạnh của sự chia sẻ và tình yêu thương. Nhiều cá nhân, tổ chức đã cùng hỗ trợ để bé được tìm lại nụ cười.

Mẹ bé - chị Tạ Thị Yên Bương xem đó là điều kỳ diệu nhất trong cuộc đời chị. Tạ Yên Nghiệp sinh ra không lành lặn, dị tật môi khiến em không thể ăn uống bình thường, đi học bị bạn bè cười chê, hiếp đáp. Gia cảnh lại nghèo khó nên đâu dám nghĩ đến việc đưa con vào TP.HCM chữa trị. Nhiếp ảnh gia Trần Trọng Lượm nói, anh chụp bé trong một dịp tình cờ và sự tình cờ đó đã giúp thay đổi số phận của Tạ Yên Nghiệp.

Đây không phải là lần đầu tiên một bức ảnh làm thay đổi số phận nhân vật. Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong cũng đã mang đến niềm vui cho rất nhiều cảnh đời với các dự án ảnh Những nẻo đường tuổi thơ, Gánh, Vượt qua bóng tối. “Vừa rồi khi tôi công bố bức ảnh bé Trần Thị Thanh Hiếu, bị khuyết tật đa tật, bé cũng đã được một tổ chức phi lợi nhuận vì trẻ em chăm sóc đặc biệt. Các nhân vật của tôi đều là trẻ đánh giày, trẻ lăn lóc mưu sinh ngoài bãi rác, những cảnh đời bất hạnh… Tôi muốn đưa các em vào những dự án ảnh của mình cũng là vì muốn số phận các em được thay đổi phần nào” - nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong bộc bạch.

Nhung buc anh thay doi so phan

Hình ảnh trẻ em khiếm thị trong dự án Vượt qua bóng tối có sức lan tỏa trong và ngoài nước

Yêu thương ở lại

Vừa qua, mạng xã hội lan truyền bức ảnh nhóm CSGT đi tuần tra đã dừng lại trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai mua hết số ốc giùm bà cụ ngồi ven đường giữa nắng trưa. Câu chuyện đẹp và hình ảnh cảm động này đã thu hút hàng trăm ngàn lượt thích, bình luận và chia sẻ. Trước đó, bức ảnh cụ ông bán những món trái cây đã quắt queo ở Q.Thủ Đức mong kiếm chút tiền nuôi cả gia đình hay người mẹ già nua 76 tuổi mỗi ngày ngâm mình trong nước mò ốc để bán kiếm tiền ở huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa), đăng trên báo cũng có sức lan tỏa lớn. Rất nhiều người đã chuyển tiền, quà ủng hộ.

Nhung buc anh thay doi so phan

Bé Trần Thị Thanh Hiếu, khuyết tật đa tật đã nhận được sự hỗ trợ chăm sóc đặc biệt sau khi xuất hiện trong dự án ảnh Vượt qua bóng tối của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong
 

“Nhiệm vụ của nhiếp ảnh gia là ghi nhận lại khoảnh khắc. Tác phẩm có được sức lan tỏa và số phận nhân vật thay đổi tích cực, nhận được những yêu thương san sẻ từ cộng đồng đó thật sự là hạnh phúc của người cầm máy” - nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong khẳng định. Giá trị của những tác phẩm ảnh vẫn thường được quy chiếu bằng những giải thưởng trong và ngoài nước, nhưng sự lan tỏa của những câu chuyện đằng sau bức ảnh mới là điều còn ở lại lâu bền nhất. Cho đến bây giờ, nhắc đến những tác phẩm ảnh có sức rung động mãnh liệt không ai có thể quên bộ ảnh Họ đã sống như thế! của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á. 90 bức ảnh là ngần ấy câu chuyện, bài học sâu sắc về nghị lực sống. Thời ấy, ai cũng nói Nguyễn Á “điên” khi anh bỏ tiền túi hàng trăm triệu, một mình lăn xả đi tìm những cảnh đời bất hạnh suốt chiều dài đất nước. Nhưng lối đi riêng thao thức vì những giá trị nhân văn này đã cho bộ ảnh Họ đã sống như thế! có sức sống vượt thời gian.

Khi bắt kịp những khoảnh khắc đắt giá về thân phận con người, tác phẩm ảnh luôn có sức mạnh lan tỏa những giá trị sống, để lại thông điệp yêu thương, bài học về nghị lực sống mà hơn hết là có thể cứu rỗi thân phận một con người. Nói như nhiếp ảnh gia Nguyễn Á thì đó mới chính là giá trị đích thực của nghệ thuật ánh sáng.

 TIỂU QUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI