Những bóng hồng tình nguyện khoác màu áo lính

11/02/2025 - 06:06

PNO - Trong hơn 4.000 thanh niên lên đường nhập ngũ năm 2025 tại TPHCM, có cả những bóng hồng tình nguyện. Tự hào với truyền thống gia đình, những cô gái trẻ đã tình nguyện nhập ngũ với ước nguyện được rèn luyện và phục vụ trong quân đội.

Tiếp nối truyền thống gia đình

Sắp xếp hành lý chuẩn bị cho chuyến đi kéo dài 2 năm, Đỗ Phương Trang - 24 tuổi, ngụ quận 5 - đặt vào ba lô những vật dụng cứu thương cơ bản và vài cuốn sách. Cô gái trẻ cho biết, vì hay bị thương vặt và cũng đã quen tự xử lý nên em biết những thứ cần thiết cho mình trong hành trình sắp tới.

Giống như thói quen khi ở nhà, cô gái dự định sẽ dành những khoảng thời gian rảnh rỗi ở đơn vị để đọc sách, nâng cao sự hiểu biết và làm giàu tâm hồn. Trang là một trong những cô gái trẻ nộp đơn tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự năm nay mặc dù gia đình định hướng em trở thành một công chức nhà nước.

Bà Trần Thị Phương Hoa (bìa phải) - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - trò chuyện với những nữ thanh niên  tình nguyện nhập ngũ: Nguyễn Phương Huyền, Tạ Đặng Hồng Sang, Đỗ Phương Trang (từ trái sang)  tại cuộc họp mặt do Hội LHPN TPHCM tổ chức ngày 6/2 - ẢNH: THU LÊ
Bà Trần Thị Phương Hoa (bìa phải) - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - trò chuyện với những nữ thanh niên tình nguyện nhập ngũ: Nguyễn Phương Huyền, Tạ Đặng Hồng Sang, Đỗ Phương Trang (từ trái sang) tại cuộc họp mặt do Hội LHPN TPHCM tổ chức ngày 6/2 - Ảnh: Thu Lê

Với Trang, học kỳ quân sự năm nhất ở trường đại học chính là “bước nhảy” đưa cô đến quyết định trên. Cô đã có rất nhiều cảm xúc khi được thầy cho xem các đoạn phim về quân đội Việt Nam, về huấn luyện đặc công. Sau học kỳ quân sự, cô đã tìm xem rất nhiều thước phim về quân đội nhân dân Việt Nam và câu hỏi đọng lại là: tại sao mình không tình nguyện đi bộ đội? Câu hỏi đó khiến Trang chú ý hơn đến những đợt tuyển quân ở địa phương và nhận thấy rất hiếm khi có nữ thanh niên tham gia. Trang nuôi hy vọng một ngày nào đó sẽ được khoác lên mình màu áo lính.

Và cũng theo cô gái trẻ, có một “dòng máu lính” vẫn âm thầm chảy bên trong người mình, bởi đó là truyền thống gia đình. Bà nội Trang từng là đại úy, công tác tại bệnh viện quân y. Ông bà ngoại đều có Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, hạng Nhì.

Trang nhớ lại: “Hồi còn sống, ông luôn tự hào kể về thời kháng chiến. Đó là quãng thời gian tù đày khổ ải. Ông dạy phải cố gắng, làm gì cũng phải góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước. Nếu giờ ông còn sống, ông sẽ rất tự hào với quyết định của em”.

Ngày 15/2 sắp tới, Nguyễn Phương Huyền - 22 tuổi, quận 12 - sẽ nhận tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi ngành kinh doanh quốc tế. Trong khi đó, theo kế hoạch, ngày 13/2, TPHCM sẽ diễn ra hoạt động giao nhận quân và Huyền phải có mặt ở đơn vị được phân công. Như vậy, nhiều khả năng cô sẽ bỏ lỡ sự kiện đặc biệt của quãng đời sinh viên.

Huyền chia sẻ, những ngày này cảm xúc của em rất khó tả. Hình dung đến ngày khoác lên mình màu áo lính, em cảm thấy ước mơ của mình đã thành hiện thực. Từ nhỏ, nhiều lần được theo mẹ (là một quản quân tại Trường Quân sự Quân khu 7) đến đơn vị, Huyền rất thích hình ảnh các nữ quân nhân trong bộ quân phục quân đội nhân dân Việt Nam.

Không chỉ mẹ công tác trong quân đội, ba Huyền cũng là cán bộ quân đội đã về hưu. Lớn lên, được xem nhiều hơn những thước phim về bộ đội, Huyền vô cùng tự hào về ba mẹ và càng muốn trở thành bộ đội. Tốt nghiệp đại học ngay trước đợt tuyển quân vài tháng, Huyền đã quyết định nộp đơn xin nhập ngũ với mong muốn nối bước ba mẹ, trở thành một quân nhân.

Giống như Phương Huyền, Phạm Thị Việt Hà - 23 tuổi, quận Tân Bình - cũng sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống với người cha đã có hơn 30 năm công tác trong quân đội. Từ nhỏ, Hà nhiều lần đến đơn vị của ba, tham gia các hoạt động giao lưu và lắng nghe những câu chuyện, công việc có ý nghĩa. Những trải nghiệm đó đã nuôi dưỡng tình yêu áo lính trong cô, để rồi cô có ước mơ tiếp nối con đường ba đã đi.

Hà chia sẻ: “Em đã ấp ủ ước mơ phục vụ trong quân đội từ lâu. Tốt nghiệp phổ thông xong, em từng có ý định đăng ký thi vào trường sĩ quan, nhưng khi ấy chưa đủ tự tin. Giờ đây, sau quá trình rèn luyện, trau dồi kiến thức, nâng cao thể lực và luôn giữ tinh thần gương mẫu, kỷ luật, em cảm thấy đã chín muồi để thực hiện hoài bão của mình. Vì vậy, em tình nguyện tham gia và may mắn trúng tuyển”.

Theo thông tin từ gia đình, Hà sẽ đóng quân tại Trường T700 (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) - một ngôi trường chuyên đào tạo trinh sát - đúng với nguyện vọng mà em mong ước. Hà tâm sự: “Nhiều người nói nữ giới sẽ gặp rất nhiều khó khăn, từ điều kiện thời tiết khắc nghiệt đến môi trường huấn luyện khắt khe. Nhưng nhiều người làm được, em tin rằng mình cũng sẽ làm được. Khó khăn, vất vả là điều tất yếu, nhưng em sẽ đón nhận và nỗ lực hết mình”.

Nữ tân binh Phạm Thị Việt Hà (thứ ba từ trái sang) đã sẵn sàng hành trang lên đường nhập ngũ - ẢNH: NGỌC TRĂM
Nữ tân binh Phạm Thị Việt Hà (thứ ba từ trái sang) đã sẵn sàng hành trang lên đường nhập ngũ - Ảnh: Ngọc Trăm

Cố gắng rèn luyện để thích nghi

Trong số các nữ tân binh lên đường nhập ngũ đợt này còn có Tạ Đặng Hồng Sang - 26 tuổi, quận Bình Thạnh. Dù đã tốt nghiệp cử nhân ngành dược học, nhưng từ khi ra trường, Sang lại đăng ký tham gia lực lượng dân quân địa phương. 2 năm qua, Sang vẫn chưa hết cảm giác “trông mình ngầu và mạnh mẽ hơn trong màu áo lính”. Quyết định nộp đơn xin nhập ngũ của Sang đến từ khát khao được rèn luyện trong môi trường kỷ luật. Hơn nữa, Sang cũng muốn khẳng định rằng, điều gì con trai làm được thì con gái cũng làm được, chỉ cần ước mơ đủ lớn.

Là chị lớn trong gia đình có 2 chị em với ba làm tài xế và mẹ là nội trợ, nhưng khi Hồng Sang bày tỏ ý định muốn nhập ngũ thì ba mẹ đều ủng hộ hết lòng. Tình yêu thương, sự ủng hộ của gia đình là hành trang em mang theo trong những ngày sắp tới.

Về phía những bà mẹ, trước ước nguyện nhập ngũ của con gái, dù biết con sẽ phải chịu nhiều vất vả nhưng họ đều hết mình ủng hộ. Để con yên tâm lên đường, những ngày qua, chị Trần Thị Kim Phượng - mẹ của Đỗ Phương Trang - cố giấu nỗi buồn trong lòng. Chị cho biết, chồng đi công tác xa nhiều năm nay nên nhà chỉ có 3 mẹ con. Vậy mà cả Trang và em trai đều có ước nguyện màu áo lính.

Trước tết, em trai Trang đã xin đi dân quân và theo kế hoạch, năm sau cũng sẽ lên đường nhập ngũ, nên tới đây nhà chỉ còn mình chị ra vào. Dù làm mẹ và thay chồng làm ba, nhưng những suy nghĩ chững chạc của Trang giúp chị Phượng như có thêm người bạn để chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn. Bởi thế, nghĩ về những ngày sắp tới, chị thấy vô cùng trống trải.

Chị Phượng tâm sự, Trang có sức khỏe bẩm sinh không được tốt. Vậy mà từ khi ấp ủ dự định vào quân đội, Trang đã thuyết phục ba mẹ bằng cách nỗ lực tập luyện thể lực mỗi ngày. Đây là lần đầu tiên Trang xa gia đình, lại đi lâu như vậy, bắt đầu cuộc sống mới với kỷ luật nghiêm ngặt, nên chị cũng lo.

Với tấm bằng đại học ngành biên kịch điện ảnh truyền hình, sau khi nộp đơn tình nguyện nhập ngũ, Trang có khoảng 6 tháng là thành viên của đội ngũ chương trình truyền hình Như chưa hề có cuộc chia ly. Tham gia chương trình, cô gái trẻ đã đi nhiều nơi để tìm người thân thất lạc của các nhân vật trong chương trình, nên thể lực được cải thiện rất nhiều.

Nữ tân binh Nguyễn Phương Huyền cũng ý thức được sự khác biệt của môi trường quân ngũ. Để dễ hòa nhập vào môi trường đó, mấy tháng nay Huyền cố gắng triệt tiêu sở thích “ngủ nướng”, thói quen ăn uống rề rà và thay vào đó là tập thức dậy đúng giờ, thao tác mọi việc nhanh gọn và luyện tập thể dục thể thao mỗi sáng.

Cô gái phấn khởi khi hình dung về một phiên bản mới của mình sau 2 năm trong quân ngũ: “Cuộc sống có ba mẹ và chị gái bên cạnh khiến em hơi ỷ lại. Nhưng em nghĩ mình sẽ trưởng thành, suy nghĩ chín chắn và tự lập. Em tin mình sẽ được mở mang và học được nhiều kỹ năng từ môi trường quân ngũ”.

Thu Lê - Ngọc Trăm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI