Những bóng hồng thắp đèn gieo chữ nơi thâm sơn cùng cốc xứ Nghệ

03/02/2019 - 06:00

PNO - Đêm đến, tiếng ê a tập đánh vần, tiếng cười đùa của lũ trẻ ở nơi thâm sơn cùng cốc lại vang khắp bản làng, xé tan sự yên ắng của núi rừng, dù ánh sáng vẫn còn chập chờn, do chưa có điện lưới.

Cà Moong, một bản thuộc diện khó khăn, thiếu thốn nhất ở vùng núi cao huyện Tương Dương (Nghệ An), với 100% bà con là người đồng bào Khơ Mú, nằm sâu trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Từ điểm trường chính, 5 thầy cô giáo ở điểm trường Cà Moong (Trường Tiểu học Lượng Minh), phải băng hơn 50km cả đường bộ lẫn đường thủy, qua những cung đường uốn lượn trên sườn núi, với một bên là vực sâu hun hút, bên là vách đá dựng cao.

Nhung bong hong thap den gieo chu noi tham son cung coc xu Nghe
Đêm đến, những đứa trẻ lại í ới gọi nhau mang đèn đi học phụ đạo

“Đường núi giờ không đi được đâu. Mưa thế này, xe lên đỉnh núi vứt lại rồi đi bộ thôi”, nữ giáo viên 26 tuổi - Lương Thị Vân nói. Cô cho hay, mùa này, để vào được Cà Moong, người dân chỉ có cách đi thuyền ngược lòng hồ Bản Vẽ, rồi tiếp tục leo bộ chừng 5km đường rừng. Chính vì thế, nơi đây được xem như là nơi thâm sơn cùng cốc của xứ Nghệ.

Vội vàng chuẩn bị đèn sau bữa cơm tối, để chuẩn bị giờ lên lớp, Vân cho hay, các em học sinh nơi đây không sõi tiếng Kinh, nên việc tiếp thu chậm. Bởi thế, các thầy cô ở điểm trường này đã cắt cử nhau mở lớp dạy thêm cho học sinh vào ban đêm. Đều đặn mỗi tuần 3 tối, khi những ánh đèn dầu được thắp sáng, cũng là lúc những tiếng ê a, cười đùa của lũ trẻ lại vang khắp bản làng, xé tan sự vắng lặng của núi rừng.

Nhung bong hong thap den gieo chu noi tham son cung coc xu Nghe
Những lớp học đêm vẫn đều đặn tuần 3 buổi, dù thiếu thốn đủ đường

Không có điện, các thầy cô ở Cà Moong cặm cụi làm hàng chục ngọn đèn dầu tự chế. Đó là những lon nước ngọt được tận dụng, đổ dầu hỏa vào, quấn vải làm bấc, thắp lên - đủ sáng cho thầy trò cùng sinh hoạt, từ 7 giờ đến 8 giờ rưỡi tối. Để đảm bảo ánh sáng tốt hơn cho học trò, các thầy cô lại gom tiền mua đèn tích điện về phục vụ dạy học.

“Các em còn rất hạn chế về tiếng Việt, nên tiếp nhận kiến thức chậm. Ở lớp phụ đạo này, các thầy cô chủ yếu kèm cặp để các em tăng cường tiếng Việt, tăng sự tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp, giúp các em nắm được kiến thức nếu như trên lớp chưa tiếp thu kịp”, cô Vân nói. Để truyền đạt được kiến thức cho các học sinh lớp 1 do mình phụ trách, cô Vân phải học thêm tiếng Khơ Mú để giao tiếp và dạy các em.

Nhung bong hong thap den gieo chu noi tham son cung coc xu Nghe
Khó khăn là vậy, song nữ giáo viên nơi đây vẫn nhiệt huyết truyền con chữ, khi thấy học trò chăm ngoan

Điểm trường Cà Moong có 5 giáo viên (1 thầy, 4 cô). Thầy giáo nhiều tuổi nhất là 36, còn lại đều rất trẻ - lứa tuổi đôi mươi vừa mới ra trường, chưa có gia đình. Cuộc sống tách biệt, không điện lưới, không internet, sóng điện thoại thì “ở tít trên ngọn cây” là thử thách lớn với các thầy cô giáo trẻ nơi đây. Cuộc sống thiếu thốn đủ bề, nhưng 5 giáo viên tại Cà Moong vẫn không một lời than vãn, mà luôn nỗ lực hết mình, cùng cố gắng đưa con chữ đến lũ trẻ vùng cao.

Hơn 1 năm cắm bản dạy học ở nơi thâm sơn cùng cốc này, Vi Thị Hồng Vân (27 tuổi) nói: “Cái khó nhất là thiếu điện”. Khi kể chuyện công tác ở điểm trường này với gia đình, nhiều người thân vẫn cho rằng các cô đùa, vì “dạy học ở bản giữa, hai đầu là hai nhà máy thủy điện, mà không có điện”.

Nhung bong hong thap den gieo chu noi tham son cung coc xu Nghe
Đèn tích điện là nguồn sáng chủ yếu để dạy học, nên giáo viên thường phải tranh thủ soạn giáo án vào ban ngày

Với những bóng hồng cắm bản này, có điện, học sinh sẽ được học đầy đủ hơn. Ở tuổi đời mới đôi mươi, song các cô giáo chỉ mang quần áo đủ ấm và gọn nhẹ nhất, không biết chăm sóc sắc đẹp thế nào giữa nơi thâm sơn cùng cốc, bởi “diện cho ai nhìn đâu. Hết dạy học thì loay hoay với bọn trẻ hoặc các cô ngồi tâm sự với nhau thôi”.

Nhớ gia đình, nhưng giữa nơi rừng núi hoang vu, sóng điện thoại chập chờn, việc liên hệ với bạn bè, người thân là điều không dễ đối với những nữ giáo viên nơi đây. Nghe tin người thân ốm, cô Vân vội cầm chiếc điện thoại, đi vòng quanh trước sân trường dò sóng, cố liên lạc về nhà hỏi thăm. Thế nhưng, chỉ vừa nói vài câu chưa rõ đầu đuôi, tiếng nói ở phía bên kia lại bị ngắt, thay vào đó là những tiếng tút tút…

Nhung bong hong thap den gieo chu noi tham son cung coc xu Nghe
Cách biệt với khu dân cư, những nữ giáo viên nơi "ốc đảo" này còn chăm chỉ sản xuất thêm thực phẩm, rau màu để sử dụng

“Vào đây dạy học thì coi như cắt đứt mọi thông tin với thế giới bên ngoài thôi. Cứ đầu tuần vào, đến cuối tuần, nếu thời tiết đẹp thì ra thăm gia đình, tiện thể cập nhật tin tức luôn”, nữ giáo viên 27 tuổi cười nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI