Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024)

Những bóng hồng làng Sen kể chuyện Bác Hồ

19/05/2024 - 05:36

PNO - Giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm và đậm chất Nghệ của những thuyết minh viên đã phần nào giúp du khách trong và ngoài nước hiểu rõ về thời thơ ấu giản dị, thanh bần của Bác Hồ khi về thăm quê Người.

Giúp du khách hiểu về Bác từ những hiện vật

Tháng Năm, kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Bác, khu di tích Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) nhộn nhịp bởi dòng người từ khắp nơi đổ về. Thấp thoáng dưới mái nhà tranh, bên hồ sen thơm ngát, những nữ thuyết minh viên trong tà áo dài màu hồng cánh sen đang thay mặt gia đình Bác tiếp chuyện du khách bằng giọng xứ Nghệ ngọt ngào.

Bao năm qua, giọng nói của họ lúc ngân như hát, lúc nhẹ như thở, lúc nghẹn lại như nuốt nước mắt vào trong… đã mang lại cho du khách bao xúc cảm.

Thuyết minh viên Phạm Thị Thanh Hương giúp các đoàn du khách sửa sang lại hoa để dâng lên Bác
Thuyết minh viên Phạm Thị Thanh Hương giúp các đoàn du khách sửa sang lại hoa để dâng lên Bác

“Thưa các anh chị, dưới mái tranh này, trên chiếc giường tre này, Bác Hồ của chúng ta đã cất tiếng khóc chào đời, sống 5 năm đầu tiên của đời mình. Cánh võng này mẹ từng ru Bác ngủ. Chiếc rương nhỏ này của bà ngoại tặng mẹ ngày lấy chồng…” - thuyết minh viên Phạm Thị Thanh Hương mở đầu bài giới thiệu của mình với đoàn du khách đến từ TPHCM.

Bằng chất giọng Nghệ đặc sệt, chị Hương từ từ giới thiệu về mảnh đất, ngôi nhà nơi Hồ Chủ tịch sinh ra cũng như cuộc đời đầy hiển hách của các thành viên trong gia đình Bác. Thuở thơ ấu của một vĩ nhân dần hiện ra một cách chân thực, sinh động, thu hút sự chăm chú lắng nghe của mọi người.

Dù không trực tiếp chứng kiến, song khi xem những kỷ vật gắn liền với tuổi thơ của Bác, nhiều cặp mắt thoáng chốc đỏ hoe. Theo chị Hương, mỗi hiện vật ở đây tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng đều mang hồn cốt riêng, là từng câu chuyện cụ thể gắn với Bác và người thân của Người.

Tùy từng đối tượng mà các thuyết minh viên sẽ chọn lựa câu chuyện, phương pháp truyền đạt, nhằm tái hiện chân thật nhất tuổi thơ, cốt cách, tâm hồn, đạo đức, lối sống của Bác.

Mỗi năm có hàng chục triệu lượt du khách về thăm quê Bác. Họ là các cựu chiến binh, các bà, các mẹ, các cháu nhỏ… thậm chí là cả những người đã từng đứng bên kia chiến tuyến.

Thuyết minh viên Trần Thị Thanh Thùy nói rằng, cũng chừng ấy mẩu chuyện về Bác, song họ vẫn luôn phải gắng luyện giọng mỗi ngày sao cho thật truyền cảm, đặc biệt là khả năng ứng biến với những đoàn khách khác nhau.

Mỗi đoàn một sắc thái, một cung bậc cảm xúc khác nhau đã để lại cho chị nhiều cảm xúc riêng. Song có lẽ tình cảm sâu đậm của các cựu chiến binh - những người lính cụ Hồ đã trải qua mưa bom, bão đạn, nay ngấn lệ dưới mái nhà đơn sơ, mộc mạc của Bác - vẫn là thứ cảm xúc khiến chị Thùy khó kìm nén xúc động nhất.

“Nhiều lúc nhìn các bác, các ông khóc khi nghe về tuổi thơ gian khó của Bác, mình cũng khựng lại đôi chút. Có lúc phải rất cố gắng để kìm nén xúc động thì mình mới có thể tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ được” - chị Thùy kể.

Các em học sinh chăm chú nghe nữ thuyết minh viên ở làng Sen kể chuyện về Bác
Các em học sinh chăm chú nghe nữ thuyết minh viên ở làng Sen kể chuyện về Bác

Nữ thuyết minh 25 tuổi bảo rằng, không hẳn phải nhìn thấy những giọt nước mắt, mà đôi lúc chỉ cần nhìn ánh mắt của du khách khi nghe chuyện về Bác là họ hiểu câu chuyện mình kể đã khơi dậy cảm xúc của người nghe hay chưa.

Ví mình như là chiếc “cầu nối” giúp du khách hiểu hơn về Bác, chị Thùy bảo rằng, khi du khách xúc động, tức là việc truyền tải thông tin của chị đã chạm được đến trái tim của người nghe.

“Cũng không hẳn là du khách phải rơi lệ, bởi đó chỉ là cảm xúc nhất thời của một số ít du khách mà thôi. Nhiều lúc thấy du khách tập trung quan sát, suy tư về các hiện vật mình đang kể thì mình biết câu chuyện đã thu hút du khách rồi” - chị Thùy nói.

Nghiêng đầu và mỉm cười tạm biệt một đoàn khách, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền nói rằng, 24 năm bén duyên với nghề thuyết minh viên ở quê Bác, với chị là điều may mắn và vinh dự trong cuộc đời.

Công việc đặc thù này giúp chị cảm nhận được tình cảm cao quý của người dân trong và ngoài nước đối với Bác nhiều đến thế nào. Chẳng nhớ mình đã tiếp bao nhiêu đoàn khách, song chị vẫn nhớ như in hình ảnh một đoàn du khách Mỹ đã đứng im lặng rất lâu trước bàn thờ trong ngôi nhà tranh của Bác.

“Có một du khách người Ấn Độ khi vào nhà Bác, mình mới chỉ nói đây là nơi Bác sinh ra thì họ đã bật khóc. Có thể trước khi đến đây, họ cũng đã biết sơ qua về Bác Hồ, nhưng họ không nghĩ Bác lại sinh ra trong một ngôi nhà đơn sơ như thế” - chị Huyền kể.

Nói về Bác với cả thế giới bằng giọng xứ Nghệ

Không khí lạnh trái mùa làm dịu bớt cái nắng bỏng rát ở vùng đất “gió Lào”, nhưng trên mặt các thuyết minh viên vẫn lấm tấm mồ hôi, vì họ phải đi, đứng và nói liên tục. Nhấp ngụm nước trong phút chờ đón khách, chị Huyền bảo, công việc này đến với chị như một cơ duyên.

Ngày còn nhỏ, phải có thành tích học tập thật sự xuất sắc chị mới được cha mẹ chở lên quê Bác tham quan như một phần thưởng. Và khi được nghe những câu chuyện về Bác Hồ, chị đã khóc vì xúc động.

Mãi đến năm 2000, chị Huyền mới có điều kiện trở lại làng Sen quê Bác để nghe các thuyết minh viên kể chuyện, nhưng là để “học nghề” hướng dẫn viên sau khi tốt nghiệp ngành du lịch. Nhưng rồi người phụ nữ 45 tuổi này lại say mê những câu chuyện về Bác lúc nào không hay.

Để trở thành người kể chuyện về Bác, chị Huyền cho biết không chỉ phải yêu nghề mà còn đòi hỏi có kiến thức lịch sử.

Ngoài ra, chị còn phải mất rất nhiều thời gian để học các kỹ năng như phong thái, biểu cảm, thuyết minh, giao tiếp… Đặc biệt là luyện giọng. Họ phải giữ nguyên giọng Nghệ nhưng sử dụng từ ngữ phổ thông và phải phát âm rõ chữ để du khách dễ hiểu, dễ đi vào lòng người.

Thuyết minh viên Nguyễn Thị Hải  đang kể cho du khách những câu chuyện về thời thơ ấu trong ngôi nhà tranh của Bác ở làng Sen
Thuyết minh viên Nguyễn Thị Hải đang kể cho du khách những câu chuyện về thời thơ ấu trong ngôi nhà tranh của Bác ở làng Sen

Đội ngũ thuyết minh viên khu di tích Kim Liên hiện có 18 người, có người mới vào nghề, song cũng có người đã gắn bó trên 30 năm. Bà Phan Thanh Quý - Phó phòng Tuyên truyền giáo dục, khu di tích Kim Liên - cho biết, để có thể đứng thuyết minh trước đông đảo du khách, các thuyết minh viên đều phải trải qua quá trình học tập và rèn luyện ít nhất 1 năm.

Khi kể chuyện, tất cả đều giữ nguyên giọng nói đặc trưng của xứ Nghệ. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc nhằm thể hiện nét văn hóa riêng của người Nghệ An. Mỗi năm các thuyết minh viên sẽ được kiểm tra lại giọng nói 1 lần, hoặc họ có thể “kiểm tra chéo” bằng cách kể cho nhau nghe để điều chỉnh “giọng nói đậm chất Nghệ ngày một thanh thoát, tròn vành, rõ chữ”.

Để truyền tải hình ảnh, cốt cách, đạo đức… của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bạn bè năm châu hiệu quả hơn, những bóng hồng chuyên kể chuyện ở quê Bác ngoài trau dồi kiến thức còn tranh thủ học thêm các ngoại ngữ.

Theo chị Huyền, vì bắt đầu học lại tiếng Anh khi đã lớn tuổi, nên để kể chuyện về Bác bằng tiếng Anh và giao tiếp cơ bản được với du khách nước ngoài cũng là cả một quá trình, đòi hỏi họ phải rất kiên trì học hỏi.

“Khi kể chuyện bằng tiếng Anh cho người nước ngoài, chúng tôi phải vừa nói vừa quan sát du khách để xem phản ứng của họ. Nếu họ gật đầu, nhập tâm tức là họ nghe và hiểu được câu chuyện mình đang truyền tải. Lúc này chúng tôi sẽ tiếp tục câu chuyện dài hơn, còn không thì sẽ rút gọn lại” - chị Huyền nói.

Ông Nguyễn Bảo Tuấn - Giám đốc khu di tích Kim Liên - cho biết, đến nay đã có 6 thuyết minh viên có thể hướng dẫn, thuyết minh bằng tiếng Anh, 5 người thuyết minh bằng tiếng Lào và 1 người thuyết minh bằng tiếng Pháp.

Mỗi năm, khu di tích Kim Liên đều thuê giáo viên nước ngoài về dạy, giúp các thuyết minh viên điều chỉnh cách phát âm cho ngày một chuẩn chỉnh. Một số người kể chuyện bằng tiếng Anh nay đã nhuần nhuyễn, nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các đoàn du khách quốc tế.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI