Những “bóng hồng” hiếm hoi theo học ngành điện

05/11/2024 - 08:25

PNO - Hơn 16g, không khí tiết thực hành điện công nghiệp tại xưởng điện của Trường cao đẳng Điện lực TPHCM vẫn rất tất bật. Giữa những chàng trai cao lớn có vài “bóng hồng” đang chăm chỉ thao tác.

Những nữ sinh thích nghề điện

Kéo sợi dây đồng ra khỏi cuộn, Nguyễn Tường Vy - 19 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang - cố hết sức để cuốn dây quanh máy biến áp. Tùy theo yêu cầu của thầy, các nhóm sinh viên sẽ cuốn từ 5-6 lớp dây, mỗi lớp được ngăn bằng giấy cách điện.

Hết thời gian thực hành, từng nhóm lắp cuộn dây vào máy biến thế. Nếu cuốn đúng thì dòng điện chạy trong máy, nếu sai thì máy sẽ bốc khói. Nhóm của Vy đã hoàn thành tốt đề bài.

Tường Vy đang học thực hành ở xưởng điện
Tường Vy đang học thực hành ở xưởng điện

Dù là “bóng hồng” hiếm hoi nhưng Vy được chọn là lớp trưởng của lớp hệ thống điện, niên khóa 2023-2026. Những ngày đầu nhập học, Vy đã choáng ngợp khi thấy các anh khóa trên phải leo trèo, sửa chữa trên các trụ điện cao.

Chỉ đến khi chính mình nối mạch điện, làm bóng đèn sáng lên, Vy mới có thể tự tin. Vy nói: “Mình cũng hiểu được bản chất của nghề điện là nguy hiểm, thiên hướng cho phái mạnh, nhưng vì thích được nghiên cứu mạch điện, tự tạo ra hệ thống điện nên vẫn quyết định theo học. Mình tự hứa sẽ phải tốt nghiệp bằng giỏi hoặc xuất sắc, sau đó học liên thông lên đại học rồi mới đi làm”.

Hiểu điện lực là lĩnh vực quan trọng hàng đầu trong cuộc sống, cơ hội việc làm cao nên Nguyễn Thị Uyên Phương - 21 tuổi, quê tỉnh Đồng Tháp - đã chờ đợi hơn 2 năm để thực hiện ước mơ theo học Trường cao đẳng Điện lực TPHCM. Phương tốt nghiệp THPT năm 2021 nhưng khi đăng ký xét tuyển vào trường thì đã quá hạn nhận hồ sơ.

Năm sau, Phương tiếp tục đăng ký nhưng điện thoại hư nên không nhận được thông báo nhập học. Đến năm thứ ba, Phương phải nhờ chị gái liên hệ trực tiếp phòng đào tạo lấy giấy báo nhập học để đi học.

Nhắc lại tiết thực hành đầu tiên, Phương bật cười vì mình từng khiến bóng đèn phát nổ do lắp sai mạch điện. “Mình có nghe anh chị nói qua về ngành hệ thống điện nhưng không nghĩ phần thực hành sẽ nặng nề và khó khăn như vậy. Có nhiều thứ mình phải nhờ bạn làm giúp. Đến một hôm bạn nghỉ học, mình tự làm và làm được thì mới nhận ra khả năng của mình” - Phương nói.

Hiện tại, Phương vừa học vừa phụ việc cho một cửa hàng buôn bán đồ điện tử để trang trải chi phí học tập. Ba mất từ nhỏ nên Phương hy vọng nghề này sẽ giúp mình làm được những việc nặng nhọc, tự lo cho bản thân và người thân.

Uyên Phương trong giờ thực hành điện theo nhóm
Uyên Phương trong giờ thực hành điện theo nhóm

Không thua kém nam sinh

Tốt nghiệp Trường cao đẳng Điện lực TPHCM năm 2022, Phạm Thái Thảo Uyên - 24 tuổi, quê tỉnh Cà Mau - hiện đang là sinh viên hệ liên thông ngành kỹ thuật điện Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM). “Cả cha và ông nội đều là những chiến sĩ áo cam” nên từ nhỏ tôi đã yêu thích lĩnh vực này. Tôi mong mình sẽ là người phụ nữ đầu tiên trong gia đình theo nghiệp điện lực” - Uyên bộc bạch.

Vốn là học sinh chuyên văn nhưng mỗi khi đụng đến những thứ liên quan đến nguồn điện, Uyên đều rất hứng thú. Khi còn học tại Trường cao đẳng Điện lực TPHCM, nhiều buổi trưa nắng gắt, cô vẫn miệt mài treo mình trên các trụ cao để thực hành cắt, đóng dòng điện. Càng làm, Uyên càng quý trọng công sức của những người thợ điện, và thêm yêu quý ngành nghề của mình.

Tốt nghiệp cao đẳng, Uyên ở lại trường làm quản lý lớp cho khoa đào tạo nâng cao để có kinh phí học lên đại học. Uyên cho biết: “Học xong đại học, tôi sẽ tiếp tục học lên cao học, học thêm các khóa đào tạo khác để làm giảng viên. Tôi muốn truyền đạt vẻ đẹp của ngành đến các bạn trẻ để các bạn có thêm đam mê và gắn bó với nghề. Nhất là giúp các bạn nữ không còn chần chừ, e ngại khi muốn theo ngành học vốn được xem là dành cho phái mạnh”.

Thảo Uyên chăm chỉ học tập, nuôi ước mơ trở thành giảng viên ngành điện - Ảnh do nhân vật cung cấp
Thảo Uyên chăm chỉ học tập, nuôi ước mơ trở thành giảng viên ngành điện - Ảnh do nhân vật cung cấp

Ông Trần Thanh Sơn - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính nhà trường - cho biết: “Hằng năm, sinh viên nữ học ngành hệ thống điện của trường chiếm từ 5 - 8% trên tổng số sinh viên. Khi chọn ngành học này, dù là nữ thì các bạn vẫn phải học như các bạn nam từ lý thuyết, thực hành đến thực tập xưởng ngoài trời.

Tuy vậy, đa số các bạn nữ chọn ngành này là theo truyền thống gia đình hoặc vì thực sự đam mê nên luôn chăm chỉ, chuyên cần và rất cố gắng học tập, không thua kém gì các bạn nam”.

Sau 3 năm đào tạo, sinh viên ngành hệ thống điện có thể làm việc tại các công ty điện lực, xây lắp điện, khu công nghiệp, các công ty liên quan đến công nghệ tự động hóa, các dịch vụ kỹ thuật có liên quan đến ngành điện và tự động…

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI