Những bóng hồng có thật trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

01/04/2017 - 15:23

PNO - Rất nhiều người đã được cho/tự nhận là người tình của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, ai cũng gắn mình với một câu chuyện ngọt ngào. Thế nhưng, những người có thật và hiện diện trong âm nhạc của ông không nhiều.

Ngày 1/4, ngày mà người ta trêu nhau bằng những trò gạt, Trịnh Công Sơn cũng "gạt" người bằng sự ra đi vĩnh viễn. 

16 năm kể từ ngày ông rũ bỏ cuộc đời, những tình khúc của ông vẫn ngày đêm liên tục được cất lên bởi những người yêu thương và đam mê âm nhạc. 

Mỗi ca khúc của ông là một trái tim yêu, yêu đến bất tận. "Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi", ông đã nói như thế.

Và, đời ông gắn với rất nhiều bóng hồng, mỗi người "trưng" ra một câu chuyện, một giai đoạn yêu ngọt ngào. Ông không còn để xác thực, mà có còn ông cũng không bao giờ lên tiếng. Lời nói tổn thương người khác là điều chưa từng có ở ông. Thế nhưng, có vài người dù ông có xác nhận hay không, hình bóng họ vẫn được thấy. Họ có thật, mồn một trong âm nhạc của ông.

Nhung bong hong co that trong am nhac Trinh Cong Son
 

Diễm bây giờ đã là Diễm xưa

Mối tình yêu thương hóa thành thơ, thành nhạc của Trịnh Công Sơn được nhiều người biết đến và nhắc nhiều nhất đó chính là mối tình đầu tiên với người phụ nữ mang tên Bích Diễm. Theo nhiều tài liệu kể lại, Bích Diễm là người con gái đẹp đã khiến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn yêu mê mệt, đến mức ngày ngày ông tìm đủ mọi cách để leo lên lầu cao ngắm cô tan học. Mối tình này không may bị ngăn cấm, Bích Diễm dù biết rõ tấm chân tình của Trịnh nhưng đành nghe lời cha rời quê vào Sài Gòn để học.

Bị từ chối và đau đớn, Trịnh đã viết lên Diễm xưa với những câu hát đầy nhớ nhung: “Chiều nay còn mưa sao em không lại/ Nhớ mãi trong cơn đau vùi/ Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau/ Bước chân em xin về mau”. Câu hát “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” được xem là câu đắt nhất và đau nhất của Trịnh khi thốt lên bằng âm nhạc trong một sáng tác không thể không nhắc đến khi nói về sự nghiệp âm nhạc của ông.

Sau này, khi Trịnh Công Sơn đã mất, trong một lần tiếp xúc cùng báo giới, bà Bích Diễm cho biết bản thân bà trong hơn 50 năm qua cũng không lập gia đình, lý do cụ thể thì bà không chia sẻ nhưng cho biết tình cảm của bà dành cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là mãi mãi. Hiện tại, bà Bích Diễm đang làm việc cho một trung tâm vật lý trị liệu tại Mỹ, thời gian rảnh bà đi làm từ thiện.

Nhung bong hong co that trong am nhac Trinh Cong Son
Bà Bích Diễm khi còn trẻ


Dao Ánh: 20 năm một khối tình dài

Sau khi lương duyên đứt gánh với Bích Diễm để lại ca khúc đầy xót xa thì ông đã phải lòng chính cô em gái của Diễm là Dao Ánh. Dao Ánh chính là người đã viết thư động viên Trịnh trong quãng thời gian ông cô đơn, gánh chịu nỗi đau khi yêu thương không trọn. 

Mối tình này kéo dài khoảng 4 năm và nhạc sĩ họ Trịnh đã viết cho Dao Ánh hàng trăm bức thư tay nồng nàn lời lẽ yêu đương. Mối tình này một lần nữa cũng như mối tình trước, tiếp tục dang dở. Dao Ánh sang Mỹ sinh sống và trải qua bao dâu bể cuộc đời, 20 năm sau cả hai may mắn gặp lại.

Anh nhớ Ánh, nhớ Ánh, nhớ Ánh mà không nói được với ai. Như tiếng kêu của một loài kiến nhỏ. Làm thế nào Ánh nghe thấy... Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh trở về buổi trưa mắt buồn, áo trắng..." - trích thư tình Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh.

Cuộc hội ngộ này sau đó đã được Trịnh Công Sơn dồn nén thành cảm xúc viết thành ca khúc Xin trả nợ người với những lời lẽ da diết: “Hai mươi năm xin trả nợ người/ Trả nợ một thời em đã bỏ ai/ Hai mươi năm xin trả nợ dài/ Trả nợ một đời em đã phụ tôi”.

Nhung bong hong co that trong am nhac Trinh Cong Son
Nhạc sĩ họ Trịnh và bà Dao Ánh 20 năm sau ngày gặp lại


Mối tuyền sầu mang tên Vân Anh

Gần như đây là mối tình mà Trịnh nhạc sĩ muốn tránh nhắc đến nhất, dù bạn bè ông xung quanh không ai là không biết. Cuộc tình vỡ tan trong câm lặng của ông, khối lặng im khiến không ai đành lòng thốt câu hỏi vì sao.

Cố nhạc sĩ gặp Vân Anh trong cuộc thi Hoa hậu mà ông làm giám khảo. Không riêng gì ông, khi ấy ai cũng bị "sét đánh" trước cô gái đang là tiếp viên hàng không cao 1,7m ấy. Thế nên, bạn bè ông không ai ngạc nhiên khi hay tin ông tính chuyện cưới xin với người đẹp này, khi cô đã trở thành Á hậu. Mối tình sau đó dở dang, để lại nhiều câu chuyện được thêu dệt, phỏng đoán.

Chỉ ông là lặng im, trút nỗi đau của mình vào trong giai điệu. Ca khúc Tôi ơi đừng tuyệt vọng ra đời khi ấy: "Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ/ Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu đêm...".

Với Khánh Ly, Hồng Nhung 

Nhắc đến Trịnh Công Sơn, nhất là nhắc đến âm nhạc của ông thì không thể nào quên nhắc đến Khánh Ly. Có thể nói, mối quan hệ giữa Trịnh Công Sơn và Khánh Ly là mối quan hệ kỳ lạ nhất. Đến mức, không hề ngoa khi cho rằng Khánh Ly sinh ra là để hát nhạc Trịnh và ngược lại, chính nhạc Trịnh đã chắp cánh cho tiếng hát của Khánh Ly bay cao bay xa. Ngày Trịnh Công Sơn mất (1/4/2001), Khánh Ly đã thổn thức: “Tôi đã chết nửa cuộc đời theo Trịnh Công Sơn”.

Nhung bong hong co that trong am nhac Trinh Cong Son
Trịnh Công Sơn và Khánh Ly


Trịnh Công Sơn gặp Khánh Ly tại Đà Lạt vào năm 1946 và ngay khi nghe giọng của bà, Trịnh Công Sơn đã biết chắc rằng người phụ nữ này sinh ra là để dành cho âm nhạc của mình. Trịnh Công Sơn từng phát biểu rằng mối quan hệ của ông và Khánh Ly là bạn bè nhưng thương nhau vô cùng và trên cả mức tình bạn. Họ thật sự là tri kỷ của nhau.

“Tuy không có một ca khúc nào của Trịnh Công Sơn viết riêng cho tôi, nhưng tôi vẫn có cảm tưởng hầu hết những ca khúc của Trịnh Công Sơn đều được viết cho Khánh Ly”, Khánh Ly đã nói như thế về mối quan hệ này. 

Hồng Nhung không phải là bóng hồng cuối cùng của nhạc sĩ họ Trịnh nhưng sự xuất hiện của cô trong cuộc đời sáng tác âm nhạc của ông có những dấu ấn rất đặc biệt. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gặp Hồng Nhung lần đầu tiên tại nhà nhạc sĩ Thanh Tùng, khi đó, cô là một nữ ca sĩ đã có tiếng còn Trịnh Công Sơn cũng đã là một tên tuổi lớn, là cây đa cây đề trong nền âm nhạc Việt.

Trịnh Công Sơn từng cho biết: “Hồng Nhung là một người quá gần gũi nhưng không biết gọi là ai”. Cả hai đã gắn bó với nhau suốt gần 10 năm trước khi ông nhắm mắt rời bỏ cõi đời.

Nhung bong hong co that trong am nhac Trinh Cong Son
Hồng Nhung và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi còn sống


Về mối quan hệ này có người từng cho rằng nó là tình yêu mặc dù người trong cuộc là nhạc sĩ họ Trịnh không biết phải đặt tên như thế nào cho nó. Vì phải yêu và thương thì người ta mới có thể dành cho nhau những tình cảm sâu sắc, những yêu đương nồng ấm đến vậy, để rồi trong gia tài âm nhạc của nhạc sĩ họ Trịnh lại có thêm các ca khúc: Bống bồng ơi, Bống không là bống, Thuở bống là người.. với những câu hát tươi vui như nhịp đời được sống lại: “Bống không là bống bống ở nơi nào/ Bống không là bống không ở trong ao/ Bống nhảy lên bờ bống đi chơi phố/ Nắng vàng ủng hộ cho bống căn nhà/ Tìm tình tìm tình trong nắng em gặp cơn mưa/ Ô hay tìm tình giữa ngọ buồn lưa thưa về/ Tìm tình tìm tình trên núi em gặp mây bay/ Ô hay tìm tình giữa chợ tình phai mất rồi”.

Sau này, trong một lần chia sẻ, ca sĩ Hồng Nhung đã cho biết: “Ở giữa hai chúng tôi chắc chắn là có một tình yêu, nhưng tình yêu đó như thế nào thì tôi giữ riêng cho mình”.

Vẫn còn rất nhiều những cái tên khác, câu chuyện khác được cho là đã làm nên cảm xúc đặc biệt trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Đó là Bích Khê, là Ngà, là Ph. Th, là "Diễm cuối" Hoàng Anh... Không ai biết họ ở đâu trong ông, trừ ông và họ. 

Năm nay, những hoạt động tưởng niệm 16 năm ngày mất của ông được diễn ra ở một số nơi, từ Đêm thao thức cùng Trịnh tại khu mộ ông dự kiến diễn sẽ quy tụ khoảng 400 người hâm mộ từ khắp mọi miền đất nước đến hoạt động Nhớ Trịnh Công Sơn diễn ra tại khu Đường sách TPHCM với sự tham gia của các ca sĩ: Cẩm Vân, Đức Tuấn, Lân Nhã, Bích Ngọc, saxophone Trần Mạnh Tuấn… 

Mọi năm, đêm nhạc tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường được tổ chức quy mô với hàng chục nghìn khán giả tham dự tại khu du lịch Bình Quới, sau này chuyển qua Phú Mỹ Hưng (quận 7, TPHCM). Tuy nhiên, năm nay điểm nhấn sẽ nằm ở chương trình Nối vòng tay lớn sẽ diễn ra tại Huế - quê hương của Trịnh, nhân dịp kỷ niệm 60 năm trường Đại học Y khoa Huế sắp tới.


Trương Quốc Phong (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI