Những “bóng hồng” cầm roi chăn trâu

27/02/2022 - 11:23

PNO - Nói đến chăn trâu, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh những chú bé ngồi vắt vẻo trên lưng trâu. Nhưng ở một vùng quê thuộc Nghệ An, những đàn trâu trùi trũi “ngầu lòi” lại nhất mực theo “chỉ đạo” của những phụ nữ bé nhỏ, tay cầm cái roi cũng nhỏ bé…

 

Mang bạc tỷ ra đồng 

Sáng sớm một ngày sau tết, trời lạnh ngắt, khi đường làng vẫn còn ẩn hiện trong lớp sương mù, từng tốp phụ nữ ở xã Đại Sơn (H.Đô Lương, tỉnh Nghệ An) đã bắt đầu một ngày làm việc mới. 

Người đi trước, kẻ theo sau cầm theo chiếc roi tre từ từ điều khiển cả đàn trâu 40 con trùi trũi ra khỏi làng. “Sáng mang tiền tỷ ra đồng chơi, chiều mang tiền tỷ về” - bà Nguyễn Thị Phượng (58 tuổi, trú xã Đại Sơn) cười giòn rồi chỉ tay về phía trái, ra tín hiệu cho “đồng đội” của mình rẽ đàn trâu tiếp tục hành trình.

Vượt qua vài cây số đường làng, từng đàn trâu lần lượt được lùa xuống cánh đồng mênh mông đang bỏ không. Mỗi đàn trâu như vậy khoảng từ 20 - 40 con, được giao cho 2 - 4 người trông coi. Tùy vào số lượng trâu, họ sẽ chọn cánh đồng phù hợp để chăn thả, rồi cứ thế mỗi người một góc trời riêng ngồi canh trâu. 

Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, cho biết, toàn xã có hơn 200 gia đình làm nghề buôn bán trâu bò, đây là nghề làm giàu chính ở địa phương. Trâu bò ở đây được mua từ khắp cả nước, thậm chí nhiều người còn “thường trú” tại Lào, Thái Lan để làm nhiệm vụ mua trâu bò gửi về quê. Không chỉ thu lợi nhuận lớn, những người buôn trâu bò nơi đây còn tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương từ công việc “đòi trâu”, chăm sóc trâu bò, cắt cỏ…
Chăn trâu giữa trời rét căm căm nhìn có vẻ nhàn nhã nhưng không hề là "việc nhẹ lương cao"

Thấy tôi thắc mắc về số lượng đàn trâu trị giá hàng tỷ đồng này, bà Phượng bảo rằng: “Chăn thuê cho họ đó, chứ nhà tui mần chi có tiền”.

Đàn trâu vừa được một thương lái cạnh chợ Ú (xã Đại Sơn) nhập về từ Thái Lan, trong thời gian chờ xuất bán sang Trung Quốc, chúng được giao cho bà Phượng và hai người khác dắt đi chăn thả, vỗ béo.

Thời xa xưa ở vùng quê này, trâu ít mà người chăn thì nhiều, nên xếp hàng để được chăn trâu, không được cứ cố kiên nhẫn “đòi trâu”. Rồi từ đó người ta gọi nghề chăn trâu là nghề “đòi trâu” cho đến bây giờ. 

Bà Phượng bảo rằng, trước kia họ chủ yếu chỉ đi “đòi trâu” xung quanh chợ Ú, công việc lúc bấy giờ là dắt trâu thuê từ chợ về nhà cho chủ, tiền công được tính trên đầu trâu (5.000 đồng/con). Nay thời thế thay đổi, các thương lái đều sắm xe ô tô cỡ lớn đến tận chợ mua bán nên công việc này dần bị lãng quên. Hiện chỉ còn khoảng 60 người, chủ yếu là phụ nữ nông nhàn ở xã Đại Sơn còn bám trụ với nghề.

Phần lớn trâu họ chăn là trâu thịt do các thương lái trong vùng mua từ Lào, Campuchia, Thái Lan… về vỗ béo rồi bán đi các tỉnh phía Bắc hoặc sang Trung Quốc. 

Ngả lưng giữa thảm cỏ xanh mướt, chị Nguyễn Thị Hồng (45 tuổi, trú xã Đại Sơn) vẫn cầm chắc chiếc roi tre trong tay, sẵn sàng “bật dậy đuổi trâu” bất cứ lúc nào. Chị bảo, mùa này những cánh đồng lúa mênh mông, chẳng ai gieo cấy, cỏ mọc um tùm nên rất thích hợp làm thức ăn cho trâu. Hằng ngày, chị chỉ việc thả trâu đi ăn dạo từ sáng đến chiều rồi dắt về. 

“Công việc mỗi ngày chủ yếu là ngồi quan sát, đếm trâu… là chính. Thỉnh thoảng mới phải chạy rượt đưa chú trâu nào bỏ đàn quay về. Phải đảm bảo trâu không đi lạc, nhất là không để chúng vào phá ruộng, vườn của người ta” - chị Hồng nói.

Hơn sáu năm gắn bó với nghề chăn trâu, chị Hồng cho biết, ở vùng quê này, chẳng có nghề nào nhàn hạ như nghề chăn trâu thuê. Mỗi ngày như thế, chị được chủ trả công 200.000 đồng. Chị Hồng nói rằng, nếu chăm chỉ thì mỗi tháng cũng kiếm được vài triệu đồng, hơn hẳn làm ruộng.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng sẵn việc. Họ phải chờ đợi các thương lái tìm săn trâu mang về, những đàn trâu nhỏ, gầy gò thì việc vỗ béo sẽ kéo dài hơn, ngược lại thì chỉ chừng nửa tháng sẽ xuất bán. Khi đàn trâu được đưa lên xe, cũng là lúc họ quay về nhà nghỉ ngơi, tiếp tục chờ đợi đàn trâu mới.

Luôn căng mắt nhìn trâu 

Gần trưa, bà Phạm Thị Phương (55 tuổi) cẩn thận mang đùm xôi được bọc cẩn thận trong bao ni-lông treo trên xe xuống để ăn trưa. “Đàn trâu này mới được chủ đưa về ba ngày nên còn lạ, hay chạy nhảy lắm” - bà Phương nói rồi vừa ăn vừa để mắt về phía đàn trâu đang gặm cỏ giữa cánh đồng. 

Nhàn hạ là thế, song những người làm nghề “đòi trâu” này cho hay dường như cả ngày họ chẳng dám chợp mắt, ăn cơm cũng chẳng dám tụ tập mà luôn hướng mắt về phía đàn trâu của mình, nhất là những đàn trâu mới.

Đã không ít lần bà Phương mất ăn mất ngủ vì lỡ để lạc mất trâu, phải huy động thêm người thân đi tìm kiếm suốt hai ngày trời. Không chỉ sợ bị chủ bắt đền, hơn hết, bà sợ mang tiếng không chuyên nghiệp sẽ mất việc. Bà bảo rằng, dẫu có mệt hay buồn ngủ tới đâu cũng căng mắt ra mà ráng. “Nói là nhàn nhưng đôi lúc cũng mệt lắm. Thỉnh thoảng chị em muốn quay lại chỗ ăn cơm nói chuyện cho vui mà chỉ có thể ngồi xa xa hét to lên với nhau thôi” - bà Phương cười.

Điều khiến những người đàn bà “đòi trâu” ám ảnh nhất vẫn là cảnh bị trâu rượt đuổi. Đã có không ít trường hợp bị trâu húc trọng thương, suýt mất mạng. Hơn một năm trước, bà Nguyễn Thị K. (56 tuổi, trú xã Đại Sơn) bất ngờ bị hai con trâu hung dữ lao vào tấn công. Bà may mắn được một số người dân phát hiện đến giải cứu. Tuy nhiên, tai nạn bất ngờ khiến bà phải nhập viện điều trị nhiều tháng trời. Thoát chết trong gang tấc, nhưng bà K. đành “giải nghệ” sớm vì phải đi tập tễnh sau vụ tai nạn.

Những bữa cơm trưa cũng vội vàng, người chăn trâu vừa ăn vừa trông chừng đàn trâu - ẢNH: PHAN NGỌC
Những bữa cơm trưa cũng vội vàng, người chăn trâu vừa ăn vừa trông chừng đàn trâu - Ảnh Phan Ngọc 

“Điều khiển cả đàn trâu hung tợn đó mà chỉ có cái roi nhỏ này thôi” - bà Nguyễn Thị Bình (54 tuổi) nói rồi vội phất roi lên chạy theo con trâu vừa tách khỏi đàn, hướng về phía ruộng ngô của người dân. Bà nói rằng, do các đàn trâu này được các thương lái mua về từ khắp nơi, mỗi nơi một vài con nên khi ghép đàn chúng thường rất hung hăng. Thời điểm người “đòi trâu” dễ bị chúng tấn công nhất là ba ngày đầu nhập đàn. Lúc này nếu không cẩn thận thậm chí còn có thể bị trâu húc trúng khi chúng bỏ chạy vì hoảng sợ. 

“Tôi bị húc hai lần rồi. Lần đầu là lúc mới vào nghề còn thiếu kinh nghiệm. Lần sau mới hai năm trước là do sơ ý, lúc đó vì cố tách đôi trâu húc nhau nên không may bị con trâu bỏ chạy đụng trúng. Cũng may không nặng lắm” - bà Bình kể.

Vén chiếc áo khoác lên để lộ những vết sẹo vẫn còn rõ, bà Phượng chưa hết ám ảnh khi nhớ lại lần bị một con trâu Lào húc văng xuống mương nước hai năm trước. Bà càng vùng vẫy, con trâu này càng hung tợn tấn công. Đến khi gắng thoát được ra ngoài thì bà ngất lịm, tỉnh lại mới hay biết mình bị gãy xương sườn, được “đồng nghiệp” hỗ trợ đưa đi bệnh viện cấp cứu. 

“Sau lần đó tôi có thêm kinh nghiệm là phải luôn đứng ở phía sau trâu để xử lý tình huống” - bà Phượng nói và cho hay sau mấy tháng nghỉ việc dưỡng thương, bà lại tiếp tục lên đường “đòi trâu” vì nhớ nghề.

Đàn ông ở xã thường đi làm ăn xa nhà, chủ yếu họ đi “săn” trâu bò ở đâu được giá, báo về cho chủ. Trẻ em vừa bận học, vừa không đủ “chuyên môn” để lùa trâu. Ở góc nào đó, phụ nữ có vẻ phù hợp với nghề “chăn trâu” nhất, họ nhẹ nhàng, kiên nhẫn. Cũng có thể vì thế mà mấy con trâu dữ dằn cũng ngoan ngoãn nghe theo họ…

Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, cho biết, toàn xã có hơn 200 gia đình làm nghề buôn bán trâu bò, đây là nghề làm giàu chính ở địa phương. Trâu bò ở đây được mua từ khắp cả nước, thậm chí nhiều người còn “thường trú” tại Lào, Thái Lan để làm nhiệm vụ mua trâu bò gửi về quê. Không chỉ thu lợi nhuận lớn, những người buôn trâu bò nơi đây còn tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương từ công việc “đòi trâu”, chăm sóc trâu bò, cắt cỏ… 

 

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI