Những bóng hồng bất tử

30/04/2023 - 19:45

PNO - Đã hơn 1/4 thế kỷ, bộ phim dựa trên sự kiện có thật của đạo diễn Lưu Trọng Ninh vẫn khiến không ít người xem rơi nước mắt.

Gần đây, Hãng phim truyện Việt Nam lại trở thành tâm điểm dư luận với những vấn đề chưa được giải quyết triệt để kéo dài vài năm qua. Câu chuyện cổ phần hóa ồn ào của hãng có nhiều khía cạnh về kinh tế và xã hội cần được bàn sâu hơn. Song, về mặt nghệ thuật, nhiều người đều tiếc nuối cho một đơn vị từng được xem là lá cờ đầu của điện ảnh cách mạng.

Ngã ba Đồng Lộc được xem là một bộ phim kinh điển của Việt Nam
Ngã ba Đồng Lộc được xem là một bộ phim kinh điển của Việt Nam

Trong số hơn 300 phim truyện của hãng, không ít tác phẩm đã trở thành kinh điển trong lòng nhiều thế hệ khán giả, như Chung một dòng sông, Chị Tư Hậu, Nổi gió, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Bao giờ cho đến tháng Mười, Em bé Hà Nội, Chị Dậu… Dịp lễ 30/4 và 1/5, hòa trong tinh thần chung, nhiều khán giả cũng tìm về những tác phẩm này để được nhắc nhớ một thời hào hùng của dân tộc.

Một trong những bộ phim đặc biệt gây nhiều cảm xúc cho người xem là Ngã ba Đồng Lộc (1997) của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, kịch bản Nguyễn Quang Vinh. Phim dựa trên sự kiện có thật năm 1968 về 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội Thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường Trường Sơn, lọt trong thung lũng hình tam giác, 2 bên đồi núi trọc... Các tuyến đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua ngã ba này. Do đó, nơi đây được xem là địa phận cực kỳ quan trọng trong kháng chiến. Trong thời gian dài, không quân Mỹ liên tục đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt tuyến đường chi viện cho miền Nam. 1 tiểu đội thanh niên xung phong được giao nhiệm vụ canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường thông xe khi bị bom phá. Họ gồm 10 cô gái từ 17 đến 24 tuổi do chị Võ Thị Tần làm tiểu đội trưởng.

Theo thống kê, mỗi mét vuông ở Đồng Lộc từng nhận trung bình 3 quả bom. Ở cao trào chiến tranh từ tháng 3 đến tháng 10/1968, quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại. Chỉ qua thông số này, ai cũng có thể hiểu độ vất vả và hiểm nguy trong công việc của các cô gái.

Vào 16g30 ngày 24/7/1968, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. 1 quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi các cô đang tránh bom. Cả 10 cô gái đã qua đời khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại vô vàn tiếc thương cho những đồng đội và người dân. Sự kiện đó đã được kể lại một cách chân thực và đầy cảm xúc qua bộ phim Ngã ba Đồng Lộc.

Tượng đài ở ngã ba Đồng Lộc hiện nay
Tượng đài ở ngã ba Đồng Lộc hiện nay

Thể hiện chân thực sự kiện có thật 

Trước khi làm Ngã ba Đồng Lộc, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã được biết đến qua bộ phim Canh bạc (1991) và Hãy tha thứ cho em (1993). Ê kíp của ông quyết tâm thực hiện một tác phẩm chỉn chu, xứng đáng với giá trị lịch sử của sự kiện. 4 người của đoàn làm phim gồm chủ nhiệm và họa sĩ đi nghiên cứu thực địa để chuẩn bị cho giai đoạn quay. Bên cạnh đó, đạo diễn, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn và biên kịch Nguyễn Quang Vinh cũng đi nghiên cứu các sự kiện. Họ gặp không ít khó khăn vì chuyện xảy ra đã lâu, lời của các nhân chứng tại địa phương và thông tin tại bảo tàng tỉnh không khớp nhau.

Ê kíp tìm gặp được 1 bí thư chi bộ thôn, nguyên là tiểu đội trưởng chỉ huy hơn 10 cô thanh niên xung phong. Sau khi nghe câu chuyện của ông, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho sửa lại phần lớn kịch bản để sát hiện thực hơn. Khi bắt tay vào dự án, ông cũng yêu cầu mọi người phải tái hiện đúng cách cư xử, trang phục của thời đó.

Về phần diễn xuất, đạo diễn đã chọn nhiều nữ sinh viên Đại học Vinh vào các vai diễn trong phim. Cụ thể, có 5 sinh viên Khoa Văn, 2 sinh viên Khoa Sử tham gia tác phẩm. Họ có sự tươi mới, trẻ trung và có diễn xuất tự nhiên hợp với hoàn cảnh nhân vật. Ngoài nhóm sinh viên này, còn có 1 diễn viên trẻ nhất là Hà Thanh (năm đó học lớp Mười một) vào vai cô gái tên Hợi. Vai Võ Thị Tần được giao cho Thúy Hường - nghệ sĩ quan họ quê Bắc Ninh. Sau khi phân vai, nhà làm phim yêu cầu mọi người học thuộc kịch bản và luyện tập để thể hiện đúng cảm xúc nhân vật.

Dấu ấn lớn nhất của phim không nằm ở việc mô tả trực diện chiến tranh tàn khốc. Thay vào đó, tác phẩm khai thác nhiều về cuộc sống của những cô gái ở ngã ba Đồng Lộc. Chỉ với một số công cụ dò mìn hạn chế, họ đã kiên trì với công việc của mình giữa những phương tiện hiện đại của kẻ thù. Từng cô gái đều sống có lý tưởng, kiên định với công việc chung dẫu biết rõ tính mạng mình luôn nằm trong vòng nguy hiểm.

Mặt khác, họ vẫn là những thanh niên ở lứa tuổi trẻ trung, với tâm tư tình cảm riêng. Các cô gái cũng có những phút giây vui đùa, trò chuyện rôm rả, suy nghĩ về tương lai hay chuyện tình cảm lứa đôi. Chính loạt cảnh quay đời thường này đã mang lại sức sống cho bộ phim, đưa các nhân vật đến gần khán giả hơn. Chứng kiến đời sống thường nhật của các cô gái, đã “quen” với họ trong hơn 1 giờ đầu của phim, khán giả càng cảm động ở cao trào khi họ hy sinh.

Dấu ấn điện ảnh của Lưu Trọng Ninh 

Với chất liệu quá hào hùng, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã thổi thêm nghệ thuật điện ảnh vào để biến tác phẩm trở thành kinh điển. Có những cảnh quay mang tính trừu tượng, như phân đoạn bà lão lên thăm người thân, nhất quyết trèo qua các hố bom chứ không đi vòng. Nó như lời khẳng định quyết tâm và sự kiên định của những thế hệ người Việt sẵn sàng vượt qua gian khó để giành chiến thắng.

10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc
10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc

Nghệ thuật điện ảnh cũng giúp đẩy cao cảm xúc trong phân đoạn cao trào khi các cô gái hy sinh. Đạo diễn sử dụng nhiều góc quay để mô tả các cô gái trong một buổi chiều tưởng chừng thật bình thường. Có những người giãi bày tâm sự với nhau, có người gục đầu nghỉ ngơi, có người lại ngồi trầm ngâm tựa hồ đang nghĩ về ngày tháng phía trước. Một bài hát êm đềm vang lên như muốn ru người xem nhưng đan xen lại là tiếng động cơ phản lực ngày càng lớn dần báo hiệu tử thần sắp đến.

Chỉ với hình ảnh chiếc máy bay trong ống kính ống nhòm, động tác xoay người của các cô gái và một cú lia máy, đạo diễn đã thu trọn nỗi sợ hãi và cái chết ập đến bất thình lình. Tiếp sau vụ nổ lại là sự yên lặng đến rợn người cùng hình ảnh biểu tượng về những chiếc nón lá rơi lả tả. Cứ như thể khung hình điện ảnh cũng chết lặng với sự ra đi đau thương của những cô gái vẫn còn chặng đường rất dài phía trước.

Bài thơ cuối phim cũng là một khoảnh khắc khiến nhiều khán giả phải rơi lệ. Phân đoạn này có một sự tích ra đời xúc động, khi ê kíp hữu duyên thấy bài thơ năm xưa của anh Nguyễn Thanh Bính, từng làm kỹ thuật ở Đồng Lộc trong chiến tranh. Bài thơ Cúc ơi! kể về hoàn cảnh đau thương khi tìm kiếm Hồ Thị Cúc - 1 trong 10 cô gái đã hy sinh. Lúc đó, đồng đội đã đào bới tìm được 9 thi thể và đang cố tìm người cuối cùng là Cúc. Những lời thơ mộc mạc mà da diết như gói trọn nỗi lòng người ở lại:

Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang
Em ở đâu không về tập hợp
Chín bạn đã quây quần đủ hết:
Tần - Nhỏ - Xuân - Hà - Hường - Hợi - Rạng - Xuân - Xanh
A trưởng Võ Thị Tần đã điểm danh
Chỉ thiếu mình em
Chín bỏ làm mười răng được…

Gần đây, bộ phim Ngã ba Đồng Lộc được chia sẻ trên YouTube, thu hút đến 5,2 triệu lượt xem cùng nhiều bình luận đầy cảm xúc của khán giả. Có những người cho biết mình còn rất trẻ, chưa từng nếm trải chiến tranh nhưng vẫn xúc động và bật khóc trước câu chuyện của những cô gái trong phim. Đó cũng là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy giới trẻ chưa hề quên đi lịch sử cùng những mất mát hy sinh để có được nền hòa bình, độc lập, thống nhất hôm nay. 

Ân Nguyễn 

Ảnh: Internet

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI