Những bông hoa "nở" trên bông băng, mỏm cụt

19/07/2020 - 06:54

PNO - Những bông hoa, ô tô, hiệp sĩ đấu kiếm, tàu thủy, em bé thả diều, voi con, trái tim… lần lượt hiện lên trên “chất liệu” băng gạc y tế, giúp bệnh nhi mỉm cười, quên đớn đau. Những “tác phẩm” ấy được thực hiện ngay trong phòng mổ

Những “bức tranh" ngộ nghĩnh trên chất liệu đặc biệt

Một người bạn mới nơi vết thương giúp hỗ trợ tinh thần bệnh nhi rất nhiều trong quá trình điều trị
Một người bạn mới nơi vết thương giúp hỗ trợ tinh thần bệnh nhi rất nhiều trong quá trình điều trị

Sau ca phẫu thuật, trên cánh tay không còn lành lặn với bông băng y tế quấn kín của bé gái 7 tuổi bỗng “mọc” lên một cành hoa kèm dòng chữ “Cố gắng nhé!”. Đó là “tác phẩm” do bác sĩ Nguyễn Xuân Anh - Khoa Vi phẫu tạo hình, Bệnh viện Sài Gòn ITO, vẽ tặng bệnh nhi.

Cành hoa ấy là một trong hàng trăm “tác phẩm” được bác sĩ Xuân Anh “sáng tác” ngay tại phòng mổ. Những “bức tranh” dễ thương, ngộ nghĩnh được thể hiện trên chất liệu đặc biệt là bông băng y tế, ngay trên mỏm cụt tay, chân bệnh nhi đã mang đến cho các bé sự động viên, an ủi; giúp người thân cảm thấy ấm lòng khi được sẻ chia trước tai nạn không may của con mình.

Chia sẻ về ý tưởng vẽ tranh lên băng gạc của bệnh nhi sau khi phẫu thuật, bác sĩ Xuân Anh thoáng buồn. Trước đây, khi làm ở Khoa Cấp cứu Chấn thương - Chỉnh hình, anh chứng kiến nhiều em bé chỉ từ 2-7 tuổi bị tai nạn do dao, kéo, cánh cửa dập, máy quạt cắt hoặc do nghịch máy móc mà dập nát ngón tay, chân thậm chí cả cánh tay… buộc phải cắt bỏ phần tổn thương.

“Trước quyết định cắt bỏ tay, chân hay đoạn xương nào đó của một em bé, không chỉ người nhà bệnh nhi, chính các bác sĩ cũng rất đau lòng bởi điều đó sẽ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ. Dù luôn cố gắng giảm thấp nhất, “tiết kiệm” nhất phần tổn thương phải loại bỏ nhưng nhìn bệnh nhi với bông băng quấn trắng cùng mỏm cụt vô tri, ai cũng xót xa” - bác sĩ Xuân Anh trầm ngâm.

Bác sĩ Xuân Anh cùng ê-kíp phẫu thuật cho bệnh nhi
Bác sĩ Xuân Anh cùng ê-kíp phẫu thuật cho bệnh nhi

Sau khi học chuyên sâu về vi phẫu tạo hình (khâu nối mạch máu, giữ tay chân dập nát không bị đứt lìa, không phải cắt cụt), bác sĩ Xuân Anh càng cân nhắc hơn trước mỗi quyết định của mình. Anh quyết tâm tìm phương án giữ lại phần chấn thương của các bé, càng nhiều càng tốt, dù phải thức trắng đêm.

Dẫu vậy, không tránh khỏi nhiều tai nạn ở trẻ khiến anh ăn không ngon, ngủ không yên, ám ảnh với những gương mặt ngây thơ hoảng sợ vì mỏm cụt băng trắng. Đặc biệt, trong giai đoạn chăm sóc vết thương sau phẫu thuật, nhiều bệnh nhi sợ hãi, khóc và gỡ, kéo băng ra. Bác sĩ Xuân Anh lại trăn trở tìm kiếm biện pháp giúp trẻ không sợ hãi với vết thương của mình.

Lần nọ, bác sĩ Xuân Anh bắt gặp thầy của mình - một bác sĩ người Pháp - vẽ một “bức tranh” dễ thương lên băng tay cho bệnh nhi, tự nhiên anh cảm thấy bớt căng thẳng. Ngẫm nghĩ về việc làm đậm chất nhân văn ấy, trở về Việt Nam, anh liền… bắt chước.

“Lần đầu tiên tôi vẽ là sau khi mổ cắt lọc sẹo phỏng co rút cho một bé gái khoảng 8 tuổi. Bé bị thương rất nặng, phải cắt lọc nhiều lần nên sẽ rất đau và sợ đến bệnh viện. Thế nên, tôi muốn động viên bé bằng một bông hoa. Khi tôi vẽ xong, cả ê-kíp mổ đều bất ngờ, rồi ai cũng cười vui vẻ, sự mệt mỏi của ca mổ cũng vơi bớt. Có thể bởi hình ảnh đó dễ thương hoặc họ nghĩ bác sĩ Xuân Anh cũng rảnh” - anh cười lớn khi nhớ lại.

Việc làm nhỏ, hiệu quả bất ngờ

Điều bác sĩ Xuân Anh không ngờ đến chính là không chỉ đồng nghiệp của anh cảm thấy nhẹ nhàng trước “tác phẩm” dễ thương ấy, mà khi đón con sau ca cắt lọc da, mẹ của bé cũng rất ngạc nhiên xen lẫn cảm động, mắt ánh lên niềm vui thay cho vẻ lo lắng, buồn bã.

Thú vị hơn, mẹ bệnh nhi nói với bác sĩ, con gái mình cứ nhìn ngắm bông hoa, không đòi tháo băng gạc ra nữa mà giữ yên cho đến ngày hẹn thay băng tiếp theo.

Từ đó, hàng trăm “tác phẩm” là hoa, ô tô, hiệp sĩ đấu kiếm, tàu thủy, em bé thả diều, voi con, trái tim… lần lượt ra đời dưới bàn tay bác sĩ Xuân Anh, cổ vũ tinh thần cho các bệnh nhi.

Bác sĩ Xuân Anh cho biết, hầu như với những ca mổ chấn thương cho trẻ, anh đều vẽ tặng bệnh nhi hoặc các điều dưỡng, bác sĩ trong ê-kíp mổ cũng “phóng tác” thay anh.

Trước những chấn thương của mỗi bệnh nhi, tâm trạng anh cũng bị tác động theo. Khi chỉ định buộc phải cắt cụt tay, chân hoặc một phần cơ thể bệnh nhi, đó sẽ là một ngày u ám, rất khó chịu, do vậy “tác phẩm” cũng không được như ý. Lúc này, bác sĩ Xuân Anh viết thêm những thông điệp nho nhỏ: “Cố gắng nhé!”, “Không sao đâu”, “Bác sĩ tặng con”… để động viên trẻ và gia đình.

Bác sĩ Xuân Anh sử dụng bút lông của phòng phẫu thuật với 3 màu xanh, đỏ và đen; bệnh nhi được băng thun bên trong, bên ngoài quấn thêm một miếng băng có chất liệu vải cứng để các “bức tranh” không bị lem màu.

Bức tranh với lời đề tặng giản dị “Bác sĩ  tặng con” của bác sĩ Xuân Anh khiến không chỉ bệnh nhi mà gia đình của bé cũng ấm lòng
Bức tranh với lời đề tặng giản dị “Bác sĩ tặng con” của bác sĩ Xuân Anh khiến không chỉ bệnh nhi mà gia đình của bé cũng ấm lòng

“Tôi không có hoa tay nên chỉ vẽ được những hình đơn giản. Sau này, tôi lên mạng tìm thêm những cách vẽ hoạt hình đơn giản rồi lưu lại để dành vẽ cho bệnh nhi. Một hình vẽ đơn giản, không mất nhiều thời gian nhưng gần gũi, không chỉ giúp các bé bớt sợ hãi, cáu gắt, tự tháo băng mà cha mẹ trẻ cũng nguôi ngoai trước tai nạn của con, thậm chí giúp họ yên tâm, thực hiện tốt hơn các chỉ định của bác sĩ bởi thấy con mình được quan tâm. Từ đó, hiệu quả điều trị cao hơn.

Vui nhất là bé không sợ bác sĩ nhiều như trước, ngược lại còn cười giỡn. Tôi hay nói với người nhà, nếu bé nhìn bác sĩ mà không khóc nữa thì gần như là thành công trong quá trình điều trị” - bác sĩ Xuân Anh chia sẻ.

Tám năm qua, bác sĩ Xuân Anh không nhớ đã vẽ bao nhiêu bức tranh cho bệnh nhi, dù mỗi “tác phẩm” thường chỉ lưu lại một tuần. Sau khi bệnh nhi thay băng, cha mẹ các bé lại tìm anh để xin bác sĩ vẽ hình. Khi vết thương đã lành, bệnh nhi chỉ dùng băng gạc thun nên không thể vẽ tranh lên được, bác sĩ Xuân Anh lại tặng cho mỗi bé một vài băng dán có in ảnh nhân vật hoạt hình để các con có hình mới.

Nhưng điều bác sĩ Xuân Anh bất ngờ nhất là nếu trước đây, sau khi con mình xuất viện, cha mẹ bệnh nhi không liên lạc lại thì bây giờ, họ sử dụng mạng xã hội kết bạn với anh để chia sẻ về sự chuyển biến sức khỏe của bé, nhắn tin xin tư vấn khi vết thương của trẻ có biểu hiện lạ. Đây là sự tin tưởng, là những trao đổi kịp thời trước chuyển biến bệnh của trẻ để bác sĩ kịp thời hỗ trợ. Nhờ vậy, sức khỏe bệnh nhi tiến triển khá lên từng ngày. 

Những việc làm tưởng nhỏ của bác sĩ Xuân Anh đã mang lại giá trị y khoa to lớn mà không phải bác sĩ giỏi chuyên môn nào cũng làm được, bởi sự chân thành, yêu thương luôn chạm đến trái tim, là liều thuốc kỳ diệu chữa lành vết thương. 

Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh cho biết, thông thường để các bé đỡ đau, giảm căng thẳng sau mổ hay thay băng vết thương, về chuyên môn, bác sĩ sẽ cho bé uống thuốc giảm đau, vỗ về, “dụ khị” bé hợp tác, trò chuyện để bé đỡ sợ. Khi thay băng, nhân viên y tế nên nhẹ nhàng, nhất là lúc mở băng gạc.

Hạn chế để bé nhìn thấy vết thương của mình, thao tác rửa vết thương, cắt chỉ phải cẩn thận, nhẹ tay vì đây là vùng da đang tổn thương. Trường hợp gặp phải “thanh niên cứng”, nhất định không hợp tác, nên nhờ người nhà đến hỗ trợ xoa dịu tâm lý bé, thao tác nhanh, tránh để bé phản ứng rụt tay hoặc chân lại sẽ khó khăn hơn. Sau khi rửa vết thương, thay băng gạc xong nên dỗ dành bé để bé cảm thấy được quan tâm, che chở.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI