PNO - PN - Không gian chương trình giao lưu Hoa nếp nhà (diễn ra sáng 26/6 tại tòa soạn Báo Phụ Nữ) mỗi lúc thêm ấm áp hơn với niềm vui, hạnh phúc pha lẫn sự xúc động qua những câu chuyện đời, chuyện nhà được sẻ chia từ các khách mời....
Ông Lê Văn Hoàng nhận những phần quà chia sẻ từ những khách mời
Sâu như đạo vợ chồng
Ông bà ta có câu: “Đạo nào sâu bằng đạo vợ chồng” để răn dạy con cháu. Tôn sùng, gìn giữ đạo lý này, sẽ không ai vì hoạn nạn, nghèo khó hay bệnh tật mà đổi dạ thay lòng, ngược lại càng gắn bó, yêu thương, dìu đỡ nhau vượt qua. Vợ chồng anh chị Lê Minh Phương - Trịnh Thị Tú Hạnh (nhân vật trong bài Tình yêu là phép nhiệm màu - PN 12/4/2013) khẳng định tại buổi giao lưu: “Người nhiễm HIV không phải là hết. Họ cũng có quyền được hưởng cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp như bao người”. Phương có “bản lý lịch trích ngang” từng vào tù ra tội, lại mang căn bệnh HIV/AIDS, đối diện với cái chết. Còn Hạnh là cô gái khỏe mạnh, xinh đẹp. Họ quyết định yêu nhau dù gặp trở ngại khi đối mặt với lời gièm pha, định kiến, ngăn cấm từ người thân và vẫn quyết tâm nên duyên vợ chồng. Dắt tay nhau trên hành trình ấy, Hạnh âm thầm động viên, giúp đỡ, cảm hóa để chồng mỗi ngày sống là một ngày vui, có ích cho xã hội khi trở thành tuyên truyền viên đồng đẳng. Chấp nhận đến với Phương là chấp nhận thiệt thòi nên Hạnh xác định, để có hạnh phúc, nhất định phải có một tấm lòng vì nhau. Chị trải lòng: “Khi sống chung, sự cẩn thận đôi khi thành nguyên tắc. Tôi phải tìm hiểu cách chăm sóc chồng cũng như giúp bảo vệ cả hai. Vợ chồng đi đâu cũng có nhau, yêu thương, lo lắng, làm nhiều việc cho nhau. Hạnh phúc này không phải ai cũng cảm nhận và có được”.
Vượt qua mọi định kiến, gièm pha, cả sự ngăn cấm từ gia đình, chị Trịnh Thị Tú Hạnh đã xây dựng mái ấm với anh Lê Minh Phương - người đang mang căn bệnh HIV/AIDS
Chị Trần Thị Ngọc Phương (Cho nhau sự sống - PN Xuân 2013) nghẹn ngào: “Quãng khó ấy giờ ngẫm lại, có lúc rất chán nản nhưng tôi không buông xuôi. Tình yêu, nghĩa vợ chồng giúp tôi vượt qua gian khổ”. Trước khi đến với nhau, chị đã biết anh Long mang căn bệnh suy thận. Để rồi, hơn 10 năm chồng vợ cũng là quãng thời gian chị thi gan với tử thần, giành giật lại sự sống cho anh. Biết chứng thận mạn tính của Long đã ở giai đoạn cuối, cận kề cái chết, chị nỗ lực động viên, an ủi, chăm lo cho chồng. “Bao phen tuyệt vọng, vợ chồng ôm nhau khóc vì bí lối, nhưng xác định còn nước còn tát, chúng tôi động viên nhau không được bỏ cuộc” - chị kể. Sự kiên gan, bền bỉ của vợ chồng chị cuối cùng đã có kết quả tốt đẹp, anh được ghép thận và dần hồi phục sức khỏe. Chị còn giúp chồng cập nhật kiến thức, nuôi giấc mơ trở thành quản lý hệ thống thu ngân điện tử. Ba năm sau, anh được đề bạt làm giám đốc quản trị mạng hệ thống siêu thị Vinatex Mart. Trong giọt nước mắt hạnh phúc, chị Phương nói, nhờ tình yêu, nghĩa vợ chồng, mọi gian khó, chướng ngại chúng tôi đều vượt qua. Xong công việc, anh ù về với vợ để san sẻ việc nhà, ngồi với nhau trong bữa cơm ấm cúng. Hạnh phúc tràn đầy từ những vun vén, quan tâm tưởng chừng như nhỏ nhoi ấy. “Còn nhớ, biết tôi mê xem ti vi, vì chưa sắm được, anh dùng máy tính cũ cài thêm chương trình ti vi để tôi xem. Tôi đùa rằng: “vẫn phải mất thời gian để sử dụng con chuột bật tắt”, thế là anh sáng chế một công tắc ngay chỗ tôi hay ngồi cho tiện” - chị không giấu nước mắt kể câu chuyện vui của mình.
Những câu chuyện tình chồng nghĩa vợ đầy xúc động ấy như chứng minh một điều, hạnh phúc không phải là món quà do “thượng đế” ban tặng, càng không dễ dàng có được, nó chỉ đến khi bản thân biết nỗ lực giành lấy, tạo nên và vun đắp mỗi ngày.
Ông Trần Trung Thực (phải) và con rể
Cho nhau con chữ vào đời
Tinh thần ham học, lấy việc học làm trọng, bằng mọi giá vượt khó để kiếm tìm tri thức cũng là việc quan trọng trong xây dựng nếp nhà. Có thể nói, gia đình ông Trần Trung Thực (Nuôi chữ cho con - PNO 27/5/2013) là gương điển hình “cả nhà cùng tiến”. Quê Thanh Hóa, đi kinh tế mới với mong muốn thoát nghèo, nhưng chuyện học của con luôn được vợ chồng ông ưu tiên hàng đầu. Đến Di Linh, Lâm Đồng hôm trước, hôm sau ông đã xắn quần lội rừng tìm trường gửi con học chữ. Ông Thực nhớ lại: “Mới 3g sáng, cả nhà đã thức dậy, mỗi người một nhiệm vụ. Các con lội rừng đi học còn cha mẹ thì đi làm, gầy kinh tế để có tiền nuôi chữ cho con”. Sẵn tính ham học, các con ông không quản ngại đường xa, lội bộ ít nhất 10km đường rừng mới đến được trường. “Hồi đó nhà tranh, các con học bằng đèn dầu, bàn học là miếng ván, ngồi không khéo có khi đèn đổ, gây cháy nhà” - ông Thực kể. Đi kinh tế mới, khi hầu như người ta chỉ toan tính mưu sinh thì trong mái ấm của người cựu chiến binh này có hành trình lấy ngắn nuôi dài - giấc mơ giảng đường đại học của các con. Bốn người con của ông, một người là thạc sĩ kinh tế, hai người đang khoác áo Học viện Quân y Hà Nội và người còn lại đang là sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Ông bồi hồi: “Mỗi lần nhận giấy báo đỗ của con, vợ tôi mừng, tủi, nụ cười xen nước mắt, không chịu ăn cơm. Tôi đùa rằng “bà phải ăn cơm để mà có sức lo tiếp cho con”. Bản thân ông cũng được bà con tín nhiệm, bầu làm bí thư chi bộ thôn và có nhiều đóng góp thiết thực như vận động mở đường, kéo lưới điện, xây dựng nhà văn hóa…
Không may mắn như các con ông Thực, có cha mẹ động viên chia sẻ, từ lúc chào đời, cậu bé Lê Bá Trọng đã không biết mặt cha. Bảy tuổi, mẹ bỏ đi, Trọng về sống trong vòng tay ông ngoại. Hoàn cảnh đói ăn, thiếu mặc, không một tấc đất cắm dùi nên “nhà” của hai ông cháu là bất kỳ mảnh đất trống nào có thể giăng tạm miếng vải nhỏ làm chỗ dung thân. Có lúc, cả hai phải lê la xin ăn, sống nhờ lòng thương hại của người đời. Dẫu vậy, “ông ngoại luôn động viên tôi gắng học, “ruộng bề bề không bằng một nghề trong tay” nên tôi xác định, học là hướng đi lâu dài của mình” - Trọng chia sẻ. Sự học của cậu học trò nghèo là những đêm miệt mài với sách vở, mẩu báo đầy chữ nhặt được trên đường lượm ve chai, là những ngày đắm với con chữ cho quên đi cái đói, cái rét. Giấc mơ giảng đường của Trọng cuối cùng cũng thành hiện thực. Hôm về Sài Gòn học Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trọng được bà con lối xóm người cho cân gạo, quả bí, người vài chục ngàn làm lộ phí.
Chị Trần Thị Ngọc Phương
“Không có nhiều người thân, nhưng tôi có nghĩa xóm tình làng. Còn nhớ một bác thường chống gậy sang hàn huyên với ngoại; hôm tôi đi học, bác đến tiễn, buông gậy ôm lấy vai tôi dặn dò. Nặng ơn, chưa kịp đáp thì bác mất, giờ mỗi khi nhớ lại hình ảnh bác, lòng tôi dấy lên nỗi buồn” - Trọng nghẹn ngào. Khán phòng lặng đi trong cơn xúc động của cậu học trò nghèo nay đã là kỹ sư tin học thành đạt, xây được nhà và đón ông ngoại về phụng dưỡng, chăm lo. Biết ơn tình làng xóm, Trọng thường xuyên xây dựng quỹ để hỗ trợ các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp các bạn bớt chông chênh trên con đường mưu cầu tri thức.
Chia sẻ niềm tự hào với người cha già, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, con gái của ông Nguyễn Não (Mài ngọc - PN 29/5/2013) đến với buổi giao lưu bằng một kỷ niệm không bao giờ phai nhạt: “Ba tôi rất nghiêm khắc, con học sao thì học, nhưng hễ ông giở bất kỳ trang nào của quyển vở hỏi bài, bắt buộc con phải thuộc. Trong nhà, ba tôi định hướng con trai phải thi điện tử, cơ khí; con gái phải chọn y dược. Còn nhớ, hồi đó tôi mê vật lý hạt nhân, ba kêu: “Chọn y dược, thi rớt ba cho thi lại, chọn vật lý hạt nhân, ba vẫn cho thi nhưng hễ rớt là phải ra chợ bán chanh ớt”, tôi khóc, nghĩ sao ba độc đoán. Ngẫm lại, hoàn cảnh nghèo, chỉ muốn đi học và biết ba không… nói giỡn nên tôi bắt tay ôn thi dược. Giờ thành đạt, nghĩ thấy rất thương và cảm phục tầm nhìn rộng của ba. Xem trọng việc học, mỗi khi đứa con nào đi thi, không ba thì mẹ đều đưa đón tận nơi, khiến chị em tôi càng cố gắng hơn để không phụ lòng ba mẹ”. Gia đình chị có cả thảy 11 anh em, từ tuổi thơ gắn với những bữa cơm độn khoai, sắn nhưng học vấn trở thành kim chỉ nam mà chín trong số họ đều trở thành những kỹ sư, bác sĩ giỏi.
Vợ chồng anh Lê Bá Trọng
Hơi ấm tình thương
Tùy vào hoàn cảnh, sự trái ngang trong cuộc sống mà các nhân vật đã có những cách ứng biến khác nhau để vượt lên. Dẫu vậy, mục đích cuối cùng của họ vẫn là mưu cầu hạnh phúc, giữ một nếp nhà dù đôi lúc tưởng như không thể chống chọi. Xuyên suốt trong các câu chuyện, dễ dàng thấy được tình yêu, sự hy sinh làm nền tảng gắn bó, để mỗi người sống vì nhau, cho nhau. Đến với buổi giao lưu, ông Lê Văn Hoàng (Hơi ấm cho em - PN 21/3/2012) xót xa: “Âu chưa bình phục, vẫn còn nằm bất động. Tôi đau lòng quá, phải chi tôi chia sớt được cái đau đớn của con”. Gần hai năm trước, Lê Hải Âu - con trai ông bị tai nạn giao thông rất nặng. Tai nạn của Âu đẩy gia đình lâm cảnh túng thiếu, khó càng thêm khó. Lê Song - anh trai Âu gồng mình làm việc nhiều hơn, thay cho cả cha, bởi ông Hoàng phải nghỉ việc, trực tiếp chăm Âu từ miếng ăn đến vệ sinh thân thể. Mỗi ngày ngồi nắn bóp tay chân cho con, lòng dạ người cha già như đứt từng khúc ruột. Ông nói, cũng lắm khi, gia đình thấy đuối sức, nhưng với tình thương vô bờ, ông dặn lòng phải không ngừng hy vọng, tin một ngày Âu bình phục. Từ ngày Âu nằm đó, ông hiếm khi nào xa rời con nửa bước. Ông nghẹn lời khoe: “Con trai tôi nay đã mở mắt và ít nhiều nhận biết được người thân”.
Đôi mắt đỏ hoe, bà Bích (người mẹ trong Con dại cái vẫn thương - PN 14/10/2011) rưng rưng nhắc lại chặng đường đã qua với bao phen giành lại con từ bàn tay tử thần. 10 năm trước, biết Vân - cô con gái bị nhiễm HIV/AIDS, lại đang có mang khiến bà chết lặng. Đau thắt ruột nhưng bà xác định tinh thần lạc quan chính là điều cần thiết cho con; mọi xúc phạm, xa lánh của cha mẹ mới là thứ giết con chứ không phải con virus ác nghiệt nên bà từng bước động viên, chăm lo Vân. Người mẹ ấy bán cả nhà để chạy chữa cho con, nhọc nhằn buôn gánh bán bưng nuôi mình, nuôi con, nuôi cháu. May mắn thay, con trai chị Vân chào đời khỏe mạnh, nay chuẩn bị bước vào lớp 6, năm nào cũng là học sinh giỏi.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan và con gái tại buổi giao lưu
Tại buổi giao lưu, nhiều câu chuyện xúc động được giãi bày, chia sẻ về ý chí, nghị lực, sức mạnh phi thường của tình yêu. Đây chính là sợi dây xuyên suốt làm nền tảng, điểm tựa để các thành viên tự vực dậy tinh thần, dìu đỡ nhau đi qua bước ngặt nghèo. Mỗi gia đình là một bông hoa nếp nhà âm thầm tỏa hương, là những tế bào vững chắc nhất góp phần vào sự phát triển chung của xã hội. Dù trong hoàn cảnh, hoạn nạn nào thì điểm chung giữa họ vẫn là hy vọng, tin yêu cuộc sống, hướng đến hạnh phúc, tương lai tốt đẹp. Tham dự chương trình, bà Lê Huyền Ái Mỹ - Phó Tổng biên tập Báo Phụ Nữ nhận định: “Buổi giao lưu như ngọn nến lung linh, thắp sáng tình yêu, hạnh phúc và nền nếp gia đình. Nó có sức lan tỏa mạnh và ý nghĩa lớn góp phần xây dựng, hướng đến các giá trị cao đẹp của gia đình, xã hội”.
Trong không khí ấm cúng, thân tình, buổi giao lưu bất ngờ chứng kiến một hành động đầy ắp tình người khi các khách mời tự nguyện gửi phần quà của mình thay cho lời động viên, chia sẻ đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn. Đem đến chương trình những phần quà nhỏ như một cách sẻ chia, bà Khổng Thị Minh, Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện Minh Khoa, cũng là một nhân vật của Nếp nhà xúc động bày tỏ, bà sẽ tiếp tục đồng hành với chương trình Hoa nếp nhà của Báo Phụ Nữ trong những năm tới.
Ban HÔN NHÂN GIA ĐÌNH
Bên lề
Đất cằn sinh quả ngọt
Bảy năm trước, Báo Phụ Nữ đăng bài viết Trả nghĩa cho xóm làng trong chuyên mục Nếp nhà. Nhân vật Lê Bá Trọng của bài viết sống cùng ông ngoại đã lay động nhiều trái tim độc giả bởi hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn khát khao tìm đến tri thức. Khi câu chuyện về Trọng xuất hiện trên báo, một Mạnh Thường Quân đã tìm đến giúp anh toàn bộ học phí và phí sinh hoạt cho cả hai ông cháu suốt bốn năm anh học đại học.
Lê Bá Trọng đến dự buổi giao lưu Hoa nếp nhà cùng người vợ trẻ xinh đẹp Trần Thị Ngọc Phương, vốn là bạn học thời cấp III của Trọng. Phương kể: “Ngày ấy, cả trường đều biết hoàn cảnh đặc biệt của anh Trọng. Sau giờ học, tôi và các bạn cùng lớp thường đến nhà anh để “tiếp tế” đồ ăn, giúp anh chăm sóc ông ngoại”. Tình bạn tuổi học trò đã “đổi màu”thành tình yêu, khi Phương gặp Trọng ở TP.HCM. Cô yêu Trọng vì cảm mến nghị lực vượt khó và tính cách “yêu người già, quý trẻ con, ham giúp đỡ bạn bè” của anh.
Đi nửa ngày đã nhớ vợ
Từ thôn 18, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh, ông Trần Trung Thực bắt chuyến xe đêm vượt hơn 200 cây số để kịp góp mặt với chương trình. Ông cho biết: “Mấy hôm nay tôi đột nhiên đổ bệnh, cứ sợ không đi được. Giờ thì việc nhà, việc rẫy phó thác hết cho vợ để xuống thành phố giao lưu”. Có thể nói, ông là người đến với chương trình Hoa nếp nhà sớm nhất. Bốn giờ sáng đã vào đến thành phố, không biết làm gì, ông ghé nhà cậu con rể ở Thủ Đức… rủ đi giao lưu. Vậy mà vừa xong chương trình là ông lật đật bắt chuyến xe trưa để kịp về đến nhà trước khi trời tối vì thương vợ một mình ở nhà giữa rừng núi hoang vu, hẻo lánh. “Con cái đi học xa, chỉ còn hai vợ chồng, tôi đi đâu 6g chiều chưa về là vợ cứ ra ngõ đứng trông. Tôi thường đi làm chung với vợ, lâu lâu xa vợ nửa ngày đã nhớ nhà, nhớ vợ, phải vội về ngay. Nhà tôi nằm giữa vùng rừng núi heo hút, chỉ vài nóc nhà cách nhau cả cây số, để bà ấy ở nhà một mình, tội lắm. Tôi cũng muốn mau chóng về nhà để kể cho bà ấy nghe về buổi giao lưu ý nghĩa hôm nay” - ông Thực chia sẻ.
Tự hào về truyền thống gia đình
Lê Ngọc Phương Lan (cháu ngoại của ông Nguyễn Não ở Quy Nhơn - bài Mài “ngọc” đăng trên Phụ Nữ số 59, ngày 29/5) mới tốt nghiệp thạc sĩ dược loại xuất sắc (Trường University College London, Anh). Bay về nước tối 24/6, Phương Lan đã tranh thủ đến dự giao lưu Hoa nếp nhà. Lan còn khá mệt vì chuyến bay dài và mất cân bằng do lệch múi giờ, đồng thời còn phải gấp rút chuẩn bị bay sang Singapore làm việc vào cuối tuần. Dù vậy, Phương Lan vẫn hào hứng theo mẹ - chị Ngọc Lan đến tham dự giao lưu thay mặt ông bà ngoại (không đến được vì lý do sức khỏe). Phương Lan rất cảm động khi nghe mẹ kể về sự dày công của ông bà đã nuôi 10 người con ăn học thành tài. Niềm tự hào về truyền thống gia đình đã trở thành động lực thôi thúc Phương Lan phấn đấu. Phương Lan chia sẻ: “So với những nỗ lực của các bác, các anh… tham gia trong buổi giao lưu thì những gì con làm được chỉ nhỏ như… con kiến. Con sẽ cố gắng để không phụ công “trồng người”, quyết tâm giữ gìn và phát huy truyền thống hiếu học của gia đình”.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.