Tôi muốn kể về 2 nữ du kích Củ Chi dũng cảm, can trường là Võ Thị Mô (Bảy Mô, 77 tuổi), Cao Thị Hương (Ba Hương, 78 tuổi) và tình bạn đẹp đã đi cùng họ trên dưới 60 năm qua.
Cùng nhau đi qua sinh tử
Lắc lư trên chiếc võng trước hiên nhà, bà Bảy Mô - nguyên Trung đội trưởng trung đội nữ du kích Củ Chi, đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - nói với người bạn già cũng đang đong đưa: “Ba Hương nè, kể cho cổ nghe chuyện chị em mình đi”.
Bà Ba Hương mỉm cười: “Kể gì giờ ta?”. Bà Bảy Mô thủng thẳng: “Thì bắt đầu từ cái hồi bà bắn rơi máy bay Mỹ đó”. Tôi ngạc nhiên. Bà Bảy Mô cười rung nhịp võng: “Đó, bả đó. Là bà Cao Thị Hương - nữ dũng sĩ bắn rơi máy bay Mỹ đầu tiên trên đất Củ Chi. Không phải vừa đâu nha”.
Buổi sáng mùa hè trong trẻo, bình yên, trước hiên ngôi nhà nhỏ ở ấp Phú Lợi, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TPHCM, tôi được nghe 2 phụ nữ gan dạ, can trường, cùng đi qua chiến tranh kể lại chuyện đời mình. 15 tuổi, bà Ba Hương xin tòng quân. Nhờ năng khiếu ca hát, bà được các anh giao phụ trách đội văn công tỉnh Lâm Đồng. Phục vụ được 1 năm, bà bị địch bắt. Do không thể tuyên án người dưới 18 tuổi nên bà bị giam hơn 1 năm rồi được phóng thích.
Ngày 1/11/1964, ra khỏi tù, bà tìm cách kết nối với tổ chức ở ấp Mũi Lớn 1, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi để tiếp tục hoạt động với điều kiện “ngành nào có súng thì đi”. Bà được tổ chức phân công làm du kích, được giao 1 khẩu súng trường. Không biết chữ nhưng bà học lóm rất nhanh và sớm trở thành xạ thủ của đơn vị.
Ngày 15/12/1965, nữ du kích Ba Hương được phân công cùng đồng đội đi bắn máy bay địch. Đồng đội bắn trượt 2 chiếc bay đầu. Với 7 phát súng trường bá đỏ, Ba Hương bắn cháy chiếc khu trục - loại máy bay ném bom của Mỹ. Trận đó, bà được biểu dương trong toàn huyện Củ Chi, bằng khen ghi: “Nữ du kích bắn 7 phát bá đỏ rơi máy bay”.
Hôm sau, bà được chỉ huy trao quyết định về công tác trong đội nữ du kích Củ Chi. Bà hồi tưởng: “Thấy tôi ngạc nhiên, cấp trên vỗ vai, nói “về đó cho bắn tiếp mà”. Tôi về đó thì gặp Bảy Mô - nữ dũng sĩ diệt xe tăng Mỹ, nữ trung đội trưởng thét ra lửa”.
|
Từ phải qua: bà Ba Hương, bà Bảy Mô và những người bạn |
Đầu năm 1966, trung đội nữ du kích Củ Chi ra mắt ngay lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào đoạn ác liệt nhất. Bà Bảy Mô - khi đó 19 tuổi, là Xã đội phó xã đội Nhuận Đức - được chỉ định làm trung đội trưởng, bà Ba Hương 20 tuổi, được phân công làm Tiểu đội trưởng tiểu đội 3. Bà Ba Hương trầm giọng: “Trong trận càn cuối năm 1966, nếu không có Bảy Mô là tôi bỏ xác rồi”.
Bà kể, đánh hết 5 trái thủ pháo, diệt mấy chục tên địch thì bà bị đạn ghim bắp chân, trong khi máy bay ném bom Mỹ lại bay gần tới. Nghĩ phen này chết chắc rồi, bà hét về hướng Bảy Mô, kêu “rút đi” nhưng bà Bảy Mô không rút mà ôm bà quăng đi. Ngay lúc đó, máy bay giặc tới, thả bom na-pan (napalm). Máy bay đi, bà Bảy Mô bò qua, thấy bà Ba Hương đã ngất bên con suối, liền cõng về hướng cầu Đức Lập mà không hay áo mình đã bị bom làm cháy sém ở lưng.
Sau khi dưỡng thương, bà Ba Hương trở lại hoạt động, nhưng mãi đến năm 1968 mới có dịp được chiến đấu cùng bà Bảy Mô trong trận càn Thái Mỹ.
Bà nói: “Trận đó, phe mình hy sinh nhiều. Tôi nhớ lúc Bảy Mô hô rút, anh em theo lệnh rút đi, còn bả thì ở lại che chắn cho gần 10 anh em bị thương. Thấy vậy, tôi lượm cây súng của đồng đội vừa trúng đạn, phụ bả yểm trợ anh em. Tôi nể bả ở chỗ chưa từng bỏ ai. Tôi nguyện trong lòng, nếu hy sinh thì thôi chứ còn sống thì phải đi tìm lại bả”.
Do bị thương nhiều, năm 1970, bà Ba Hương được điều về K71A dưỡng thương. Tại đây, bà gặp anh quân y Võ Văn Nguyện - người trực tiếp điều trị cho bà - và thành vợ chồng.
Bầu bạn tuổi già
Sau ngày đất nước thống nhất, bà Ba Hương theo chồng về huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh sinh sống và công tác ở sở lương thực tỉnh. Năm 1983, bà Ba Hương xin nghỉ hưu non do mất sức lao động, được hưởng 75% lương nhờ cộng dồn các chế độ thương binh, tù đày. Vợ chồng bà cùng 3 đứa con chuyển về xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi sinh sống. Tại đây, bà Ba Hương tìm gặp lại bà Bảy Mô.
Nhìn bạn đau yếu, không nhà, nuôi 3 con đói khổ, bà Ba Hương không kìm được nước mắt. “Vợ chồng tôi vốn nghèo, nhưng Bảy Mô khi đó không có gạo ăn luôn. Tôi nhường phiếu gạo cho nhà bả. Biết Bảy Mô không có nhà ở, tôi bàn với chồng rước bả về ở chung. Nhưng bả nói còn chồng với 3 con nhỏ. Vậy là chỉ còn cách nhà có cái gì hốt cho bả cái đó. Tới năm 1990, bà Bảy Mô được Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế TPHCM mua cho mảnh đất ở ấp Phú Lợi, xã Phú Mỹ Hưng để cất nhà, tôi mừng cho bạn mà đêm không ngủ được”.
Có nhà, cuộc sống đỡ nhọc nhằn hơn, bà Bảy Mô lại lặn lội đi tìm những đồng đội cũ để lâu lâu tụ họp. Trong hành trình đó, không thể thiếu bà Ba Hương. Địa điểm họp mặt cựu đồng đội hằng năm chính là nhà bà Bảy Mô.
Riêng mình, cứ 10 ngày nửa tháng, bà Ba Hương lại đón xe buýt từ xã Tân An Hội sang xã Phú Mỹ Hưng thăm và chơi với bà Bảy Mô, có khi ở lại 5-7 ngày. Bà nói: “Nhà tôi thì chật chội, còn trên này Bảy Mô trống trải một mình vì 3 người con đều bận bịu mưu sinh”.
|
Bà Bảy Mô thời trẻ (bìa trái) gặp gỡ nữ tướng Nguyễn Thị Định |
Tôi hỏi 2 bà “ở chung vậy, có khi nào cãi nhau không”, bà Ba Hương cười lớn: “Có chứ sao không. Cãi nhau mấy chục năm rồi chưa chán. Hồi chiến đấu thì cãi nhau để bàn cho ra phương án tác chiến tốt nhất, còn sau này cãi nhau để giữ sức khỏe cho nhau”. Bà Bảy Mô cười: “Cãi đó rồi quên đó, rồi nhắc nhau uống thuốc, trị các vết thương cũ vẫn còn âm ỉ”.
Nghe hỏi về tâm nguyện lúc này, bà Ba Hương nói: “Tôi hy vọng Bảy Mô sớm được công nhận danh hiệu anh hùng. Người quả cảm, anh hùng như vậy thì còn chờ gì nữa mà không phong danh hiệu. Người bả đầy vết thương chiến tranh mà chỉ được công nhận thương binh bậc 4/4, thua tôi (bậc 2/4). Bả bị biết bao khối u ác tính, mổ xẻ 8 lần mà hồ sơ để hưởng chế độ nhiễm chất độc da cam làm hoài không đặng. Lương hưu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe tăng, Phó chỉ huy huyện đội mà có hơn 5 triệu đồng/tháng”.
Bà Bảy Mô thì trầm ngâm: “Không chỉ tôi mà nhiều chị em trong trung đội du kích Củ Chi hồi đó hy sinh không tiếc gì, giờ ai cũng nghèo, cũng đau bệnh triền miên. Chị em tôi chỉ muốn mình được nhận đúng với những gì mình đã cống hiến. Chỉ có vậy thôi”.
Diễm Chi
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024. Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html |