Những bông hoa hướng dương của Van Gogh

01/03/2021 - 18:35

PNO - Trong cuộc đời mình, Vincent van Gogh thực hiện hai loạt tranh về hoa hướng dương. Trong đó, những bức tranh Hoa hướng dương thực hiện tại Arles, miền nam nước Pháp, vào năm 1888 và 1889 là dấu ấn nổi tiếng nhất của ông.

Cuộc gặp gỡ kỳ lạ

Mùa hè năm 1888, Vincent van Gogh mời Paul Gauguin - người bạn và là một họa sĩ đồng nghiệp đến thăm Arles, Pháp - ở cùng ông tại ngôi nhà mà ông hy vọng biến thành xưởng tranh chung cho các nghệ sĩ. Khi đến, Gauguin thấy căn phòng của mình được trang trí bằng các tác phẩm nghệ thuật của van Gogh, bao gồm cả bức tranh về những bông hoa hướng dương.

Chuyến thăm dài hai tháng kết thúc một cách thảm hại khi hai nghệ sĩ hoàn toàn bất đồng về quan điểm nghệ thuật. Van Gogh cắt tai, suy sụp tinh thần và cuối cùng phải nhập viện còn Gauguin quay trở lại Paris. Tuy nhiên, vài tuần sau, Gauguin viết thư cho van Gogh để xin bức tranh Hoa hướng dương, ca ngợi nó là “một biểu tượng hoàn hảo của phong cách Vincent”.

Năm bức Hoa hướng dương của Vincent van Gogh được ông thực hiện tại Arles, Pháp
Năm bức Hoa hướng dương của Vincent van Gogh được ông thực hiện tại Arles, Pháp

Vincent van Gogh quyết định vẽ một phiên bản khác của Hoa hướng dương để trao đổi với một tác phẩm của Gauguin. Ông hoàn thành tác phẩm vào tháng 1/1889 nhưng chưa bao giờ gửi đi.

Hai bức tranh đều mang tên Hoa hướng dương - thường được xem như hai mẫu đẹp nhất trong chuỗi tranh miêu tả về loài hoa rực rỡ mà van Gogh thực hiện vào năm 1888 và 1889, trong thời gian ông ở Arles. Bức đầu tiên hiện nằm trong bộ sưu tập của Phòng trưng bày Quốc gia ở London, bức thứ hai nằm trong Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam, Hà Lan.

Ella Hendriks - giáo sư về bảo tồn và trùng tu nghệ thuật tại Đại học Amsterdam - giải thích: “Dù bảng màu cơ bản giống nhau, có những màu sắc khác nhau, cùng sự khác biệt về kết cấu sơn và cách vẽ của ông ấy trong hai bức tranh”.

Những tuyệt tác mong manh

Vì cả phiên bản London và phiên bản Amsterdam đều quá mỏng manh để di chuyển, các chuyên gia đã tiến hành một loại so sánh ảo. Thay vì gỡ các bức tranh khỏi phòng trưng bày để phân tích vật lý hoặc cạo lấy mẫu sơn, nhóm nghiên cứu đã đưa thiết bị quét kỹ thuật số di động vào bảo tàng để lập bản đồ các lớp sơn, nét vẽ và bột màu, sau đó so sánh dữ liệu từ mỗi tác phẩm.

Nienke Bakker - người phụ trách triển lãm tại Bảo tàng Van Gogh - cho biết khi Gauguin viết thư cho van Gogh ca ngợi bức tranh và ngỏ lời xin, van Gogh rất vui mừng nhưng không muốn cho đi. Thật may mắn, vì nếu Gauguin hỏi, biết đâu các phiên bản khác của bức tuyệt tác đã không ra đời.

Bản ký họa trong một bức thư của Vincent van Gogh cho thấy hai phiên bản Hoa hướng dương  kết hợp cùng tác phẩm Người phụ nữ đưa nôi
Bản ký họa trong một bức thư của Vincent van Gogh cho thấy hai phiên bản Hoa hướng dương kết hợp cùng tác phẩm Người phụ nữ đưa nôi

Trong cuộc đời nghệ thuật của mình, van Gogh đã vẽ 11 tác phẩm với hoa hướng dương là chủ đề chính và nhiều tác phẩm khác trong đó loại hoa này đóng một vai trò nào đó. Ông đã thực hiện bốn bức ở Paris và bảy ở Arles. Trong số bảy bức tranh, hai bức đã biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng: một tác phẩm bị phá hủy do trận hỏa hoạn ở Nhật Bản giữa cuộc ném bom của quân Đồng minh vào Osaka trong Thế chiến hai và một tác phẩm khác nằm trong bộ sưu tập tư nhân mà chưa viện bảo tàng nào mượn được.

Hiện có năm bức tranh trong các viện bảo tàng công cộng ngày nay thường được xem như một phần của loạt tranh Hoa hướng dương do van Gogh thực hiện. Tất cả đều thể hiện cùng một bó hoa trong cùng một bình gốm, đặt trên nền màu vàng hoặc xanh lam nhạt. Ngoài phiên bản ở London và Amsterdam, ba phiên bản còn lại ở Munich (Đức), Tokyo (nhật Bản) và Philadelphia (Mỹ).

Hầu hết tác phẩm đều không thể vận chuyển. Phòng trưng bày Quốc gia chỉ cho mượn bức tranh của mình ba lần: cho Bảo tàng Van Gogh vào năm 2002 và 2013, triển lãm “Van Gogh và nước Anh” tại Tate Britain vào tháng 6/2019. Bảo tàng Van Gogh quyết định ngừng cho mượn phiên bản “hoa hướng dương” từ năm 2018 vì các nhà bảo tồn nhận thấy sắc tố màu vàng chrome mà van Gogh sử dụng không ổn định, bắt đầu chuyển sang màu xanh lá cây và nâu. 

Lần cuối cùng Hoa hướng dương của Phòng trưng bày Quốc gia và Hoa hướng dương của Bảo tàng Van Gogh được đứng cùng nhau là vào năm 2013 và 2014. 

Vì sao lại là hoa hướng dương?

Cũng như những họa sĩ vào thời điểm đó, Vincent van Gogh chọn chủ đề hoa cho tranh tĩnh vật nhưng ông hơi khác một chút. Sau khi thực hành với các loại hoa khác nhau, van Gogh chọn một giống cụ thể: hướng dương. 

Các họa sĩ đồng nghiệp thời ông nghĩ hoa hướng dương có lẽ hơi thô và không tinh tế. Nhưng đây chính xác là điều van Gogh thích. Hơn nữa, màu vàng là biểu tượng của hạnh phúc và trong văn học Hà Lan, hoa hướng dương là biểu tượng của sự tận tâm, trung thành. 

Tác phẩm của Paul Gauguin thể hiện “Vincent van Gogh vẽ hoa hướng dương” thực hiện vào năm 1888, trong chuyến thăm van Gogh tại Arles
Tác phẩm của Paul Gauguin thể hiện “Vincent van Gogh vẽ hoa hướng dương” thực hiện vào năm 1888, trong chuyến thăm van Gogh tại Arles.

Khi chuyển đến Paris vào năm 1886, van Gogh tiếp xúc với các bảng màu đậm của trường phái Ấn tượng, chẳng hạn những tác phẩm của Renoir, với việc sử dụng các màu sắc tươi sáng và đối lập. Ảnh hưởng của trường phái Ấn tượng đã biến đổi cách sử dụng màu sắc của van Gogh. Ông bắt đầu thử nghiệm những gam màu sáng, không pha trộn.

Tác phẩm Hoa hướng dương đầu tiên sử dụng một loạt kỹ thuật ấn tượng, từ các chấm nhỏ đến những nét cọ dày. Ông cũng phá vỡ một số quy tắc cơ bản của hội họa thời đó. 

Van Gogh đặt những bông hoa hướng dương trên nền xanh lam trong loạt tranh tại Paris nhưng các phiên bản tại Arles ông lại thể hiện những bông hoa màu vàng trong một chiếc bình màu vàng trên chiếc bàn màu vàng, với nền tường màu vàng và về tổng thể, bức tranh dường như tỏa ra ánh sáng.

Vincent muốn kết hợp hai phiên bản trong loạt tranh Hoa hướng dương với tác phẩm Người phụ nữ đưa nôi (La Berceuse), bức chân dung ông thực hiện như một sự tôn kính đối với hình ảnh người mẹ, nguyên mẫu từ vợ người giám đốc bưu điện tại Arles. Cùng với nhau, các bức tranh đã tạo thành một bộ ba. Hai bông hoa hướng dương là "tấm nền màu vàng" làm tăng màu sắc bức chân dung. Van Gogh nghĩ rằng đó là chiếc kiềng ba chân tượng trưng cho lòng biết ơn.

Tài năng nhưng bạc phận

Van Gogh nổi tiếng với hành động cắt tai của chính mình và đem hình ảnh đó vào tác phẩm tự họa. Trong suốt cuộc đời, ông đã trải qua những cơn trầm cảm, những khoảng thời gian bình thường và những cơn phấn khích tột độ: tất cả các triệu chứng hiện được coi là đặc trưng của rối loạn lưỡng cực.

Ngày 23/12/1888, Vincent lao đến chỗ Gauguin với một con dao cạo nhưng sau đó dừng lại và quay đi. Đêm đó, ông đã cắt tai mình.

Tháng 2/1889, người dân Arles kiến nghị chính quyền đưa van Gogh vào trại tị nạn, với lý do ông là một mối đe dọa đối với công chúng. 

Tháng 5/1989, van Gogh tự nguyện nhập viện tâm thần tại Saint-Rémy. Tại đây, ông được phép vẽ tranh và điều đó giúp ông kiểm soát những ảo giác. Hầu hết các bức tranh nổi tiếng đều được van Gogh vẽ trong ba năm cuối đời, khi bệnh trầm cảm của ông ở giai đoạn trầm trọng nhất. Năm 1890, ở tuổi 37 và chỉ bán được một bức tranh, van Gogh đã tự sát bằng súng.

Sau khi ông qua đời, bạn bè đã mang hoa hướng dương đến đám tang của ông. Hoa hướng dương trở thành biểu tượng của Vincent van Gogh, đúng như điều mà người họa sĩ tài năng nhưng bạc phận đã hy vọng. 

Ngọc Hạ

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI