Old Boy (đạo diễn: Park Chan Wook, phim Hàn Quốc, 2003).
Phim làm lại: Old Boy (đạo diễn: Spike Lee, 2013)
Có thể nói đạo diễn Park Chan Wook là cái tên bảo chứng cho bộ phim thành công cả về mặt thương mại lẫn tính nghệ thuật. Những bộ phim của ông đều rất xuất sắc và được đánh giá rất cao bởi không chỉ những nhà phê bình mà còn được công nhận bởi khán giả trên toàn thế giới.
Một trong những siêu phẩm của ông phải kể đến Old Boy, bộ phim đã xuất sắc được đề cử Cành Cọ Vàng và nhận về Giải thưởng Lớn ở LHP Cannes (Pháp).
Bộ phim gốc xoay quanh Dae Su, một người đàn ông có cuộc sống gia đình hạnh phúc, nhưng bi kịch bất ngờ ập đến khiến Dae Su mất tất cả và bỗng rơi vào cảnh giam cầm một cách bí ẩn trong suốt 15 năm. Khi bất ngờ được thả ra cũng theo cùng một cách bí ẩn như trước, Dae Su chỉ biết rằng mình cần phải trả thù. Hành trình ấy đã khiến ông có tình cảm với một đầu bếp tên Mido để rồi cuối cùng lại đau khổ nhận ra đó chính là con gái ruột của mình.
Old boy có rất nhiều cảnh bạo lực “hạng nặng” khiến diễn xuất của nam chính được đẩy lên cao trào đỉnh điểm. Đây là một trong những phim mang màu sắc bạo lực hiếm hoi được công nhận về mặt nghệ thuật bởi giới điện ảnh quốc tế. Đạo diễn Spike Lee về sau đã đạo diễn lại một bộ phim tôn trọng nguyên bản với những ý tưởng và kết cấu tương tự, dù vậy, mức độ bạo lực được giảm tuy nhiên kết quả không như mong đợi, bất chấp vai diễn xuất sắc của Josh Brolin.
A Tale of Two Sisters (Câu chuyện hai chị em, đạo diễn Kim Jee-woon, phim Hàn Quốc, 2003)
Phim làm lại: The Uninvited (Khách không mời, đạo diễn Charles Guard - Thomas Guard, 2009)
Bộ phim của đạo diễn Kim Jee Woon được coi là bộ phim kinh dị xuất sắc nhất mọi thời đại của Hàn Quốc. Bộ phim cuốn hút người xem bởi kịch bản xuất sắc cùng cái kết hết sức bất ngờ, và ngay lập tức lọt vào mắt xanh của nhà sản xuất Hollywood.
Hai chị em Su-mi và Su-yeong chuyển đến ở tại căn nhà mới nằm ở vùng quê cùng với mẹ kế và cha đẻ. Cả hai cô bé đều không quý mến mẹ kế và đều cảm thấy đau khổ vì thiếu vắng mẹ đẻ. Mọi việc bắt đầu từ một bữa tối, sau những cãi cọ kịch liệt, Su-mi bỏ về phòng và cha của cô bé đem tới cho cô hai viên thuốc.
Kể từ đó, chuyện phim bắt đầu chuyển hướng sang dạng siêu thực kinh dị và trở thành cơn ác mộng đối với hai chị em Su-mi.
Đạo diễn Kim Jee-woon đã thực hiện bộ phim lấy cảm hứng từ câu chuyện dân gian Hàn Quốc xoay quanh đề tài mẹ kế - con chồng. Chuyện phim đã lồng vào những yếu tố kinh dị, đặc biệt là cách phối màu trong bối cảnh góp phần đẩy cao kịch tính, nỗi sợ hãi và sự rùng rợn.
Hai anh em nhà Guard về sau đã làm lại bộ phim với ít tính mơ hồ, bí ẩn hơn phiên bản gốc khi chi tiết nhân vật Su-mi vừa trở về từ bệnh viện tâm thần được hé lộ ngay từ đầu.
My Sassy Girl (đạo diễn Kwak Jae Yong, phim Hàn Quốc, 2001)
Phim làm lại: My Sassy Girl (Yann Samuell, 2008)
Khi bắt tay thực hiện bộ phim nhựa My Sassy Girl với sự góp mặt của Jeon Ji Hyun và Cha Tae Hyun, đạo diễn Kwak Jae Yong không thể lường trước mức độ thành công của bộ phim tại châu Á. My Sassy Girl hiện vẫn có mặt trong Top những phim nhựa đáng xem nhất đối với phần lớn dân “teen” mê phim Hàn tại châu Á. My Sassy Girl còn đưa cặp đôi diễn viên chính của phim trở thành ngôi sao xứ Hàn được yêu thích nhất tại khu vực.
Trong bộ phim, nhân vật nam chính đã có cuộc gặp gỡ với một cô gái say rượu trên tàu điện và điều này đã làm thay đổi cuộc đời anh. Nội dung phim dựa trên một câu chuyện có thật được kể lại qua một chuỗi những lá thư tình viết bởi Kim Ho-sik, người khởi đầu đã gửi chúng trên Internet và sau đó chuyển thể chúng thành tiểu thuyết.
Một phiên bản làm lại tại Mỹ của bộ phim, My Sassy Girl, có sự tham gia diễn xuất của Jesse Bradford và Elisha Cuthbert, đạo diễn bởi Yann Samuell đã được phát hành năm 2008. Phim thậm chí còn được mua bản quyền và làm lại tại Nhật ở dạng phim truyền hình. Mới đây, Hàn Quốc cũng phát sóng phiên bản làm lại của bộ phim cũng ở dạng truyền hình. Tuy nhiên cũng giống như đa số các phiên bản làm lại từ các bộ phim khác, các phiên bản làm lại của bộ phim này cũng được đánh giá không cao bằng bản gốc.
Il Mare (Người tình không chân dung, đạo diễn Lee Hyun-seung, phim Hàn Quốc, 2000)
Phim làm lại: The Lake House (Ngôi nhà bên hồ, đạo diễn Alejandro Agresti, 2006)
Năm 1997, Sung-hyun chuyển tới sống ở một ngôi nhà ven biển xinh xắn, ở đây, anh nhận được một lá thư do cô gái có tên Eun-joo gửi đến. Thư nói rằng Eun-joo là chủ nhân trước của ngôi nhà và đề nghị anh chuyển cho cô một lá thư quan trọng sắp được gửi tới đây.
Thoạt tiên, Sung-hyun nghĩ đây là trò đùa bởi anh là người đầu tiên dọn vào ở ngôi nhà này và lá thư do cô Eun-joo nào đó gửi đến cho anh được viết ở thời tương lai - năm 1999. Tuy vậy, Sung-hyun vẫn quyết định hồi đáp lá thư và phát hiện ra rằng thực sự Eun-joo đang sống ở thời tương lai. Hai người họ bắt đầu liên lạc với nhau vượt thời gian…
Bộ phim làm lại do đạo diễn Alejandro Agresti thực hiện đã quy tụ được hai ngôi sao nổi tiếng Sandra Bullock và Keanu Reeves với bối cảnh mới là thành phố Chicago.
Seven Samurai (đạo diễn Akira Kurosawa, phim Nhật Bản, 1954).
Phim làm lại: The Magnificent Seven (đạo diễn John Sturges, 1960)
Kiệt tác đen trắng của đạo diễn Akira Kurosawa nói về 7 samurai anh hùng bảo vệ một ngôi làng nhỏ trước một băng cướp tàn bạo. Bộ phim đã đưa vào những chuẩn mực khắt khe của điện ảnh Nhật với rất ít lời thoại. Những cảnh chiến đấu rất thật và không sử dụng máy tính.
Trong phim làm lại, đạo diễn John Sturges biến Seven Samurai thành phim viễn Tây với các chàng cao bồi trừ gian diệt bạo. Bảy tay súng oai hùng thay thế 7 samurai nhưng cốt truyện vẫn như phim gốc. Hai bộ phim được đánh giá thành công ngang nhau. Năm 2016, đạo diễn Antoine Fuqua làm lại bộ phim khác cũng lấy bối cảnh viễn Tây nhưng không gây ấn tượng mạnh như mong đợi.
Godzilla (Đạo diễn Ishiro Honda, phim Nhật, 1954)
Phim làm lại: Godzilla (Đạo diễn Roland Emmerich, 1998)
Godzilla là nhân vật kinh điển của điện ảnh Nhật và là khởi nguồn của dòng phim “kaiju” làm về những quái vật hủy diệt khổng lồ. Về mặt lịch sử, nhân vật Godzilla được sinh ra từ nỗi sợ đối với bom nguyên tử mà người Nhật đã từng phải trải qua.
Trong bộ phim gốc của Nhật, quái vật Godzilla được sinh ra bởi phóng xạ, khi đã đủ lớn mạnh, nó định hủy diệt cuộc sống loài người. Bộ phim đen trắng là một ẩn dụ về hậu họa của của năng lượng nguyên tử.
Về sau, nhân vật Godzilla đã trở thành một trong những quái vật “con cưng” của điện ảnh Hollywood. Phim của đạo diễn Roland Emmerich đã tận dụng hiệu ứng kỹ xảo và nhạc phim kịch tính, khiến tác phẩm mang nhiều tính giải trí. Điểm yếu của nhân vật Godzilla do Hollywood xây dựng là thiếu chiều sâu và diễn biến tâm lý so với phim gốc của Nhật.
Hachiko Monogatari (Chú chó trung thành, đạo diễn Seijiro Koyama, phim Nhật, 1987)
Phim làm lại: Hachi: A dog’s Tale (Hachiko: chú chó trung thành, đạo diễn Lasse Hallstrom, 2009)
Cả hai bộ phim đều được thực hiện dựa trên một câu chuyện có thật từng xảy ra hồi năm 1932 ở thành phố Tokyo, Nhật Bản. Nhân vật chính là chú chó Hachiko luôn chờ chủ ở nhà ga vào một giờ nhất định để đón ông trở về từ nơi làm việc. Một hôm, chủ của Hachiko - giáo sư Ueno - bị đau tim và đột tử ngay tại nơi làm việc, không bao giờ còn trở về với Hachiko được nữa.
Tuy vậy, trong suốt những năm tháng sau đó, cho tới tận ngày cuối cùng trong cuộc đời, chú chó Hachiko vẫn đều đặn ra nhà ga vào một giờ quen thuộc để ngóng đợi chủ. Lòng trung thành của chú chó đã khiến người Nhật cảm động.
Sự gắn bó lúc sinh thời giữa giáo sư Ueno và chú chó Hachiko, và sau này là sự trung thành của Hachiko dành cho người chủ quá cố là nội dung chính của cả hai bộ phim.
Dù là phiên bản nào thì bộ phim cũng lấy đi rất nhiều nước mắt của người xem. Đạo diễn Seijiro Koyama khai thác cả cảnh giáo sư và chó tắm cùng nhau khiến người vợ phải lo lắng. Lasse Hallstrom “thay đổi không khí” của phim gốc khi chỉ tập trung vào quan hệ giữa người đàn ông và con chó cùng những khó khăn gặp phải khi người vợ của giáo sư Parker Wilson (Richard Gere đóng) không thích thú vật. Tuy nhiên phim gốc vẫn được đánh giá hay hơn phim làm lại. Phiên bản làm lại khá phổ biến với khán giả Việt khi từng được chiếu một thời gian trên kênh HBO.
Antarctica (Châu Nam cực, đạo diễn Koreyoshi Kurahara, phim Nhật, 1983)
Phim làm lại: Eight Below (Âm 8 độ, đạo diễn Frank Marshall, 2006)
Chuyện phim dựa trên câu chuyện có thật về một đoàn thám hiểm người Nhật lên tới Nam cực hồi năm 1958, bộ phim gốc xoay quanh đàn chó kéo xe bị đoàn thám hiểm bỏ lại trên Nam cực.
Đạo diễn Koreyoshi Kurahara đã phải dành ra 3 năm để quay bộ phim này với mục đích thể hiện chân thực nhất những hình thái thời tiết khắc nghiệt của Nam cực. Kết quả là một bộ phim với những cảnh quay thuyết phục về Nam cực đã ra đời. Hai chú chó kéo xe Taro và Jiro là hai nhân vật chính của phim.
Trong Âm 8 độ, đạo diễn Frank Marshall đã trung thành với bộ phim gốc và đi sâu vào khắc họa đàn chó kéo xe bị bỏ lại ở Nam cực. Trong bộ phim làm lại, diễn xuất của những chú chó cũng đáng kinh ngạc y như trong phim gốc của Nhật.
Ju-On: The Grudge (Lời nguyền, đạo diễn Takashi Shimizu, phim Nhật, 2002)
Phim làm lại: The Grudge (Lời nguyền, đạo diễn Takashi Shimizu, 2004)
Theo quan niệm dân gian Nhật Bản, khi một ai đó chết đi trong tình trạng giận dữ tột cùng thì một lời nguyền sẽ sinh ra và quấy nhiều những người sống ở nơi mà linh hồn giận dữ còn đang vương vấn. Trong bộ phim gốc Lời nguyền của Nhật, một người đàn ông đã ra tay sát hại vợ sau khi phát hiện ra vợ mình ngoại tình.
Vụ việc dần dần chìm vào quên lãng cho tới khi gia đình Tokunaga chuyển tới sống trong ngôi nhà nơi vụ việc từng xảy ra. Lời nguyền lúc này bắt đầu quấy nhiễu gia đình mới chuyển tới.
Bộ phim được thực hiện với phong cách phi tuyến tính thời gian, khiến sự kinh hãi, hoảng loạn càng trở nên đậm nét. Một điểm đáng chú ý là những cảnh phim đáng sợ nhất lại được dàn dựng trong ánh sáng ban ngày.
Trong bộ phim làm lại, bối cảnh vẫn đặt ở Nhật, nhưng chuyện phim xoay quanh Karen, một cô gái người Mỹ chuyển tới sống ở Tokyo. Khi có thời gian rảnh, Karen thường tình nguyện chăm sóc cho một cụ già người Mỹ. Người chăm sóc cho bà cụ trước đây đã biến mất bí ẩn.
Điểm mạnh của phim kinh dị Nhật chính là không khí rùng rợn bao trùm cả bộ phim, khi Hollywood làm lại những phim kinh dị hay nhất của điện ảnh Nhật, họ thường không thể tái hiện được không khí đượm vẻ u buồn, rùng rợn đó, vì vậy, yếu tố âm thanh và hình ảnh rùng rợn, đột ngột thường được đưa vào để “lấp liếm”.
(Vòng tròn oan nghiệt, đạo diễn Hideo Nakata, phim Nhật, 1998)
Phim làm lại: The Ring (Vòng tròn định mệnh, đạo diễn Gore Verbinski, 2002)
Bộ phim gốc của Nhật đã khiến người yêu phim kinh dị trên khắp thế giới phải để ý tới dòng phim kinh dị Nhật Bản. là nguồn cảm hứng cho nhiều bộ phim kinh dị về sau, trong đó, đáng kể nhất là (2002).
Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nhật Koji Suzuki, Ringu xoay quanh một đoạn băng video khiến bất cứ ai xem nó đều phải chết trong vòng 7 ngày. Nhà báo Reiko Asakawa và người chồng cũ đã cùng điều tra vụ việc này, khiến họ tình cờ đối diện với một người phụ nữ bí ẩn có tên Sadako…
Trong , đạo diễn Hideo Nakata đã đưa ra thông điệp đầy ám ảnh về sự thống trị của công nghệ và truyền thông trong kỷ nguyên mới, đem lại nỗi sợ hãi cho con người. Thông điệp ấy được xây dựng một cách ẩn dụ trong bộ phim. Cảnh Sadako bò ra khỏi chiếc TV là một hình ảnh đa nghĩa, cũng là cảnh phim kinh điển của thể loại kinh dị.
Về sau, đạo diễn Gore Verbinski đã thực hiện một bộ phim giữ nguyên tinh thần của Ringu và cũng khiến người xem lạnh sống lưng với những kết hợp rùng rợn giữa góc quay, âm thanh và diễn xuất. Dù vậy, thông điệp mà phim gốc chuyển tải đã không được phản ánh trong bộ phim làm lại.
(Ẩm thực nam nữ, đạo diễn Lý An, phim Đài Loan, 1994)
Phim làm lại: Tortilla Soup (Súp ngô ngọt, đạo diễn Maria Ripoli, 2001)
lấy bối cảnh thập niên 1990 ở Đài Bắc, Đào Loan, đầu bếp Chu tài danh một thuở nhận ra rằng những món ăn tuyệt ngon do mình chuẩn bị đã không còn đủ sức cuốn hút ba cô con gái nữa, điều đó khiến lòng tự tôn của một người cha nấu ăn giỏi như ông bị tổn thương. Với hy vọng giành lại sức hút đối với các con, ông đã lên một kế hoạch…
Lý An đạo diễn bộ phim này với tâm điểm tập trung vào đề tài gia đình, sự cô đơn và nhu cầu tìm kiếm bạn đời. Cách thức thực hiện bộ phim rất đơn giản nhưng đầy tính nghệ thuật, cộng thêm diễn xuất thuyết phục của dàn diễn viên.
Nữ đạo diễn Maria Ripoli đã đưa chuyện phim vào trong bối cảnh một gia đình Mỹ gốc Mexico và tạo nên một bộ phim vui vẻ, nhẹ nhàng, nhưng đầy ý nghĩa, tương tự như Ẩm thực nam nữ. Cả hai bộ phim đều có phần hình ảnh ẩm thực rất ấn tượng.
Bangkok Dangerous (Hiểm nguy ở Bangkok, đạo diễn Danny Pang - Oxide Pang, phim Thái, 2000)
Phim làm lại: Bangkok Dangerous (Hiểm nguy ở Bangkok, đạo diễn Danny Pang - Oxide Pang, 2008)
Phim gốc ban đầu khai thác sâu nhân vật Kong - một thanh niên người Thái vừa bị câm vừa bị điếc nhưng có tài bắn súng cừ khôi. Kong thu hút sự chú ý của một sát thủ tên Joe và bị Joe lôi kéo vào một loạt những phi vụ ám sát.
Cuối cùng, Kong đem lòng yêu Fon, một cô bán thuốc, nhưng khi “tay đã nhúng chàm”, muốn dừng lại để bắt đầu cuộc sống mới như chưa từng có gì xảy ra không hề đơn giản.
Trong bộ phim Mỹ làm lại (cũng do anh em nhà Pang thực hiện), kịch bản có sự thay đổi khi nhân vật sát thủ Joe được khai thác sâu hơn, một sát thủ máu lạnh người Mỹ tìm đến Thái Lan với một hợp đồng ám sát.
Hoàng Trang