Những bộ phim “ăn xổi” theo dòng thời sự

17/12/2020 - 15:10

PNO - Nhiều bộ phim điện ảnh được ra đời nhanh chóng sau hoặc ngay trong lúc sự kiện đang xảy ra, tuy nhiên, chất lượng của một bộ phim “ăn xổi” theo dòng thời sự khó được đảm bảo.

Songbird: phim về dịch COVID-19 bị chỉ trích nhất năm          

Năm 2020, dịch COVID-19 xuất hiện và ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống. “Chớp” lấy đề tài mới, nhiều nhà làm phim đổ xô khai thác các khía cạnh liên quan dịch bệnh. Một số bộ phim tài liệu đã được ra mắt. Mới nhất, phim điện ảnh đầu tiên làm về COVID-19, Songbird đã ra rạp nhưng đáng tiếc, phim bị chỉ trích thậm tệ vì cách khai thác kém nhân văn.

Trailer phim Songbird:

 

Songbird bị hàng loạt trang tin quốc tế cho rằng phim khai thác câu chuyện gây tranh cãi nhất năm, phim “gây đau đớn về thể xác”. Sở dĩ các nhà phê bình chê thẳng thừng bởi Songbird kể câu chuyện về Nico – một nhân viên giao hàng có khả năng miễn nhiễm với virus, mỗi ngày trong lúc đi giao hàng, anh đều tìm cách đưa Sara – bạn gái của mình chạy trốn khỏi thành phố. Chuyện phim trở nên gay cấn khi bà của Sara nhiễm virus và Sở Vệ sinh tìm đến để thực hiện lệnh cách ly.

Khai thác nội dung tình yêu giữa đại dịch tưởng chừng nhân văn nhưng đạo diễn Adam Mason vô tình cổ vũ cho hành động sai trái của Nico và Sara, khi cả hai chỉ nghĩ đến bản thân, coi thường tính mạng cộng đồng. Chưa hết, phim của Adam Mason xem lực lượng trong tuyến đầu chống dịch tại Mỹ như một thế lực phản diện tàn ác, sẵn sàng đàn áp bệnh nhân, vô nhân tính đến cực cùng.

Một số hình ảnh trong phim Songbird.
Một số hình ảnh trong phim Songbird

Toàn bộ các tình tiết diễn ra trong phim chỉ cho thấy sự chết chóc, bất chấp an nguy của cộng đồng, bỏ qua các quy tắc phòng dịch... Trong phim, những người nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm đều bị chuyển đến Khu Q – một nơi cách ly tập thể nhưng không tiến hành các biện pháp chữa bệnh, mọi người chỉ đến để chờ chết.

Songbird ban đầu dự kiến ra rạp Việt vào ngày 11/12 nhưng hiện tại bị dời sang đầu năm sau.

Corona: Khi con người nghi ngờ lẫn nhau

Cùng khai thác về dịch bệnh COVID-19 nhưng Corona chọn đề tài khác với Songbird. Trong một lần Mostafa Keshvari – nhà làm phim người Vancouver, đi chung thang máy với vài người, anh nhận thấy sự kỳ thị đang diễn ra bên trong, và nảy ra ý tưởng thực hiện phim Corona. Thời điểm đó, Mostafa Keshvari đọc nhiều thông tin về các vụ phân biệt chủng tộc đối với cộng đồng người châu Á trên khắp Canada.

Phim đưa ra tình huống một nhóm người đang cùng đi trong 1 thang máy và nhận thông tin tại toà nhà vừa có người mắc COVID-19. Họ nhìn xung quanh và nghi ngờ tất cả. Đúng lúc, người phụ nữ châu Á bước vào thang máy, tất cả những ai có mặt bên trong đều căng thẳng, ngờ vực.

Trailer phim Corona:

 

Trong phim, các nhân vật đều không có tên, họ vào vai chủ nhà, người phân biệt chủng tộc, người phụ nữ mang thai, người phụ nữ đến từ Trung Quốc...

Diễn viên Andrea Stefancikova nói Corona được thực hiện với kinh phí siêu thấp, trong thời gian siêu ngắn. Phim không có kịch bản, chỉ phác thảo sơ lược những tình tiết chính. Các diễn viên tự ứng biến câu thoại.

Nam đạo diễn của phim tiết lộ thêm, bộ phim mang đến thông điệp rằng nỗi sợ hãi cũng là một loại virus đáng sợ. Nếu mọi người quá quan tâm đến nguồn gốc của COVID-19 đồng nghĩa với việc dấy lên lòng thù hận và phân biệt chủng tộc ngày càng sâu sắc.

Nữ diễn viên Andrea Stefancikova cho biết sau khi thực hiện bộ phim, cô cảm nhận rõ hơn về nỗi sợ hãi, ngờ vực của con người trong đại dịch. Điều đó cũng nguy hiểm không kém với hậu quả mà COVID-19 mang tới. “Trong những cảnh hỗn loạn nhất, hoang mang nhất, nhân tính vẫn trỗi dậy, họ thấy đâu là điều quan trọng cần phải làm”, nữ diễn viên chia sẻ.  

Phim dài 63 phút, đã ra mắt tại một số liên hoan phim. Hiện phim có chiếu trên các nền tảng trực tuyến. Khác với Songbird, Corona không bị chỉ trích, tẩy chay nhưng phim chỉ là lát cắt nhỏ, chưa đủ sức trở thành một tác phẩm hay, ấn tượng làm về đại dịch COVID-19. 

United 93 và cuộc tranh luận không hồi kết

United 93 không phải là bộ phim đầu tiên lấy sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ để khai thác. Trước United 93, đã có một số phim tài liệu được ra mắt nhưng United 93 được xem là trường hợp khá đặc biệt khi vừa được ủng hộ, vừa bị chỉ trích dữ dội.

Trailer phim United 93:

 

United 93 ra mắt năm 2006, 5 năm sau khi sự kiện xảy ra. Tác phẩm của đạo diễn – biên kịch Paul Greengrass được xem là phim điện ảnh đầu tiên tái hiện sự kiện đau lòng, cướp đi 3.000 sinh mạng, hơn 6.000 người bị thương.

Phim ghi lại diễn biến trên chuyến bay 93 của hãng hàng không United Airlines, từ khi bị 4 tên không tặc tấn công buồng lái, kiểm soát cho đến lúc đâm thẳng xuống Shanksville, tiểu bang Pennsylvania, Mỹ.

United 93 lấy đi không ít nước mắt của khán giả nhưng cũng trở thành chủ đề của những cuộc tranh cãi không hồi kết. Một phần lớn khán giả cho rằng phim đã khai thác tốt thông điệp về lòng dũng cảm, tình người, tình yêu quê hương của người Mỹ. Tuy nhiên, một bộ phận chỉ trích vì phim khai thác những sự thật quá trần trụi, thảm khốc, đau thương. Người xem cho rằng họ không cần thiết phải chứng kiến những nỗi đau đến uất nghẹn như thế trên màn ảnh một lần nữa.

Mặc tranh cãi, chỉ trích, United 93 được giới chuyên môn đánh giá khá cao, đủ sức khiến tất cả các bộ phim điện ảnh về sau, nếu có khai thác chung đề tài phải dè chừng.

2022 Tsunami - Ngày thế giới điêu tàn 

2022 Tsunami có lẽ là bộ phim hiếm hoi của Thái Lan làm về thảm hoạ sóng thần, xảy ra vào năm 2004. Cơn địa chấn Sumatra-Andaman từng tạo ra những đợt sóng thần cao 30m, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều khu vực ven biển của Ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka, Thái Lan... Thảm hoạ thiên nhiên này đã cướp đi hơn 220.000 người dân của nhiều quốc gia, để lại nỗi đau khó thể nào nguôi ngoai. 

Một năm sau ngày thảm hoạ diễn ra, đạo diễn người Thái, Toranong Srichua lên kế hoạch thực hiện bộ phim nhưng mãi cho đến năm 2009, 2022 Tsunami mới được ra mắt khán giả. Dù có quá trình chuẩn bị kỳ công, phim chỉ nhận được 3,2/10 điểm trên IMDB, khá thấp.

Một cảnh quay trên của đạo diễn Toranong Srichua.
Một cảnh quay trên phim 2022 Tsunami của đạo diễn Toranong Srichua

2022 Tsunami khai thác câu chuyện ở thì tương lai, hậu thảm hoạ sóng thần năm 2004. Lúc đó, Thái Lan và một số quốc gia chịu hậu quả nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khó hậu. Năm 2022 – thời điểm giả định trên phim, Chính phủ Thái Lan ban hành lệnh khẩn cấp theo dõi mức độ nghiêm trọng của thiên tai và xây dựng hệ thống cảnh báo thảm họa.

Ngày 13/4/2022, đúng vào dịp Tết Songkran, một trận động đất lớn xảy ra. Đối mặt với thảm hoạ thiên tai tiếp theo, những câu chuyện liên quan đến ý thức bảo vệ môi trường chung của nhân loại, tiếp tục được nhắc đến. Những người dân tại Thái từ sự kiện năm 2004 đến 2022 đã thấm thía nỗi đau thiên tai ập đến, họ có ý thức hơn từ những việc nhỏ làm mỗi ngày.

2022 Tsunami mang thông điệp ý nghĩa nhưng câu chuyện dàn trải, kỹ xảo chưa được sử dụng hợp lý. Về sự kiện sóng thần năm 2004, nếu khán giả muốn xem bộ phim ấn tượng hơn, có thể theo dõi The Impossible của đạo diễn người Tây Ban Nha - Juan Antonio Bayona - ra mắt năm 2012 và được IMDB chấm 7,6/10 điểm.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI