Cú hích từ những nhà thiết kế tên tuổi
|
Bộ sưu tập Bình minh của nhà thiết kế Vũ Việt Hà |
Trong bộ sưu tập (BST) mới đây, đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, nhà thiết kế (NTK) Vũ Việt Hà đã giới thiệu các thiết kế làm từ sợi dứa. Vũ Việt Hà cho biết, để chuẩn bị cho BST này, từ nhiều tháng trước, anh đã đến tận các nông trường trồng dứa trong nước để tìm chất liệu. Với khoảng 480 lá dứa, người thợ có thể cho ra đời một tấm vải rộng 10m2. Sau khi thu hoạch trái, lá được tách thành từng bó theo chiều dọc, tách xơ bằng cách ép qua con lăn.
Lượng xơ thu được đem rửa sạch, phơi khô dưới nắng rồi chuyển tới công đoạn kéo sợi. Sợi này được dệt cùng tơ tằm, nhuộm màu tự nhiên rồi mới bắt đầu đem cắt may. Vì quá trình sản xuất tốn kém và mất nhiều thời gian nên BST Bình minh chỉ có vỏn vẹn 30 thiết kế.
Là người luôn khát khao nâng tầm thời trang Việt từ những chất liệu tự nhiên được sản xuất trong nước, nhiều năm qua, mỗi lần ra mắt BST, Vũ Việt Hà đều nỗ lực giới thiệu một loại sợi mới. Trước đó, anh đã ghi dấu ấn với các BST, đặc biệt là áo dài, làm từ các loại sợi tự nhiên khác như sợi gai, sợi tre, sợi sen hay sợi chuối. Dù trong vài năm trở lại đây, Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những doanh nghiệp chuyên cung cấp sợi tự nhiên như Faslink, Ecosoi… nhưng Vũ Việt Hà vẫn muốn tự chọn nguồn nguyên liệu, đơn vị sản xuất để tạo ra các thước vải như mong muốn. Vì thế, các thiết kế của Vũ Việt Hà thường có hạn và được bán ở phân khúc cao cấp.
Thời trang bền vững, trong đó, chất liệu bền vững, tự nhiên đang trở thành một thôi thúc cho các thương hiệu thời trang toàn cầu. Các NTK Việt dĩ nhiên cũng không đứng ngoài xu hướng tất yếu trên. Vào tháng 5/2023, NTK Lâm Gia Khang cũng đã kết hợp với Faslink để giới thiệu BST làm từ sợi tre và bã cà phê.
Thương hiệu Leinné của NTK Hải Minh từ lúc bắt đầu đã chọn thời trang bền vững làm đích đến. Các phụ kiện từ túi xách đến nón, trang sức của Leinné đều được làm từ sợi cọ rafia. Không xuyên suốt nhưng các NTK như Công Trí, Nguyễn Hoàng Tú, Võ Việt Chung, Lê Thanh Hòa cũng chọn tơ tằm, lãnh Mỹ A hay lụa Bảo Lộc trong một số BST. Thay vì chỉ mang tính chất trình diễn như trước đây, các NTK hiện đã chú trọng vào tính ứng dụng, nhằm mang trang phục đến gần với đời sống.
Một số NTK như Vũ Thảo với Kilomet109 hay Đinh Đặng Hoàng Anh của TimTay từ lúc xây dựng thương hiệu đã xác định chọn sợi tự nhiên cho các thiết kế từ gai, bông hay kỹ thuật nhuộm chàm, vẽ sáp ong từ các dân tộc phía Bắc.
Nỗ lực này của các NTK đã góp phần xóa đi định kiến về thời trang bền vững bấy lâu: không bắt mắt về thẩm mỹ. “Điều đó mở ra cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam thoát khỏi chiếc áo gia công để tiến lên các phân khúc cao hơn như OEM (doanh nghiệp tự chủ về vải), ODM (doanh nghiệp tự thiết kế mẫu và tự chủ về vải) và OBM (sản xuất từ thương hiệu gốc)” - bà Trần Hoàng Phú Xuân - CEO thương hiệu Faslink - nhận định. Tuy nhiên, như đã nói, vì nguồn lực sản xuất hạn chế và được làm hoàn toàn thủ công nên lượng thành phẩm khá ít ỏi, giá thành vẫn rất cao và để tiếp cận với đại chúng là điều không thể.
Thời trang và dệt may cần liên kết
Trên thế giới, từ năm 2015 đến nay, các thương hiệu từ thời trang nhanh đến xa xỉ như Tom Ford, Versace, Chanel… đã không tiếc tiền đầu tư cho các nghiên cứu, các phòng thí nghiệm để tìm ra vật liệu thay thế. Không chỉ có các loại sợi, bông tự nhiên từ tre, bã cà phê hay sợi dứa (H&M tiên phong), da thuộc từ xác thủy hải sản… hay thuốc nhuộm tự nhiên cũng đã được ứng dụng vào sản xuất. Với nhiều ưu điểm như khử mùi tốt, giữ ẩm cao, thoáng khí hay ngăn chặn tia UV, các loại vải này được đón nhận trên toàn cầu. Chẳng hạn, chỉ riêng vải sợi công nghệ S.cafe, hiện các hãng gia công cung cấp hơn 1 triệu sản phẩm mỗi năm, gồm áo thun, quần và cà vạt cho Puma, Nike, Vaude, Timberland, Hugo Boss. Loại vải này được sản xuất với quy trình: bã cà phê được nghiền thành bột mịn, trộn với polymer từ vỏ chai PET phế thải với hàm lượng 5%, sau đó nén với áp lực cao, nhiệt độ thấp rồi sấy khô. Trung bình, mỗi tháng có gần 100 tấn vải pha bã cà phê được sản xuất.
|
Các thiết kế trong bộ sưu tập của nhà thiết kế Lâm Gia Khang kết hợp cùng Faslink làm từ vải sợi tre, sợi sen, sợi cà phê, sợi bạc hà, sợi nano… |
Đây không chỉ là cuộc cách mạng lớn trong ngành thời trang mà còn là hành động ý nghĩa nhằm bảo vệ môi trường. Ở đây, bao hàm cả việc giảm thiểu tình trạng lá sen hay thân dứa, bã cà phê sau sản xuất bị thải ra môi trường qua hình thức đốt hay chôn lấp, gây ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật trong đất, nước. Tuy nhiên, số lượng cung ứng cho ngành vẫn không đủ. “Đó là một cuộc dịch chuyển cần sự đồng bộ” - đại diện một đơn vị sản xuất thuốc nhuộm tự nhiên chia sẻ tại ngày hội nguyên vật liệu mới 2023 của ngành thời trang.
Tại Việt Nam, Faslink là một trong những nhà cung cấp nguyên liệu xanh tiên phong đón đầu xu hướng từ năm 2008 đến nay. Thương hiệu này đã nỗ lực giới thiệu rất nhiều loại sợi tự nhiên đến các nhà máy dệt cũng như có mặt tại các buổi trình diễn mà ở đó, trang phục được làm từ sợi tự nhiên.
Bà Trần Hoàng Phú Xuân cho biết, ở bước đầu tiếp cận thị trường, bà đã không ngừng gõ cửa các doanh nghiệp dệt may để giới thiệu công nghệ sợi mới. Faslink sẵn sàng đảm nhận các khâu từ chuyển giao công nghệ, bắt tay với các đối tác để sản xuất vải từ giải pháp sợi, nhận thành phẩm, quảng bá, thậm chí giới thiệu đến đối tác là các doanh nghiệp thời trang trong và ngoài nước.
|
Trang phục của nhà thiết kế Võ Công Khanh được làm từ bã cà phê và vỏ chai nhựa PET phế thải |
Nỗ lực không ngừng của bà Trần Hoàng Phú Xuân và đội ngũ đến nay đã được đền đáp khi bắt đầu có đơn hàng cho những loại vải này, dù giá không hề rẻ. Cụ thể, vải dệt kim ở Việt Nam có giá khoảng 7-8 USD/kg nhưng vải của Faslink có giá tới 16-17 USD. Nhiều thương hiệu thời trang trong nước như Owen, Canifa, Aristino… cũng đã chọn sợi tự nhiên của Faslink cho các sản phẩm thời trang.
Bên cạnh Faslink, không ít doanh nghiệp Việt Nam khác cũng đã tích cực đầu tư và dịch chuyển cùng sợi tự nhiên như Ecosoi chuyên sản xuất sợi dứa, Thiên Phước tập trung vào sợi gai, Bảo Lộc chuyên lụa tơ tằm… Nếu thực hiện được điều này trong thời gian dài, sản xuất số lượng lớn, không ngừng cập nhật và đổi mới công nghệ, liên kết chặt chẽ với các NTK cũng như được hưởng những ưu đãi về thuế, chắc chắn Việt Nam sẽ nhanh chóng bắt kịp đà sản xuất của nhiều nước tập trung vào sản xuất sợi tự nhiên như Trung Quốc hay Ấn Độ. Ngành dệt may Việt Nam cũng sẽ thoát khỏi bế tắc lớn hiện nay khi số dư thâm dụng lao động ngày một lớn trước chuyển dịch về xu hướng tiêu dùng trên toàn cầu và không phải là sân sau phụ thuộc vào nguyên vật liệu nước ngoài. Đó là một bài toán vĩ mô cần sự tham gia, đồng lòng và giải pháp từ nhiều phía.
Thư Hiên