Những biệt đội tình nguyện “hồi sinh” xe máy, đồ điện tử bị ngâm nước sau lũ lịch sử

29/10/2020 - 11:48

PNO - Với hy vọng người dân vùng rốn lũ sớm ổn định lại cuộc sống, nhiều “biệt đội” đã tình nguyện sắm sửa đồ nghề đến tận nhà sửa chữa xe máy, đồ điện tử hư hỏng do ngập nước miễn phí giúp người dân.

Gần 1 tuần sau khi nước lũ rút, cuộc sống người dân vùng rốn lũ huyện Cẩm Xuyên, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) đã dần trở lại bình thường dẫu còn muôn vàn khó khăn. Công việc dọn dẹp, vệ sinh vẫn đang được người dân nơi đây chung sức thực hiện.

Khi những đoàn xe từ thiện chở nhu yếu phẩm về tiếp tế người dân ít dần, cũng là lúc những đoàn xe chở theo những linh kiện điện tử nối đuôi nhau về giúp người dân sửa chữa đồ dùng bị hư hỏng do ngập nước.

Hối thúc nhóm bạn sửa nhanh hơn chục chiếc nồi cơm điện vừa được đem đến để người dân kịp nấu cơm trưa, anh Nguyễn Văn Thuận (trú tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết, ưu tiên của nhóm hiện nay là sửa chữa kịp thời đồ dùng bị hư hỏng nhẹ để người dân dùng ngay.

Người dân vận chuyển đồ bị hư hỏng ra các điểm tập kết
Người dân vận chuyển đồ bị hư hỏng ra các điểm tập kết chờ sửa chữa

Theo anh Thuận, khi chứng kiến hình ảnh người dân cả nước cùng hướng về miền Trung sau cơn lũ lịch sử, anh cũng muốn đóng góp một phần công sức của mình giúp đồng bào bị lũ lụt.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề sửa chữa đồ điện tử, anh đã kêu gọi thêm bạn bè cùng nghề góp tiền mua các linh kiện cần thiết để về sửa chữa đồ điện tử bị ngập nước giúp người dân.

“Nước ngập nhiều ngày nên tôi nghĩ tủ lạnh, máy giặt, quạt, nồi cơm điện... của người dân sẽ không còn dùng được nữa. Bởi vậy, chúng tôi muốn về sửa chữa giúp họ sớm ổn định lại cuộc sống” - anh Thuận nói.

Đồ nghề chuẩn bị xong, nhóm gồm 15 người của anh Thuận chia thành nhiều tổ trực tiếp về các xã bị ngập sâu ở huyện Cẩm Xuyên để giúp đỡ bà con.

“Người già không mang đồ ra nơi tập kết được thì sẽ có thành viên trong nhóm vào tận nhà sửa. Còn lại sẽ có xe tải vào nhà nhận đồ đưa ra nơi tập kết để tiện sửa chữa”, một thành viên trong nhóm nói.

Sau thông báo, những chiếc xe tải chất đầy đồ điện từ trong các ngõ xóm lần lượt được chở ra địa điểm tập kết. Sau 3 ngày miệt mài làm việc cả ngày lẫn đêm, đến nay anh Thuận cùng nhóm của mình đã “hồi sinh” hơn 1.000 sản phẩm, chủ yếu là tủ lạnh, nồi cơm điện, máy bơm nước, quạt...

“Vì đồ bị ngâm nước 2, 3 ngày nên cũng chưa hư hỏng quá nặng. Nhưng vì nhu cầu lớn nên chúng tôi đang tập trung sửa chữa đồ thiết yếu trước. Sau đó, chúng tôi sẽ quay trở lại bảo dưỡng, khắc phục triệt để cho người dân” - anh Thuận nói.

Thuận
Anh Thuận sửa chữa đồ điện tử miễn phí mong góp sức mình giúp bà con vượt qua khó khăn
Sau 3 ngày, anh Thuận cùng nhóm thợ đã sửa chữa hơn 1.000 đồ điện bị hư hỏng
Sau 3 ngày, anh Thuận cùng nhóm thợ đã sửa chữa hơn 1.000 đồ điện bị hư hỏng

Vội mang chiếc máy bơm nước quay về nhà sau khi sửa xong, bà Nguyễn Thị Mười (52 tuổi, trú tại xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên) cho biết, máy bơm ngâm nước bị hỏng, mấy hôm nay gia đình phải sử dụng xô múc nước từ giếng lên để lau chùi đồ dùng và sinh hoạt.

“Do ngập lụt nên đồ điện trong nhà không cái nào dùng được nữa. May có nhóm về sửa chữa miễn phí cho người dân nên cái nào quan trọng cần dùng ngay chúng tôi mang ra nhờ nhóm sửa trước” - bà Mười vui vẻ nói.

Hàng ngàn xe máy được sửa chữa, thay dầu miến phí
Hàng ngàn xe máy được sửa chữa, thay dầu miễn phí

Không chỉ đồ điện, nhận thấy nhu cầu đi lại của người dân rất lớn sau lũ, song hầu hết xe máy đều không thể nổ máy do bị ngâm nước nhiều ngày, nhiều nhóm thợ cũng đã về vùng lũ lập chốt sửa chữa, thay dầu miễn phí giúp người dân.

Hai ngày qua, hàng chục giáo viên và sinh viên khoa Điện - Điện tử, Công nghệ ô tô (Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức, Hà Tĩnh) cũng đã về xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên), xã Tân Lâm Hương (huyện Thạch Hà) sửa chữa miễn phí hàng trăm xe máy, đồ điện gia dụng của người dân bị hư hỏng sau trận lũ lịch sử.

“Chứng kiến những đồ đạc của người dân chìm trong nước lũ, mọi tài sản đều trôi theo dòng nước thật xót xa. Thầy trò, và những người thợ khác động viên nhau cố gắng sửa thật nhiều, thật nhanh những chiếc xe máy để bà con sớm có phương tiện đi lại, làm ăn, ổn định cuộc sống” - thầy Lương Văn Lợi - Giảng viên Khoa Công nghệ Ô tô, Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI