Hậu COVID-19, những di chứng cần can thiệp kịp thời - Bài cuối:

Những biến chứng thầm lặng của F0 khỏi bệnh

07/10/2021 - 06:27

PNO - Hầu hết bệnh nhân COVID-19 dù xuất viện nhưng các triệu chứng lâm sàng vẫn còn, thậm chí nhiều bệnh nhân không thể về nhà do việc thở, đứng, ngồi còn rất khó khăn. Do đó, việc tầm soát, đánh giá sức khỏe hậu COVID-19 rất cần thiết để có sự can thiệp sớm nhằm giúp bệnh nhân đến gần hơn với sự hồi phục hoàn toàn sức khỏe.

Cách đây vài ngày, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (TPHCM) tiếp nhận một người đến khám hậu COVID-19. Bệnh nhân hơn 30 tuổi, làm tài xế.

Sau một tháng kể từ khi nhiễm bệnh, sức khỏe của bệnh nhân tương đối bình thường, chỉ mắc một số triệu chứng như đau đầu nhẹ, mất ngủ, căng thẳng. Thế rồi, các triệu chứng đó dần đưa đến những rối loạn hành vi, nhận thức, cố ráng sức vẫn không thực hiện được vài vận động thể chất. Qua kiểm tra và chụp MRI, bệnh viện phát hiện anh bị nhồi máu não ở vùng thái dương.

Sau âm tính, “cuộc chiến” vẫn tiếp tục

Câu chuyện nói trên được thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa 1 Đinh Quang Thanh, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, kể lại tại hội thảo trực tuyến Phục hồi chức năng hậu COVID-19 do Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức mới đây.

Bác sĩ ở Phòng khám Đa khoa, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đang tư vấn, hướng dẫn các phương pháp phục hồi hậu COVID-19 cho một trường hợp F0 vừa khỏi bệnh
Bác sĩ ở Phòng khám Đa khoa, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đang tư vấn, hướng dẫn các phương pháp phục hồi hậu COVID-19 cho một trường hợp F0 vừa khỏi bệnh

Theo bác sĩ Đinh Quang Thanh, đối mặt với dịch bệnh, ngành y tế Việt Nam đang tiếp tục “chiến đấu” với một giai đoạn mới - giai đoạn hậu COVID-19 với số lượng bệnh nhân rất lớn, cần được chăm sóc đặc biệt.

Ông nhấn mạnh: “SARS-CoV-2 đã được công nhận là bệnh đa cơ quan. Nó không chỉ là vấn đề của phổi, suy hô hấp mà còn ảnh hưởng nhiều chức năng khác. Qua quá trình điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, các bác sĩ thấy rằng việc sang thương lên các cơ quan khác tùy theo mức độ nặng, nhẹ của bệnh nhân”.

Bác sĩ Đinh Quang Thanh cho hay, ở một số bệnh nhân hậu COVID-19, đặc biệt thể nặng, nguy kịch, đã ghi nhận các biến chứng dẫn đến huyết khối tắc mạch, rối loạn đông máu hay di chứng tim mạch (lâu dài có thể gây tăng nhu cầu chuyển hóa cơ tim; xơ, sẹo hóa cơ tim), di chứng tâm thần kinh (suy giảm nhận thức hay còn gọi chứng sương mù não) hoặc tác động lên các chức năng gan, thận, mật, nội tiết…

Tiến trình điều trị với kết quả PCR âm tính sau 3 - 4 tuần, bệnh nhân tiếp tục trải qua giai đoạn bán cấp (tuần thứ 4 - 12) và giai đoạn mạn tính (tuần thứ 12 đến sáu tháng, thậm chí lâu hơn). Ở mỗi giai đoạn, sự ảnh hưởng của SARS-CoV-2 theo từng cấp độ khác nhau. Các triệu chứng thường gặp là bệnh nhân đau khớp, đau cơ bắp, yếu vài nhóm cơ, ho, khó thở cùng cảm giác mệt mỏi kéo dài, căng thẳng, trầm cảm, rối loạn nhận thức, mất ngủ, hồi hộp, tức ngực, rụng tóc…

Do đó, sau khi xuất viện, bệnh nhân COVID-19 cần được tầm soát, đánh giá sức khỏe theo từng giai đoạn, đặc biệt đối với nhóm bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền hay đã có các bệnh lý từ trước.

Dẫn chứng dịch tễ học, bác sĩ Đinh Quang Thanh thông tin, một nghiên cứu của Mỹ dựa trên hơn 1.600 bệnh nhân thể nặng, nguy kịch, cho thấy, sau hai tháng nhiễm COVID-19 và nhập viện điều trị, có 24,2% tử vong, 75,8% sống sót và xuất viện.

Tuy nhiên, 12% trong nhóm xuất viện phải đến trung tâm phục hồi chức năng. Tiếp tục theo dõi nhóm sống sót này thêm hai tháng, kết quả 6,7% tử vong; 15,1% phải nhập viện trở lại. Một nghiên cứu khác thực hiện với 179 bệnh nhân, có 72,7% viêm phổi mô kẽ và 55% trong số đó có từ ba triệu chứng hậu COVID-19 trở lên.

Phục hồi theo từng giai đoạn cụ thể

Theo tiến sĩ - bác sĩ Phan Minh Hoàng, Trưởng bộ môn phục hồi chức năng, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, thực tế, công tác phục hồi chức năng đã tiến hành ngay trong quá trình điều trị cho bệnh nhận COVID-19. Tùy diễn biến và thể trạng từng bệnh nhân mà các phương pháp tập luyện, phục hồi, điều trị được áp dụng khác nhau. Có bệnh nhân chỉ cần học cách thở, vỗ ngực hay vận động song cũng có bệnh nhân phải cần sự hỗ trợ của đội y tế đến tận giường hướng dẫn cách nằm, thở, vận động phù hợp. 

Việc phối hợp giữa điều trị và phục hồi chức năng diễn ra theo hai mốc “thời gian vàng”. Một là 3 - 5 ngày đầu sau khi có kết quả dương tính, nếu phát hiện sớm các triệu chứng và có sự can thiệp phù hợp, bệnh nhân sẽ giảm tối thiểu các nguy cơ trở nặng. Hai là các trường hợp phải sử dụng hồi sức tích cực song bệnh nhân không đáp ứng, cần được chăm sóc đặc biệt để thoát khỏi giai đoạn khó khăn.

Quá trình công tác tại bệnh viện dã chiến, bác sĩ Phan Minh Hoàng nhận thấy hầu hết bệnh nhân dù xuất viện nhưng các triệu chứng lâm sàng vẫn còn, thậm chí diễn tiến nhanh, ngoài các di chứng của việc nhiễm COVID-19 thì còn kèm theo các biến chứng khác. Thực tế đã có rất nhiều bệnh nhân được cho xuất viện nhưng lại không thể về nhà do việc thở, đứng, ngồi còn rất khó khăn. 

Tiến sĩ vật lý trị liệu Đào Thị Hiệp, cố vấn chuyên môn bộ môn phục hồi chức năng, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc thạch, cho hay trường hợp bệnh nhân thuộc thể nhẹ, không phải điều trị tại bệnh viện hay có các dấu hiệu bất lợi về sức khỏe, sau bảy ngày không diễn ra các triệu chứng hậu COVID-19 thì chỉ cần áp dụng các bài tập thể chất. Ngược lại, với nhiều bệnh nhân phải đặc biệt quan sát, đánh giá đúng tình trạng của sức khỏe để can thiệp kịp thời.

“Trong quá trình áp dụng các phương pháp luyện tập, phục hồi chức năng, bệnh nhân cần quan tâm đến các “thông tin” từ cơ thể sao cho an toàn và bảo tồn năng lượng. Sự hồi phục hoàn toàn các chức năng ở bệnh nhân COVID-19 đồng nghĩa với quá trình diễn ra từ từ, phù hợp với từng mục tiêu, giai đoạn cụ thể”, tiến sĩ Đào Thị Hiệp lưu ý. 

Can thiệp trị liệu sớm nâng cao hiệu quả chữa trị

Bác sĩ Đinh Quang Thanh nhấn mạnh: Để đảm bảo phục hồi, việc chăm sóc hậu COVID-19 cần được tiến hành bởi một nhóm đa chuyên môn, bao gồm các bác sĩ chuyên ngành, kỹ thuật viên và cả các trị liệu viên tâm lý, nhân viên xã hội… Việc xác định đúng di chứng và được can thiệp trị liệu sớm giúp nâng cao hiệu quả của quá trình chữa trị, hạn chế tối đa sự tiến triển của các di chứng. Mục đích cuối cùng là bệnh nhân đến gần hơn với sự hồi phục hoàn toàn sức khỏe, hòa nhập cuộc sống được tốt như trước đây.

Tuyết Dân

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI