Những biến chứng sau tán sỏi thận không thể xem thường

13/05/2019 - 06:00

PNO - Sau khi tán, sỏi vỡ vụn sẽ ra ngoài hoặc bị nghẽn lại gây nhiễm trùng, sốt, ớn lạnh, nhiều người lầm tưởng bị bệnh cảm cúm, tự mua thuốc uống nhưng thực sự lại bị biến chứng, để lâu sẽ gây hư, phải cắt bỏ thận.

Dập thận, nhiễm trùng sau tán sỏi

Trong một lần khám sức khỏe định kỳ, anh T.T.K. (37 tuổi, nhà ở Kiên Giang) được phát hiện bị sỏi thận. Lúc này, kích thước sỏi nhỏ nên bác sĩ chỉ định uống thuốc theo dõi nhưng anh liên tục cảm thấy đau nên đến một bệnh viện tại tỉnh thực hiện tán sỏi để điều trị.

Vài ngày sau tán sỏi, anh bị nóng sốt, mệt mỏi, biếng ăn, thường thấy ớn lạnh. Nghĩ mình bị cảm, anh K. tự ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc uống. Uống 2 liều thuốc, thấy bệnh giảm, anh càng tin do mới tán sỏi xong, sức đề kháng yếu nên bị bệnh, vì vậy không đến bệnh viện kiểm tra.

Nhung bien chung sau tan soi than khong the xem thuong
Bác sĩ Nhân đang kiểm tra phim X-Quang của một bệnh nhân bị biến chứng sau tán sỏi thận.

Hơn 10 ngày tiếp theo, anh K. sốt cao không hạ, cơn đau phía mạn sườn phải ngày càng dồn dập, đi tiểu ra máu tươi. Quá hoảng sợ, anh nhờ người nhà đưa đến bệnh viện khám rồi được chuyển thẳng lên bệnh viện tuyến trên với chẩn đoán dập thận, nhiễm trùng bể cầu thận. Anh được chỉ định uống thuốc điều trị để theo dõi tổn thương, trường hợp xấu nhất phải cắt bỏ thận để xử lý.

Thời gian qua, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM cũng tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh mắc sỏi thận đến cầu cứu. Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Văn Hiếu Nhân – Khoa Thận – Tiết niệu, Bệnh viện Bình Dân – cho hay, trước đây có nhiều người bệnh tán sỏi bị biến chứng đưa đến bệnh viện cấp cứu, bây giờ hầu hết họ tìm hiểu bệnh, nơi tán sỏi có uy tín để chữa trị nên số lượng đã giảm bớt. 

Nhưng vẫn còn bệnh nhân tán sỏi tại bệnh viện tư bị vỡ thận phải cắt để xử lý rất đáng tiếc. Nhiều trường hợp người bệnh bị tụ máu dưới bao thận sau khi tán, các bác sĩ ở bệnh viện nơi tán chỉ định phẫu thuật xử lý. Quá lo lắng, họ đến Bệnh viện Bình Dân cầu cứu do không biết tụ máu dưới bao thận là trường hợp rất hay gặp sau khi tán thận, có thể điều trị bằng thuốc, không cần thiết phải mổ.

Nhung bien chung sau tan soi than khong the xem thuong
Một số ít bệnh nhân bị biến chứng hư thận sau tán sỏi, phải nhờ máy lọc máu hỗ trợ phần đời còn lại.

Như tháng 4/2019, sau khi tán sỏi 20 ngày, anh N.V.T. (28 tuổi, nhà ở Lâm Đồng) luôn thấy đau bên hông trái, kèm theo sốt liên tục, nên đến Bệnh viện Bình Dân để khám lại. Kết quả chụp X-Quang cho thấy, sỏi vụn được tán vỡ nhưng chưa xuống hết, kẹt ở niệu quản cuối bên trái, đoạn gần bàng quang gây tắt khiến thận ứ nước, nhiễm trùng phải cấp cứu.

Theo bác sĩ Nhân, anh T. phải được đặt ống thông, xử lý nước tiểu dồn ứ, sau một tuần, anh hết sốt, hết đau, được xuất viện nhưng phải quay lại tái khám theo lịch hẹn, bên cạnh đó giải quyết sỏi thận còn lại và phòng ngừa biến chứng.

Với chị N.T.T.L. (27 tuổi, nhà ở Vũng Tàu), sau 10 ngày tán sỏi ở tỉnh, bệnh nhân bị đau lưng, tiểu ra máu kéo dài 7 ngày, máu đỏ tươi, đau ngày càng nhiều kèm theo sốt cao, chị đến bệnh viện kiểm tra. Qua siêu âm, bác sĩ thấy chị bị tụ máu dưới bao thận, phải phẫu thuật. Chị L. liền bắt xe đến Bệnh viện Bình Dân cầu cứu, nhận thấy máu tụ đã lâu, có thể chèn ép niệu quản gây thận ứ nước, hư thận có khả năng phải cắt bỏ, nên chỉ định chị nhập viện điều trị.

Đừng chủ quan khi đau, sốt sau tán sỏi thận

Bác sĩ Nhân cho biết: “Ở bệnh viện tỉnh hay thành phố bệnh nhân đều có thể bị biến chứng sau khi tán sỏi thận nhưng tỉ lệ thấp, biến chứng thường nhẹ và đa số có thể điều trị nội khoa cho kết quả tốt. Tuy nhiên, bác sĩ điều trị nên hướng dẫn bệnh nhân của mình về triệu chứng và những biến chứng có thể xảy ra. Từ đó người bệnh giảm nguy cơ tai biến”.

Trường hợp anh C.H.T. (25 tuổi, ở Gia Lai) cũng vậy, trong một lần khám bệnh tại Bệnh viện Bình Dân, bác sĩ phát hiện anh mắc sỏi thận, kích thước sỏi 12x15mm. Anh T. quyết định tán sỏi ở đây. Anh được tán sỏi ngoài cơ thể 3 lần, mỗi lần cách nhau một tháng để phần sỏi ra ngoài. Sau khi tán sỏi lần một, anh T. bị biến chứng nhiễm trùng niệu quản phải đăt ống thông nhưng trước đó đã được dự phòng nên việc giải quyết biến chứng khá nhẹ nhàng. 

Nhung bien chung sau tan soi than khong the xem thuong
Những triệu chứng có thể gặp sau tán sỏi thận mà bác sĩ Bệnh viện Bình Dân cẩn thận dán vào sổ bệnh án để hướng dẫn người bệnh.

Tùy vào loại sỏi, kích thước, tình trạng bệnh mà bác sĩ có chỉ định tán sỏi hay không, số lượng tán, nhưng việc phát hiện sớm làm đúng quy trình, tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân sẽ thuận lợi hơn trong việc tán sỏi thận. 

Những lần tán sỏi đều có tổn thương, bệnh nhân nào cũng có tiểu máu, nhưng tổn thương có thể hồi phục, tổn thương tối thiểu so với phương pháp mổ lấy sỏi, tán sỏi nội soi, tán sỏi qua da. Người bệnh nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ, chú ý những dấu hiệu được hướng dẫn trước đó để phát hiện biến chứng sớm nếu có.

Mặc khác, nếu dấu hiệu đau nhiều, sốt, tiểu máu kéo dài trên 5 ngày không hết, máu đỏ tươi thì phải vào bệnh viện ngay vì có thể gặp biến chứng tụ máu dưới bao thận, ứ nước nhiễm trùng. 

Cũng có người mắc biến chứng do sỏi vỡ đi xuống từng đoạn nhưng chưa kịp ra ngoài đã bị nghẽn lại, từ 3 đến 5 ngày gây ra các triệu chứng như cảm cúm không nên coi thường vì lượng sỏi nghẽn đã gây nhiễm trùng. Trong trường hợp cấp thiết, người bệnh nên đến trung tâm y tế gần nhất để được cấp cứu.

Ngoài ra, người dân nên tập thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh. Sỏi thận càng phát hiện sớm càng có phương pháp điều trị tối ưu và nhẹ nhàng.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI