Phải thở, gắng sức thở và không được dừng lại
Vừa có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, bà N.T.H. (61 tuổi, ở Q.7, TPHCM) lập tức rơi vào trạng thái nguy kịch. Cơ thể bà phải chống chọi một “trận bão” kinh hoàng - bão Cytokine, một hội chứng xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các tác nhân xâm nhập như virus gây bệnh. Bà H. sốt cao không giảm, suy hô hấp cấp tính nguy kịch. “May mắn lúc đó, tôi đang ở trong khu cách ly, nên được thở máy ngay. Có thể do tôi bại liệt hai chân từ bé, bị huyết áp, tim mạch và suốt nhiều ngày lo sợ về dịch bệnh nên vừa nghe bác sĩ thông báo, tôi đã không thể thở nổi”, bà H. kể.
Bà H. được đưa đến Trung tâm Hồi sức COVID-19, Bệnh viện dã chiến số 16 do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách trong trạng thái gần như hôn mê. Nửa tỉnh, nửa mê, bà cảm nhận bác sĩ gắn máy thở cho mình rồi hô to “ráng lên, hít sâu vào, thở ra, lần nữa, ráng lên…” cùng nhịp tay vỗ vỗ ở lưng. “Tôi chỉ biết làm theo tiếng bác sĩ để thoát khỏi “ai đó” đang… bóp cổ, đè ngực mình. Hơn bốn ngày, tôi mới thật sự tỉnh lại. Cảm giác rất đáng sợ, nó như một cái thòng lọng siết cổ mình, muốn la nhưng không được, muốn xô “ai đó” khỏi lồng ngực cũng làm không nổi. Khi tỉnh lại, bác sĩ nói tôi thoát khỏi tử thần rồi, hãy tiếp tục thở theo nhịp đếm mỗi ngày”, bà H. nhớ lại.
|
Từng hứng chịu cơn bão Cytokine khi mắc COVID-19, bà H. đã hồi phục ngoạn mục nhờ chăm tập thở - Ảnh: Phạm An |
Cứ như thế bà H. tập thở thêm ba ngày, cùng sự nỗ lực cứu chữa, bù dinh dưỡng, bà phục hồi thần kỳ. Ngày thứ chín, bà được cai máy thở, chuyển xuống phòng bệnh nhẹ. Ở đây, bà tiếp tục được nhân viên y tế cho tập các bài vận động tay, tập thụ động chân kết hợp hít thở. Sau “chuyến đi kinh hoàng” của mình, bà H. luôn ý thức được sự quan trọng của tập hít thở nên luôn động viên các F0 xung quanh mỗi khi người bệnh không chịu tập vật lý trị liệu, tập thở.
Còn ông P.A.D. (67 tuổi, ở Q.8, TPHCM) cho biết, tập thể dục mỗi buổi sáng được xem như thói quen không thể thiếu của gia đình. Tuy nhiên, mọi người chỉ cùng nhau tập vận động tay, chân, sức bền tăng cường thể trạng. Không may, đầu tháng 9, ông D. mắc COVID-19, hai ngày từ khi phát hiện bệnh, ông bị xuất huyết tiêu hóa, được điều trị tại bệnh viện quận. Xuất huyết không cầm, suy hô hấp, bệnh viện chuyển ông đến Bệnh viện Dã chiến số 16.
Tại đây, ông D. được điều trị khỏi xuất huyết nhưng suy hô hấp nặng hơn, phải thở máy. “Cảm giác sợ, rất sợ bởi tinh thần mình tỉnh táo, chỉ là thở không được dù tôi rất cố gắng. Tôi nghĩ do mặc nạ thở làm mình bị ngạt, muốn tháo ra nhưng bác sĩ nói phổi tôi đang bị xẹp, tháo ra, tôi sẽ tử vong. Tôi yếu dần, cho đến khi chỉ nghe được tiếng bác sĩ đều đặn kêu ráng lên, thở đều, hít sâu vào, sâu nữa… Tầm khoảng 14 ngày, tôi thấy khá hơn. Nồng độ oxy trong máu của tôi từ 88 đã lên 94, tôi xin cai máy thở”, ông D. chia sẻ. Những ngày qua, ông D. đã xuống giường tập thể dục kết hợp với nhịp thở, ông phấn chấn hẳn.
Cứ như thế, từng bệnh nhân vượt qua cửa tử, bên cạnh động viên, cùng tập vật lý trị liệu, tập thở với bệnh nhân nặng hơn, dìu nhau khỏe lại.
Vật lý trị liệu kết hợp tập thở ngay, không đợi đến khi âm tính
Theo bác sĩ nội trú Phạm Thị Tố Uyên, Trường đại học Y Hà Nội, mỗi ngày các điều dưỡng, bác sĩ tập vật lý trị liệu thụ động và động viên bệnh nhân nặng tập thở hai lần. Tập thụ động là bệnh nhân cứ nằm, nhân viên y tế sẽ co, duỗi tay chân, xoa bóp giúp người bệnh thoải mái. Bệnh nhân bị bại liệt hoặc mất tay, chân có thể tập trên giường với tư thế nằm, khỏe hơn sẽ ngồi dậy để tập. Với bệnh nhân nhẹ hơn sẽ được tập tay, chân, hít thở, tùy vào điều kiện vận động mỗi bệnh nhân sẽ có bài tập riêng. Chú trọng nhất là những bài tập thở để tăng dung tích phổi cho người bệnh. Tùy theo sức khỏe của người bệnh, mỗi lần tập từ 20 - 30 phút sẽ cải thiện đáng kể về hô hấp, thể trạng, tăng cơ hội hồi phục sớm cho các F0.
Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Đào Vũ, Phó giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng - Bệnh viện Bạch Mai, kiêm Trưởng khoa Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19, cho hay, nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy bệnh nhân F0 sau khi khỏi bệnh có các di chứng về hô hấp, thể chất cũng như tinh thần. Vì vậy, việc phục hồi chức năng sau COVID-19 hết sức quan trọng giúp người bệnh trở về với cuộc sống và các sinh hoạt thường ngày, cũng như đi làm, tham gia các hoạt động lao động sản xuất.
“Bệnh viện đang đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới như bệnh viện phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Dã chiến số 16… thực hiện phục hồi chức năng ngay từ bây giờ, không đợi đến khi bệnh nhân có kết quả âm tính. Bởi thời gian qua chúng tôi đã thực hiện và thấy rất hiệu quả với bệnh nhân COVID-19”, bác sĩ Đỗ Đào Vũ nói.
Việc tập vật lý trị liệu, tập thở đã và đang được áp dụng với tất cả bệnh nhân F0 tại Bệnh viện dã chiến số 16. Tùy vào nhóm bệnh nhân, các bác sĩ sẽ có bài tập riêng. Đặc biệt chú trọng đến nhóm bệnh nhân có bệnh lý nền, hạn chế vận động; và bệnh nhân đang khỏe mạnh mắc COVID-19 diễn tiến nặng phải thở máy, hôn mê trong thời gian dài. Bởi, bệnh nhân hôn mê, thở máy trong thời gian dài ngoài đối mặt với nhược cơ, có thể bị suy giảm nhận thức, ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng, càng phải được tập thụ động sớm nhằm giảm tối đa sự nhược cơ để khi hồi tỉnh sẽ thực hiện ngay các bài tập duy trì vận động, tránh cảm giác tự ti hay bỏ cuộc.
“Nếu chúng ta duy trì phục hồi chức năng tốt cho bệnh nhân, phục hồi các cơ hô hấp, thể trạng và tinh thần tốt sẽ trợ giúp cai oxy cho bệnh nhân nhanh hơn. Tùy tuổi tác, bệnh kèm theo… chúng tôi phải đặt mục tiêu hồi phục cho từng bệnh nhân cụ thể để sớm mang lại hiệu quả”, bác sĩ Đỗ Đào Vũ tâm huyết nói.
Hiện tại, Bệnh viện dã chiến số 16 cũng đã phối hợp với các bệnh viện tâm thần để hỗ trợ tốt nhất cho bệnh nhân về tâm lý sau hồi phục.
Phạm An