Càng hiếm những cuộc trò chuyện giết thời gian trong lúc chờ đợi. Nơi này đã gói ghém mọi trớ trêu, oái oăm… cũng chỉ vì phái mạnh sợ người khác đánh giá mình “yếu”.
“Ve sầu thoát xác” đi khám nam khoa
Ngày 4/7, tôi đang ở hành lang khu khám nam khoa - khu khám kỹ thuật cao Bệnh viện Bình Dân thì nghe tiếng người đàn ông ngồi trước phòng VIP 1 “a lô” - giọng hạ xuống thật nhỏ: “Hôm nay, tôi đóng cửa quán để đưa thằng con đi Sài Gòn chích ngừa”.
Đó là người đàn ông cao lớn, mặc áo thun sát ôm người hằn rõ “sáu múi”. Anh ngồi một mình và không có vẻ như “đưa thằng con đi chích ngừa”. Ngay lúc đó, từ bàn tiếp nhận có tiếng gọi: bệnh nhân Dương P.T., sinh năm 1966, ở Bến Tre…
Khu hành lang với vài trăm bệnh nhân đến khám gói ghém mọi trớ trêu, oái oăm vẫn diễn ra hằng ngày ở nơi này - như chuyện của người đàn ông trên. Dù đông nghẹt người đứng, ngồi đủ kiểu nhưng ở đây lại khá tĩnh lặng.
Chỉ là những đôi mắt miết chặt vào điện thoại hoặc khoảng không vô định nào đó. Càng hiếm những cuộc trò chuyện giết thời gian trong lúc chờ đợi kiểu “anh bị sao?”... Có lẽ, người hỏi cũng có tâm lý sợ một câu hỏi tương tự với mình.
|
Rất đông bệnh nhân đi khám nam khoa ở Bệnh viện Bình Dân |
Mới 7g10, khu khám VIP đã có số thứ tự gần 100, còn khám thường chỉ 34. Hầu hết người đến khám nam khoa đều chọn khám VIP, hoặc khám theo yêu cầu (đặt hẹn qua điện thoại) với giá 200.000 đồng. Còn khu khám thường dù rẻ hơn (100.000 đồng) và ít bệnh nhân hơn nhưng vẫn không được chuộng bằng.
Một người đàn ông ngoài 40 tuổi sau khi được nhân viên y tế cho biết số thứ tự cứ đứng tần ngần suy nghĩ. Anh quay lại người phụ nữ đứng phía sau nói: “Anh tính khám VIP nhưng đợi lâu lắm, sợ trễ xe về quê. Thôi, khám thường ít người, khám đại cho nhanh”. Nhưng anh lại ngần ngừ hỏi: “Khám VIP và khám thường khác nhau sao vậy chị?”. Nữ nhân viên trả lời: “Chất lượng khám cả hai như nhau, nhưng khám VIP có kết quả nhanh hơn”.
Anh lại nhỏ to với người phụ nữ, chị chốt: “Không kịp thì mướn phòng ở lại sáng mai về sớm, đã tới đây rồi, khám VIP đi, chắc khám kỹ và bác sĩ giỏi”. Khi đó, một người đàn ông dáng to cao đứng gần nói “khám VIP có bác Dũng - trưởng khoa khám đó”. Nghe ngữ điệu dễ nhận ra anh là người quen thuộc ở đây. Bởi chỉ có những người có “thâm niên” đi khám bệnh nơi này mới thoải mái và tự tin như vậy.
Nhìn anh, tôi sực nhớ lúc vừa đến cổng bệnh viện thì gặp anh bước xuống từ chiếc ô tô bốn chỗ mang biển số An Giang. Anh quay qua tài xế: “Tới quán uống cà phê đợi anh đi khám sỏi thận nghen”. Vậy mà chỉ hơn 10 phút sau tôi gặp anh ở khu khám nam khoa.
Hay một thanh niên mặc áo trắng, “đóng thùng” ngồi ở khu khám dịch vụ nói trên điện thoại “thôi nghe, tôi chuẩn bị vô họp rồi”… Hóa ra, chuyện “ve sầu thoát xác” để đi khám nam khoa là phổ biến, tâm lý chung của bệnh nhân đến đây.
Đi tìm lại chính mình
Tôi đi theo “anh sỏi thận” về hướng khu khám VIP. Vừa ngồi xuống ghế trước phòng VIP 5, anh nhoẻn miệng cười với cậu thanh niên ngoài 20 tuổi hỏi: “Bị gì mà đến đây vậy?”. Cậu thanh niên lúng túng, người đàn ông vỗ nhẹ vai: “đến đây giống nhau cả thôi”. Có vẻ bớt ngượng ngùng, cậu ta thì thầm: “Em bị xuất nhanh quá. Có khi được 3 phút, có khi chưa đầy 1 phút”. “Ở đây bị vậy “nhóc” (nhiều), bác sĩ trị được hết, lo gì, chỉ lo tiền thôi”.
Cậu thanh niên hỏi “một lần trị nhiều không anh?”. “Anh sỏi thận” vẫn tỏ ra là bệnh nhân thâm niên: “Tiền khám 200.000 đồng, tiền thuốc có lần 500.000-600.000 đồng, có lần hơn 1 triệu đồng/tháng, nếu có xét nghiệm, siêu âm thì tốn hơn nữa”. Đoạn đối thoại của hai người chỉ dừng lại khi nhân viên y tế gọi tên: bệnh nhân Đặng Q.T. ở An Giang.
“Anh sỏi thận” bước vội vào phòng khám, không quên trấn an người đồng cảnh ngộ: “Đừng lo quá nghen, trị được mà”. Cậu thanh niên nở nụ cười gượng gạo và ngồi lặng im với vẻ mặt căng thẳng. Một người đàn ông khoảng ngoài 50 tuổi, ăn mặc chải chuốt nhưng không giấu được đôi mắt rất buồn, mệt mỏi.
Vừa gặp thạc sĩ - bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng - Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân - đã khẩn khoản: “Tôi xin bác sĩ giúp tôi. Trước đây chuyện vợ chồng tôi ngon lành lắm, nhưng từ khi bệnh, tôi không kham nổi...”.
Bác sĩ Dũng mỉm cười: “Ngày nào tôi cũng gặp cả chục bệnh nhân như thế này. Anh đừng lo lắng quá, tôi sẽ giúp anh tìm lại được chính mình”. Anh kể từng là đại gia bất động sản, phải đi tiếp khách, ăn nhậu hầu như mỗi ngày. Lúc đầu, dù xỉn nhưng 48 năm “máy” vẫn chạy tốt - vợ chồng “giao ban” đều đặn mỗi đêm. Nhưng rồi anh bị cao huyết áp và bệnh tiểu đường nên “cậu nhỏ” xìu xìu ển ển.
Chuyện vợ chồng chuyển qua cách nhật rồi “tuần san“, “bán nguyệt san“ - mà đôi lúc anh cũng phải phất cờ trắng, nên khiến anh “sống không bằng chết”. Anh đâm sợ màn đêm buông xuống. Anh vờ phải xem kỹ hợp đồng với đối tác để nán lại phòng làm việc và chờ cho vợ ngủ say mới lén vào giường và chỉ biết thở dài nhìn vợ, với hỗn mang suy nghĩ: vợ sẽ chán mình, vợ sẽ không còn yêu mình.
Sau hơn bốn tháng bị suy nghĩ này hành hạ, anh đã lén vợ - nói đi gặp đối tác để đi khám nam khoa. Anh nhìn bác sĩ với ánh mắt tha thiết. Bác sĩ Dũng lại nhẹ nhàng: “Được rồi, hy vọng hai tuần nữa anh đến tìm tôi với nụ cười tự tin và chiến thắng”.
Cứ khoảng 10 phút, tại mỗi phòng khám, một bệnh nhân đi ra, một bệnh nhân mới được gọi vào. “Khách hàng” của phòng VIP 1 là bệnh nhân Nguyễn Lê A. ở Q.3, TP.HCM. Nhìn anh vác bụng bia to vượt mặt, đi khệnh khạng người ta dễ liên tưởng đến câu “bụng to lò xo ngắn”.
Bác sĩ chưa kịp hỏi thì anh A. đã rút ruột xổ lồng: “Không biết sao giờ em yếu quá. Một năm trước đá “2 hiệp mỗi đêm” ngon ơ, giờ một hiệp cũng đuối. Mà nhiều lúc “người anh em” lại không chịu nghe lời. Uống thuốc thì đỡ, hết thuốc lại bị như cũ”. Giở lại hồ sơ của anh A., bác sĩ hỏi: “Anh hạn chế rượu bia được chưa?”. Anh A. gãi đầu: “Em đi làm ăn, phải nhậu suốt bác ơi”.
Bác sĩ nói tiếp: “Anh uống rượu bia như nước thì không có thuốc nào trị dứt được tình trạng rối loạn cương dương của anh đâu. Chưa kể anh béo phì, còn có nguy cơ bị huyết áp cao, đái tháo đường, tim mạch… mà những bệnh lý này đều ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động tình dục. Bên cạnh uống thuốc, anh cần hạn chế rượu bia, tập thể dục thì chuyện phòng the mới cải thiện được”. Nghe đến đó, anh A. cụp mắt xuống: “Bác sĩ cho tôi thuốc uống một tháng luôn đi”.
Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng cho biết: ngày càng có đông bệnh nhân tới khám ở khoa Nam học, không chỉ có những vấn đề trục trặc phòng the, mà còn những bệnh lý như hẹp bao quy đầu ở trẻ em, vùi dương vật, viêm tinh hoàn, ung thư tinh hoàn... Trong đó, đáng tiếc nhất là có những trường hợp bị bệnh, hay trục trặc chuyện chăn gối đã lâu - như xuất tinh sớm đã hơn 20 năm mới đi chữa.
Vì tâm lý ngại ngùng, không dám đến bệnh viện khám - mà tự chữa bằng ngâm rượu con này, cây kia, cao nọ... nhằm tăng bản lĩnh đàn ông. Tuy nhiên, mạnh đâu không thấy, mà các ông ngày càng “yếu”, đâm ra mặc cảm, tự ti, từ đó đe dọa hạnh phúc gia đình. Hay có những trường hợp đi chữa ở những nơi tự phong tự phát, không uy tín đã làm tổn thương cơ quan sinh dục. Trong khi những bệnh lý nam khoa y học chữa rất hiệu quả.
“Vì vậy, phái mạnh khi có vấn đề về sức khỏe sinh sản, hãy đến cơ sở y tế uy tín, chuyên khoa để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị đúng đắn, kịp thời. Tránh tự chữa, hay chữa ở những nơi không uy tín, tự phong, tự phát sẽ rơi vào cảnh tiền mất tật mang”, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng khuyến cáo.
Từ 10 bệnh nhân/tháng tăng lên 300 lượt bệnh nhân/ngày
Phòng khám Nam khoa Bệnh viện Bình Dân ra đời từ năm 1991, nhưng khi đó cả tháng mới có được 10 bệnh nhân. Rồi 2-3 năm sau tăng lên được 300-400 bệnh nhân/năm và ngày nay là hơn 300 lượt bệnh nhân đến khám nam khoa mỗi ngày. Trong đó có cả những phụ nữ cũng đến để đi tìm lời giải cho những trục trặc chuyện chăn gối vợ chồng.
Ngày nay, khám nam khoa không còn trong “bóng tối” và người đàn ông không còn chỉ bàn “chuyện ấy” trong những cơn say rượu. Số lượng bệnh nhân đến khám tăng vùn vụt, nhưng đó chẳng thấm tháp gì so với nhu cầu khám chữa bệnh nam khoa của phái mạnh.
|
Thùy Dương