Những bệnh nhân bị 'gửi' nhầm vào bệnh viện tâm thần

19/07/2019 - 07:22

PNO - Chiều cuối ngày, chúng tôi theo chân bác sĩ Phạm Kiều Nguyệt Oanh - Phó khoa Nhiễm Việt - Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - đi thăm ba bệnh nhân đang nằm tại đây vừa bị “gửi” nhầm ở các bệnh viện tâm thần.

Phần lớn phát bệnh sau khi stress

Dừng lại ở giường số 5, một thanh niên cao to đang nằm bất động với máy thở, bác sĩ Oanh vừa lay bệnh nhân vừa kiểm tra diễn biến sức khỏe: “Phúc… có nghe bác sĩ nói gì không? Có nghe gì không Phúc ơi”. Ngay lập tức, cơ môi của anh cử động nhưng không thể nói, anh vẫn còn mê man với bệnh viêm não tự miễn. Bác sĩ Oanh cho biết, sức khỏe bệnh nhân Phúc đã cải thiện nhiều, anh được cho thuốc kiểm soát hoạt động gồng người, nhai miệng nên ngủ sâu, hơi mê man. 

Phía ngoài, chưa đến giờ thăm bệnh nên mẹ của anh chỉ biết đứng từ xa ngóng vào. Bà trải lòng: Phúc 32 tuổi, làm công nhân cho một công ty cao su. Gần đây, sau khi vợ mang bầu bé thứ ba khoảng hai tháng thì Phúc hay than đau đầu, mệt mỏi, tức ngực, có lúc ngất xỉu. Gia đình vội đưa Phúc đến bệnh viện huyện.

Nhung benh nhan bi 'gui' nham vao benh vien tam than
 

Tại đây, bác sĩ khám thấy polyp ở họng (tổn thương nhỏ lành tính có hình dạng như khối u) nên nghĩ anh mắc bệnh tai mũi họng, rồi chuyển tiếp lên bệnh viện tỉnh. Thế nhưng, những hành vi của Phúc ngày càng khác lạ như: đập tay, đập chân, gồng người. Sau những lúc lên cơn, Phúc lại tỉnh táo bình thường như không có chuyện gì xảy ra.

“Chạy khắp các bệnh viện, cuối cùng gia đình đưa Phúc đến bệnh viện tuyến cuối ở TP.HCM. Kỳ lạ, kết quả chụp phim không ghi nhận bất cứ dấu hiệu nào bất thường trên cơ thể, trong khi miệng Phúc cứ nhai nhóp nhép, cắn môi, phun nước bọt vào người khác”, mẹ của Phúc nhớ lại. Cuối cùng, Phúc được khuyên đưa vào bệnh viện tâm thần ở TP.HCM để điều trị.

“Lúc người ta nghi con trai bị rối loạn tâm thần, tôi thấy hợp lý vì cách đây 15 năm, Phúc bị một đứa bạn dùng chai nước đánh vô đầu. Đây có thể là di chứng não ngày xưa giờ mới phát, dẫn đến động não. Tôi xin cho con về điều trị ở bệnh viện tâm thần Biên Hòa, Đồng Nai để tiện đi lại thăm con. Tôi nay đã 70 tuổi - gần đất xa trời rồi. Chồng mất cách đây 23 năm, nuôi con một mình, giờ chỉ mong có được chút sức khỏe để lo cho con”, mẹ của Phúc than trách cho số phận con trai.

Sau 35 ngày điều trị ở bệnh viện tâm thần tại Đồng Nai, Phúc được bác sĩ cho về. Về nhà, Phúc lại lên cơn, cứ nhai miệng, đập tay múa chân, phun nước bọt, thậm chí đánh người thân nên người nhà lại đưa anh vào bệnh viện tâm thần lần nữa. Đặc biệt, lần này “nhờ lên cơn sốt” (một diễn tiến của bệnh viêm não tự miễn), Phúc được bệnh viện tâm thần chọc dò dịch não tủy nhưng kết quả lại bình thường. Trước tình trạng sốt ngày càng cao, với chẩn đoán “sốt chưa rõ nguyên nhân trên bệnh nhân rối loạn tâm thần cấp”; Phúc được chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Kết quả xét nghiệm phát hiện, Phúc không bị tâm thần mà do viêm não tự miễn.

Nhung benh nhan bi 'gui' nham vao benh vien tam than

Bác sĩ Phạm Kiều Nguyệt Oanh đang kiểm tra sức khỏe cho anh Phúc

 

Cũng như Phúc, hai bệnh nhân còn lại ở các giường gần bên còn rất trẻ, đều bị viêm não tự miễn và cũng bị đưa nhầm vào bệnh viện tâm thần. Điển hình như trường hợp anh H.Q.A. (25 tuổi, sống ở tỉnh Đắk Nông) mới cưới vợ được một tháng rơi vào tình trạng stress nặng. Mỗi tối đi làm về, anh lại khóc. Ban đầu, gia đình tưởng anh căng thẳng công việc nhưng nhiều dấu hiệu lạ bắt đầu xuất hiện như: gồng cứng toàn thân, nói nhảm. Sau những đợt “lên cơn”, Q.A. lại trở về bình thường. 

Biết cơ thể khác lạ, anh tìm đến các bệnh viện lớn, nhỏ ở TP.HCM để chạy chữa nhưng kết quả chụp phim, xét nghiệm máu vẫn ghi nhận: “Không phát hiện bất thường ở thời điểm hiện tại”. Sau những đợt lên cơn thất thường, bác sĩ nghĩ anh bị rối loạn tâm thần dạng hoang tưởng nên khuyên người nhà đưa vô bệnh viện tâm thần ở TP.HCM điều trị. Nhưng gia đình chuyển anh về bệnh viện tâm thần ở gần nhà. Mới nằm viện được 10 ngày, anh bắt đầu nhai miệng, tay chân đập phá không ngừng. 

Tại bệnh viện tâm thần ở quê nhà, Q.A. lên cơn sốt nên các bác sĩ liên hệ bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để xem phát hiện thêm bệnh truyền nhiễm nào không. Kết quả phát hiện bệnh nhân bị viêm não tự miễn.

Tương tự, trường hợp của chị Nguyễn Thị Thúy H. (31 tuổi, ở tỉnh Long An) mới sinh con bảy tháng, chị bắt đầu nói nhảm, đau đầu và mất ngủ. Nhiều người bảo chị bị trầm cảm sau sinh, rồi rối loạn tâm thần. Chị được gia đình đưa đến bệnh viện tâm thần tỉnh. Ngày vào viện, chị càng đập tay, đập chân vô cớ, không chịu ăn uống và bắt đầu lên cơn sốt. Bệnh viện tâm thần ở Long An tiến hành chọc dò dịch não tủy thấy bạch cầu tăng nhẹ nên nghĩ viêm não do vi-rút nên chuyển thẳng tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM mới phát hiện viêm não tự miễn.

Nhiều bệnh nhân hết “tâm thần” khi tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới 

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ, bác sĩ Nguyễn Hoan Phú - nguyên Trưởng khoa Nhiễm Việt - Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - chia sẻ: năm 2017, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford (Anh) phát hiện loại viêm não tự miễn có biểu hiện giống bệnh tâm thần. Bệnh viện này báo cáo ca bệnh đầu tiên vào năm 2017 và từ đó đến nay, bệnh viện tiếp nhận mỗi năm khoảng 7-10 ca. Hầu hết, người bệnh được các bệnh viện khác chuyển đến, chủ yếu là các bệnh viện tâm thần khi phát hiện bệnh nhân bị sốt nên đưa đi điều trị và vô tình phát hiện đúng bệnh. 

Nhung benh nhan bi 'gui' nham vao benh vien tam than
 

Ở các bệnh viêm não nói chung, chỉ có viêm não do nhiễm trùng tìm được nguyên nhân, còn hơn 60% bệnh viêm não hiện nay không tìm được yếu tố gây bệnh, trong đó có viêm não tự miễn. 

Viêm não tự miễn là tự cơ thể sinh ra kháng thể, rồi chúng gắn kết vào các thụ thể của tế bào thần kinh gây ra bệnh viêm não nên thường việc chụp phim khó phát hiện. Thậm chí, nhiều nơi thực hiện chọc dò dịch não tủy giống như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng không phát hiện, bởi tình trạng viêm não không chỉ có vi-rút, ký sinh trùng… trong dịch não tủy mà còn nhiều nguyên nhân khác. 

Trong các kháng thể gây bệnh thì hiện nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM mới tìm ra được kháng thể anti NMDA. Kháng thể này gắn kết vào các thụ thể của tế bào thần kinh gây bệnh viêm não. Hiện cơ chế sinh ra kháng thể NMDA vẫn chưa rõ, nhưng y học ghi nhận phụ nữ bị bướu buồng trứng dễ sản sinh kháng thể NMDA. U buồng trứng có trên bệnh nhân nữ viêm não tự miễn được ghi nhận đến 50% ca u quái buồng trứng, còn nam giới thì chưa phát hiện. 

Viêm não tự miễn dễ nhầm với bệnh tâm thần

Người bị viêm não tự miễn thường có triệu chứng: lo âu, la hét, sợ hãi, tay múa máy và tự cắn lưỡi… nên dễ nhầm với bệnh tâm thần.

Bác sĩ Phạm Kiều Nguyệt Oanh - Phó khoa Nhiễm Việt - Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - cho biết: người bị viêm não tự miễn thường có triệu chứng: lo âu, la hét, sợ hãi, tay múa máy và tự cắn lưỡi… nên dễ nhầm với bệnh tâm thần.

Đặc biệt, bệnh viêm não tự miễn ở giai đoạn đầu lại không có sốt như các triệu chứng viêm não. Chưa kể, nếu chọc dò dịch não tủy thông thường sẽ không phát hiện ra bệnh nên càng dễ nhầm với bệnh tâm thần. Mặt khác, nếu người bệnh tâm thần sau khi được uống thuốc sẽ hạn chế lên cơn, nhưng với bệnh nhân viêm não thì các rối loạn tâm thần càng lúc càng nặng. Đó là lý do mà nhiều nơi chọc dịch não tủy.

Tuy nhiên, dù kháng thể nào gây ra bệnh thì việc điều trị vẫn hiệu quả. Với những ca phát hiện u quái, bác sĩ sẽ cắt khối u gây bệnh, đồng thời điều trị viêm não tự miễn. Với các ca bệnh này, người bệnh sẽ được thay huyết tương, tiêm immunoglobulin và 80% khỏi bệnh, trở về cuộc sống bình thường. Riêng những trường hợp tử vong do bệnh nhân nhập viện quá trễ, khiến cơ thể mắc thêm nhiều bệnh khác… 

Nhung benh nhan bi 'gui' nham vao benh vien tam than
Những dấu hiệu giúp nhận biết bệnh viêm não tự miễn. Đồ họa Hải Vân

Bác sĩ Oanh cho biết, hiện nay, với bệnh nhân nghi bị viêm não tự miễn, điều trị bằng dung dịch immunoglobulin rất hiệu quả nhưng năm 2019 không còn được bảo hiểm y tế chi trả như trước đây. Mỗi đợt điều trị, bệnh nhân phải bỏ ra cả 100 triệu đồng để truyền dung dịch này. Do đó, mong cơ quan Bảo hiểm xã hội TP.HCM xem xét để người bệnh có cơ hội được tiếp cận nguồn thuốc điều trị.

Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI