Theo RT, một trong những vụ bê bối gián điệp lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh xảy ra cách đây ba năm, khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI0 phát hiện ra mạng lưới gián điệp ngầm của Nga.
Nhóm điệp viên gồm 10 người Nga, trong đó có Anna Chapman (ảnh), nữ điệp viên xinh đẹp hiện là "con cưng" của các tạp chí lá cải Nga. Ngay sau khi bị phát hiện, 10 gián điệp Nga bị trục xuất khỏi đất Mỹ, trong một cuộc trao đổi 4 gián điệp Mỹ khác với Nga.
Vụ trao đổi gián điệp diễn ra tại Vienna, thủ đô của Áo, hôm 7/9/2010. Những gián điệp này đã hoạt động bí mật nhiều năm trên nước Mỹ, thậm chí họ còn có nhà và gia đình ở Mỹ. Khi trở về Nga, họ được nhà nước trao tặng phần thưởng quốc gia cao quý nhất.
Vụ bê bối gián điệp này đã khiến cho Anna Chapman trở nên nổi tiếng. Sau đó, cô còn được biết đến với biệt danh “điệp viên nóng bỏng” nhờ chụp ảnh cho tạp chí Maxim. Cô hiện là người dẫn chương trình cho kênh truyền hình của Nga.
Thành viên thứ 11 của mạng lưới tình báo Nga bị bắt ở Cộng hòa Síp, nhưng biến mất sau khi được tại ngoại. Đến nay, công chúng vẫn chưa được biết nơi ở và danh tính thật của thành viên này. Người đàn ông ở tuổi ngoài 50 được cho là đã sử dụng danh tính của một bé trai người Canada, Christopher Metsos, người qua đời khi mới 5 tuổi. Ảnh: AP
Cơ quan phản gián Nga cũng không ngồi yên trước Mỹ. Một công dân Nga có tên là Gennady Sipachev hồi tháng 5/2010 bị bắt quả tang gửi một bản đồ quân sự mật đến Bộ Quốc phòng Mỹ. Các nhà điều tra tin rằng Mỹ có thể sử dụng bản đồ để các tên lửa hành trình của nước này có thể tấn công chính xác hơn vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
Sipachev đáng lẽ đã bị kết án 20 năm tù, nhưng nhờ lời bào chữa và thái độ hợp tác điều tra tích cực của ông, bản án đã được giảm xuống còn 4 năm tù. Ảnh: Mod-gorsud
Tháng 5 năm ngoái, Đại tá về hưu Vladimir Lazar bị phạt 12 năm tù và tước quân hàm vì làm gián điệp cho Mỹ. Các công tố viên cho hay Lazar đã mua 7.000 bức ảnh số hóa về địa hình Nga từ Sipachev hồi năm 2008, rồi sau đó chuyển những tài liệu mật này tới Belarus, để đưa cho điệp viên quân sự Mỹ Aleksandr Lesment. Ảnh: Flickr
Hồi tháng 6/2012, một tòa án quân sự Moscow kết án cựu đại tá Lực lượng An ninh Nga (FSB) Valery Mikhailov 18 năm tù vì tội phản quốc. Các nhà điều tra cho biết khi đang làm việc cho FSB, ông đã tự liên lạc với các nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ở Moscow và tiết lộ các bí mật quốc gia của Nga cho họ. Trong ảnh, Mikhailov ngồi sau song sắt, bên cạnh luật sư của ông. Ảnh: Kommersant
Một vụ bê bối gián điệp khác bùng lên năm 2000, khi Edmond Pope, một cựu sĩ quan của cơ quan tình báo Hải quân Mỹ bị bắt giữ tại Moscow vì mua chuộc thông tin về VA-111 Shkval, một loại ngư lôi của Nga. Pope là người Mỹ đầu tiên bị kết tội gián điệp ở Nga kể từ sau khi Gary Powers bị kết án hồi năm 1960. Ông bị kết án 20 năm tù nhưng được Putin ân xá chưa đầy một năm sau đó.
Trong ảnh, Edmond Pope ngồi sau song sắt trong một phiên xử kín ở Moscow vào ngày 1/12/2000. Ảnh: AFP
Tình báo Mỹ sau đó vẫn không thôi nỗ lực lấy thông tin về thủy lôi Shkval, khi hai điệp viên CIA với vỏ bọc nhà ngoại giao Mỹ bị bắt ở thủ đô Nga năm 2002. Ảnh: Ammokor.ucoz
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, năm 2001, nhân viên FBI, Robert Hanssen, 58 tuổi, cũng bị bắt vì làm gián điệp suốt 15 năm cho Liên Xô cũ và Nga. Ông bị bắt ở bang Virginia, Mỹ sau khi cung cấp thông tin mật cho tình báo Nga.
Hanssen bị cho là người đứng đằng sau vụ rò rỉ tin mật lớn nhất trong lịch sử CIA, khi làm bại lộ danh tính của hàng chục gián điệp Mỹ và tiết lộ hơn 6.000 trang thông tin mật của Mỹ.
Ngoài ra, Hanssen còn tiết lộ chương trình phản gián Mỹ và các kế hoạch hành động của nước này trong trường hợp Mỹ bị tấn công hạt nhân. Cũng nhờ Hassen mà Moscow mới biết đến một đường hầm bí mật mà FBI đã đào dưới Đại sứ quán Liên Xô khi nó được xây ở Washington năm 1977.
Hậu quả của vụ bê bối lớn này là 4 nhà ngoại giao Nga bị trục xuất khỏi đất Mỹ, và 46 người nữa cũng bị đề nghị rời Mỹ. Để đáp trả, Nga cũng tuyên bố sẽ trục xuất 50 nhà ngoại giao Mỹ khỏi lãnh thổ Nga, nhưng cuối cùng chỉ có 4 nhân viên sứ quán Mỹ rời Moscow.
Vào tháng 5/2002, Hanssen bị kết án 15 năm tù. Ảnh: Reuters
Không chỉ có những bê bối gián điệp Nga - Mỹ, một vụ bê bối gián điệp giữa Nga và Anh cũng thu hút sự quan tâm của dư luận. Truyền hình quốc gia Nga năm 2006 công bố đoạn video theo dõi, cho thấy các nhà ngoại giao Anh bị bắt quả tang sử dụng một thiết bị công nghệ cao giấu trong hòn đá giả để trao đổi thông tin với các điệp viên Tổng cục tình báo MI-6.
Theo kênh truyền hình, chỉ cần vài giây để đăng lên hoặc tải xuống dữ liệu vào thiết bị phức tạp này. "Hòn đá gián điệp" được đặt trong một công viên ở ngoại ô Moscow được FSB phát hiện. Vào thời điểm đó, câu chuyện điệp viên kiểu James Bond đã dấy lên căng thẳng ngoại giao giữa Nga và Anh, khi London bác bỏ cáo buộc sử dụng hòn đá để theo dõi người Nga.
Mãi đến đầu năm 2012, Anh mới thừa nhận đứng đằng sau "hòn đá gián điệp". Ảnh: AFP
TRỌNG GIÁP - VNExpress (Theo RT)