Ngoài việc đội giá lên gấp nhiều lần so với giá thị trường đã đề cập ở bài trước (TPHCM: Kinh phí tuyên truyền phòng, chống COVID-19 đội giá quá cao!? - Báo Phụ Nữ TPHCM số ra ngày 16/9), chúng tôi xin tiếp tục cung cấp cho bạn đọc sự bất thường xung quanh hợp đồng thực hiện in ấn giữa Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TPHCM với Xí nghiệp in N.M.H. (quận Tân Bình, TPHCM).
Hợp đồng được ký lùi ngày?
Theo điều tra của chúng tôi, việc in 5,4 triệu cuốn Cẩm nang hỏi đáp về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi-rút Corona mới (2019-nCoV) được Sở TTTT ký hợp đồng số 79/HĐ2020 với Xí nghiệp in N.M.H. (quận Tân Bình, TPHCM) vào ngày 6/3. Đến ngày 9/3, hai bên thực hiện bàn giao hạng mục, nghiệm thu và thanh lý hợp đồng.
Thế nhưng, ngay từ đầu tháng 2/2020, Trung tâm Báo chí TPHCM đã có thông tin “TPHCM phát cho người dân 5,4 triệu cẩm nang hỏi đáp về phòng, chống dịch bệnh do virus corona gây ra”. Theo thông tin được “đăng” ngày 6/2 này, “thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố”, Sở TTTT đã phối hợp “in ấn và phát 5 triệu cẩm nang hỏi đáp về bệnh do virus corona”.
Bản tin thể hiện: “Trong thời gian từ ngày 2/2 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông cùng các đơn vị liên quan đã chuẩn bị thông tin và bắt đầu in mỗi ngày 1 triệu bản, dự kiến đến hết ngày 8/2 sẽ in xong 5 triệu bản để phát cho người dân. Ngoài ra còn có 200.000 bản tiếng Anh và 200.000 bản tiếng Hoa sẽ phát cho các công ty lữ hành du lịch, các điểm có khách du lịch đông và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc trên địa bàn thành phố.
Bắt đầu từ ngày 5/2, cơ quan chức năng sẽ gửi các cẩm nang này về đầu mối là Trung tâm y tế dự phòng của 24 quận, huyện và phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của 24 quận, huyện để phát đến địa bàn khu dân cư, phát đến từng hộ dân”.
Có thể thấy hai điều bất thường. Một, tại sao đến đầu tháng Ba mới ký kết hợp đồng, mà từ đầu tháng Hai đã có cẩm nang phát cho dân? Lẽ nào việc in ấn đã được tiến hành trước khi có hợp đồng? Hai, trong trường hợp nếu đúng theo các biên bản bàn giao hạng mục, nghiệm thu và thanh lý hợp đồng giữa Sở TTTT với Xí nghiệp in N.M.H. thì phải đến ngày 9/3, các cẩm nang nói trên mới in xong, tức hóa ra bản tin trên trang web của Trung tâm Báo chí TPHCM là sai sự thật?
|
Bản tin "đăng" ngày 6/2 trên trang web Trung tâm Báo chí TPHCM |
Những bất thường trong việc đội giá quá cao
Như bài trước chúng tôi đã đề cập, hợp đồng số 79/HĐ2020 có tổng giá trị 15,323 tỷ đồng. Tại Điều 2 hợp đồng này, sau khi in ấn, Xí nghiệp in N.M.H. sẽ giao cẩm nang đến trung tâm y tế và UBND của 24 quận, huyện, cùng các đơn vị sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố theo danh sách do Sở TTTT cung cấp.
Nếu lấy lý do vào thời điểm in ấn, vì phải thực hiện khẩn cấp trong 3 đến 4 ngày và phải giao hàng cho các quận, huyện, sở, ban, ngành để “biện luận” cho việc kinh phí in 5,4 triệu cuốn cẩm nang có giá cao hơn gấp đôi so với giá thị trường (khoảng 6,5 tỷ đồng) e rằng rất khó thuyết phục trong trách nhiệm sử dụng tiền từ ngân sách nhà nước.
Bởi lẽ, khi trao đổi với chúng tôi, một số nhà in khẳng định, nếu xét thấy năng lực không đáp ứng được yêu cầu về thời gian thực hiện họ sẽ từ chối hợp đồng. Nếu đã nhận, việc khách yêu cầu in ấn trong bao lâu sẽ không ảnh hưởng đến đơn giá đã thỏa thuận, ký kết. Vậy mà, tại Điều 4 của hợp đồng số 79/HĐ2020, thời gian thực hiện công việc in được Sở TTTT và nhà in thỏa thuận lên đến những 60 ngày. Và hai bên cũng thỏa thuận phạm vi trách nhiệm công việc của Xí nghiệp in N.M.H. là in ấn và giao hàng, không hề có thêm bất cứ yêu cầu nào khác như biên dịch, thiết kế, trình bày hay biên tập nội dung các ấn phẩm.
Đối với vấn đề vận chuyển, giao hàng, chúng tôi xin đề cập đến hợp đồng số 188/HĐ2020 để bạn đọc có thể dễ dàng hình dung, đối chiếu. Hợp đồng này trị giá gần 7,3 tỷ đồng, cũng được ký kết giữa Sở TTTT với Xí nghiệp in N.M.H. ngày 15/6 để in và phát 5,6 triệu Tờ rơi tuyên truyền về 12 việc cần làm ngay và 6 điều cần làm để phòng, chống dịch COVID-19.
Ngoài thỏa thuận về đơn giá cao ngất ngưởng như bài trước đã nói, phần phụ lục có kê thêm chi phí cho công thiết kế, dàn trang, biên tập và vận chuyển tài liệu đến các nơi tương tự như đối với cuốn cẩm nang với giá trọn gói là 280 triệu đồng. Như vậy, phí vận chuyển cho cẩm nang là bao nhiêu mà có thể khiến giá in đội lên hơn gấp đôi?
Cần nói thêm, cả hai hợp đồng trên không đề cập gì đến trách nhiệm phải biên dịch thành các ngôn ngữ Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đối với nhà in. Riêng hợp đồng số 188/HĐ2020 in 5,6 triệu tờ rơi, được thực hiện trong tháng Sáu là thời điểm dịch COVID-19 không còn quá cấp bách so với hồi tháng Hai, tháng Ba. Vậy mà riêng công in vẫn có thể lên đến gần 7 tỷ đồng (giá thị trường chỉ khoảng 2,5 tỷ). Hơn nữa, theo tìm hiểu của chúng tôi, giá nguyên vật liệu ngành in từ đầu năm 2020 đến nay không có biến động gì nhiều.
Phó thủ tướng yêu cầu xác minh vụ việc
Theo nguồn tin của Báo Phụ Nữ TPHCM, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình liên quan đến các tố cáo sai phạm xảy ra tại Sở TTTT TPHCM.
Cụ thể, ông Trương Hòa Bình yêu cầu chuyển Thanh tra Chính phủ nội dung tố cáo sai phạm có liên quan đến cá nhân, đơn vị thuộc sở trong việc thực hiện gói thầu hạng mục tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 để kiểm tra, xem xét, giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Được biết, một trong các nội dung tố cáo có liên quan đến vấn đề thực hiện gói in ấn tài liệu tuyên truyền theo hình thức chỉ định thầu liệu có đúng quy định?
Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo Thanh tra Chính phủ có báo cáo kết quả gửi Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2020. Trước đó, Thanh tra TPHCM cũng đã tiến hành xác minh đơn tố cáo các sai phạm liên quan công tác in ấn tài liệu tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 của Sở TTTT thành phố.
|
Nam Anh