Những bất thường trong vụ loại bỏ 73ha rừng Cần Giờ

06/12/2019 - 06:47

PNO - Tại Thiềng Liềng - một đảo nhỏ của xã Thạnh An xuất hiện tình trạng mua gom đất với diện tích lớn sau đợt kiểm kê rừng. Cũng tại đây, ruộng muối của người dân bị đưa vào phần diện tích rừng phòng hộ không rõ lý do.

Ngày 3/12, trao đổi với chúng tôi về vụ Hơn 73ha rừng Cần Giờ bất ngờ… biến mất (Báo Phụ Nữ TP.HCM đăng ngày 25/11), ông Lê Văn Sinh - Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ H.Cần Giờ - khẳng định: “Hiện nay, hơn 73ha rừng phòng hộ được tổ kiểm kê kiến nghị đưa ra khỏi ranh nhưng rừng vẫn còn nguyên đấy, chưa bị ảnh hưởng gì. Nếu cần, chúng tôi sẽ dẫn đi kiểm tra thực tế”. 

Thế nhưng, trong báo cáo gửi Thành ủy và UBND TP.HCM về vụ việc này, Ban thường vụ Huyện ủy H.Cần Giờ lại cho rằng, những khu vực đề xuất đưa rừng ra khỏi ranh không phải là đất rừng mà chủ yếu là đất muối, đất có diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, khu dân cư bị chồng lấn ranh. Đây chỉ là một trong vô số mâu thuẫn, bất thường giữa những nội dung giải trình của Huyện ủy huyện Cần Giờ so với thông tin từ các đơn vị liên quan cũng như các tài liệu chúng tôi thu thập được.

Nhiều nội dung không khớp

Theo báo cáo của Ban thường vụ Huyện ủy H.Cần Giờ, trong đợt kiểm kê năm 2016, UBND huyện này đề xuất đưa hơn 73ha rừng ở xã Thạnh An và An Thới Đông ra khỏi ranh rừng phòng hộ là phù hợp. “Cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An) từ trước đến nay là khu dân cư hiện hữu, nhưng do nằm trong ranh rừng phòng hộ nên người dân gặp nhiều khó khăn trong xác lập quyền sở hữu đất đai…

Tuy nhiên, đến nay, UBND TP.HCM vẫn chưa giải quyết kiến nghị của huyện về việc đưa ra khỏi ranh. Trên thực tế, Ban quản lý phòng hộ Cần Giờ vẫn bảo vệ và quản lý rừng ở những khu vực trên như trước năm 2016” - báo cáo của Huyện ủy H.Cần Giờ nêu. Báo cáo cũng cho biết, mục đích điều chỉnh hơn 73ha khỏi ranh rừng phòng hộ là tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý đất đai và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Nhưng trước đó, tại buổi làm việc với Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP.HCM, đại diện Hạt Kiểm lâm H.Cần Giờ cho biết, theo hồ sơ quản lý rừng năm 2017, rừng phòng hộ ở xã Thạnh An tại tiểu khu 19 đã bị giảm xuống. Cụ thể, dựa vào bản đồ hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp (theo quyết định ngày 24/5/2014 của UBND TP.HCM) tại tiểu khu này (còn gọi là cù lao Phú Lợi), có hơn 31ha rừng tự nhiên, quy hoạch chức năng rừng phòng hộ.

Đến năm 2016, thực hiện việc kiểm kê, kiểm tra, nghiệm thu kiểm kê rừng theo chỉ đạo của tổ trưởng tổ kiểm kê rừng là ông Trương Tiến Triển - Phó chủ tịch UBND H.Cần Giờ -  tổ kiểm kê nhất trí đề xuất đưa ra khỏi rừng tự nhiên, rừng phòng hộ toàn bộ diện tích hơn 30ha.

Như vậy, theo thông tin do Hạt Kiểm lâm H.Cần Giờ cung cấp ở trên, trước kiểm kê (năm 2016), tại xã Thanh An, vẫn còn 31ha rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, trong khi báo cáo của Huyện ủy H.Cần Giờ lại cho rằng hơn 33ha tại xã Thạnh An là toàn bộ diện tích đất trên cù lao Phú Lợi,  là khu dân cư hiện hữu nhưng nằm trong ranh rừng phòng hộ.

Chi tiền tỷ nhưng kiểm kê “có vấn đề”
Để thực hiện việc kiểm kê rừng năm 2016, ngân sách TP.HCM đã chi gần 2 tỷ đồng nhưng sau những vấn đề chúng tôi phản ánh, nhiều ý kiến cho rằng, công tác kiểm kê có vấn đề. “Việc kiểm kê rừng phải thực hiện chặt chẽ, từ hình ảnh trên bản đồ đến kiểm tra thực địa rồi mới tính toán, chốt số liệu. Qua nội dung báo phản ánh, tôi thấy công tác kiểm kê rừng không tốt, có dấu hiệu chiếu lệ. Do đó, để làm sáng tỏ vụ này, UBND TP.HCM nên chỉ đạo thuê một đơn vị độc lập kiểm kê lại, may ra mới có thông tin chính xác” - một chuyên gia về quản lý rừng đề xuất.

Huyện ủy H.Cần Giờ cho rằng, đề xuất đưa hơn 73ha rừng ở xã Thạnh An và xã An Thới Đông ra khỏi ranh rừng phòng hộ chưa được UBND TP.HCM chấp thuận. Tuy nhiên, theo thông tin mà Hạt Kiểm lâm H.Cần Giờ cung cấp cho Phòng Cảnh sát môi trường thì, căn cứ vào kết quả kiểm kê rừng nói trên, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM đã tổng hợp, báo cáo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, sau đó sở đã báo cáo cho UBND TP.HCM phê duyệt kết quả kiểm kê rừng theo quyết định số 30 ngày 6/1/2017 và công bố hiện trạng rừng năm 2016 theo quyết định số 3901 ngày 20/7/2017.

Với diễn biến trên, có thể hiểu rằng, kết quả kiểm kê rừng và đề xuất đưa hơn 73ha rừng ra khỏi ranh rừng phòng hộ đã được chấp thuận. Tuy nhiên, sau 3 năm, các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác vẫn chưa thực hiện theo các quy định pháp luật nên mới đây, ngày 5/11/2019, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM đã có văn bản yêu cầu rà soát lại để cập nhật diện tích này vào cơ sở dữ liệu rừng trình UBND TP.HCM phê duyệt trong năm 2019. 

Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia về quản lý rừng cho rằng, có thể hiểu nội dung văn bản của Chi cục Kiểm Lâm TP.HCM là, nếu hơn 73ha rừng mà tổ kiểm kê của H.Cần Giờ đề xuất đưa ra chưa chuyển sang mục đích khác thì sẽ được “trả lại” theo hiện trạng trước đây. Khi chúng tôi nêu vấn đề này, ông Lê Văn Sinh nói: “Nếu rà soát thấy không cần thiết loại hơn 73ha ra khỏi rừng phòng hộ thì sẽ đưa vào lại”.

Chúng tôi đặt tiếp câu hỏi, nếu rừng trên thực tế vẫn còn, sao Cần Giờ lại muốn loại ra và ý kiến của ban quản lý rừng trong việc này ra sao, ông Sinh không trả lời thẳng vào nội dung câu hỏi, chỉ nói: “Đó là đề xuất của huyện và việc chấp thuận chỉ mới dừng lại ở chủ trương. Khi nào thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng, mới đánh giá cụ thể. Ví dụ trong khu đề xuất 30ha, chỗ nào có rừng thì tuyệt đối không được đụng vào. Đây là chủ trương của cấp thành phố rồi”.

Những thông tin nói trên cùng diễn biến của vụ việc cho thấy, báo cáo của Huyện ủy H.Cần Giờ gửi Thành ủy, UBND TP.HCM về việc loại bỏ hơn 73ha ra khỏi rừng phòng hộ vẫn còn nhiều vấn đề chưa được sáng tỏ. Nếu nói phần lớn diện tích trong hơn 73ha đưa ra khỏi ranh rừng phòng hộ là khu dân cư hiện hữu, là đất muối, đất nuôi trồng thủy sản, vậy rừng ở những khu vực này đã bị biến mất ra sao, đơn vị nào chịu trách nhiệm? Nếu đã mất, tại sao khi làm việc với Phòng Cảnh sát môi trường, Hạt Kiểm lâm H.Cần Giờ lại cho biết đến giai đoạn 2014-2016, trên hồ sơ quản lý, ở Thạnh An vẫn còn hơn 31ha và sau khi kiểm kê, mới loại hơn 30ha? 

Nhung bat thuong trong vu  loai bo 73ha rung Can Gio
Nhiều bất thường trong vụ loại bỏ 73ha rừng Cần Giờ

3ha ruộng muối bỗng thành… rừng

Căn cứ vào báo cáo của Huyện ủy H.Cần Giờ và đối chiếu với các thông tin, tài liệu thu thập được, chúng tôi nhận thấy, có sự bất thường về số liệu rừng được đề xuất loại khỏi ranh rừng phòng hộ ở xã Thạnh An. Cụ thể, tại xã Thạnh An, có hơn 33ha được đề xuất đưa ra khỏi diện rừng, trong đó có 30ha tại cù lao Phú Lợi và có 3ha tại ấp Thiềng Liềng. Dù thuộc xã Thạnh An nhưng Thiềng Liềng là một hòn đảo biệt lập, nằm cách trung tâm xã Thạnh An khá xa.

Vì sao lại có 3ha ở Thiềng Liềng được đưa ra khỏi ranh? Tiếp xúc với chúng tôi, một số hộ dân có ruộng muối ở ấp Thiềng Liềng cho biết, khoảng từ năm 1999, diện tích đất làm muối đã được cấp sổ đỏ (quyền sử dụng đất), sau đó còn được cấp sổ hồng (quyền sở hữu tài sản trên đất). Thế nhưng, không hiểu nguyên nhân gì, hiện nay, có một số ruộng muối bị đưa vào diện thuộc rừng phòng hộ và không được canh tác, sản xuất muối, trong khi một số khu vực lại được đưa ra khỏi rừng phòng hộ. 

Chủ một hộ dân cho biết, ruộng muối của ông ngưng sản xuất khoảng 5 năm qua. Mới đây, khi xin phát quang cây cỏ để khai thác lại thì ông bất ngờ được thông báo ruộng muối nằm trong rừng phòng hộ.

Ông bức xúc: “Trước khi cấp sổ đỏ, sổ hồng, các đơn vị liên quan đã xuống thực tế kiểm tra, đo đạc, xác định khu vực này không phải là rừng phòng hộ. Tôi ngừng sản xuất 5 năm qua là do chính quyền địa phương thông báo rà soát để điều chỉnh quy hoạch phục vụ dự án gì đó,  nhưng chờ hoài, không thấy điều chỉnh nên tôi mới xin làm muối lại. Bây giờ họ lại nói, căn cứ vào đợt kiểm kê năm 2016 và quyết định 3901 của UBND TP.HCM năm 2017, khu ruộng muối đã được đưa vào diện tích rừng phòng hộ. Chuyện này quá vô lý. Nếu muốn đưa vào diện tích rừng phòng hộ, UBND huyện phải có quyết định thu hồi đất và bồi thường cho người dân chứ sao lại tự ý như vậy được”.

Một điều kỳ lạ nữa là sau khi bị đưa vào diện rừng phòng hộ, chủ ruộng muối nhận được điện thoại từ số lạ, hỏi mua đất muối với giá 1 tỷ đồng/ha. “Tôi rất ngạc nhiên, không hiểu sao đảo Thiềng Liềng xa xôi, hẻo lánh vậy mà họ đòi mua đất với giá khá cao. Không phải chỉ có mình tôi mà nhiều người dân có đất ở Thiềng Liêng cũng được hỏi mua với giá cao như vậy. Theo tôi biết, từ năm 2017 đến nay, nhiều hộ dân đã bán đất với diện tích rất lớn. Việc này quá khó hiểu. Hay là có người lợi dụng việc kiểm kê rừng để gom đất” - một người dân đặt vấn đề.

Nhung bat thuong trong vu  loai bo 73ha rung Can Gio
Tại ấp Thiềng Liềng, đã xảy ra cơn sốt đất sau đợt kiểm kê rừng; hiện phải mua với giá hơn 2 tỷ đồng/ha đất, người dân mới bán

Nhiều lần đến ấp Thiềng Liềng và dùng nhiều cách tiếp cận người dân, chúng tôi cũng ghi nhận được thực trạng: nhiều người dân đã bán đất với giá từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi héc-ta. Ông N. - một người dân đã bán hơn 3ha đất - cho biết, ông bán vào năm 2017 với giá 700 triệu đồng/ha nhưng hiện nay, giá tăng lên khoảng 2 tỷ đồng/ha. “Hầu hết người dân ở đây bán đất cho một người tên T. Nghe nói ông này nhà ở Q.1 (TP.HCM), gom đất nhiều để làm dự án gì đó” - ông N. vừa nói vừa tỏ vẻ tiếc vì mình đã bán đất với giá quá rẻ so với những người khác ở ấp Thiềng Liềng. 

Tại buổi họp chiều 5/12, Đại diện hạt kiểm lâm Cần Giờ xác nhận, Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an thành phố đã vào cuộc điều tra vụ loại rừng ra khỏi quy hoạch ở cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An). Theo đó, cơ quan công an đã làm việc với Hạt kiểm lâm và các bên liên quan để thu thập hồ sơ, tài liệu làm rõ việc loại rừng ra khỏi quy hoạch ở xã đảo thuộc Cần Giờ.

“Bỏ 73ha rừng Cần Giờ giống như cắt một phần lá phổi của TP.HCM”

TP.HCM là thành phố đông dân nhất Việt Nam. Quá trình đô thị hóa, di cư của nhóm người từ các vùng nông thôn, sự gia tăng số lượng phương tiện giao thông và quá trình công nghiệp hóa dẫn đến việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch ngày càng tăng lên thì lượng phát thải sinh ra ngày càng tăng. Do đó, TP.HCM hiện đang đứng trước nguy cơ có thể trở thành một trong những thành phố phát thải khí nhà kính nói riêng và khí C02 nói chung thuộc mức trung bình cao trong khu vực

Trên thực tế, nếu đối chiếu theo “Bản đồ tổng hợp phát thải và hấp thụ C02 của TP.HCM” chúng ta thấy ở khu vực trung tâm, nơi mật độ mảng xanh thấp thì lượng phát thải C02 dao động có thể lên đến trên 100.000 tấn C02  /năm. Ngược lại, nhìn trên bản đồ này, thì khu vực huyện Cần Giờ và Củ Chi lượng phát thải C02 dường như là không có.

Về rừng Cần Giờ, đây là rừng ngập mặn, ở đó có thảm thực vật, cây xanh rất nhiều với diện tích rộng nên vai trò của rừng này là hấp thụ C02 từ các hoạt động giao thông, công nghiệp, con người... thải ra. Tôi ví mảng xanh ở Củ Chi và Cần Giờ là hai lá phổi của TP.HCM. Nếu 73ha rừng bất ngờ bị loại bỏ thì giống như việc cắt mất một phần lá phổi của TP.HCM. Hậu quả của việc này có thể chỉ ra ngay là lượng hấp thu C02 phát thải mỗi ngày của TP.HCM sẽ giảm dẫn đến nguy cơ ô nhiễm không khí.

Phó giáo sư - tiến sĩ Hồ Thị Thanh Vân  (Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM)

Lãnh đạo UBND H.Cần Giờ nói gì về đề xuất loại 73ha rừng?
Chiều 5/12, tại buổi làm việc với UBND H.Cần Giờ và nhiều đơn vị liên quan, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã đặt câu hỏi: “Vì sao UBND huyện lại đề xuất loại hơn 73ha rừng ở xã Thạnh An và An Thới Đông ra khỏi ranh rừng phòng hộ?”. Ông Trương Tiến Triển - Phó chủ tịch UBND H.Cần Giờ - cho rằng, trên thực tế, có nhiều khu vực đã sạt lở mất rừng hoặc có khu dân cư hiện hữu, và mục đích đưa ra khỏi ranh rừng phòng hộ là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như để thuận lợi hơn trong công tác quản lý. 

Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi: “Trong 73ha rừng đề xuất loại khỏi ranh rừng phòng hộ, có bao nhiêu héc-ta là rừng, bao nhiêu héc-ta là khu dân cư hiện hữu cũng như căn cứ pháp lý nào để xác định việc này?”. Lãnh đạo UBND H.Cần Giờ và các đơn vị liên quan trả lời chưa rõ ràng và chưa chứng minh bằng số liệu cụ thể. Đối với câu hỏi về hơn 3ha đất làm muối ở ấp Thiềng Liềng bất ngờ bị đưa vào diện tích rừng sau đợt kiểm kê, lãnh đạo UBND H.Cần Giờ và các đơn vị liên quan nói “chưa nắm được thông tin” nên sẽ tìm hiểu và giải đáp sau.
Theo ông Triển, đến nay, rừng trong diện tích hơn 73ha vẫn còn đúng như hiện trạng, chưa bị xâm hại và vẫn đang được quản lý tốt. Tuy nhiên, tại buổi làm việc, đại diện Hạt Kiểm lâm H.Cần Giờ cho rằng, sau đợt kiểm kê năm 2016, việc đưa hơn 73ha rừng ở xã Thạnh An và An Thới Đông ra khỏi ranh rừng, nếu căn cứ vào quy định của pháp luật, sẽ khó khăn cho công tác quản lý. Cụ thể, khi xảy ra xâm hại hay phá rừng, lực lượng kiểm lâm không thể xử lý theo luật hiện hành. 

Nhóm Phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI