17 tập thể và 23 cá nhân tiêu biểu vừa được UBND TPHCM và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” lần thứ sáu. Họ là những người đến từ những vùng đất khác nhau nhưng đã chọn thành phố này là quê hương thứ hai, lặng lẽ góp thêm vào cuộc đời sự ấm áp cho người yếu thế, sự bình yên mỗi ngày trên từng con đường, góc phố và truyền đi thông điệp về lẽ sống, về sức mạnh của tình yêu thương. Bài 1: Giúp đời, giúp người theo cách của riêng mình Bài 2: Dẫu không lành lặn vẫn miệt mài cho đi |
Góp sức cho thành phố xanh hơn
24 tháng Chạp năm 2023, mọi người đang tranh thủ đi mua sắm tết hoặc hối hả về quê thì dưới cống thoát nước ở chân cầu An Phú Đông (quận Gò Vấp, TPHCM), Nguyễn Lương Ngọc, Hồ Văn Vĩ và 3 bạn trẻ khác vẫn lội nước vớt rác. 5 chàng trai tuổi 20 coi việc dọn dẹp kênh rạch sau giờ làm việc là trách nhiệm. Họ suy nghĩ “nếu mình không làm thì lấy ai đặt nền móng cho sự ra đời của Sài Gòn Xanh”.
Chỉ sau thời gian ngắn ra đời, nhóm Sài Gòn Xanh đã thu hút sự quan tâm của nhiều trái tim tình nguyện để phát triển thành câu lạc bộ (CLB) quy mô hơn với 2.000 thành viên, đa phần là sinh viên, nhân viên y tế, nhân viên văn phòng, bảo vệ, tài xế xe ôm…
|
Anh Nguyễn Lương Ngọc - Trưởng ban điều hành Câu lạc bộ Sài Gòn Xanh - vừa điều phối công việc chung của nhóm, vừa tham gia vớt rác |
Nói về cơ duyên làm nên Sài Gòn Xanh, Nguyễn Lương Ngọc - 29 tuổi, Trưởng ban điều hành CLB - chia sẻ: “Tôi từ Gia Lai xuống Sài Gòn kiếm sống bằng nghề phục vụ nhà hàng. Thành phố đã cho tôi nhiều cơ hội, nhưng cũng để lại trong tôi những trăn trở. Tôi nhìn thấy những con kênh ngập rác, những dòng nước nặng mùi và tự hỏi: mình muốn dòng nước xanh sạch, nhưng nếu cứ chần chừ, không xắn tay, thì ai sẽ làm? Anh Hồ Văn Vĩ - người cùng làm tại một nhà hàng với tôi - là người bạn đồng hành đầu tiên của tôi. Những cuộc trò chuyện sau giờ làm giúp chúng tôi nảy ra ý tưởng lập một nhóm nhỏ để dọn dẹp rác góp phần bảo vệ môi trường. Ngày đầu tiên lội xuống dòng nước đen ngòm thật vất vả mà cũng thật vui. Khi đứng trên bờ nhìn lại, tôi đã tự nhủ: đây chỉ mới là khởi đầu”.
Cuối năm 2024, chúng tôi có dịp tham gia cùng Sài Gòn Xanh dọn rác dọc tuyến rạch Tư Trang, đoạn chảy qua phường An Phú Đông, quận 12, TPHCM. Nhiều sinh viên mới lần đầu tham gia. Nguyễn Lương Ngọc hướng dẫn mọi người mặc đồ bảo hộ, thắt dây an toàn, dặn dò phải hết sức chú ý những đoạn nước sâu, những khu vực rác dày phải gọi người tiếp sức. Rồi các bạn lội xuống dòng nước đen cào cỏ, vớt rác suốt mấy tiếng đồng hồ.
Nữ sinh viên Trường đại học FPT Ngô Thị Hồng Thắm cho biết đã đăng ký làm tình nguyện cùng Sài Gòn Xanh thêm nhiều ngày bởi muốn góp sức cho thành phố nơi mình đang học tập và cũng vì ngưỡng mộ sự nhiệt huyết lẫn tinh thần dấn thân vì cộng đồng của những người như Ngọc.
Khởi đầu, 5 chàng trai Sài Gòn Xanh chỉ có tấm lòng, đôi ủng và đôi bao tay tự sắm. Về sau các bạn đã nhận được sự ủng hộ của nhiều cá nhân, đơn vị trong việc trang bị quần áo bảo hộ, tiêm vắc xin ngừa uốn ván, thương hàn. Quá trình khảo sát địa điểm cần dọn dẹp và liên hệ đơn vị thu gom cũng có sự đồng hành của hội phụ nữ, đoàn thanh niên các địa phương.
Vào sáng thứ Năm và Chủ nhật hằng tuần, Ngọc vừa điều phối, vừa cùng vài chục thành viên dọn rác. Anh phấn khởi cho biết, gần 2 năm, CLB đã tổ chức hơn 300 đợt vớt rác tại các tuyến rạch Xuyên Tâm, sông Sài Gòn, kênh Nước Đen, kênh Hy Vọng, nhiều đoạn bờ biển Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang… thu gom hơn 3.000 tấn rác thải, lắp đặt 12 phao chắn rác tại các điểm trọng yếu và đưa máy thu gom rác tự động - sáng kiến của các thành viên CLB - vào hoạt động.
Những con số vừa nêu, như Ngọc nhìn nhận, chỉ mới là phần nhỏ trên chặng đường còn dài và không hề dễ dàng trong việc bảo vệ môi trường. “Không phải lúc nào công việc cũng thuận lợi. Chẳng sợ khó, sợ khổ, nhưng cứ đối mặt với tình trạng rác tái diễn sau khi thu dọn không lâu, chúng tôi băn khoăn: liệu hành động này có tạo ra thay đổi? Mỗi khi lòng chùng xuống, chúng tôi lại “vịn” vào tình thương của bà con - những người sống dọc các tuyến kênh, nhớ ánh mắt tràn đầy quyết tâm của các bạn tình nguyện viên và nhớ lại tinh thần mà mình khát khao gieo mầm để làm động lực tiếp tục” - Ngọc bộc bạch.
Thầm lặng trong đêm
21g, tại chốt trực, chuông điện thoại reo vang, anh Thái bốc máy: “Alo! Đội hỗ trợ xử lý sự cố giao thông S.P.D. nghe!”. Sau khi đầu dây bên kia dứt lời, anh Thái nói: “Chị cứ bình tĩnh! Chúng tôi sẽ đến ngay”. Rồi anh cúp máy và cùng đồng đội mang theo các thiết bị cứu hộ lên đường. Anh là Nguyễn Quốc Thái - 27 tuổi, Đội trưởng Đội hỗ trợ xử lý sự cố giao thông S.P.D.
Trước đó, khi thành phố lên đèn, dòng người hối hả trở về nhà sau ngày làm việc vất vả, thì tại một góc nhỏ ở ngã tư đường D4, phường Tân Hưng, quận 7, TPHCM, một nhóm bạn trẻ đã có mặt để sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ xử lý các sự cố giao thông. Họ là các thành viên đội S.P.D. Với tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết, họ như những “hiệp sĩ đường phố” thầm lặng hỗ trợ mọi người trên các nẻo đường.
|
Các thành viên Đội hỗ trợ xử lý sự cố giao thông S.P.D. giúp đỡ người dân lúc nửa đêm |
Công việc mỗi tối của họ từ hơn 2 năm nay là thực hiện sơ cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông, sửa xe, điều tiết giao thông theo chỉ đạo của lực lượng chức năng… tại các tuyến đường thuộc quận 7 và các khu vực lân cận.
Năm 2022, sau những ngày cùng nhau chống dịch COVID-19, anh Nguyễn Quốc Thái và anh Trần Ngô Hồng Phước (Đội phó) đã thành lập một đội chuyên hỗ trợ người dân gặp sự cố giao thông vào ban đêm. Anh Thái chia sẻ, những ngày mới thành lập, đội gặp không ít thử thách, nhất là sự nghi hoặc từ người dân. Không ai tin, giữa đêm khuya lại có người sẵn sàng giúp đỡ mà không đòi hỏi gì.
Anh kể, có lần các thành viên của đội đang sơ cứu cho nạn nhân tai nạn giao thông thì người nhà của nạn nhân đến. Họ tưởng mình là người gây ra tai nạn nên đã động chân, động tay với anh em. Nhưng với tinh thần nhiệt huyết, anh em trong đội đã từng bước khẳng định giá trị của mình. Đến năm 2024 vừa qua, đội được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam quận 7 công nhận là một lực lượng hỗ trợ trên địa bàn quận, thì đội mới thực sự tạo được lòng tin với mọi người.
Hiện tại, Đội hỗ trợ xử lý sự cố giao thông S.P.D. có 10 thành viên (7 nam, 3 nữ), tuổi từ 22-35, có chung tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt huyết, sẵn sàng hỗ trợ người dân khi gặp khó khăn. Từ khi thành lập, đội đã giúp đỡ hơn 250 trường hợp xe hư và trên 50 vụ tai nạn giao thông.
Cách đây vài tháng, sau khi hỗ trợ một anh công nhân bị hỏng xe, các thành viên dừng chân tại siêu thị Lotte Mart trên đường Nguyễn Hữu Thọ thì nghe còi xe cứu hỏa gấp gáp. Nắm bắt tình hình xong, đội triển khai tiếp cận hiện trường để hỗ trợ lực lượng phòng cháy chữa cháy tại phường Tân Hưng. Vì hẻm nhỏ, xe không thể vào, nên các thành viên của đội đã giúp vận chuyển trang thiết bị, đưa các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy tiếp cận hiện trường bằng xe máy, đồng thời cùng tham gia chữa cháy.
Đội hỗ trợ xử lý sự cố giao thông S.P.D. được tổ chức thành 3 tổ chuyên trách nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả. Tổ kỹ thuật và điều tiết giao thông chịu trách nhiệm sửa chữa phương tiện hư hỏng, hỗ trợ các vấn đề kỹ thuật và điều phối giao thông theo chỉ đạo của lực lượng chức năng. Tổ y tế đảm nhiệm việc sơ cấp cứu cho nạn nhân gặp tai nạn giao thông hoặc các tình huống khẩn cấp. Tổ truyền thông có nhiệm vụ thu thập thông tin tại hiện trường, liên hệ với gia đình nạn nhân, ghi nhận hình ảnh và cung cấp dữ liệu cho lực lượng chức năng khi cần. “Chúng tôi rất muốn mở rộng phạm vi hoạt động để giúp được nhiều người, đồng thời tạo điều kiện cho các bạn trẻ cùng sở thích tham gia, lan tỏa những điều tốt đẹp” - anh Phước nói.
Các thành viên của đội cũng thường được Hội Chữ thập đỏ phường huấn luyện các kỹ năng sơ cấp cứu, ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Tham gia với đội từ hơn 1 năm nay, chị Phan Thị Ngọc Huệ cho biết, chị bị cuốn hút bởi tinh thần đồng đội, sự nhiệt huyết và những hoạt động ý nghĩa.
Ngọc Trăm - Mẫn Nhi