Những bản thể gào thét trong truyện ngắn của Shirley Jackson

03/12/2023 - 13:56

PNO - Được mệnh danh là “bà hoàng truyện kinh dị”, qua những tác phẩm nổi tiếng của mình, Shirley Jackson không chỉ kể lại câu chuyện cá nhân mà còn là của những người yếu thế trong xã hội Mỹ những năm 1950. Nửa thế kỷ sau, giá trị tiến bộ của các tác phẩm vẫn được giữ nguyên, kêu gọi thêm nữa những sự giải mã.

Shirley Jackson nổi tiếng với các tác phẩm kỳ bí, kinh dị nhưng có thể nói rằng định nghĩa về thể loại này chỉ như là một lớp vỏ được bà dùng để “hiện thực hóa” những tầng nghĩa sâu. Shirley Jackson không thuộc kiểu nhà văn chọn cách xây dựng tình tiết giật gân để làm nổi bật sáng tạo của mình. Các tác phẩm của bà luôn không có nghĩa cố định, mà thay vào đó mời gọi độc giả ở nhiều thời kỳ và nhiều giai đoạn tiến hành giải mã. Trong đó, Người tình ác quỷ gồm 37 truyện ngắn chính là “vũ trụ thu nhỏ” về các phong cách cũng như đề tài bà khai thác. 

Dễ thấy các truyện ngắn của Jackson thường có rất nhiều điểm chung, một trong số đó là cách xây dựng các tuyến nhân vật phân thân, song trùng, đồng dạng, có nhiều chi tiết tương đồng hoặc trái ngược nhau. Trong đó, tương đồng thường được sử dụng để nói về một xã hội rập khuôn, thiếu nhân tính; trong khi khác biệt lại là một cách để làm bật lên những sự kìm nén cũng như đàn áp mà xã hội ấy dành cho phụ nữ. Thế nhưng, dù giống hay khác, họ luôn bị hạ thấp và coi thường.

Những cảnh đời tương ngộ

Có thể thấy rằng những nhân vật nữ được Shirley Jackson tạo ra thường có rất nhiều đặc điểm giống nhau. Chiếm số lượng lớn là những người nội trợ, một mực chăm lo cuộc sống gia đình. Hơn ai hết, Jackson cũng chính là người hiểu rõ điều đó, khi trong đời mình, bà vừa phải viết lách để kiếm thêm thu nhập, vừa phải hoàn thành nghĩa vụ chăm sóc con cái. Những cá thể này gần như được lập trình sẵn, cuộc sống của họ teo lại thành một mô hình thu nhỏ, mà sự mới mẻ chỉ kịp xuất hiện trong số rất ít những ngày hiếm hoi. Bà cũng thể hiện điều này tương đối khác biệt, khi thì châm biếm, khi thì cay nghiệt, khi thì dửng dưng.

Chẳng hạn trong truyện Hội đàm, một phụ nữ trung niên đã đến phòng khám và gần như phát điên lên vì lo lắng bởi chồng bà lần đầu trong đời chê bai món cá bị khét còn món tráng miệng thì ngọt khé cổ, chỉ vì sáng đó ông không mua được tờ báo Thời Đại. Còn ở truyện Nổi loạn, chị Walpole đã không nghĩ gì ngoài việc nhẩm tính “sáng nay cà phê pha chậm hơn bình thường, trứng luộc lòng đào hơi lỏng” và 2 đứa con hoặc chồng mình sẽ bị muộn làm hoặc muộn học… khi vừa mở mắt ra. Tất cả phụ nữ đều phải sống trong một cảnh ngộ chung, nơi nhịp đời thường đã biến họ thành những con robot không còn sinh lực.

Đối với những người có được công việc và cuộc sống riêng, những tưởng đó là một sự tiến bộ so với những người chấp nhận ở nhà lo việc nội trợ, nhưng cuộc sống của họ cũng không hề dễ dàng hơn. Chủ nghĩa tư bản bóc lột đã biến họ thành thây ma, trước khi hôn nhân sẽ là nấm mộ chôn vùi cuộc đời họ. Trong truyện Cuộc sống của tôi với R.H.Macy, Jackson đã viết về một phụ nữ làm việc ở trung tâm thương mại bị quy giản danh tính, từ con người thực thành một dãy số gần như vô hồn: “Thay vì tên tôi, cô ta viết 13-3138”. Đó cũng là Elizabeth - nhân vật được lấy đặt tên cho truyện, làm việc ở nhà xuất bản mà mãi mãi “không có khả năng sống đời thanh nhã”…

Ở các truyện khác, Jackson cho thấy những người đàn ông dưới góc nhìn của bà hóa ra nông cạn và thiếu sâu sắc đến thế nào. Trong khi người đàn ông trưởng thành còn bận say sưa với “cocktail và hôn hít”, một thiếu nữ 16 tuổi trong Kẻ say sưa đã có những suy nghĩ riêng về tương lai thế giới. Có thể vì lẽ đó mà họ được Shirley ngấm ngầm xây dựng gần như vô diện, khi trong nhiều truyện, họ cùng sở hữu một cái tên chung là Harris và chỉ được tả là khá cao ráo, mặc bộ đồ vest màu xanh lam sáng.

Vì sự tương đồng vốn được gây ra bởi áp chế xã hội mà phụ nữ dẫu có là ai cũng không khác đi, việc gắn nữ quyền với định dạng bản sắc đã xuất hiện ngay từ rất sớm trong các truyện ngắn của Shirley Jackson. Đó là những phụ nữ đã bị xóa đi bản sắc, bị quy giản thành “bà nội trợ”, thành những trò chơi... cho cánh đàn ông. Truyện Cái răng kể về một phụ nữ đến thành phố lớn để nhổ một chiếc răng sâu, trong trạng thái lơ mơ của thuốc tê, bỗng nhận ra chỉ có cái răng chụp X-quang là được “đánh dấu”, còn bản thân mình gần như vô danh giữa cuộc đời này. Đó là một sự châm biếm gần như nực cười giữa 2 hình tượng: cái răng sâu và người phụ nữ.

Lựa chọn giữa những ngả đường

Không chỉ có mẫu hình chung, Jackson cũng dùng biện pháp phân thân, song trùng làm trầm trọng thêm cảnh huống của các nhân vật. Rất nhiều truyện của bà có 2 nhân vật tương đối giống nhau nhưng số phận sắp đặt khiến cuộc đời họ trở nên khác biệt. Điều này càng nhấn mạnh vào tình thế tuyệt vọng, khi các nhân vật không biết cách nào để thoát ra và còn bi kịch nào hơn là sống thay thế cuộc đời kẻ khác?

Ở truyện Người làng, nhân vật Clarence đã “nhận vơ” cuộc sống tươi đẹp của cặp vợ chồng hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật sắp chuyển đến sinh sống tại Paris, trong khi chính cô đang chết dần mòn. Khép lại truyện này, Jackson viết: “Cô quay người xuống cầu thang, về với căn hộ của chính cô, vai đau nhói”. Đó là gánh nặng của những cao vọng không thể đạt được và cũng là sự tuyệt vọng từ nơi đó sinh ra.

Mô típ nói trên cũng xuất hiện trong Phân xử qua giao đấu, kể về 2 phụ nữ tò mò về đời sống của nhau, khi bỗng biết rằng tòa nhà họ sinh sống có chung 1 mẫu chìa khóa. Người này bước vào không gian của người còn lại chỉ để phát hiện ra sự giống nhau đến không ngờ đến, từ cách bài trí phòng ốc cho đến cuộc đời gần như cô độc… Chính sự nhân đôi tình thế khiến cái chua cay của đời đàn bà càng được nhấn mạnh một cách đau đớn.

Không chỉ phân thân để cho thấy rõ những sự khác biệt về mặt lựa chọn, Jackson cũng rất sáng tạo trong cách hoán đổi giới tính, từ đó đả phá một cách mạnh mẽ hệ nhị nguyên giới - vốn quy định rằng chỉ có 2 giới là nam và nữ, người nam thì phải mạnh mẽ còn nữ thì phải nhún nhường và chịu quy phục. Ở truyện Như mẹ từng làm, Jackson tạo ra thử nghiệm mới mẻ khi hoán đổi David - một người đàn ông độc thân, gọn gàng, ngăn nắp và Marcia - người mà anh thích nhưng có đời sống bừa bộn. Khi một sự kiện xảy đến khiến họ phải đổi nhà cho nhau, cũng là lúc khuôn mẫu về giới được phá đi, mang đến một góc nhìn khác về các tiêu chuẩn vốn chỉ là quy ước tương đối mơ hồ trong cuộc đời. 

Qua các tuyến truyện cùng sở hữu 1 “chiếc chìa khóa” để bước vào các “căn phòng số mệnh” trông tương tự nhau, Shirley Jackson cũng đang đồng thời trao cho người đọc một sự nhìn lại, để tư duy khác và suy nghĩ khác về những định kiến có phần lỗi thời vẫn còn tồn tại. Đây chỉ đơn giản là một góc nhìn hướng về phụ nữ ở giai đoạn bà sáng tác nhưng với thời nay, nó cũng khiến ta băn khoăn và công nhận thêm sự đa dạng về giới, cũng như những suy nghĩ mang tính khuôn mẫu vẫn tồn tại. Tuy được sáng tác từ trước thập niên 1960 nhưng sau hơn nửa thế kỷ, mỗi khi đọc lại, có thể thấy rằng tác phẩm của Shirley Jackson vẫn còn giá trị. 

Ngô Minh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI