Những 'bản sao' Nhà thờ Đức Bà Paris trên đất Việt

22/04/2019 - 05:56

PNO - Ngay tại mảnh đất hình chữ S, du khách có thể viếng thăm những nhà thờ tuyệt đẹp có kiến trúc tương đồng với Nhà thờ Đức bà Paris.

Những công trình này không chỉ mang vẻ đẹp của mỹ thuật, kiến trúc mà còn lưu giữ giá trị lịch sử quý báu.

Nhung 'ban sao' Nha tho Duc Ba Paris tren dat Viet

Nhà thờ Lớn Hà Nội

Nhà thờ chính tòa Thánh Giêsu (còn gọi là nhà thờ Lớn Hà Nội, tọa lạc số 40, phố Nhà Chung, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội). Công trình này là một trong những điểm đến nổi tiếng tại thủ đô, thu hút du khách bởi vẻ đẹp cổ kính. 

Được xây dựng trong khoảng 4 năm (từ năm 1884-1888), dài 64,5m, rộng 20,5m, nhà thờ có 2 tháp chuông, cao 31,5m gồm những trụ đá to, nặng đặt ở 4 góc. Kinh phí xây nhà thờ là từ 2 đợt xổ số và quyên góp từ một số nguồn khác. 

Nhung 'ban sao' Nha tho Duc Ba Paris tren dat Viet
Nhà thờ lớn Hà Nội là điểm du lịch nổi tiếng.

Nhà thờ có kiến trúc Gothic đặc trưng của châu Âu, thịnh hành trong thế kỷ XII và thời Phục hưng. Công trình được làm theo mẫu nhà thờ Đức Bà Paris với mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên trời. Trong nhà thờ có một lối đi chính và hai lối đi phụ từ tháp. Các cửa chính và toàn bộ cửa sổ đều cuốn nhọn theo nghệ thuật Gothic, kết hợp với đó là những bức tranh thánh bằng kính màu, tạo nguồn ánh sáng tự nhiên trong lòng nhà thờ.

Đây là địa điểm thường được khách du lịch “check-in” tại Hà Nội. Ngoài ra, khu vực xung quanh nhà thờ cũng là địa điểm lý tưởng để thưởng thức nhiều món ngon tại thủ đô.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

Tọa lạc tại trung tâm Q.1, Vương cung thánh đường chính tòa Đức mẹ Vô nhiễm Nguyên tội (gọi tắt là nhà thờ Đức Bà Sài Gòn) là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của TP.HCM, thu hút khách du lịch tham quan.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được xây dựng từ tháng 10/1877 với bản vẽ của kiến trúc sư J. Bourad, sau khi vượt qua 17 bản vẽ khác trong cuộc thi do chính quyền tổ chức. Kiến trúc sư J. Bourad cũng trực tiếp tổ chức thi công và giám sát công trình, toàn bộ vật liệu xây dựng đều được vận chuyển từ Pháp sang. 

Nhung 'ban sao' Nha tho Duc Ba Paris tren dat Viet
Nhà thờ Đức Bà tại TP HCM.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được xây theo kiến trúc Gothic kết hợp với phong cách kiến trúc Roman cải biên. Mặt ngoài xây bằng loại gạch đặt làm tại Marseille để trần, không tô trát, không bám bụi rêu, hiện vẫn còn màu sắc hồng tươi.  Năm 1880, công trình được hoàn thành với chiều dài 93m, rộng 35m, sức chứa lên tới 1.200 người. Sau 139 năm, công trình này vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ. Ban đầu, 2 tháp chuông không có đỉnh nhọn nên nhà thờ trông giống với bản gốc nhà thờ Đức Bà Paris. Cấu trúc mái nhọn được gắn thêm năm 1894, từ ý tưởng của kiến trúc sư Gardes.

Trên tường có 56 cửa kính được trang trí theo mô tả các nhân vật hoặc sự kiện trong Thánh kinh, 31 hình bông hồng tròn, 25 cửa sổ mắt bò bằng kính nhiều màu ghép lại. Đường nét, hoa văn đều tuân thủ theo hình thức Roman và Gothic, tôn nghiêm, trang nhã. Trong đó, vẫn có xen kẽ một số nét đặc trưng của văn hóa Á đông, thể hiện sự giao thoa. Tuy nhiên, trong số 56 cửa kính này hiện chỉ còn 4 cửa là nguyên vẹn như xưa, các cửa khác đã được làm lại từ khoảng năm 1949.

Nhung 'ban sao' Nha tho Duc Ba Paris tren dat Viet
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn có kiến trúc Gothic kết hợp Roman.

Ngày 16/2/1959, Linh mục Giêsu Phạm Văn Thiên đã làm lễ dựng tượng trên bệ đài (để trống kể từ năm 1945) như hiện tại và dâng tước hiệu Nữ vương Hòa bình. Ngày 17/2/1959, Hồng y Aganianian từ Roma tới Sài Gòn để chủ tọa lễ bế mạc Đại hội Thánh mẫu, đã làm phép cho bức tượng. Từ đó, nhà thờ có tên là nhà thờ Đức Bà. 

Hiện tại, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đang trong quá trình trùng tu. Kinh phí sửa chữa do chủ đầu tư là Tòa tổng giám mục Sài Gòn vận động từ nguồn xã hội hóa. 

Vương cung thánh đường Sở Kiện (Hà Nam) 

Công trình này còn có tên gọi là nhà thờ Kẻ Sở hay nhà thờ Sở Kiện, tọa lạc tại thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Nhà thờ thuộc Tổng giáo phận Hà Nội, từng là chánh tòa giáo phận từ năm 1882 đến 1936. 

Công trình được bắt đầu xây dựng từ tháng 10/1877 và hoàn thành sau 5 năm. Quần thể nhà thờ Sở Kiện gồm có nhà thờ chính, tòa giám mục và chủng viện. Trong đó, nhà thờ dài 67,2m, rộng 31,2m và chiều cao đỉnh 23,2m, có 4 hàng cột, chia làm 5 gian. Nhà thờ có thể chứa từ 4.000 - 5.000 người. 

Nhung 'ban sao' Nha tho Duc Ba Paris tren dat Viet
Nhà thờ Sở Kiện (Hà Nam) từng là cụm kiến trúc chánh tòa và chủng viện.

Nhà thờ Sở Kiện mang những dấu ấn đặc trưng của kiến trúc Gothic phương Tây. Tuy nhiên, công trình này cũng thể hiện sự giao thoa văn hóa Á đông, khu vực cung thánh và bàn thờ lại được làm bằng gỗ chạm trổ tinh vi, sơn son thếp vàng theo phong cách truyền thống Việt Nam. Toàn bộ nền của nhà thờ được lót gỗ lim để chống sụt lún. 

Những năm 1930 trở đi, nhà thờ chánh tòa, chủng viện và tòa giám mục được chuyển về nhà thờ Lớn Hà Nội. Vì thế, nhà thờ Sở Kiện chỉ còn là cơ sở tôn giáo của giáo xứ. Công trình không được chăm sóc thường xuyên nên xuống cấp. Năm 1990, nhà thờ được trùng tu lần đầu tiên. Ngày 24/6/2010, nhà thờ Sở Kiện được nâng thành tiểu vương cung thánh đường tước hiệu Đức mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. 

Nhà thờ Mằng Lăng (Phú Yên) 

Đến Phú Yên, nhà thờ Mằng Lăng sẽ là một gợi ý lý thú để khách du lịch có thể khám phá nếu yêu thích vẻ đẹp của sự cổ kính. Công trình này tọa lạc tại xã An Thạch, huyện Tuy An. Với lịch sử gần 130 năm, nhà thờ Mằng Lăng là nhà thờ cổ nhất tỉnh Phú Yên, và là một trong những nhà thờ lâu đời nhất Việt Nam. Đây cũng là nơi lưu giữ quyển sách về chữ quốc ngữ đầu tiên của nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes. 

Nhung 'ban sao' Nha tho Duc Ba Paris tren dat Viet
Nhà thờ Mằng Lăng lưu giữ cuốn sách về chữ quốc ngữ đầu tiên.

Năm 1892, nhà thờ Mằng Lăng được khởi công xây dựng trong khuôn viên rộng 5.000m2. Tuy nhiên, nhà thờ có diện tích không quá lớn. Sau 15 năm xây dựng, công trình này mới được hoàn thành. Tên gọi của công trình được đặt theo tên của một loại cây từng sinh trưởng rất mạnh ở nơi này. Hiện tại dấu vết của rừng mằng lăng xưa không còn. Tuy nhiên, nhà thờ vẫn còn lưu giữ một mặt bàn hình tròn làm bằng gỗ mằng lăng từ những năm đầu tiên xây dựng nhà thờ. 

Nhà thờ Mằng Lăng cũng mang những dấu ấn đặc trưng của kiến trúc Gothic như mái vòm cong, trang trí bằng tranh kính màu… Tuy nhiên, phần trần của thánh đường đã không còn cấu trúc hình vòm nguyên thủy mà được thay thế bằng trần gỗ phẳng. Nhưng nhà thờ vẫn mang một số nét riêng Việt Nam, thể hiện rõ nhất qua những họa tiết được chạm trổ trên cửa gỗ. 

Ngoài nhà thờ, khuôn viên công trình này cũng thu hút khách du lịch bởi hang thánh đường được xây trong lòng một quả đồi nhân tạo.  

Nhà thờ chính tòa Bùi Chu (Nam Định) 

Nói đến những nhà thờ nổi tiếng, cổ kính theo kiến trúc Gothic tại Việt Nam không thể không nhắc đến nhà thờ chính tòa Bùi Chu, tọa lạc tại xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Công trình này được xây dựng cuối thế kỷ XIX, khánh thành năm 1885, với chiều dài 78m, rộng 27m, cao 15m. Hai tháp chuông đối xứng của công trình cao 35m.  

Nhung 'ban sao' Nha tho Duc Ba Paris tren dat Viet
Nhà thờ Bùi Chu là niềm tự hào của ngành du lịch Nam Định

Nhìn bên ngoài, cấu trúc hai tháp đối xứng của nhà thờ Bùi Chu tương tự như các nhà thờ nói trên. Tuy nhiên, bên trong nhà thờ lại được trang trí theo phong cách Ba-rốc với nét đặc trưng là những mái vòm hình oval.  

Bên trong được kết cấu bởi những hàng cột bằng gỗ lim quý tạo ra những gian nhà nối tiếp nhau. Có kiến trúc mang phong cách tây phương nhưng một số chi tiết trang trí của nhà thờ vẫn gợi lên nét đặc trưng của phương Đông bởi kỹ thuật sơn son thếp vàng. Khung cảnh nhà thờ là địa điểm lý tưởng để du khách lưu lại những khoảnh khắc đẹp. Nhà thờ Bùi Chu cũng lưu giữ nhiều hiện vật quý giá, độc đáo như: kèn đồng lớn nhất Việt Nam, đồng hồ cổ sản xuất năm 1922, quả chuông mang hình dáng người phụ nữ... 

Thành Lâm

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: Nhà thờ ở Việt Nam có sự biến đổi để phù hợp với khí hậu và văn hóa 

“Với cùng một phong cách thiết kế thì các công trình nhà thờ Gothic ít nhiều sẽ có những điểm chung. Nhà thờ xây dựng ở Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn giao thoa, ảnh hưởng văn hóa nên những công trình có sự tương đồng về bố cục là tất yếu. Nhưng có thể thấy rõ các công trình nhà thờ mang dấu ấn phương Tây ở nước ta luôn có sự biến đổi để phù hợp với khí hậu, văn hóa bản địa. 

Những công trình nhà thờ nổi tiếng tại phương Tây trải qua hàng chục đến hàng trăm năm xây dựng, là sự tổng hòa của nhiều bàn tay, khối óc, nhiều thế hệ, nên giá trị rất lớn. Tại Việt Nam, nhà thờ cùng với đền chùa, đình làng, trường học, chợ… trở thành những trung tâm đánh dấu sự phát triển của cộng đồng. Về tuổi đời, các công trình tại Việt Nam khá non trẻ so với các công trình nổi tiếng thế giới, nhưng đóng góp nhiều giá trị cho mỹ thuật, văn hóa, lịch sử dân tộc và đó là điều cần được nhìn nhận, giữ gìn”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI