PNO - PN - Sau khi báo Phụ Nữ đăng bài “Trường THPT Bình Phú (Q.6, TP.HCM): học phí buổi hai - chi vô tội vạ” (ngày 5/12), sáng 9/12, Thanh tra Sở GD-ĐT TP.HCM đã có buổi làm việc với đại diện 38 giáo viên (GV) ký đơn tố cáo....
edf40wrjww2tblPage:Content
Số liệu nhảy múa!
Hội nghị cán bộ công chức (CBCC) của trường THPT Bình Phú được tổ chức ngày 8/11/2014. Lẽ ra, trước hội nghị, trường phải gửi dự thảo báo cáo, trong đó có báo cáo quyết toán tài chính năm 2013 và dự toán thu-chi năm 2014 đến các tổ để xem xét thảo luận trước. Nhưng trường đã không thực hiện quy định này, dù GV đã nhiều lần yêu cầu. Đến ngày 1/11/2014, khi các tổ họp bàn về hội nghị, nhà trường vẫn không cung cấp các báo cáo quyết toán và dự toán thu-chi. Đến khi GV “bắn tiếng” dọa tẩy chay hội nghị thì các tài liệu trên mới được niêm yết. Từ những tài liệu này, GV phát hiện ra sự sai lệch giữa các số liệu lên đến hơn một tỷ đồng. Đó là chưa kể tổng các mục chi có liên quan đến “chi khác” lên đến hơn 1,2 tỷ đồng nhưng không được giải thích cụ thể.
Chưa hết, theo tư liệu “Dự toán thu-chi năm 2014” ngày 20/10/2014 mà GV có được, khoản “tồn quỹ” của năm 2013 chuyển sang 2014 chỉ hơn 10 triệu đồng. Khi có ý kiến thắc mắc, năm ngày sau, khoản “tồn quỹ” được tăng lên gần 513 triệu đồng (theo báo cáo công khai quyết toán tài chính năm 2013 ngày 25/10/2014). Tương tự, khoản tiền “hoạt động dịch vụ” cũng bỗng dưng tăng từ 538.650.000đ lên 622.650.000đ, khoản “tổng các nguồn thu 2014” tăng từ 12,4 tỷ đồng lên hơn 13 tỷ đồng, khoản “chi trích lập nguồn cải cách tiền lương” giảm từ gần 1,6 tỷ đồng xuống còn một tỷ đồng…
Những thay đổi và sai lệch các số liệu vừa nêu khiến GV không thể biết đâu là số liệu thật. Tại hội nghị CBCC năm 2014, ông Nguyễn Tấn Lộc - Phó hiệu trưởng nhà trường, khẳng định, trong bốn bản báo cáo quyết toán tài chính năm 2013 và dự toán năm 2014 mà ông nhận được từ kế toán Trần Việt Trung thì không có số liệu nào khớp với số liệu nào. Điều này chứng tỏ báo cáo kế toán là không đáng tin cậy và ẩn chứa nhiều nghi vấn. Đây cũng là nguyên do dẫn đến những cuộc chất vấn căng thẳng giữa GV với hiệu trưởng tại hội nghị. Sau khi kế toán Trần Việt Trung giải thích về sự sai lệch hơn một tỷ đồng là “do nhầm” và không giải thích về các khoản “chi khác” lên đến hơn 1,2 tỷ đồng thì ông Trần Văn Việt - Hiệu trưởng Trường THPT Bình Phú, không cho GV thắc mắc về tài chính nữa và yêu cầu chuyển sang các nội dung khác.
Lúc này, hiệu phó Nguyễn Tấn Lộc tuyên bố: “Nếu không cho bàn về tài chính thì không thể thông qua quy chế chi tiêu nội bộ 2014-2015. Tập thể cùng ký đơn đề nghị kiểm toán về thanh tra tài chính nhà trường và đề nghị hội nghị dừng lại ở đây”. Để “giảm nhiệt” và để hội nghị được tiếp tục, đại diện Sở GD-ĐT đã “đỡ lời”, nhưng sau hội nghị, hơn 60 CBCC của trường đã cùng ký đơn yêu cầu hiệu trưởng phải công khai các báo cáo tài chính thật. Song đến nay, ông Việt vẫn không công khai và cũng không trả lời.
Năm học 2013-2014, học sinh trường THPT Bình Phú phải đóng học phí buổi hai với mức 120.000 đ/tháng nhưng các em và phụ huynh không biết rằng những thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy cho các em chỉ được hưởng chưa đến 50 .000 đồng
“Chúng tôi bị lừa!”
Về việc sử dụng nguồn học phí buổi hai (dạy thêm-học thêm), Sở GD-ĐT đã nhiều lần hướng dẫn: chi cho GV trực tiếp giảng dạy không quá 65%. Theo tinh thần ấy, các trường THPT đều chi cho GV trực tiếp giảng dạy ở mức 60-65%. Tại hội nghị CBCC ngày 19/10/2013, ông Việt cũng thông báo sẽ chi 60% cho GV trực tiếp giảng dạy.
Nhận thấy mức chi này là hợp lý nên GV chấp thuận. Thế nhưng, 10 ngày sau đó, khi công bố bản “kế hoạch sử dụng học phí buổi hai” (ngày 29/10), nhà trường đã cố tình “lẫn lộn” khi gắn thêm chữ “công tác” vào “bộ phận trực tiếp giảng dạy” với 25 vị trí công tác kiêm nhiệm - 85 suất lương hàng tháng, với tổng số tiền phải chi trong năm học lên đến hơn 211.200.000đ. Ngoài ra, do còn phải “gánh” thêm chi phí dạy nghề, chi phụ trội vượt khung… nên khoản tiền chi cho GV thực sự “trực tiếp giảng dạy” chỉ còn 41,4%. Sự “điều chỉnh” này khiến thù lao tiết dạy của GV bị giảm từ 150.000đ/tiết xuống còn từ 85.000-90.000đ/tiết. “Trong chuyện này, chúng tôi bị lừa!” - nhiều GV khẳng định như vậy.
Không chỉ trong chi trả nguồn học phí buổi hai mà trong chi tiền Tết, GV lại tiếp tục bị qua mặt. Cụ thể trong dự thảo quy chế chi tiêu nội bộ của trường tại hội nghị CBCC 2012- 2013, tại điều 12 có mục chi tiền Tết Nguyên đán là 600.000đ/người cho toàn thể CBGV. Nội dung này được tập thể thông qua, nhưng sau đó, kế toán Trần Việt Trung đã tự tiện cắt bỏ khi đưa vào văn kiện chính thức gửi Sở GD-ĐT, và tập thể CBGV chỉ biết mình bị lừa gạt khi phát hiện bị “mất” 600.000đ vào dịp Tết.
Không chỉ GV bị lừa mà Ban đại diện CMHS cũng bị lừa. Cụ thể là năm học 2013-2014, trường báo cáo có 300 bộ bàn ghế hư hỏng và nhờ Hội CMHS hỗ trợ sửa chữa 100 bộ, trị giá 90 triệu đồng. Việc chi tiền này là trái với Điều lệ Hội CMHS, chưa kể giá sửa chữa như vậy là quá cao. Ông Trung giải thích “do không dọ giá nên... hơi đắt”.