Những bài thuốc trị viêm nhiễm từ rau tần dày lá

26/12/2021 - 06:58

PNO - Cây rau tần dày lá (rau tần) hay còn gọi là húng chanh, dương tửu tô, rau thơm lông hoặc rau thơm lùn là một loại cây gia vị rất dễ trồng. Cây để làm thuốc tốt nhất tưới bằng nước vo gạo - tuyệt đối không bón phân không xịt thuốc.

Lá rau tần chứa nhiều vitamin A, vitamin C và Omega 6, có từ 0,05% đến 0,12% tinh dầu. Trong thành phần tinh dầu có trong lá thì hợp chất phenolic (có tính sát khuẩn cao) chiếm đến 65,2%. Chính nhờ những thành phần trên, vị thuốc thiên nhiên này có những tác dụng tốt đối với sức khỏe và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh viêm nhiễm. Theo Đông y, rau tần dày lá có mùi thơm, vị cay, không độc và có tính ấm.

Rau tần dày lá là loại gia vị quen thuộc, dễ tìm
Rau tần dày lá là loại gia vị quen thuộc, dễ tìm

Chữa cảm sốt, ho thông thường

Khi trẻ em bị cảm sốt, ho, sổ mũi, viêm họng thông thường, lấy lá ngâm rửa sạch bằng nước muối. Xắt sợi nhuyễn cho đầy chén ăn cơm, cho vào 1 muỗng canh đường phèn và 1 quả tắc cắt đôi. Chưng cách thủy trong 30 phút. Chắt lấy nước trong chén cho uống mỗi 2 tiếng 3-4 muỗng cà phê sẽ giảm ho, uống 7-9 muỗng để hạ sốt thông thường.

Với trẻ từ 3 tuổi trở lên có thể lấy lá rau tần sống xay, vắt bỏ xác, pha trực tiếp với mật ong cho vừa ngọt, uống mỗi lần 100ml. Mỗi ngày uống 3 lần, sau khi ăn 1 giờ.

Người lớn có thể uống liều gấp đôi để có tác dụng.

Chữa vết thương, giảm đau do côn trùng cắn

Khi bị ong chích, rết, bò cạp hoặc các loài côn trùng khác cắn khiến nổi sưng đỏ, đau… sử dụng ngay 20g lá tươi, rửa sạch rồi giã nát hoặc nhai nhuyễn đắp lên chỗ sưng đỏ, chỗ bị đau.

Chữa chứng dị ứng da: dùng 15g rau tần khô, đổ 2 chén nước, sắc còn 1 chén, uống chia 3 lần trong ngày. Dùng lá rửa sạch, giã nát, trộn thêm vài hạt muối, xát hoặc đắp lên chỗ mẩn sưng.

Chữa hôi miệng

Hôi miệng khiến mất tự tin khi giao tiếp, dẫn đến ngại giao tiếp, gây ra không ít trở ngại trong cuộc sống. Chỉ cần sử dụng lá rau tần phơi khô đem sắc đặc. Dùng nước sắc để ngậm hoặc súc miệng hằng ngày. Lưu ý, sau khi súc miệng nhớ nhổ ra không được nuốt. Sử dụng thường xuyên sẽ cải thiện tình trạng hôi miệng.

Khi bị viêm loét niêm mạc miệng, lưỡi: dùng 12g rau tần tươi, 20g rau mùi thơm, ngâm nước muối, nhai nuốt nước.

Chữa đau bụng, đầy hơi

Nhai 1-2 lá rau tần non đã rửa sạch cùng với một ít muối, ngậm và nuốt dần dần cho đến hết.

Chữa chảy máu cam

Sử dụng 20g lá rau tần cùng với 15g trắc bá diệp, 10g hoa hòe và 15g cam thảo đất, sắc với một lượng nước vừa đủ rồi uống trong một ngày.

Hoặc có thể sử dụng trực tiếp lá rau tần còn tươi, rửa sạch rồi nhét vào lỗ mũi đang chảy máu, người bệnh nên nằm xuống hoặc ngẩng cao đầu, ngăn không cho máu chảy ra.

Chữa ho lâu ngày, lỵ ra máu

Sử dụng lá rau tần tươi 20-40g rửa sạch xắt nhỏ; trứng gà 1-2 quả, đập lấy lòng đỏ. Cho 2 thứ vào hấp cách thủy. Người lớn ăn 2 lần trong ngày, trẻ em tùy tuổi chia ra ăn nhiều lần trong ngày.

Chữa cảm, ho, đau đầu, đau vai gáy, chảy mũi nước, miệng đắng, sốt… và không ra mồ hôi

Lá tươi băm nhỏ khoảng 1 chén, cho rượu trắng vào vừa xâm xấp, trộn đều đậy kín. Nấu nồi nước xông cho thật sôi (có thể cho thêm các loại lá xông như: chanh, sả…), khi nước sôi cho chén rau tần vào, đậy kín nắp nồi, nấu lại độ 5 phút. Khi xông phải phủ mền kín, lau mồ hôi thật sạch và thay áo quần; chỉ dùng cho người lớn, không dùng cho trẻ em.

Khi sử dụng rau tần trị bệnh, bệnh nhân cần lưu ý những điểm sau để tránh mắc phải các trường hợp không mong muốn:

- Không được sử dụng đối với người dị ứng hoặc mẫn cảm với các thành phần có trong cây rau tần.

- Toàn cây rau tần có nhiều lông tơ nhỏ, có thể gây dị ứng, kích ứng da.

- Phụ nữ mang thai và cho con bú cần thận trọng khi sử dụng cây rau tần. Các thành phần có trong cây rau tần có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi hoặc trẻ nhỏ. Phụ nữ cho con bú cần cân nhắc việc sử dụng cây rau tần, bởi có thể truyền sang con thông qua sữa mẹ.

Y sĩ Y học cổ truyền Huỳnh Trung Hiếu

(Hội Đông y quận Gò Vấp, TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI