|
Rửa xít lấy than ngay trong khuôn viên BQL cụm công nghiệp Cẩm Thịnh. |
Ngoài than, xít (phần bỏ đi sau khi sàng tuyển) cũng được đưa về đây. Việc rửa xít lấy than rồi xả thẳng nước thải ra vịnh Bái Tử Long đã khiến vịnh ô nhiễm nghiêm trọng. Than trôi nổi, trộm cắp, “tuồn” từ các mỏ, hầu hết đều tập kết tại đây để được hợp thức hóa.
Trong những ngày cuối tháng 2/2019, trở lại những điểm này, chúng tôi tận mắt chứng kiến các hoạt động vận chuyển, tuyển rửa xít lấy than vẫn diễn ra rầm rộ.
Tại cụm cảng Km6, hơn 2.000m tường bao dọc các bãi tập kết than, xít đã được phá bỏ. Trên con đường sình lầy bùn đất lẫn bụi than, những chiếc xe tải nối đuôi nhau chạy vào, trút “hàng” xuống bãi rồi ầm ầm chạy ra. Lại có xe “ăn hàng” xong, chạy thẳng vào một xí nghiệp của đơn vị than đóng trên địa bàn phường. Có bãi giáp núi, máy xúc ủi một đường thẳng xẻ đôi bãi để múc những gàu than cám lên xe tải.
Phía bên kia, các bãi xít mênh mông lấn mãi ra phía vịnh Bái Tử Long. Dọc đường, có bãi đã trống trơn, song nhiều bãi vẫn còn tường xây kiên cố hoặc dựng tôn quây lại tránh sự dòm ngó, xe cộ vẫn lũ lượt kéo vào, máy móc phục vụ lọc rửa xít lấy than vẫn phành phạch chạy. Những dòng nước thải đen ngòm chảy thẳng xuống vịnh Bái Tử Long.
|
Sau khi Chính phủ và tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo làm rõ phản ánh của báo chí về tình trạng khai thác, buôn bán than trái phép, xử lý nghiêm những sai phạm theo quy định pháp luật và báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/2/2019; song cuối năm 2018, ở “thiên đường than lậu” - Km6 Quang Hanh, nhiều hoạt động vẫn diễn ra |
Vừa qua trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 18 là đến lối rẽ vào cảng than 10/10 (P.Cẩm Phú, TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh). Cũng rầm rập xe chạy ra, chạy vào suốt quãng đường dài nhưng không thấy cảnh các bãi xít, than mênh mông như ở cụm cảng Km6. Từng xe tải rẽ ngang, rẽ dọc vào các khu hoặc là lau lách um tùm, hoặc những “bãi” mà cánh cổng chỉ đóng và mở khi có xe tải đi ra hay đi vào.
Chúng tôi đứng trước hai trụ cổng không có cánh, bên ngoài là tấm biển phủ lớp bụi dày: “Khu vườn chuối. Cấm vào”. Dọc con đường bụi mù mịt đó, hai bên chỉ lơ thơ vài cây chuối, vài tán keo cao ngang đầu người nhưng phía trong là những ụ xít thải chất đống. Có khu, máy cẩu đang bổ gàu thép lọc xọc xuống bãi xít; có chỗ, công nhân đang cầm vòi phun thẳng nước vào bãi xít để rửa lấy than. Nước thải đen ngòm chảy ra suối, gần cái cống bốn cửa rồi xuôi dòng ra vịnh.
Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi về tình trạng than lậu tái diễn làm thất thoát tài nguyên quốc gia, ông Lâm Văn Dũng - Chủ tịch UBND P.Cẩm Phú - cười lớn: “2018 được tỉnh Quảng Ninh lấy làm năm nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên. Với địa phương, đây như là “cái gậy” để giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường, trong đó có vấn đề liên quan đến chế biến, vận chuyển và kinh doanh than. Cẩm Phú là một trong những địa bàn làm tốt nhất. Về quản lý nhà nước thì rất yên tâm, không có bến bãi trái phép”.
|
Một góc bãi xít thải mênh mông của Than Cửa Ông. |
Còn ở P.Quang Hanh, trong nhiều ngày có mặt tại cụm cảng Km6, chúng tôi chứng kiến hoạt động vận chuyển, tuyển rửa vẫn hoạt động ì xèo bất kể thời gian.
Tuy nhiên, chỉ sau một cuộc điện thoại vào cuối chiều ngày hôm trước để hẹn lịch làm việc với UBND P.Quang Hanh thì đến sáng hôm sau, khi chúng tôi trở lại, cụm cảng Km6 đã hoàn toàn khác, máy móc nằm im, lâu lâu mới có một chiếc xe tải chạy qua.
Ông Hoàng Mạnh Thắng - Phó chủ tịch UBND P.Quang Hanh - tự tin nói: “Sau khi có kết luận thanh tra của tỉnh, TP.Cẩm Phả đã chỉ đạo các đơn vị, đặc biệt là P.Quang Hanh vào cuộc, giải tỏa. Đến bây giờ, tại cụm cảng Km6, các tổ chức, cá nhân đã chấp hành nghiêm kết luận của thanh tra”.
Khi chúng tôi thuật lại việc tận mắt chứng kiến cảnh tấp nập xe tải chở đến đổ, xúc than, thậm chí là rửa xít lấy than rồi phơi than ngay trên bãi, ông Thắng lấp liếm: “Vài ba đống xít họ không tận dụng được nữa thì họ để đấy. Chứ đến nay, đã giải quyết được chín mấy phần trăm rồi. Trong ba tháng qua, ngày nào tôi cũng xuống đó, chỉ có hôm qua là không, vì phải đi họp”.
Theo những người đứng đầu các địa phương trên, than lậu gần như đã không còn “cửa sống”, nhưng thực tế mà chúng tôi ghi nhận được lại trái ngược hoàn toàn.
Rạng sáng 3/1, cảnh sát biển Bộ Tư lệnh Vùng 1 phát hiện tàu HD 2109 do bà Đỗ Thị Lanh - 31 tuổi, trú tại P.Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương - làm thuyền trưởng, đang chở khoảng 700 tấn than cám. Khi kiểm tra, bà Lanh không xuất trình được các loại hồ sơ, thủ tục chứng minh tính hợp pháp của số than trên tàu, tàu không có giấy phép rời cảng.
Bà Lanh khai, số than trên được bà Lanh lấy ở cảng Khe Dây (TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh), đang trên đường chở về khu vực cầu Đá Bạc (TP.Hải Phòng) thì bị phát hiện, kiểm tra. Trước đó, cuối tháng 12/2018, lực lượng cảnh sát biển đã bắt giữ tàu hàng số hiệu HD 1544, trên tàu chở 500 tấn than cám không có hồ sơ, giấy tờ chứng nhận sở hữu, thuyền trưởng Nguyễn Duy Hưng cũng không có bằng cấp điều khiển phương tiện, các thuyền viên không có chứng chỉ chuyên môn. 500 tấn than cám lậu này đang trên đường từ tỉnh Quảng Ninh đi TP.Hải Phòng thì bị phát hiện.
500 tấn than lậu bị bắt trên biển tại Quảng Ninh. Video clip: VnExpress
|
Uông Ngọc