Những bãi biển đẹp nhất miền Trung tan hoang do sạt lở

20/02/2025 - 06:11

PNO - Tình trạng sạt lở đang khiến nhiều bãi biển đẹp trở nên xấu đi, các cơ sở du lịch, nhà dân gần đó cũng bị vạ lây. Nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời, các địa điểm du lịch này sẽ ngày càng giảm sức hút đối với du khách.

Người làm du lịch lo âu

Từ trước tết Ất Tỵ đến nay, gia đình bà Nguyễn Thị Hà ở khối phố Tân Thành, phường Cẩm An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam đứng ngồi không yên bởi đất đai, vườn tược liên tục bị sạt lở.

Bãi biển thuộc phường Cẩm An là 1 trong 10 bãi biển đẹp nhất châu Á do Tripadvisor - nền tảng du lịch lớn nhất thế giới - bình chọn vào năm 2024. Nhiều hộ kinh doanh du lịch dọc bãi biển này cũng mất ăn mất ngủ trước tình trạng biển lấn bờ. Bà Hà than: “Nay đã giữa tháng Hai rồi mà các đợt không khí lạnh vẫn tràn về kèm theo sóng lớn, làm sạt lở sâu vào vườn nhà tôi. Năm trước, sóng chỉ đánh sạt khoảng 250m thì nay ăn sát mép nhà, kéo dài một đoạn hơn 500m”.

Hàng trăm mét bờ biển ở khối phố Tân Thành, phường Cẩm An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam đang ngày ngày bị sóng nuốt chửng ẢNH: LÊ ĐÌNH DŨNG
Hàng trăm mét bờ biển ở khối phố Tân Thành, phường Cẩm An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam đang ngày ngày bị sóng nuốt chửng - Ảnh: Lê Đình Dũng

Theo người dân ở đây, nguyên nhân chính gây sạt lở là do cơ quan chức năng địa phương làm đê chắn sóng bằng cách thả bao cát ngầm cách bờ biển vài trăm mét nhưng không làm đê ngầm liền mạch mà dừng lại ở phía nam khối phố Tân Thành nên đã tạo họng sóng đánh khoét vào bờ.

Tình trạng sạt lở từng xảy ra dữ dội trước năm 2024 ở khối phố Thịnh Mỹ nằm liền kề phía nam khối phố Tân Thành. Khi đó, múi đê ngầm cũng dừng lại ở phía nam khối Thịnh Mỹ, gây ra họng sóng đánh mạnh vào bờ biển dài hàng trăm mét, sâu hàng chục mét. Sau khi đê ngầm được nối dài thêm lên phía Tân Thành thì bờ biển Thịnh Mỹ hồi sinh, cát lấn ra phía biển hàng chục mét.

“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa thấy chính quyền có giải pháp nào để cứu bờ biển. Từ trước tết, mỗi hộ dân phải tự bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua vật liệu, thuê nhân công đóng bãi cọc tre, thả bao tải chứa cát xuống chắn sóng nhưng sau đó bị sóng đánh tan tác hết. Tiền của, đất đai cứ ngày ngày trôi xuống biển, khách cũng lo sợ nên hủy phòng hết” - bà Hà than.

Ở TP Đà Nẵng, bãi biển Mỹ Khê, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà - từng được phong là bãi biển quyến rũ nhất hành tinh - cũng không thoát khỏi sự tàn phá của thiên nhiên. Trước tết Ất Tỵ, hơn 100m bờ biển ở đây bị sóng đánh toạc, lấn sâu 5 - 10m khiến hệ thống kè bê tông, hàng quán bị kéo sập. Có những đoạn, nước biển ăn sâu vào 10m, tạo thành những bờ ta luy cao 2 - 3m, để lộ ra hệ thống đường ống. Sóng biển khoét sâu vào bờ kè tạo thành những hàm ếch, nhiều cây dừa lâu năm bị cuốn ra biển.

Chính quyền địa phương đã huy động nhân lực, phương tiện làm kè tạm trước khi  xây kè bê tông bảo vệ bờ biển Mỹ Khê, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng - ẢNH: LÊ ĐÌNH DŨNG
Chính quyền địa phương đã huy động nhân lực, phương tiện làm kè tạm trước khi xây kè bê tông bảo vệ bờ biển Mỹ Khê, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng - Ảnh: Lê Đình Dũng

Để đối phó, các hộ dân đã đóng cọc tre, chèn cả trăm bao cát lớn nhưng vẫn không giữ được cửa hàng, ki ốt trước sức tàn phá của sóng biển. Người dân cho biết, tình trạng biển xâm thực đã xảy ra ở các quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà từ nhiều năm trước nhưng nay mới xảy ra ở phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà - nơi trước đây luôn “sóng yên, biển lặng”.

Kè không ngăn nổi sóng biển

Đầu tháng 2/2025, do thời tiết xấu, triều cường và sóng lớn liên tục xâm hại làm sạt lở công trình kè biển ở xã An Phú, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Vị trí bị triều cường, sóng lớn tàn phá nằm ở cuối phía nam công trình kè chống sạt lở bờ biển Phổ Trường, xã An Phú với chiều dài khoảng 40m. Triều cường và sóng lớn đã móc phần đất phía dưới chân kè thành hàm ếch, đánh sập bề mặt bê tông của một số đoạn đường trên bờ kè. Chính quyền TP Quảng Ngãi đã tổ chức cắm biển cảnh báo nguy hiểm ở khu vực bị sạt lở, đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp ngăn chặn triều cường, sóng lớn.

Ở TP Huế, thời tiết bất lợi cũng khiến tình trạng sạt lở bờ biển tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang ngày càng trầm trọng. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng huyện Phú Vang xác định, đoạn bờ biển từ chỗ cách mép chân bờ kè thôn Tân An của xã Phú Thuận hướng lên khu giáp ranh phường Thuận An với chiều dài khoảng 150m bị sạt lở nghiêm trọng. Có nơi trên tuyến, sóng biển phá hỏng vỉa hè đường đi bộ của khu bãi tắm Phú Thuận, cuốn bật gốc nhiều cây dương liễu phòng hộ bờ biển, đe dọa các nhà hàng, điểm dịch vụ du lịch.

Mưa lớn, triều cường, sóng to những ngày sau tết Ất Tỵ cũng làm sạt lở nghiêm trọng bờ kè bảo vệ tuyến đường duy nhất (độc đạo) ven núi Lộc Bình, huyện Phú Lộc, TP Huế, có nguy cơ cô lập hàng chục hộ dân. Ông Dương Quang Hùng - Chủ tịch UBND xã Lộc Bình - thông tin, sóng lớn đã đánh hỏng hệ thống rọ đá, bờ kè bảo vệ tuyến đường vào thôn Hải Bình ở gần cửa biển Tư Hiền với chiều dài khoảng 250m. Trong đó, đoạn ta luy âm bảo vệ tuyến đường bị sạt lở nặng nhất dài gần 50m. Sóng biển ăn sâu vào sát lòng đường nhựa. Đoạn đường có nguy cơ sập và bị sóng cuốn ra biển nếu không được gia cố, bảo vệ.

Theo ông, khu vực đường và kè bị sạt lở không có dân cư nhưng gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Khoảng 5 năm trước, đoạn đường này được UBND huyện Phú Lộc gia cố bằng hệ thống rọ đá để chống sạt lở nhưng đến nay, nhiều rọ đá đã bị sóng biển đánh hỏng. UBND xã Lộc Bình đã báo cáo, kiến nghị UBND huyện đầu tư gia cố, nâng cấp, sửa chữa đoạn kè bảo vệ đường nhằm đảm bảo an toàn cho người lưu thông.

Ở tỉnh Hà Tĩnh, bờ biển dọc tuyến đường đê qua xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân dài khoảng 2km cũng bị sạt lở liên tục trong nhiều năm qua, lấn sâu 5 - 10m. Trước tình trạng trên, năm 2023, UBND huyện Nghi Xuân đã xây dựng kè chắn sóng dài hơn 1,4km với tổng kinh phí gần 15 tỉ đồng để ngăn sóng biển xâm thực. Cuối tháng 8/2024, tuyến kè này được xây xong nhưng không thể ngăn được sạt lở khi xảy ra mưa bão. Sau đợt mưa lớn hồi tháng 9/2024, nhiều đoạn bờ biển qua thôn Tân Ninh Châu tiếp tục bị sạt lở nặng, hàng loạt cây phi lao phòng hộ dọc bờ biển bị sóng biển đánh bật gốc.

Ông Nguyễn Anh Hải - Chủ tịch UBND xã Xuân Hội - cho biết, sau khi có kè chắn sóng, tình trạng sạt lở bờ biển xã Xuân Hội có giảm song vẫn tiếp diễn: “Sau đợt mưa lũ năm 2024, bà con thấy sạt lở mạnh nhưng đơn vị chuyên môn đánh giá tình trạng sạt lở đã giảm mạnh. Hiện UBND huyện chuẩn bị triển khai xây kè chắn sóng giai đoạn 2. Khi hoàn thành, kè sẽ được kéo dài thêm và những đoạn đã hoàn thành trước đó sẽ được gia cố lại”.

Ông Nguyễn Quang Dân - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận - cho biết, tình trạng sạt lở này là bất thường bởi từ 23 năm nay, khi cửa biển Hòa Duân được hàn gắn, chưa khi nào khu này bị sạt lở nghiêm trọng như vậy.

Sóng biển ngoạm vào tuyến đường  duy nhất nối trung tâm xã Lộc Bình  đến thôn Hải Bình, xã Lộc Bình,  huyện Phú Lộc, TP Huế - ẢNH: THUẬN HÓA
Sóng biển ngoạm vào tuyến đường duy nhất nối trung tâm xã Lộc Bình đến thôn Hải Bình, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, TP Huế - Ảnh: Thuận Hoá

Nỗ lực cứu từng đoạn bờ biển

Từ những năm 2010, bờ biển Hội An (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) bắt đầu sạt lở từ phía Cửa Đại ăn lan dần ra phía bắc, năm sau nặng hơn năm trước, phá nát nhiều resort, cơ sở du lịch. UBND tỉnh Quảng Nam đã chi hàng ngàn tỉ đồng để ngăn chặn sạt lở bờ biển theo từng đoạn trên tổng chiều dài 7,5km bờ biển Hội An. Tuy nhiên, khi cứu được đoạn phía trong thì sạt lở lại chuyển ra phía ngoài. Tháng 12/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ biển ở khối Tân Thành, phường Cẩm An, TP Hội An, khoanh vùng nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, không cho người dân, du khách đi vào khu vực nguy hiểm.

UBND tỉnh Quảng Nam hiện đang phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) triển khai dự án “Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An” với kinh phí 42 triệu euro. Trong đó, 35 triệu euro là khoản vay từ AFD, 2 triệu euro do EU viện trợ không hoàn lại, 5 triệu euro từ ngân sách địa phương. Dự án được thực hiện trong 4 năm (2024-2028), trên dải bờ biển 5km từ vịnh Cửa Đại đến khu nghỉ dưỡng Victoria, với mục tiêu phục hồi bờ biển để hỗ trợ ngành công nghiệp du lịch và các dịch vụ kèm theo, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương. Giải pháp là xây dựng 7 mỏ hàn và 7 đê chắn sóng cùng các giải pháp mềm như đổ cát nuôi bãi để giải quyết sự mất cân bằng cục bộ và cải thiện dòng vận chuyển cát tự nhiên.

Ông Phan Đình Đức - Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Đà Nẵng - cho biết, ban đang phối hợp với Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch triển khai lực lượng gia cố kè tạm bằng bao tải cát và rọ thép, còn về lâu dài sẽ làm kè bê tông.

Về tình trạng sạt lở bờ biển ở TP Huế, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND TP Huế - đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương thẩm định, chốt phương án khẩn cấp phòng, chống sạt lở bờ biển từ phường Thuận An, quận Thuận Hóa đến bãi tắm xã Phú Thuận, huyện Phú Vang dài khoảng 1km; giao ngành chuyên môn nghiên cứu lập dự án tổng thể bảo vệ bờ biển ổn định lâu dài, đảm bảo mỹ quan và khai thác giá trị của bãi biển bền vững, phục vụ dân sinh, phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế địa phương. Hiện tại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Huế đang chuẩn bị các bước để triển khai dự án xây kè chống sạt lở bờ biển đoạn qua các thôn Tân An, Trung An, Xuân An của xã Phú Thuận, huyện Phú Vang với tổng mức đầu tư 250 tỉ đồng.

Lê Đình Dũng - Thuận Hoá - Phan Ngọc

Âu lo về phương án lấp biển xây khu thương mại

Để có đất xây dựng khu thương mại tự do, UBND TP Đà Nẵng đưa ra nhiều phương án, trong đó có phương án lấp biển. Thạc sĩ, kiến trúc sư Hoàng Sừ - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Quy hoạch đô thị TP Đà Nẵng, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị tỉnh Quảng Nam - cho rằng, quy mô lấn biển như bản phác thảo quy hoạch lấp biển để xây dựng khu thương mại tự do và đô thị lấn biển của UBND TP Đà Nẵng là quá lớn, chiếm 90% chiều dài biển dọc theo đường Nguyễn Tất Thành và lấn ra vịnh Đà Nẵng vài km. Theo ông, lấp như thế thì không còn vịnh biển dọc đường Nguyễn Tất Thành nữa. Ngoài việc làm biến đổi hoàn toàn địa hình, cảnh quan vịnh biển xinh đẹp do thiên nhiên ban tặng cũng sẽ biến mất. Đây là sự tác động quá thô bạo vào môi trường.

Vịnh Đà Nẵng nằm giữa 2 cửa sông Hàn và sông Cu Đê. Nếu đúng theo lẽ tự nhiên thì vùng biển này đã bị phù sa bồi đắp từ lâu, nhưng trên thực tế, biển ở đây không bị lấp bồi mà còn xâm thực cong lõm vào đất liền. Nguyên nhân có thể do các cơn bão, các luồng gió từ Biển Đông thổi vào đã bị 2 dãy núi Hải Vân, Sơn Trà án ngữ dồn gió vào vùng trung tâm, và vùng biển Nam Ô - Liên Chiểu - Xuân Thiều trở thành cái túi gió. Rất có thể bão gió trực chỉ vào túi gió này trong hàng triệu năm đã tạo ra các dòng chảy ngầm xói mòn bờ biển, tạo ra cái vịnh cong cong như hiện nay. Phân tích như trên, ông Hoàng Sừ nói: “Tôi tự hỏi, không biết rồi thiên nhiên sẽ đáp trả con người ra sao sau khi xây khu thương mại tự do, khu đô thị lấn ra biển hàng km. UBND TP Đà Nẵng nên cân nhắc ý định lấp biển”.

Theo ông, nếu do quỹ đất đã cạn kiệt thì cũng chỉ nên lấp tối đa khoảng 1/3 chiều dài biển dọc đường Nguyễn Tất Thành, giữ lại phần lớn cảnh quan và giảm thiểu tác động vào môi trường tự nhiên. Ông cũng đưa ra giải pháp di dời sân bay Đà Nẵng ra ngoại ô để có quỹ đất: “Dời sân bay là tất yếu bởi trong tương lai, sân bay hiện hữu sẽ quá tải. Việc dời sân bay xa trung tâm thành phố 30 phút xe chạy vừa đúng với quy chuẩn xây dựng, vừa giúp thành phố giảm áp lực về hạ tầng giao thông, vừa dư ra quỹ đất để xây dựng trung tâm tài chính và đô thị hiện đại”.

Ông cho rằng, chủ trương xây dựng khu thương mại tự do, trung tâm tài chính khu vực tuy quá chậm so với quốc tế nhưng là chủ trương tốt giúp TP Đà Nẵng phát triển xứng với vị trí và tiềm năng của mình. Tuy nhiên, cần có sự nghiên cứu kỹ càng, đồng bộ, vì sự phát triển bền vững. Khái niệm phát triển bền vững được hiểu là việc chúng ta làm hôm nay không phương hại cho thế hệ tương lai.

Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI