Những bác tài của chuyến xe 0 đồng

05/08/2021 - 06:28

PNO - Dù mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung ở những bác tài thiện nguyện là sẵn sàng gác lại việc riêng để lo cho việc chung: chống dịch!

12 ngày đêm lái những “chuyến xe 0 đồng”

Cứ 8 giờ sáng mỗi ngày là anh Nguyễn Văn Thọ (phường 13, quận Gò Vấp, TPHCM) lại lái xe tới “cánh đồng hoa” ở xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TPHCM để nhận rau củ quả về cho bếp ăn của Hội LHPN quận Gò Vấp. Đường đi không lạ, nhưng có hôm trời mưa, đường lầy lội, anh Thọ phải đậu xe cách ruộng rau 50m rồi dùng xe cút kít tải dần 500kg rau từ ruộng ra rồi chất lên xe.
Sáng chở hàng từ thiện cho Hội Phụ nữ, chiều anh Thọ còn đi chở rau từ thiện cho một tổ chức khác. Có lần, anh đưa xe đến điểm hẹn lúc 16 giờ, nhưng phải chờ năm tiếng sau xe chở hàng từ miền Tây mới lên tới. Sau khi một mình bốc dỡ, sắp xếp một tấn rau cải, anh Thọ chở rau về giao cho các gia đình, các khu phong tỏa ở Củ Chi, Hóc Môn. Cho đến 2 giờ sáng anh mới về tới nhà. 
 

Anh Nguyễn Văn Thọ chuyển rau củ từ ruộng ra xe
Anh Nguyễn Văn Thọ chuyển rau củ từ ruộng ra xe

Hôm gặp tôi, anh Thọ đã 12 ngày đêm liên tục lái những “chuyến xe 0 đồng” chuyển hàng chục tấn rau củ đến nhiều nơi trên địa bàn thành phố.

Cũng như anh Thọ, từ khi TPHCM bắt đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, anh Châu Huy Đạt (phường Thạnh Xuân, quận 12) phải tạm dừng công việc riêng của mình. Tình cờ vào trang “Tôi là dân quận 12”, thấy thông tin kêu gọi hỗ trợ người dân gặp khó khăn ở địa phương, anh Đạt liên lạc với Đoàn Thanh niên phường Tân Chánh Hiệp để góp 200kg gạo giúp đỡ người khó khăn. Cũng từ đó, ngày ngày anh Đạt giúp địa phương vận chuyển nhu yếu phẩm đến những nơi đang bị cách ly, phong tỏa; nhận hàng chỗ này chở đi phân phát chỗ kia… 

Trong hơn 20 năm làm tài xế chở thuê kiếm sống, anh Thọ đã có 18 năm tham gia vận chuyển các chuyến hàng từ thiện ngược xuôi khắp các tỉnh thành, vùng sâu, vùng xa. Nhiều lần anh Thọ được các tổ chức, cá nhân tin tưởng giao một mình đi lấy hàng chỗ này mang đến cho chỗ kia. Dù rất bận rộn với công việc không lương nhưng anh lại cho rằng mình đang làm một công việc “rất lời”. “Tôi bỏ ra 200.000 đồng để đổ dầu nhưng tôi làm được biết bao nhiêu việc, vận chuyển biết bao hàng hóa tới tay người dân khó khăn. Việc trao đổi như vậy là quá lời rồi!”.

Nhiều bác tài đang sẵn sàng tham gia vào cuộc chiến

Dư Thiên Bảo, một tài xế xe tải ngụ P.12, quận Gò Vấp, cho biết, anh đã đăng ký với phường xin được làm những nhiệm vụ khẩn cấp dù vợ sắp sinh con đầu lòng. Dẫu biết khi tình nguyện làm nhân viên lái xe cứu thương vào mùa dịch bệnh sẽ gặp nhiều rủi ro, nhưng Thiên Bảo không cảm thấy khó khăn. “Mình xác định từ đầu rồi. Khi nào kiểm soát được dịch hoặc đủ nhân lực tham gia phòng, chống dịch thì mình mới ngưng” - Thiên Bảo chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Minh Châu - mẹ của Thiên Bảo - nói: “Tự đáy lòng tôi cũng rất lo. Nhưng thấy con còn trẻ mà làm những việc tốt, có ích cho xã hội, thì cũng mừng. Tôi tôn trọng và ủng hộ con”.

Không chỉ có anh Đạt, anh Bảo, anh Thọ mà rất nhiều bác tài cũng đang sẵn sàng tham gia vào cuộc chiến chống dịch. Anh Trương Minh Tấn nhà ở xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TPHCM viết thư xin tham gia lực lượng phòng, chống dịch ở địa phương và “tự nguyện không nhận lương, phụ cấp”.

Anh Tấn bộc bạch: “Đợt dịch này đã vượt quá mức chịu đựng của một số người, bào mòn sức khỏe của anh em tuyến đầu. Địa phương nào cũng thiếu người. Nếu ai cũng “cố thủ” trong nhà thì lấy đâu nhân lực để phòng, chống dịch; cuộc sống bao giờ mới trở lại bình thường?”.

“Theo chủ trương của Nhà nước - chống dịch như chống giặc - tôi sẵn sàng tham gia làm mọi việc từ lái xe chở rau củ quả, chở nhân viên y tế hay những việc làm khác, kể cả lái xe cứu thương. Tôi đang mong chờ địa phương giao nhiệm vụ” - anh Tấn quyết tâm.

Tương tự, anh Nguyễn Xuân Tuyên đang tạm trú tại ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, cũng xin tham gia lực lượng phòng, chống dịch với công việc lái xe. Sau hơn một tuần liên hệ tìm kiếm, tối ngày 30/7 anh được “Hội Thiện nguyện Sài Gòn” chấp nhận cho gia nhập đội “Xe vận chuyển hàng hóa cứu trợ”. 

Dù mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung ở những bác tài thiện nguyện là sẵn sàng gác lại việc riêng để lo cho việc chung: chống dịch! 

Phan Tuyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI