Dáng vẻ cục mịch không che giấu được nụ cười đầy trắc ẩn của bác sĩ Vương Văn Long, hiện đang làm công tác hồi sức cấp cứu trên biển của Trung tâm Y tế Vietsovpetro, TP.Vũng Tàu. “Có gì mà kể”, ông hất hàm hỏi. Nhưng không để chúng tôi sượng sùng lâu hơn, ngay lập tức bác sĩ hề hà mở lời bằng những ngày đầu lênh đênh trên các công trình ngoài khơi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
24/24 giờ lắng nghe tín hiệu SOS từ biển cả
Bác sĩ Vương Văn Long - thuộc Trung tâm Y tế Vietsovpetro, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - được cử về bộ phận y tế biển đảo 5 năm liền, cứ 21 ngày túc trực trên giàn khoan, 21 ngày tiếp theo mới vào bờ. Ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho công nhân, chuyên gia trên công trình, bác sĩ mỗi nhà giàn thường xuyên cấp cứu cho mọi đối tượng gặp nạn trên biển. “Chúng tôi có thể nhận điện từ hải quân, cảnh sát biển bất cứ lúc nào trong ngày, báo cho biết có ngư dân, người đi biển bị chấn thương, đột quỵ… cần cấp cứu. Sau khi xin phép lãnh đạo cơ quan và được sự đồng ý của giàn trưởng, bác sĩ sẽ được cẩu rọ đưa xuống mặt nước để tiếp cận người bị nạn” - bác sĩ Long nói.
|
Bác sĩ, điều dưỡng Trung tâm Y tế Vietsovpetro (TP.Vũng Tàu) thực hiện cấp cứu cho công nhân trên các công trình ngoài khơi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam - Ảnh: VSP |
Có lần, một ngư dân được đưa lên giàn trong tình trạng hôn mê, liệt nửa người. Người nhà nói bằng giọng địa phương khiến ai cũng tưởng nạn nhân “bị lạnh”. Hóa ra, anh này bị hội chứng giảm áp, tắc mạch do lặn xuống nước rồi trồi lên quá nhanh. “Rất may, ca này dạt vào giàn lúc đang có tàu vận tải biển trực cấp cứu cho đội lặn sửa chân đế. Sau khi bảo đảm chức năng sống cho nạn nhân, tôi tận dụng luôn buồng giảm áp ngược có trên tàu để xử lý tại chỗ” - ông kể. Đây cũng là bệnh lý điển hình mà bác sĩ trên giàn nếu quyết định đưa về đất liền thì phải sử dụng tàu, không nên cho về bằng máy bay bởi làm như vậy, người bệnh tiếp tục bị nâng độ cao khiến áp suất càng giảm, sẽ càng nguy hiểm.
Mỗi năm, có khoảng 17 chuyến cấp cứu trên biển nhưng các bác sĩ bật điện thoại 24/24 giờ để sẵn sàng tiếp nhận thông tin SOS, điều động người đi.
Hầu hết ngư dân được huấn luyện phát tín hiệu cấp cứu SOS để được can thiệp y tế khi tính mạng bị đe dọa. Họ có thể dùng bộ đàm, thông báo cho đài duyên hải, cảnh sát biển, hải quân để được điều tàu ra cứu hoặc hướng dẫn đến các công trình biển gần nhất. Các bác sĩ của Trung tâm Y tế Vietsovpetro từng tham gia cấp cứu hai vụ nổi bật với số lượng nạn nhân đông. Đó là vụ 22 người bị tai nạn, chấn thương trên biển năm 2008 và vụ năm người đánh cá bị ngộ độc khí năm 2013. Tất cả đều được xử trí ban đầu, chuyển về bệnh viện tỉnh và bình phục.
“Việc tiếp nhận ngư dân người nước ngoài như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Indonesia, Úc… cũng diễn ra, có ca phải đưa về đất liền. Chúng tôi hết lòng cứu chữa theo đúng công ước quốc tế. Cứu người là mệnh lệnh tối thượng, không phân biệt quốc tịch, màu da… Anh em trên giàn đều phấn khích mỗi khi nghe tin cứu sống người và cũng hiếm khi chúng tôi thất bại” - bác sĩ Long cười tươi.
Những chuyến bay đêm
Nhưng vẫn có những câu chuyện buồn. Ngày 29 tháng Chạp vừa qua, bác sĩ Vương Văn Long được yêu cầu bay ra giàn khoan cấp cứu bệnh nhân nam 52 tuổi, bị nhồi máu cơ tim. Đánh giá rằng nếu phải di chuyển, người bệnh sẽ ngưng tim ngay, ông đã yêu cầu trực thăng tắt động cơ, chờ bệnh nhân ổn định. Trong đất liền, bác sĩ Hoàng Trọng Nhật Huy - Trưởng khoa Cấp cứu - Thận nhân tạo, Trung tâm Y tế Vietsovpetro - đã được lệnh phối hợp Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển bệnh nhân về TPHCM.
|
Bác sĩ Hoàng Trọng Nhật Huy - Trưởng khoa Cấp cứu - Thận nhân tạo, Trung tâm Y tế Vietsovpetro - đang phối hợp điều hành công tác cấp cứu biển tại đất liền - Ảnh: Quốc Ngọc |
Tại hiện trường, sau 15 phút săn sóc thuốc men, bệnh nhân tỉnh lại, có thể nói chuyện, bác sĩ Long cho chuyển xuống cáng, nhưng bệnh nhân lại ngưng tim. Tiếp tục hồi sức, có lại mạch, huyết áp, thấy bệnh nhân ổn, bác sĩ Long cho khiêng lên máy bay. Thế nhưng, do tình trạng quá nặng, khi phi cơ nâng lên được 7 phút thì bệnh nhân ngưng tim lần thứ hai. “Tôi và một điều dưỡng làm mọi cách ép tim, vận mạch, sốc điện, đặt nội khí quản nhưng vẫn không cứu được. Thấy bệnh nhân tử vong, tôi phải đấm cửa buồng lái để báo phi hành đoàn đổi hành trình, không bay đến TPHCM nữa. Cuối cùng, qua hệ thống microphone, tôi mới nói chuyện được với phi công để yêu cầu đáp xuống TP.Vũng Tàu” - bác sĩ Long nhớ lại.
Mỗi năm, có khoảng 17 chuyến cấp cứu trên biển nhưng các bác sĩ phải trực điện thoại 24/24 giờ để tiếp nhận, điều động. Các bác sĩ của phòng cấp cứu đều ở nhà trong khu tập thể gần trung tâm, khi cần là phải có mặt sau 5 phút, mang theo một túi cấp cứu, một máy sốc điện và một cáng hải không. “Có ca là thuyền trưởng, sinh năm 1980, chơi bóng bàn xong thì đột quỵ. Khi bay ra, bệnh nhân không tự thở được nữa. Nếu ở đất liền, mình có thể mời hết những ai không liên quan ra ngoài để sơ cấp cứu, nhưng trên nhà giàn, mọi người vây xung quanh. Bởi vậy bác sĩ phải chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, thao tác phải gọn gàng” - bác sĩ Hoàng Trọng Nhật Huy nói.
Đa phần bác sĩ phải bay cấp cứu ban đêm. “Ngồi trên máy bay cũng ớn lắm. Có lần, tôi ngồi trên trực thăng Puma hai giờ rưỡi mới ra được giàn mỏ Chim Sáo. Máy bay đáp xuống, gió thổi cực mạnh, ma sát làm xẹt vệt lửa hai bên hông” - bác sĩ Huy kể. Ông cho biết, chưa xảy ra tai nạn hàng không cho lực lượng cấp cứu biển, nhưng cách đây tám năm, có một ca công nhân nhà giàn chảy máu mũi sau phẫu thuật xoang, trực thăng bay ra cấp cứu nhưng giữa chừng thì quay về. “Lúc đó, tôi chỉ nghe mùi xăng, về sân bay thì thấy lực lượng cứu hỏa đã đậu đầy dưới mặt đất. Lúc đó, tôi mới biết máy bay bị chảy xăng, phải đổi chiếc khác bay ra lại” - bác sĩ Huy rùng mình.
Một mình lặng lẽ, tất tật với sóng biển
Theo bác sĩ Nguyễn Đức Cương - thuộc Khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế Vietsovpetro - khi đi ca 21 ngày ra phụ trách công trình biển, một mình bác sĩ phải làm tất cả công việc của điều dưỡng, hộ lý chứ không có ai hỗ trợ như trong bờ. “Ngành y thường làm việc theo nhóm, còn trên biển, chỉ có một mình. Việc không có đồng đội cũng làm năng lượng của bác sĩ yếu đi nhiều lắm. Ví dụ, những việc cần hai người làm như nẹp xương chân, tay, dù có người giúp nhưng họ không có chuyên môn nên chậm” - bác sĩ Cương cho hay.
Trên biển, các bác sĩ phải liên lạc về bờ bằng điện thoại thông qua các ứng dụng thông thường có video-call. Hiện trung tâm chưa có hệ thống hội chẩn từ xa chuyên dụng. “Dùng tạm mấy cái app, nhưng sóng điện thoại trên biển rất chập chờn. Khi có ca phải hội chẩn, sợ nhất là điện thoại bị mất sóng” - bác sĩ Cương cười buồn.
Ngoài điều trị, bác sĩ bám trụ trên công trình biển phải đảm đương công tác y tế dự phòng cho hàng trăm người đang lao động giữa biển khơi. Vì vậy, vấn đề an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Thức ăn, nước uống đều theo tiêu chuẩn riêng, nghiêm ngặt. Bác sĩ phải giám sát, kiểm tra thường xuyên bếp ăn, nguồn cung cấp thực phẩm, công tác lưu mẫu thức ăn, diệt côn trùng… Ngoài trực tiếp cứu người, các bác sĩ đã biên soạn tài liệu hướng dẫn sơ cấp cứu ban đầu để công nhân trên biển áp dụng trong trường hợp cần thiết.
Bác sĩ Hoàng Trọng Nhật Huy khẳng định, làm nghề y trên biển đảo rất đặc thù. Khoảng năm tháng trước tết, cháy giàn, lửa phụt cao, máy bay không dám xuống, các bác sĩ phải năn nỉ tổ điều hành bay để cho phép đáp xuống, cứu ba người bỏng nặng.
Bác sĩ Nguyễn Mai Hương - Phó giám đốc Trung tâm Y tế Vietsovpetro - cho biết điều quan trọng nhất của y tế biển đảo là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên tham gia, ra y lệnh kịp thời và kích hoạt quy trình cấp cứu trên biển. Trên công trình biển, do hạn chế về phương tiện xét nghiệm, công cụ hội chẩn tại chỗ, bác sĩ phải có khả năng phán đoán về tình trạng bệnh để đưa ra các y lệnh, chỉ định cần thiết. “Về mặt chuyên môn, để hạn chế số ca cấp cứu trên biển, trung tâm chúng tôi tổ chức khám sức khỏe định kỳ một cách kỹ càng, toàn diện cho tất cả cán bộ, công nhân viên làm việc trên biển. Nhưng khi có sự cố xảy ra, việc cấp cứu trên biển luôn được ưu tiên” - bà Mai Hương nói. Theo đề án của Bộ Y tế, Trung tâm Y tế Vietsovpetro là một trong sáu đơn vị hồi sức cấp cứu sẽ trở thành trung tâm tiếp nhận cấp cứu, khám chữa bệnh đặc thù cho vùng biển, đảo và làm nhiệm vụ hỗ trợ cấp cứu từ xa (telemedicine). |
Quốc Ngọc