Những bậc cầu ao

15/10/2023 - 06:47

PNO - Ở cầu ao ấy, những chiều hè nông nhàn sẽ là nơi vui vầy của người dân xóm Trại.

Nhớ đến bến nước, trong đầu tôi hiện lên ngay hình ảnh cái cầu ao xóm Trại (Bắc Ninh), nằm trên con đường về làng của thời thơ bé. Ở cầu ao ấy luôn tấp nập bóng dáng các bà, các mẹ, các cô. Người rửa chân tay, cuốc liềm, người chao cỏ, chao rau… những chiếc ống đùi, ống tay, xà cạp được tháo ra, khua xuống nước rồi vò cho sạch bùn đất; những liềm, cuốc, cày, bừa cũng được thả xuống rồi cọ cho sáng bóng. 

Những nùi rơm rối trở thành mớ cọ rửa hữu hiệu. Những gánh cỏ cũng được xổ tung nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Cỏ thường được xếp vào quang tre - loại quang cứng cáp, dưới là một ô hình chữ nhật, xếp ngay ngắn, trên vắt gọng tre uốn khéo léo, khum khum vừa vặn. Từng chập, từng chập được vén gọn gàng để xếp lần lượt vào quang chằn chặn.

Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI
Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI

Mỗi nắm cỏ được bơi trong làn nước mát, rồi lại chui vào quang để theo chân người về nhà. Sớm mờ sương hay lưng chiều, những gánh rau của các bà đi chợ lại trút xuống cầu ao những bó rau mỡ màng, xanh mướt. Các bà nhặt lá vàng, lá sâu úa; chỉnh lại nút rơm buộc cho ngay ngắn và nhẹ nhàng tắm rửa cho chúng trước khi ra chợ.

Những mớ rau lên bờ ruộng còn vương bùn đất, lấm láp mà rời khỏi cầu ao đã trở nên mượt mà, tươi ngon. Những sảo rau rộn ràng theo nhịp bước của các bà cho kịp buổi chợ chiều, chợ sáng. Cũng có khi, nhổ mạ về muộn đúng tầm nắng đốt, người ta lại gánh mạ về cầu ao rũ đất dù đi qua rất nhiều đoạn mương máng ngay đám đất gieo.

Gánh nặng thêm một quãng đường dài nhưng về đến cầu ao, thả chân dầm mình dưới làn nước mát, bao mệt mỏi, trĩu nặng dường như tan biến. Bóng tre lòa xòa, làn nước xanh trong và dịu dàng như vỗ về, san sẻ mệt nhọc. Đôi tiếng chim cất lên khúc nhạc thanh bình.

Những ngày mùa, vào vụ cấy, vụ thu hoạch, cầu ao chen chúc người đi làm đồng về; tốp nọ đợi tốp kia chao rửa xong đến lượt, lại tranh thủ nói với nhau dăm ba câu chuyện mùa màng hay con cái. Lúa vụ này được mùa hay kém, tại sâu bệnh hay mưa nhiều, thời tiết gặt thuận hay bấp bênh. Cấy hái cứ đà này thì chẳng mấy chốc mà kín đồng, ngoảnh đi ngoảnh lại là xanh ngay.

Người ta cũng than thở việc nhà cửa, vườn tược hay báo cho nhau những tin vui để động viên hay mừng tủi. Có những bận trăng tròn soi xuống mặt ao, vẫn thấy bóng người đang lặng lẽ khua nước. Có lẽ ai đó làm cố cho xong việc khi bóng chiều đã tắt.

Ở cầu ao ấy, những chiều hè nông nhàn sẽ là nơi vui vầy của người dân xóm Trại. Khi nắng đã dịu và gió bắt đầu rón rén dạo chơi, các ông bà già, con trẻ lại tụ tập. Đám choai choai rủ nhau tắm táp, bơi lội. Cái ao vòng nối ra tận khu cửa đình - nơi hằng năm, đầu xuân vẫn diễn ra những trận đấu vật trên khoảnh sân đất đắp nổi.

Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI
Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI

Có những đứa bé nhút nhát chỉ dám bám vào bậc thềm gạch mà khua chân, vùng vẫy. Thế cũng đủ thỏa cái khao khát hòa mình vào giữa không gian trong xanh.

Ngày đó, làng nhiều ao và cái ao nào cũng đầy vơi theo bến nước. Thế mà ngoảnh đi ngoảnh lại giờ không còn thấy đâu làn nước trong leo lẻo và những hàng tre soi bóng. Đất đổ lên, nhà cửa mọc ra. Tiếng nhạc xập xình, tiếng máy móc chát chúa xóa nhòa tiếng trò chuyện rộn ràng, tiếng chao rau cỏ và những nụ cười nắc nẻ chạy suốt miền thơ bé. Những viên gạch nâu đỏ trầm mình dưới nước ngày nào giờ trôi về đâu? 

Nhất Mạt Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI